Bên bỏ cuộc - Tân Hoàng Minh
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 12/01/2022
Thông tin Tân Hoàng Minh chấp nhận mất cọc gần 600 tỷ đồng, sau khi trúng đấu giá mảnh đất mang số hiệu 3-12 tại khu đô thị Thủ Thiêm - với giá trúng lên tới hơn 24 ngàn tỷ đồng cho hơn 10.000 thước vuông đất - khiến dư luận rúng động.
Theo Luật Đấu giá Tài sản [1], tại khoản 1, điều 51 quy định (trích) :
"Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành" (hết trích).
Theo báo Tuổi Trẻ tường thuật [2] lời trần tình từ Bên Bỏ Cuộc Tân Hoàng Minh (trích) : "...trong quá trình tham gia đấu giá đã có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc và chỉ còn lại một nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Ngôi Sao Việt. Với mong muốn góp sức để Thành phố Hồ Chí Minh có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch, Công ty Ngôi Sao Việt đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (700 tỉ đồng) để giành quyền trúng đấu giá ô đất này nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp..." (hết trích).
Bên bỏ cuộc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, còn "công ty nước ngoài" (nào đó) là 23.800 tỷ đồng. Số tiền đặt cọc là khoảng 588 tỷ đồng.
Giả sử, cộng số tiền cọc của Tân Hoàng Minh vào giá đấu của "công ty nước ngoài", tổng số tiền này cũng chưa đạt đúng như quy định tại khoản 1 điều 51 Luật Đấu Giá Tài Sản. Ngoài ra, cũng theo khoản 1 điều 51, "công ty nước ngoài" không buộc phải mua, khi Tân Hoàng Minh bỏ cuộc.
Như vậy, dưới góc độ luật pháp, cuộc đấu giá đã thất bại. Bên Bỏ Cuộc mất cọc theo quy định pháp luật. Câu chuyện hoàn toàn đã đủ điều kiện để chấm dứt và nhường lại cho cuộc đấu giá tiếp tục diễn ra (nếu có) cho lô đất 3-12 nói trên.
Điều gây ra sự nhạo báng, khiến dư luận cười cợt, đến từ cái gọi là "tâm thư", khi Bên Bỏ Cuộc gởi đến hầu hết những nhân vật cấp cao nhứt trong Bộ Chính Trị và Chính phủ. Nội dung "tâm thư" bày tỏ sự tiếc nuối, cùng với "tâm huyết" không trọn vẹn từ "lòng yêu nước nồng nàn" của Bên Bỏ Cuộc, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, như thể rất khổ tâm mà lìa bỏ một "tình yêu vĩ đại" (!)
Mảnh đất hơn 10.000 thước vuông, với giá khởi điểm gần 3.000 tỷ đồng, tương đương hơn 126 triệu USD - Đó là số tiền rất lớn. Ngoài số tiền lớn, cùng với vị trí đầy tiềm năng của Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh được biết là nhà đầu tư có tiếng tăm, có bề dày kinh nghiệm lăn lộn nhiều năm trong lãnh vực bất động sản, thiết nghĩ, sao có thể thiếu suy nghĩ thấu đáo đến mức bộp chộp, khi đưa giá đấu cao ngất ngưởng rồi vội vàng biến mình thành Bên Bỏ Cuộc nhanh chóng như vậy được nhỉ ? Bên cạnh đó, sau khi trúng đấu giá, ông Đỗ Anh Dũng đã bày tỏ khao khát [3] "muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá như Tokyo, New York" (!), càng khiến dư luận không ngớt chê bai và tỏ ra hoài nghi rất có căn cứ, với những kế hoạch "tiền và hậu đấu giá" từ nhà kinh doanh lão luyện Đỗ Anh Dũng, cùng tập đoàn Bên Bỏ Cuộc - Tân Hoàng Minh ?
Bên Bỏ Cuộc, với CEO Đỗ Anh Dũng [4] - theo thông tin chính thức cho hay - năm nay 61 tuổi, sinh trưởng tại Hà Nội, có ba người con đều du học tại nước ngoài, thành đạt và về Việt Nam làm việc trong tập đoàn của cha. Chỉ ra chi tiết này, không phải moi móc đời tư cá nhân mà chính chi tiết này, càng khẳng định, vây quanh ông Dũng toàn là dân kinh doanh chuyên nghiệp, giúp việc đắc lực và tận tâm. Cho nên, thật khó nghĩ ông Dũng quá bộp chộp - cho việc đấu giá - với số tiền khổng lồ đến mức không tưởng như vậy.
Một nhà kinh doanh luôn phải biết "trân trọng từng đồng vốn", như đương kim Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã hứa với WB [5] trong tư cách Bộ trưởng Bộ Tài Chính vào năm 2018. Lẽ nào CEO Bên Bỏ Cuộc không tiếc đứt ruột số tiền gần 600 tỷ đồng ? Tại sao ông Đỗ Anh Dũng có thể ném qua cửa sổ hơn 25 triệu USD, chỉ vì nông nổi "yêu Thành phố Hồ Chí Minh" phút chốc, rồi lỡ làng duyên phận vậy sao ? Làm sao có thể hình dung ra, một nhà kinh doanh bất động sản lão luyện, với quyết định hấp tấp, đành chấp nhận mất ngay hàng trăm tỷ đồng như thế ?
Dư luận trong và ngoài giới kinh doanh, đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào, khiến cho Tân Hoàng Minh chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng, hơn là đặt niềm tin vào Bên Bỏ Cuộc, vốn gây ra bởi "một phút nông nổi" với "lòng tự tôn dân tộc", tựa như quyết tâm không để "công ty nước ngoài" sở hữu mảnh đất đó ? Bởi, theo quy định tại khoản 1 điều 51 nói trên, "công ty nước ngoài" cũng không có quyền mua, do luật đã quy định. "Công ty nước ngoài" là công ty nào ? - Đó cũng là một câu hỏi cần và nên đặt ra, trong cuộc đấu giá gây sửng sốt, với những hệ lụy không lường hết được, từ Luật Đấu Giá Tài Sản được soạn thảo khá sơ sài và bất cẩn, đối với những tài sản rất giá trị và ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia !
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cảnh cáo từ lâu [7] "Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước". Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính, vào tháng Chín năm 2021 đã dạy "Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ" [8] khi các doanh nghiệp nước ngoài than như bọng, về cách "chống dịch như chống giặc", vốn gây đình trệ chuỗi sản xuất - lưu thông - phân phối, khiến các doanh nghiệp chán ngán muốn rời bỏ khỏi thị trường Việt Nam.
Tin mới nhứt, ngày 12 tháng Giêng năm 2022, báo Người Lao Động cho biết [8] "Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đang đề nghị cung cấp tài liệu đến 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh".
Câu chuyện Bên Bỏ Cuộc - Tân Hoàng Minh với mạch chuyện ly kỳ, hấp dẫn cùng nhiều nút thắt dữ dội - hoàn toàn có thể gây sửng sốt như nhiều đại kỳ án khác - dường như nó chỉ vừa mới bắt đầu, đi vào đường dây dẫn chuyện của thời đại rực rỡ tên vàng, ngay thành phố mang tên "vị cha già dân tộc".
Hãy cùng quan sát và dõi theo...
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 12/01/2022
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-dau-gia-tai-sa...
[2] https://nhadat.tuoitre.vn/tan-hoang-minh-noi-gi-ve-viec-rut-khoi-lo-dat-...
[3] https://vtc.vn/ct-tan-hoang-minh-toi-muon-nuoc-ngoai-mua-dat-vn-voi-gia-...
[4] https://nguoinoitieng.net/tin-noi-bat/tieu-su-ong-do-anh-dung-chu-tich-t...
[5] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDoc...
[6] https://zingnews.vn/nhung-phat-ngon-noi-tieng-cua-bo-truong-tai-chinh-po...
[7] https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-an-toan-dich-be...
[8] https://nld.com.vn/thoi-su/nong-bo-cong-an-xac-minh-11-du-an-cua-tap-doa...
*********************
Đấu giá xong, bỏ cọc : chuyện bình thường !
Hàn Lam, VNTB, 12/01/2022
Dường như không phải chờ đợi lâu, chưa tròn tháng, chiều 11/1/2022, báo chí đồng loạt đưa tin về "tâm thư" của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đơn vị liên quan Công ty Ngôi Sao Việt đã đấu giá lô đất hơn 10.000 m2 với giá 24.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm, với nội dung cho biết tự nguyện bỏ cọc kết quả đấu giá lô đất "vàng" với giá "khủng" ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau khi đấu giá thành công, Tân Hoàng Minh chính thức xin bỏ cọc lô đất 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm.
Cụ thể, "tâm thư" gửi tất cả lãnh đạo cấp cao từ Tổng bí thư đến các lãnh đạo bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức… với các nội dung liên quan đến cá nhân, tập đoàn của ông làm việc trong thời gian. Đặc biệt, "tâm thư" nêu ông Dũng đã tham gia đấu giá lô đất 3-12 (hơn 10.000m2) thuộc khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm-… với giá 24.500 tỉ đồng, tính ra giá trung bình 2,45 tỉ đồng/m2 , cách người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỉ đồng là 700 tỉ đồng.
"Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân tôi trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến. Nhưng thực tế, trong quá trình tham gia, đã có nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc. Từ đó, chỉ còn lại 1 nhà đầu tư nước ngoài và tôi tiếp tục tham gia đấu giá.
Nếu tôi bỏ cuộc thì lô đất được tôi đánh giá là đẹp nhất khu Thủ Thiêm này sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong suy nghĩ của tôi, lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn bất động sản trong nước mà tôi là một trong số đó, nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 700 tỉ đồng để giành quyền trúng đấu giá lô đất này"- "tâm thư" viết.
Cũng theo "tâm thư", ông Dũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính của tập đoàn để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ. Đồng thời, lên phương án thiết kế, kinh doanh mới cho phù hợp nhất để có hiệu quả mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng với kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ uy tín của tập đoàn…
"Sau khi trúng đấu giá, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy, có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.
Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính… chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá như vậy dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung…
Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm – thành phố Thủ Đức… và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công" – "tâm thư" viết.
Số tiền mà Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đặt cọc để tham gia đấu giá lô 3-12 là 588,4 tỷ đồng.
Chuyện đấu giá xong, bỏ cọc là chuyện bình thường ở xứ Việt thôi.
Đơn cử, hồi quý 4/2021, UBND huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất.
Theo UBND huyện Quảng Xương, lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết vệc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương nói trên là do hết thời gian theo quy định của pháp luật. Kể từ khi trúng đấu giá đến khi hết hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá nên bắt buộc UBND huyện buộc phải có thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.
Theo ông Dự, vào thời điểm khoảng từ tháng 2 đến tháng 6-2021, bất động sản Thanh Hóa bỗng dưng "sốt" mạnh. Các mặt bằng ở các địa phương thuộc huyện Quảng Xương, nhất là các xã vùng biển khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn Nhà nước định giá rất nhiều lần, có nơi cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá sàn.
Thế nhưng những người trúng đấu giá với giá cao này đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời đã trúng tại các phiên đấu giá.
Không chỉ Thanh Hóa mà một số địa phương khác như Bắc Giang cũng xuất hiện tình trạng khách hàng bỏ cọc dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá.
Cụ thể, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), đến thời điểm tháng 4-2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Các lô đất trên có diện tích từ 90m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô ; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô ; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô ; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô ; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô ; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá là hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Được biết, những lô đất đấu giá mà nhà đầu tư bỏ cọc được rao bán trên nhiều trang mạng, tung ra thị trường, tạo sự khan hiếm để bán cho người có nhu cầu mua.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 12/01/2022
***********************
Đất Thủ Thiêm – lớp mới của vở kịch chưa có hồi kết
Trân Văn, VOA, 11/01/2022
Tuy Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp và cá nhân vừa tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (1) nhưng chưa rõ Ngân hàng nhà nước có công bố những thông tin họ được báo cáo hay không ? Dựa trên những thông tin này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì ?
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn)
Nếu các thông tin liên quan đến quan hệ giữa một số ngân hàng với các khách hàng tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sớm được công bố (đã vay – cho vay - hứa cho vay bao nhiêu, mục đích vay – cho vay - hứa cho vay là những gì, tổng nợ có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không...), chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều yếu tố hết sức thú vị mà không cần phải chờ đến đầu tháng 4 – thời điểm mà về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm phải nộp đủ tiền (cả tiền sử dụng đất lẫn lệ phí trước bạ đối với phần đất được sử dụng cho mục đích thương mại) : Ngôi Sao Việt phải nộp đủ 25.000 tỉ, Bình Minh phải nộp đủ 5.256 tỉ, Sheen Mega phải nộp đủ 4.000 tỉ, Dream Republic phải nộp đủ 4.320 tỉ.
***
Kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái từng làm dư luận rúng động vì kết quả vượt xa khả năng tượng tượng của tất cả các giới, kể cả phía tổ chức đấu giá. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thú thật, nơi này chỉ nghĩ tới chuyện có thể bán được bốn lô đất ấy với giá gấp đôi giá khởi điểm, không dè có doanh nghiệp tham gia đấu giá dám trả cho lô 1 gấp 6,6 lầngiá khởi điểm, lô 2 gấp bốn lầngiá khởi điểm, lô 3 gấp bảy lần và lô 4 hơn mười lầngiá khởi điểm (2).
Cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đã khiến giá đất đô thị ở Việt Nam trở thành cao nhất thế giới. Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh, chủ Ngôi sao Việt tuyên bố, đại ý :Sở dĩ Tân Hoàng Minh nâng giá đất lên cao như thế là vì muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển. Theo ông Dũng : Chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước ta đẹp và giàu mạnh về kinh tế, để không cho bất cứ kẻ thù nào có thể nhòm ngó vào lãnh thổ của chúng ta. Dường như đó cũng là lý do Tân Hoàng Minh thực hiện "Tổ hợp Quần thể du lịch không ngủ" tại Phú Quốc với công trình tâm linh (tượng Phật Quán Thế âm Bồ tát) dát vàng 24K lớn nhất, cao nhất thế giới (3).
Khoan bàn đến chuyện giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được đẩy lên rất cao có phải là yếu tố khiến tất cả những tỷ phú nước ngoài sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam tranh mua bất động sản ở Thủ Thiêm với giá như Tokyo hoặc New York nhằm giúp nhân dân ta giàu nhanh, đất nước ta phát triển hay không ( ?), trước mắt, có lẽ nên ngẫm nghĩ xem vì sao ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – không những không tự hào như nhiều đồng bào "cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm" mà còn xem việc tự nguyện trả giá đất Thủ Thiêm ở mức cao không tưởng là hành động "nhiễu loạn thị trường".
Không phải tự nhiên ông Phớc đề cập đến tình trạng, khoản mà doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao gấp nhiều lần vốn liếng thực có để Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường chứng khoán. Cũng không phải tự nhiên mà ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội sợ tăng trưởng của thị trường chứng khoán và bất động sản "nóng quá" và hết sức dè dặt trước chuyện chưa từng có, giá đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ/m2 (4).
Cũng không phải tự nhiên mà HoREA (Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh) gửi cho chính phủ Việt Nam một thư ngỏ, bày tỏ sự lo ngại về kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Theo HoREA, kết quả này chỉ có lợi cho những doanh nghiệp có dự án đã nộp tiền sử dụng đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm và những dự án siêu sang ở trung tâm quận 1 vì từ giờ giá cao là tất nhiên. Giá đất tăng vọt theo kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm bất lợi cho cả người tiêu dùng, nỗ lực giảm giá nhà thực hiện chính sách phát triển nhà ở, lẫn giới đầu tư vì giá bán cao sẽ làm tăng lượng hàng hóa tồn đọng. Kết quả giá đất rất cao còn có thể trở thành nền tảng để một số doanh nghiệp xin định giá lại tài sản, đặc biệt là những tài sản đang thế chấp nhằm "rút ruột" ngân hàng, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính (5).
***
Sự lo ngại của ông Phớc, sự dè dặt của ông Huệ, khuyến cáo của HoREA không mới, trong quá khứ đã từng có rất nhiều đợt khủng hoảng và đại án để thiên hạ tha hồ lựa chọn làm ví dụ minh họa. Vấn đề là tại sao những cuộc đấu giá không thể tưởng tượng và hứa hẹn sẽ đem lại rất nhiều rủi ro như thế cho cả kinh tế lẫn xã hội vẫn có thể còn chỗ đứng ? Vấn đề là tại sao vấn nạn Thủ Thiêm nhùng nhằng đã vài thập niên vẫn chưa giải quyết xong, chưa truy cứu được trách nhiệm của bất kỳ ai lại có thêm nan đề khác ?
(Cập nhật : Theo VnExpress, vào ngày 10 tháng Giêng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, với lý do nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/01/2022
Chú thích
(5) https://thesaigontimes.vn/horea-chi-ra-nhung-bat-cap-cua-phien-dau-gia-dat-ky-luc-o-thu-thiem/