Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2021

Phương Tây kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang

Nhiều tác giả

Nhà nước Việt Nam muốn bịt miệng Phạm Đoan Trang như thế nào

David Pfeifer, VNTB, 18/12/2021

tratudo1

Phạm Đoan Trang đã đối đầu với chế độ độc đảng chuyên quyền tại Việt Nam trong 20 năm – và bây giờ phải trả giá bằng 9 năm tù.

Từ một năm nay người ta không có tin tức gì về Phạm Đoan Trang, 43 tuổi. Nhà báo và nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt tại căn hộ của cô ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2020, và bị giam cầm, chỉ vài giờ sau khi đối thoại nhân quyền thường niên Hoa Kỳ – Việt Nam kết thúc. Người ta đưa cô về Hà Nội và tống vào khu biệt giam. Mãi một năm sau cô mới được nói chuyện với luật sư của mình. Theo sau đó là một phiên tòa xét xử, mà trong nhiều tuần không có thông tin lộ ra bên ngoài, ngoại trừ tội danh : "Tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Vì điều này cô nhận bản án 9 năm tù.

Cho đến khi bị bắt, Phạm Đoan Trang chủ yếu viết về các vấn đề chính trị và công bằng xã hội. Năm 2000, Trang bắt đầu làm việc cho tạp chí Internet đầu tiên là VnExpress. Trang chuyển sang các kênh truyền hình trực tuyến và viết sách, cả về việc phân biệt đối xử với người đồng tính ở Việt Nam. Cô là người sáng lập tạp chí độc lập Luật Khoa và là biên tập viên của Tạp chí The Vietnamese.

Ở Việt Nam, tự do báo chí là chuyện đặc biệt tồi tệ

Các đồng nghiệp của Trang ở Việt Nam đã lập một trang chân dung cho Phạm Đoan Trang ngay sau khi Trang bị bắt. Ở đó Trang nói về tuổi trẻ của mình. "Tôi đã mượn sách âm nhạc của bạn bè để chép lại Beatles, bằng thứ tiếng Anh kém cỏi và ngữ pháp tệ hại… Nhưng đó là cách tôi lớn lên – cùng với Beatles". Trang đã học ngành ngoại thương và khám phá ra internet. Trang kể rằng, hệ thống mạng internet đã thúc đẩy ý thức chính trị của Trang : "Vào thời đó, chúng tôi không có nhiều sách, và thực tế mà chúng tôi thấy không giống như những cuốn sách đó. "Những người siêng năng hơn trong đám chúng tôi, tìm thấy các bản tin kinh tế của nước ngoài – bằng ngôn ngữ khác hoặc đã được dịch sang tiếng Việt – một nguồn thông tin tuyệt vời".

Theo Ủy ban bảo vệ ký giả – Committee to Protect Journalists – ở New York, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều phóng viên bị bỏ tù nhất, với ít nhất 23 người làm việc trong ngành truyền thông phải ngồi tù. Trong danh sách tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức phóng viên không biên giới, Việt Nam đứng thứ 175/180. Trong những năm vừa qua, Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị đánh đập, bị bắt cóc, bị giam giữ và bị quản thúc. Trang bị thương nặng đến mức đi khập khiễng và phải chống nạng sau một lần phẫu thuật.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Trang : Viết sai về một điều gì đó

Vào tháng 5 năm 2016, công an đã ngăn cản Trang tham dự cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Kể từ năm 2017, Trang phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Điều đó không ngăn cản được nỗi sợ của Trang, "tôi sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất của tôi là viết sai một điều gì đó". Cô không chỉ đứng về phía người yếu thế mà còn bảo vệ môi trường. Vào tháng 1 năm 2020, Phạm Đoan Trang lên tiếng về một cuộc xung đột dẫn đến cái chết của ba công an và một ông trưởng thôn. Đó là việc xây dựng một sân bay quân sự trên đất nông nghiệp mà dân làng ngoại ô Hà Nội đang canh tác. Hai nhà hoạt động khác có liên quan đến vụ án hiện cũng bị đưa ra xét xử.

Phil Robertson, giám đốc Human Rights Watch đại diện khu vực Châu Á nói về bản án : "Ngòi bút nổi tiếng Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả thù nặng nề của chính quyền vì nhiều năm nay cô tranh đấu cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền. Qua sự khủng bố này của họ cho thấy nhà chức trách Việt Nam sợ những tiếng nói phản biện được lan truyền như thế nào".

Phạm Đoan Trang từng nói : "Là một nhà báo Việt Nam, có nhiều lý do để buồn phiền. Nếu muốn tâm hồn thanh thản, có lẽ người ta không nên là nhà báo".

David Pfeifer

Nguyên tác : Vietnam : Schikanierte Reporterin, die partout nicht schweigen will, SuddeutscheZeitung, 15/12/2021

*********************

Việt Nam mở rộng đàn áp bất đồng chính kiến

John Reed, Financial Times, 16/12/2021

Tòa án tại Việt Nam hôm thứ Năm đã tuyên án một nhà hoạt động nhân quyền 10 năm tù giam. Đây là nhà bất đồng chính kiến thứ tư đã kết án tù nặng trong ba ngày qua. Các nhà vận động cho rằng đây là việc gia tăng đàn áp của chính quyền cộng sản đối với bất đồng chính kiến ôn hòa.

tratudo2

Tòa án Việt Nam tuyên các bản án nặng đối với nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước

 Ông Đỗ Nam Trung, 40 tuổi, bị tòa án tỉnh Nam Định kết tội tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi kết thúc án tù, ông Trung sẽ bị quản chế 4 năm tại gia. Trong hơn hai thập niên qua, ông Trung đã tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và chống Trung Quốc, đồng thời đăng trên mạng những ý kiến chỉ trích chính phủ tham nhũng và nghi ngờ gian lận tại các trạm thu phí trên đường cao tốc ởViệt Nam.

Trước đó, ông Trung đã bị giam 14 tháng vào năm 2014 khi đang chụp ảnh và quay phim một cuộc biểu tình chống Trung Quốc vốn là một vấn đề nhạy cảm về chính trị ở Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền có quan hệ hữu nghị với ĐCSTQ nhưng người dân Việt Nam lại nghi ngờ Trung Quốc khiến các cuộc biểu tình nổ ra và dẫn đến tình trạng bất ổn.

Hôm thứ Ba, tòa thủ đô Hà Nội đã kết án Phạm Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất của Việt Nam, chín năm tù – nhiều hơn mức do các viện kiểm sát yêu cầu – vì tuyên truyền chống nhà nước.

Bà Trang, 43 tuổi, đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chính sách của chính phủ, lãnh đạo các nhà hoạt động vì môi trường, và tham dự các phiên tòa xét xử các nhà hoạt động. Nhà chức trách buộc tội bà Trang "nói xấu" chính phủ khi nói chuyện với các nhà báo nước ngoài. Mỹ đã lên án việc bỏ tù bà Trang.

Hôm thứ Tư, Trịnh Bá Phương, 36 tuổi và Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, lần lượt bị kết án 10 và sáu năm tại Hà Nội vì có cáo buộc chống phá nhà nước. Ông Trịnh Ba Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đã tham gia vào các cuộc biểu tình về quyền sử dụng đất đai.
"Họ nghĩ rằng khi họ bắt giữ tất cả những nhà hoạt động nổi tiếng như bốn người này, họ có thể bịt miệng tất cả các nhà hoạt động," ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, nói với Financial Times. "Họ đang gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng công an, có thể bắt giữ bất kỳ ai".

Chính phủ Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Vào tháng Giêng, Đảng cộng sản Việt Nam đã cải tổ lại ban lãnh đạo, chỉ định ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng và nhất trí bầu ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.

Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo một chiến dịch chống tham nhũng cấp cao và kiểm soát những người bất đồng chính kiến.

Một nhà vận động nhân quyền nhận xét rằng các bản án trong tuần này là chính phủ Việt Nam muốn bịt miệng những người bất đồng chính kiến vào thời điểm cộng đồng quốc tế đang tập trung vào đại dịch.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết : "Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng xóa bỏ phong trào bất đồng chính kiến như hiện nay. Họ đang cố bắt giam các nhà hoạt động còn lại để khi thế giới hết bận tâm về Covid-19, thì họ sẽ chỉ thấy khởi đầu mới".

Lê Trọng Hùng, một nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt, sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 12.

John Reed

Nguồn : Financial Times, 16/12/2021

**********************

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang và ba nhà hoạt động nhân quyền

Trọng Thành, RFI, 18/12/2021

Trong vòng ba ngày liên tiếp, chính quyền Việt Nam ra nhiều bản án tù nặng nề đối với bốn nhà bảo vệ nhân quyền. Hôm 17/12/2021, Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) kêu gọi chính quyền Việt Nam "trả tự do ngay lập tức" cho những người vừa bị kết án.

tratudo3

Trụ sở của Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Genève, Thụy Sĩ.  © Fabrice Coffrini/AFP

Trả lời báo giới tại Genève, phát ngôn viên của Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Ravina Shamdasani, nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc "vô cùng lo lắng trước bản án khắc nghiệt đối với những người bảo vệ nhân quyền và quyền đất đai bị kết tội tuyên truyền chống Nhà nước ở Việt Nam".

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù trong một phiên tòa tại Hà Nội hôm 14/12. Trong hai ngày sau đó, đến lượt ba nhà tranh đấu "nổi tiếng" khác bị kết án vì tội chống Nhà nước. Ngày 15/12, ông Trịnh Bá Phương bị phạt 10 năm tù với 5 năm quản chế và bà Nguyễn Thị Tâm, 6 năm tù với 3 năm quản chế. Ông Đỗ Nam Trung bị kết án 10 năm tù, 4 năm quản chế. Cả bốn nhà tranh đấu đều bị kết án theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam, liên quan đến việc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam".

Ngày 31/12, đến lượt nhà báo Lê Trọng Hùng, người có ý định ra ứng cử đại biểu Quốc Hội, bị bắt hồi tháng 3/2021, sẽ bị xét xử với tội danh tương tự.

Các bản án gây lo sợ, "khuyến khích không khí tự kiểm duyệt" trong nước

Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý là các bản án nói trên "góp phần tạo ra bầu không khí tự kiểm duyệt trong nước, khiến người dân lạnh nhạt với tự do truyền thông", "ngăn cản mọi người thực hiện các quyền cơ bản, và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về những vấn đề quan trọng" của đất nước.

Thông cáo báo chí của Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã có các báo cáo về nhân quyền và quyền đất đai, bị bắt trong năm 2020 và 2021, dường như là một phần của chiến dịch nhằm bịt ​​ming và đe da nhng người lên tiếng bo v nhân quyn". Theo Phủ Cao ủy Nhân quyền, các nhà tranh đấu đã "bị giam giữ trong một thời gian dài trước khi xét xử và hoàn toàn không được liên lạc với bên ngoài, bị truy tố với tội danh mơ hồ là "tuyên truyền chống Nhà nước", bị từ chối tiếp cận với luật sư", "các phiên tòa xét xử kín không tôn trọng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế".

Kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu

Trước đó, ngày 16/12/2021, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi trả tự do cho nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang. Cơ quan Ngoại Giao của Liên Âu ra thông cáo nhấn mạnh, việc chính quyền Việt Nam trừng phạt bà Phạm Đoan Trang vì các hoạt động truyền thông ôn hòa bảo vệ các quyền dân sự và chính trị "là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia từ năm 1982".

Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và "cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân".

Trọng Thành

*******************

Liên Hiệp Quốc lên án các phiên tòa xử những nhà hoạt động ở Việt Nam liên tiếp trong tháng 12

RFA, 17/12/2021

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 17/12/2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên tòa dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam trong tháng 12 năm nay, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này.

tratudo4

Những nhà hoạt động vừa bị kết án trong tháng 12/2021 - Photo : RFA

Liên tiếp trong vòng ba ngày của tuần này, các tòa án ở Việt Nam đã kết án bốn nhà hoạt động vì quyền con người bao gồm : Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Cụ thể, nhà báo Phạm Đoan Trạng bị tuyên án tù chín năm và năm năm quản chế sau hơn một năm giam giữ để điều tra ; Trịnh Bá Phương - nhà hoạt động vì quyền đất đai - bị tuyên án tù 10 năm và năm năm quản chế trong cùng một phiên tòa với bà Nguyễn Thị Tâm - người bị tuyên án sáu năm tù và ba năm quản chế ; Đỗ Nam Trung - nhà hoạt động từng lên tiếng phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai quy định và tham nhũng - bị tuyên án 10 năm tù và bốn năm quản chế.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Hùng, người từng ứng cử vào ghế đại biểu quốc hội, cũng sẽ bị ra tòa vào ngày 31/12 tới đây với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.

"Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về quyền con người và quyền đất đai và bị bắt giữ vào các năm 2020 và 2021, dường như là một phần trong một chiến dịch nhằm làm im lặng và đe doạ những người dám lên tiếng bảo vệ quyền con người", thông cáo báo chí của UN viết.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận định tiếp : "Tất cả các trường hợp này là nối tiếp một tình trạng lặp lại đáng lo ngại làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về việc suy đoán vô tội, tính pháp lý trong việc giam giữ họ, và sự công bằng của phiên tòa. Có tình trạng giam giữ mà không không được tiếp xúc với bên ngoài trước khi xét xử, kết án với tội danh được định nghĩa mù mờ như "tuyên truyền chống Nhà nước", từ chối không cho tiếp xúc với luật sư, xét xử kín không tuân thủ các tiêu chuẩn về xét xử công bằng của quốc tế".

Nhận định về việc Hà Nội dồn dập mở các phiên tòa xét xử những nhà hoạt động trong tháng 12 với các bản án nặng nề, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở Thành phố Hồ Chí Minh trả lời RFA qua tin nhắn :

"Theo tôi có hai lý do chính quyền xử án những người đấu tranh dân chủ liên tục vào cuối năm, thứ nhất, cuối năm ngành công an cần chốt sổ, chốt thành tích để làm chiến công báo cáo và thứ hai các đại sứ quán, bộ ngoại giao các nước cũng tập trung nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới nên sẽ không có khả năng phản ứng.

Còn việc chính quyền xử án rất nặng những người đấu tranh dân chủ, theo tôi lý do chính là để răn đe những người đấu tranh khác, răn đe những ai đang muốn tham gia vào phong trào dân chủ. Một lý do nữa là chính quyền Việt Nam tự tin là các nước dân chủ cần Việt Nam đối trọng với Trung Quốc, vấn đề nhân quyền là thứ yếu nên họ vẫn xử án nặng, cũng là để người dân Việt Nam đừng hy vọng gì vào sự can thiệp quốc tế về vấn đề nhân quyền. Một điểm nữa là Bộ Công an muốn chứng tỏ uy quyền tuyệt đối so với Bộ Ngoại giao".

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong thông cáo mới cũng kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các điều luật mù mờ dùng để kết án những người bất đồng chính kiến vì không phù hợp với thông lệ về nhân quyền của quốc tế, đồng thời cảnh báo những trường hợp kết án như vậy chỉ làm xấu thêm tình trạng tự kiểm duyệt và ảnh hưởng tới tự do báo chí.

"Các trường hợp như vậy cũng ngăn cản người dân thực hiện các quyền căn bản của mình và tham gia vào tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng", thông cáo báo chí của UN viết.

Nguồn : RFA, 17/12/2021

***************************

HRW và RSF lên án Việt Nam kết án nhà báo Phạm Đoan Trang 9 năm tù

RFI, 15/12/2021

Ngày 14/12/2021, ngay sau khi tòa án thành phố Hà Nội kết án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước", hai tổ chức Quan Sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đã lần lượt lên án bản án dựa trên "những lập luận khập khiễng" đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để cựu nhà báo được trả tự do ngay lập tức.

tratudo5

Pham Doan Trang  © rsf.org

Tổ chức RSF trụ sở tại Paris nhắc lại, trước khi bị kết án, bà Phạm Đoan Trang đã bị giam giữ tùy tiện suốt 434 ngày. Cựu nhà báo từng được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao Giải Tự do Báo chí 2019 bị bắt ngày 06/10/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại thường niên Mỹ-Việt về nhân quyền.

Phiên tòa mang tính chính trị

Trong thông cáo ngày 14/12, ông Daniel Bastard, người phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, lên án bản án "được thực hiện theo lệnh của Đảng cầm quyền với mục đích duy nhất là trừng phạt một nhà báo chỉ vì cố gắng thông tin cho đồng bào". Do đó, RSF "kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm" và để bà Trang "được trả tự do ngay lập tức".

Trước đó, trả lời RFI ngày 14/12, ông Phil Robertson, trợ lý giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Quan Sát Nhân quyền (HRW) cũng lên án phiên tòa mang tính chính trị và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho cựu nhà báo Phạm Đoan Trang :

"Phạm Đoan Trang là một blogger rất chính trị. Cô ấy nằm trong số những nhà đấu tranh nổi tiếng nhất Việt Nam. Cô đã gặp ông Barack Obama và nhiều nhà lãnh đạo khác trong các chuyến công du Việt Nam của họ. Trước khi trở về Việt Nam, Phạm Đoan Trang đã đi khắp khu vực để đấu tranh vì nhân quyền. Cô cũng xuất bản nhiều tác phẩm về nạn tham nhũng và tình trạng người dân bị mất đất.

Trong mắt chính phủ, Phạm Đoan Trang gây phiền phức. Họ sợ cô vận động những người khác chỉ trích chế độ. Vì thế họ cáo buộc cô tội "tuyên truyền chống phá Nhà nước" và sẵn sàng kết án cô nhiều năm tù. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được vì Phạm Đoan Trang không làm gì sai.

Vì thế, chúng tôi yêu cầu trả tự do cho cô ngay lập tức. Việt Nam sử dụng các luật về an ninh quốc gia để kết án mọi tiếng nói đối lập với đảng cầm quyền để biện minh cho mọi sự trấn áp".

Vài chục nhà đấu tranh bị kết án theo điều 117 của Bộ luật hình sự trong năm 2021

Ngoài Phạm Đoan Trang vừa bị kết án, trong một thông cáo khác ngày 14/12, tổ chức Quan Sát Nhân quyền, trụ sở tại New York, còn yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm. Phiên xét xử dự kiến mở ra tại Hà Nội ngày 15/12/2021 và họ bị cáo buộc vi phạm điều 117 của bộ luật hình sự. "Nếu bị kết tội, mỗi người sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 tù". HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam "nên lập tức hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị" nhắm vào họ.

HRW nhắc lại "chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người - trong đó có các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành - đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên".

Nguồn : RFI, 17/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Pfeifer, John Reed, Trọng Thành, RFA tiếng Việt, viav
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)