Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/01/2022

Liên Âu không muốn bị gạt ra khỏi các thảo luận về an ninh Châu Âu

Thanh Phương - Anh Vũ - Trọng Thành

Châu Âu không muốn một Yalta II mà Nga đang cố áp đặt

Thanh Phương, RFI, 13/01/2022

Các nước Châu Âu muốn thúc đẩy một "chiến lược Helsinki II", mang tính hòa dịu cho an ninh của lục địa này, đối lại với chiến lược "Yalta II", mang tính đối đầu giữa hai khối, mà Nga đang cố áp đặt. Đó là tuyên bố của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 12/01/2022, khi trả lời phỏng vấn với hãng tin AFP. Tuyên bố này của ông Le Drian đáng chú ý bởi nó phản ánh lập trường của Pháp, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu.

eu1

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (trái) tiếp người đồng cấp Nga Serguei Lavarov tại Paris, ngày 27/11/2018.  © AP Photo/Thibault Camus

Ông Le Drian giải thích : "Nga đã đề nghị những nét cơ bản rất giống với việc quay trở lại hiện trạng trước năm 1975, tức là một kiểu Yalta II, mà sẽ dẫn đến việc hình thành trở lại các khối, các vùng ảnh hưởng". Đối với ngoại trưởng Pháp, những định hướng mà Nga đề nghị sẽ khiến một số nước mất đi sự tự do chọn lựa và chủ quyền, mất đi sự tự do quyết định tham gia vào các liên minh.

Cho tới nay, Nga vẫn đòi Hoa Kỳ và khối NATO phải có những bảo đảm về an ninh nhằm tái lập vùng ảnh hưởng của họ ở các nước thuộc Liên Xô cũ và một vùng trái độn giữa khối NATO với phần lãnh thổ của Nga ở Đông Âu. 

Đặc biệt, Moskva đòi NATO không tiếp tục mở rộng sang phía đông, nhất là không kết nạp Ukraine, đồng thời giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên mới của Liên Minh, như Romania và nước vùng Baltic. 

Trả lời hãng tin AFP, ngoại trưởng Pháp Le Drian tuyên bố những yêu cầu nói trên của Nga là "không thể chấp nhận được". Đây cũng là lập trường của Hoa Kỳ và các thành viên khác của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đối với ngoại trưởng Pháp, làm theo các yêu cầu của Nga chẳng khác gì phân chia Châu Âu giống như Hoa Kỳ và Liên Xô đã phân chia lục địa này tại hội nghị Yalta, rồi hội nghị Potsdam năm 1945.

Ông Le Drian nói rõ : "Trước một chiến lược nhằm đi đến một Yalta II, chúng ta phải phát triển một chiến lược nhằm thúc đẩy một Helsinki II, theo tinh thần những cam kết mà toàn bộ các nước ký kết các hiệp định Helsinki đã đưa ra năm 1975, trong đó có Liên Xô". Những cam kết này sau đó đã được tiếp nối với Hiến chương Paris năm 1990.

Những hiệp định được ký kết sau hội nghị Helsinki về an ninh và hợp tác ở Châu Âu đã tạo được bầu khí hòa dịu giữa các nước phương Tây và Liên Xô sau nhiều thập niên Chiến tranh lạnh. Các hiệp định này bảo đảm sự bất khả xâm phạm của các đường biên giới và tạo điều kiện cho các công dân và ý tưởng được lưu thông dễ dàng hơn giữa các nước Châu Âu. 

Tiếp đến, Hiến chương Paris 1990 về an ninh Châu Âu, được soạn thảo trên cơ sở các hiệp định Helsinki, đã chính thức đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh lạnh, sau khi nước Đức thống nhất và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ.

Mong muốn của các nước Châu Âu về một Helsinki II có sẽ thành hiện thực hay không, điều đó tùy thuộc vào kết quả các cuộc họp trong tuần này giữa Hoa Kỳ, Nga, khối NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Các cuộc họp tại Genève giữa Mỹ và Nga, tại Bruxelles giữa Nga và khối NATO chưa giải tỏa được các bất đồng giữa Moskva và phương Tây về an ninh Châu Âu. Cuộc họp hôm nay của OSCE chắc cũng không có bước đột phá nào. 

Nhưng có một điểm tích cực mà ngoại trưởng Pháp ghi nhận, đó là trước và sau cuộc họp với Nga, Mỹ đều tham khảo ý kiến các nước Châu Âu. Ông Le Drian khẳng định trong mọi cuộc họp, kể cả cuộc họp của OSCE hôm nay, các nước Châu Âu đều nỗ lực bảo vệ lợi ích về an ninh của mình. 

Tóm lại, có thể nói thách thức an ninh lớn nhất đối với các nước Liên Hiệp Châu Âu đang được đặt ra trong các cuộc họp tuần này. Nhưng hiện còn quá sớm để biết Yalta II hay Helsinki II sẽ thắng thế.

Thanh Phương

**********************

Mỹ và các đồng minh tiếp tục đối thoại với Nga tại Vienna

Thanh Phương, RFI, 13/01/2022

Sau cuộc họp tại Genève, Thụy Sĩ, giữa Mỹ và Nga, và cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, giữa khối NATO và Nga, hôm 13/01/2022, Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) họp tại Vienna, để tiếp tục cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh với Moskva.

eu2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov, bên lề hội nghị Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Stockhom, Thụy Điển, ngày 02/12/2021.  AP - Jonathan Nackstrand

Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu là một cơ chế đối thoại đa phương giữa Đông và Tây có từ thời Chiến tranh lạnh và đây là một tổ chức mà cả Hoa Kỳ và Nga đều là thành viên. Nhưng cũng không ai chờ đợi sẽ có những bước đột phá trong cuộc họp ở thủ đô Áo.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri gởi về bài tường trình : 

"Kịch bản cơn ác mộng của một cuộc đối đầu quân sự đang quay trở lại, đó là cảnh báo của ngoại trưởng Nga vào đầu tháng 12 năm ngoái, cũng tại một cuộc họp của OSCE, sau cuộc gặp đầu tiên trong vòng bốn năm rưỡi với một đồng nghiệp Mỹ tại hội nghị này. Vào lúc đó, Antony Blinken nói ông "rất quan ngại về những kế hoạch mới của Nga nhằm tấn công Ukraine".

Một tháng rưỡi sau, rất có thể vẫn là một cuộc đối thoại giữa những kẻ điếc. Các nhà quan sát dự báo sẽ có các cuộc tiếp xúc Mỹ-Nga cuối tuần này để rút ra các bài học về những sự kiện ngoại giao vừa qua.

Bên lề các cuộc họp tại các thủ đô Châu Âu, một câu hỏi cứ trở đi trở lại : Vladimir Putin thật sự muốn gì ? Ngay cả các nhà ngoại giao của ông đôi khi cũng khiến người ta có cảm tưởng là Nga không có một đường lối rõ ràng. Các nhà phân tích ở Moskva vẫn nói : "Không ai biết tổng thống Nga nghĩ gì".

Ngoài lá bài vũ lực, giờ đây lại có thêm lá bài của sự bất định. Không bao giờ có mặt tại nơi mà người ta ngờ đến. Đó là ván bài ưa thích của chủ nhân điện Kremlin".

NATO và Nga vẫn bất đồng

Trong cuộc họp hôm qua tại Bruxelles, khối NATO và Nga đã ghi nhận những bất đồng sâu rộng giữa hai bên về an ninh Châu Âu. Các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã kêu gọi tổng thống Vladimir Putin rút quân khỏi khu vực biên giới Ukraine và tham gia vào các cuộc đàm phán để tránh một cuộc xung đột. Nhưng Moskva vẫn khẳng định việc triển khai quân tại đây chỉ là nhằm phản ứng lại sự hiện diện mà theo họ ngày càng càng lớn và ngày càng mang tính đe dọa của khối NATO tại khu vực mà họ xem là vùng ảnh hưởng của Nga.

Thanh Phương

***********************

Quan hệ Nga – NATO đã xấu đi như thế nào

Anh Vũ, RFI, 12/01/2022

Quan hệ Nga và phương Tây đang ở mức xấu nhất từ trước tới nay. Khởi đầu, quan hệ Nga và NATO không đến nỗi tồi tệ như vậy. Nhân Hội đồng NATO - Nga hôm 12/01/2021, họp tại Bruxelles, RFI giới thiệu bài biết trên Le Figaro lý giải phần nào vì sao NATO trong mắt người Nga ngày càng trở thành mối đe dọa.

eu3

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải), thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Grushko (giữa) và thứ trưởng quốc phòng Nga Alexander Fomin, trước cuộc họp Hội đồng Nga-NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 12/01/2022.  AP - Olivier Hoslet

Lần đầu tiên từ hai năm nay, Hội đồng NATO – Nga nhóm họp. Nhân dịp này phía Nga đặt lên bàn một yêu sách quá đáng : Không chấp nhận bất kỳ việc mở rộng nào của NATO về phía đông. Thứ trưởng ngoại giao Nga Serguei Riabkov khẳng định "đã đến lúc Liên Minh trở lại đường biên giới của năm 1997", đó là khi NATO chưa kết nạp các nước vừa thoát khỏi ách chủ nghĩa cộng sản.

Tổng thống Vladimir Putin đã từng thừa nhận cách đây vài năm trong một cuộc họp báo với tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương khi đó là ông Anders Fogh Rasmussen rằng "Điều tôi mơ ước là không còn có NATO nữa". Từ đó đến nay thái độ hung hăng thù hằn đối với tổ chức quân sự của phương Tây này ngày càng lớn thêm. "NATO đã trở nên một dự án thuần túy chính trị mà mục đích là để chiếm những lãnh thổ bị bơ vơ sau sự sụp đổ của Hiệp ước Warszawa cùng với Liên Xô", ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã lớn tiếng lên án NATO như vậy.

Tuy nhiên, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không phải lúc nào cũng là con quỷ trong mắt Moskva, cần phải loại trừ bằng mọi giá. Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, Hiệp ước Warszawa cũng biến mất theo và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được độc lập. Đó cũng là lúc bắt đầu hình thành quan hệ đối tác vì hòa bình giữa NATO và Nga. Các nước bắt đầu lựa chọn giữa hai bên. Ukraine khi đó không theo Nga không theo phương Tây.

Năm 1997, có một hiệp định cơ bản điều chỉnh mối quan hệ trong tương lại giữa NATO và Nga, theo đó Liên Minh cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân trong những nước thành viên mới gia nhập. Chiến tranh lạnh đã được sang trang mới với thỏa thuận đó.

Một kỷ nguyên mới mở ra và quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ cũng bắt đầu tốt đẹp. Moskva không hài lòng với việc NATO can thiệp vào Kosovo năm 1999 nhưng vẫn ủng hộ Washington sau loạt khủng bố 11/09/2001 và chấp nhận một quan hệ đối tác chiến lược.

Năm 2002, Hội đồng NATO- Nga ra đời. Đây là một cơ chế tham vấn và hành động chung giữa "các đối tác". Mục đích là để Nga can dự tốt hơn vào các hoạt động của NATO. Tại trụ sở của Liên Minh tại Bruxelle có cả một văn phòng đại diện cho khoảng ba chục người Nga và họ đã tham dự rất nhiều cuộc họp với NATO. Khi đó việc mở rộng Liên Minh sang phía đông kể cả với các nước vùng Baltic không hề gây khó chịu cho Moskva. Thậm chí khả năng Nga gia nhập NATO cũng đã được một số giới chức đặt ra bàn luận ở Moskva cũng như ở nhiều thủ đô phương Tây khác.,

Sự thay đổi bắt đầu từ năm 2007, tại hội nghị an ninh Munich, tổng thống Vladimir Putn lên án "chủ nghĩa đơn phương Mỹ" và một lần nữa coi NATO như là mối đe dọa. Tổng thống Nga cảm thấy bị các cuộc cách mạng màu ở Georgia (Gruzia) và Ukraine thách thức.

Dù vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng có thể nói việc mời Kiev, Tbilissi gia nhập Liên Minh hồi tháng 4/2008 tại Budapest, dưới sự thúc đẩy của tổng thống Mỹ George W.Bush nhưng bị Paris và Berlin ngăn cản, đã dẫn đến vụ Nga can thiệp quân sự vào Georgia 4 tháng sau đó.

Đối với Moskva, Georgia ra nhập NATO là vượt qua làn ranh đỏ. Cùng năm đó, Kremlin bổ nhiệm đại sứ mới của Nga tại NATO, Dmitri Rogozinz, một người nổi tiếng với lập trường chống phương Tây.

Rồi đến sau cuộc nổi dậy của những người thân phương Tây ở quảng trường Maidan, Kiev, Ukraine năm 2014, Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbass. Việc Ukraine nhập NATO cũng là một làn ranh đỏ với Kremlin.

Từ đó trở đi, Nga đổ trách nhiệm cuộc khủng hoảng Ukraine cho các nước phương Tây, tố cáo phương Tây đã phản bội lại lời hứa không bao giờ mở rộng quá xa sang phía đông. Trên thực tế cam kết này chưa bao giờ tồn tại.

Năm 1990, sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, ngoại trưởng Mỹ James Baker đã thảo luận với Mikhail Gorbachev về một giới hạn có thể áp đặt đối với NATO sau khi nước Đức thống nhất. Ông có nói : "Không mở rộng một tấc sang phía đông".

Vào thời kỳ đó, cuộc thảo luận liên quan đến Đông Đức và NATO đã tôn trọng lời hứa không triển khai tại Đông Đức quân đội chừng nào lực lượng của Liên Xô vẫn còn ở đó. Không có cam kết không mở rộng nào trong hiệp định liên quan đến thống nhất nước Đức. Ông Gorbachev đã thừa nhận là không bàn về chủ đề này vào thời điểm đó. Vấn đề cũng không đặt ra bởi Hiệp ước Warszawa vẫn tồn tại và lúc đó chưa có nước nào đến gõ cửa NATO.

"Tiếp sau đó, không phải NATO xâm chiếm các nước Đông Âu cũ mà là các nước đó ngay sau khi được giải phóng, đã hối hả gia nhập Liên Minh để được bảo vệ trước Nga", theo chuyên gia Thorniké Gordadzé thuốc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) cựu bộ trưởng phụ trách Georgia hội nhập vào phương Tây.

Liệu có thể nói phương Tây không phạm phải sai lầm khi tiến hành liên tục làn sóng mở rộng trước mắt một nước Nga đang suy yếu ?

"Từ đầu, việc mở rộng NATO là một nhân tố khó chịu trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga. Trong vòng 20 năm trị vì, đã ba lần tổng thống Putin kêu gọi đàm phán về cơ cấu an ninh Châu Âu", ông Maxim Suchkov, thuộc Học viện ngoại giao Nga lưu ý. Một số người lấy làm tiếc về sự "ngạo mạn" của phương Tây đã khiến cho nước Nga cảm thấy bị "hạ nhục" khi thấy đế chế của họ bị sụp đổ và sức mạnh bị o bế. 

"Các nước phương Tây coi Nga mãi mãi là đất nước thua cuộc. Họ đã tin một cách sai lầm rằng đã có thể nuốt trọn các nước thuộc Liên Xô cũ", chuyên gia Nicole Gnesotto, giải thích.

Lẽ ra các nước phương Tây phải tỏ ra kiềm chế hơn. "Không phải cứ nước nào muốn vào NATO là người ta buộc phải chấp nhận. Vào một lúc nào đó, cần phải có giới hạn về mặt địa lý với NATO".

Giờ đây, làn ranh đỏ của Kremlin là Ukraine và Georgia gia nhập NATO.

"Vladimir Putin có quan điểm về thế giới riêng, dần dần ông coi phương Tây là kẻ thù", chuyên gia Thorniké Gordadzé nhấn mạnh. Theo ông thách thức thực sự với Kremlin là duy trì sức mạnh, tránh lây lan dân chủ ở Nga và giữ ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết.

Thời điểm được đánh giá là thuận lợi để phản công Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, khi Hoa Kỳ liên tiếp tỏ các dấu hiệu yếu thế trên trường quốc tế. "Ở Moskva có suy nghĩ là Washington sẵn sàng chấp nhận các thay đổi cấu trúc an ninh Châu Âu để tập trung vào vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương", theo chuyên gia Maxim Suchkov. Câu hỏi duy nhất là hiện tại mà không ai trả lời được : Kremlin sẽ phản ứng ra sao nếu đề nghị của họ bị từ chối như các nước NATO dự tính ?

Anh Vũ

(Nguồn : Lasserre Isabelle, Russie-Otan : comment les relations se sont peu à peu envenimées, Le Figaro, 11/01/2022)

***********************

Nga gia tăng áp lực trước cuộc đàm phán về an ninh với NATO tại Bruxelles

Trọng Thành, RFI, 12/01/2022

Sau đàm phán Mỹ - Nga tại Genève, Thụy Sĩ, đến lượt khối NATO và Nga có cuộc đối thoại tại Bruxelles, Bỉ, ngày 12/01/2021. Trước cuộc họp, Moskva gia tăng áp lực.

eu4

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Grushko, tới dự cuộc họp Hội đồng NATO-Nga tai Bruxelles, Bỉ ngày 12/01/2022  AP - Olivier Hoslet

Theo Reuters, quân đội Nga đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Ukraine hôm qua 11/01, một ngày sau khi Mỹ thúc giục Nga rút 100.000 quân ra khỏi khu vực này. Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 3.000 binh sĩ tham gia tập trận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov một mặt khen ngợi các thảo luận hôm thứ Hai 10/01 với Mỹ đã diễn ra "cởi mở, thực chất và trực tiếp", mặt khác khẳng định hiện còn sớm để lạc quan về triển vọng.

Đứng đầu phái đoàn Nga trong cuộc đối thoại với NATO là thứ trưởng ngoại giao Alexander Grushko. Trưởng đoàn Nga khẳng định cuộc họp này là "thời khắc của sự thật" trong quan hệ Nga – NATO. Phía Nga bắn tín hiệu cuộc gặp này sẽ là dịp để quyết định có nên tiếp tục thương lượng hay chấm dứt. Hồ sơ chính sẽ được Nga đề cập hôm nay là yêu cầu khối NATO không được mở rộng sang Ukraine, và bất cứ quốc gia nào giáp biên giới với Nga.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể :

"Cuộc họp với NATO là thời điểm để khẳng định cần dừng lại hay tiếp tục các cuộc thảo luận, đó là thông điệp mà nhà thương thuyết Nga đưa ra. Có nhiều cơ hội để ngỏ cho khả năng xuống thang căng thẳng, kiểm soát tên lửa hay giảm nhẹ căng thẳng quân sự tại Ukraine. Tại sao không, nhưng thứ Tư này, đối với Nga, hồ sơ chính phải được đề cập đến, đó là đòi hỏi khối NATO không được mở rộng sang bất cứ quốc gia nào sát biên giới với Nga, sang Ukraine, hay sang Georgia.

Nga muốn đạt được với NATO một cam kết chắc chắn "như bê tông cốt thép". Chính quyền Nga thậm chí còn đưa ra một thời hạn đề ra cam kết này, đó là phiên họp toàn thể của khối NATO vào cuối tháng 6 tới.

Điện Kremlin hiểu rất rõ rằng đòi hỏi này sẽ không thể nào được các quốc gia NATO chấp nhận. Không có chuyện các nước thành viên NATO cũng như các ứng cử viên tiềm năng vào khối này sẽ chấp nhận các điều kiện của Moskva.

Giữa lập trường của hai bên là cả một vực thẳm. Tuy nhiên, vẫn có chút tia sáng lạc quan : hồi tháng 12/2021, Nga từng đòi hỏi cấm triển khai mọi lực lượng của NATO tại sườn đông Châu Âu, sát biên giới phía Tây của Nga. Chính quyền Nga giờ không còn đề cập trở lại vấn đề này nữa".

Mỹ nghi ngờ thực tâm đàm phán của Nga

Về phía chính quyền Kiev, hôm qua, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken. Trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng Ukraine khẳng định các đàm phán tại Genève cho thấy phương Tây thống nhất lập trường chống lại "tối hậu thư" từ Nga.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Paski, trong một cuộc họp báo bày tỏ nghi ngờ về thực tâm đàm phán của chính quyền Nga. Phát ngôn viên Nhà Trắng nêu khả năng Moskva có thể "lấy cớ các thương lượng thất bại" để tiếp tục các hành động "gây hấn".

Việc NATO mở rộng về phía đông không chỉ liên quan đến Ukraine. Trước các đe dọa gia tăng từ Nga, đầu năm mới 2022, chính quyền Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố không loại trừ khả năng đề nghị gia nhập NATO để được bảo đảm về an ninh.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Anh Vũ, Trọng Thành
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)