Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/01/2022

Chủ nghĩa xã hội được coi là "huyền thoại" ?

Phạm Quý Thọ

Chủ nghĩa xã hội được coi là "huyền thoại" nhưng không ai hiểu thực sự là gì

Hai sự kiện vừa diễn ra trong tháng 12/2021, liên quan đến tính đại diện quyền lực khác nhau của hai người cộng sản thu hút sự ‘tò mò’ của dư luận. Một là, vì sao ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng Cộng sản Liên bang Nga, không phải là đảng cầm quyền, trao Giải thưởng Lenin, biểu tượng quá khứ của mô hình Xô-viết vào dịp 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ. Hai là, vì sao bà Elke Kahr – một người cộng sản được bầu làm thị trưởng ở Graz, thành phố lớn thứ hai nước Áo.

cnxh1

Hình ảnh các biểu tượng của chủ nghĩa xã hội là Karl Marx và Lenin được bán tại một cửa hàng ở Hà Nội năm 2019 - Reuters

‘Huyền thoại’ xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) từng được ví như một tấm đệm hơi : ‘không có gì trong đó nhưng nó giảm xóc và tạo ra một cảm giác an ủi dễ chịu’ và, một khi nó được thiết lập và được dung dưỡng, nó có thể trở thành một phần của bạn. ‘Huyền thoại’ đó chứa đựng hệ tư tưởng, theo đó, bình đẳng xã hội và sự sung túc có thể đạt được, đã tạo nên sự hấp dẫn tinh thần : ‘của cải tuôn ra dào dạt’, ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’. Tuy nhiên, trên thế giới cho đến nay xã hội chủ nghĩa chưa từng có, chưa khi nào hoạt động, không thể hiện thực hóa dù cuộc thử nghiệm ở nhiều quốc gia thất bại.

Một số yếu tố của chủ nghĩa xã hội có nguồn gốc xa xưa, trong các tôn giáo cổ đại như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Cơ đốc giáo hay trong nền cộng hòa của Plato… Một vài nơi trong lịch sử cổ đại cũng sử dụng ý tưởng này để giải quyết các vấn đề kinh tế. Ở đây, bản chất xã hội của con người, dù chủ ý hay tình cờ được thừa nhận, sự bình đẳng được thúc đẩy và sự quan tâm đến người nghèo và sở hữu chung.

Tuy nhiên, thuật ngữ xã hội chủ nghĩa chỉ được sử dụng ở Tây Âu vào đầu thế kỷ XIX trong bối cảnh Cách mạng Pháp (1789–1799) đang phá hủy ý thức hệ phong kiến và quan hệ tư bản chủ nghĩa phát triển bùng nổ nhờ nền tảng tư tưởng tự do của Thời kỳ khai sáng trong các lĩnh vực cuộc sống, từ kinh tế, chính trị đến khoa học, nghệ thuật và, sau đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Ngoài ra, mặt trái của sự phát triển cũng bộc lộ : công nhân bị bần cùng hoá, bóc lột sức lao động, tư bản tích luỹ cao độ… Có hai khuynh hướng tư tưởng kinh tế chính trị đối nghịch : hoàn thiện thể chế tư bản chủ nghĩa hiện hành dựa trên tự do cá nhân và thiết kế xã hội chủ nghĩa như một triết lý mà xã hội ‘có thể hoặc nên’ vận hành phục vụ tập thể thay vì chỉ nghĩ đến cá nhân.

Trước hết, chủ nghĩa tư bản đã hoàn thiện dựa trên các khám phá chủ yếu. Thứ nhất, nhận thức về sự vận hành của kinh tế dựa vào cạnh tranh thể chế và quy luật ‘bàn tay vô hình’ theo cách gọi của Adam Smith (1723-1790), thị trường là thuật ngữ thay thế sau này. Thứ hai, vai trò nhà nước chỉ là trung gian bảo vệ các quan hệ kinh tế - xã hội dựa trên tự do cá nhân, bởi vậy quyền lực nhà nước phải bị kiểm soát để ngăn ngừa ‘rủi ro’ đạo đức và những mặt trái của thị trường quá trình phát triển tự nhiên. Tư tưởng này được thể chế hoá, từ Lý thuyết về khế ước xã hội của Thomas Hobbes (1588-1679) đến Lý thuyết nhà nước trong Tinh thần pháp luật (1748) của Montesquieu, hình thành nên chế độ tam quyền phân lập, nhấn mạnh nguyên tắc tối thượng "quyền lực thuộc về nhân dân" của nhà tư tưởng John Locke (1632-1704) và lời cảnh báo về "quyền lực tuyệt đối có xu hướng tha hóa tuyệt đối" của Lord Acton (1834-1902). Ngoài ra, sự ra đời và nỗ lực hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa sau này cũng khiến chủ nghĩa tư bản cải thiện.

Hai là, tư tưởng chủ nghĩa xã hội. chủ nghĩa xã hội không tưởng là trường phái đầu tiên cho rằng các tư liệu sản xuất được kiểm soát bởi các nền dân chủ tập thể và phi tập trung bằng cách đối thoại và thuyết phục các nhà tư bản và những người chủ khác sẽ tự nguyện giao phương tiện sản xuất cho công nhân. Tiếp đến là tư tưởng Karl Marx (1818-1883), trong đó quan điểm kinh tế chính trị của ông phê phán sự bất công của chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy đấu tranh giai cấp để hướng tới tương lai sẽ là chủ nghĩa cộng sản dựa trên lý thuyết duy vật lịch sử. Tuy nhiên những trước tác chuẩn bị còn ‘sơ sài’ của ông khiến Vladimir Lenin (1870-1924) và các lãnh đạo cộng sản kế tục phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tạo ra các thể chế mới giúp điều phối đời sống kinh tế sau khi đã quyết định thay thế tư hữu, thị trường và nhiều thể chế tư bản chủ nghĩa khác của nước Nga thời Sa Hoàng. Lenin đã áp dụng mô hình huy động phục vụ chiến tranh của Đức mà ông ấy quan sát được trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Và sau đó, như đã biết, mô hình Xô-viết hình thành và biến đổi, trong đó chế độ toàn trị, sở hữu toàn dân và kế hoạch hóa tập trung nền kinh tế là cốt lõi, cho đến khi sụp đổ hoàn toàn năm 1991 ở Đông Âu.

Chủ nghĩa xã hội là ‘huyền thoại’ bởi vậy khi nó được bảo vệ bởi chế độ độc đoán với quyền lực tuyệt đối, thì bất kỳ ai động đến và khác với chúng, mâu thuẫn với chúng, người đó có thể sẽ phải gặp rủi ro, bị trừng phạt. Sau sự sụp đổ mô hình Xô-viết các biến thể như mô hình xã hội chủ nghĩa "bản sắc Trung Quốc", "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam ra đời và gây tranh cãi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chính sách ‘cải cách và mở cửa’ thay thế kế hoạch hóa tập trung bằng công cụ thị trường đã mang lại thành công kinh tế ấn tượng, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo. Thành phần kinh tế tư bản lớn đến mức mô hình Trung Quốc được gọi là nhà nước tư bản thân hữu hay chủ nghĩa tư bản chính trị. Tập Cận Bình đang hướng chính sách quay lại chủ nghĩa xã hội kiểu Mao khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng đối đầu với các giá trị tự do dân chủ phương Tây khiến cuộc chiến ý thức hệ 2.0 trở nên căng thẳng. Trong nước, chế độ toàn trị đàn áp tự do dân chủ để bảo vệ sự cai trị trong bối cảnh khủng hoảng trong nội bộ.

Ngoài ra ‘huyền thoại’ chủ nghĩa xã hội cũng bị các chính trị gia thường lợi dụng, níu kéo cho mục đích riêng. Sự cố hữu tìm kiếm mô hình dân chủ chủ nghĩa xã hội ở Bắc Âu đã không được biện minh. Sự thử nghiệm chủ nghĩa xã hội ở Venezuela đã phá huỷ đất nền kinh tế và dân chủ ở quốc gia Nam Mỹ này. Chế độ dân chủ ở một số nước phương Tây bất ổn vì sự đối đầu ‘cánh tả - cánh hữu’, giới trẻ ủng hộ Bernie Sanders với cương lĩnh ‘xã hội chủ nghĩa’ khi tranh cử, Donald Trump chỉ trích dữ dội chủ nghĩa xã hội, nhưng công kích bầu cử dân chủ Mỹ có gian lận… Tất cả sự ‘lộn xộn’ phức tạp này dường như phản ánh một điều là mặc dù là ‘huyền thoại’ nhưng người ta không thực sự hiểu chủ nghĩa xã hội là gì !

Quay lại với hai sự kiện được nêu ở đầu bài viết. Sau khi bà Elke Kahr đắc cử Thị trưởng Graz, thành phố lớn thứ hai ở Áo, trong một cuộc phỏng vấn bà cho rằng ‘chủ nghĩa Marx và thế giới quan của nó đầy tính nhân văn’, nhưng chủ nghĩa xã hội khi "thực nghiệm ở Đông Âu đã phạm những tội ác kinh khủng" và rằng, trong bối cảnh ‘cử tri đã quá chán ngán khi không còn đảng phái nào đáng tin cậy đối với họ nữa’, bà đã kiên trì thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe người dân và hiểu rằng : "Bởi vì người ta không thể chỉ an ủi mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn ; bạn phải hàng ngày sẵn sàng làm mọi việc vì nhân dân". Bà nói : "tôi nhận ra rằng mọi người là chính họ chứ không phải là thứ bạn muốn họ trở thành". Bà Elke Kahr hiểu chủ nghĩa xã hội theo cách làm lãnh đạo để làm ‘đày tớ của dân’ chứ không phải giành lấy quyền lực để bắt nhân dân làm theo ý chí cá nhân lãnh đạo.

Đối với sự kiện người lãnh đạo cao nhất Đảng cộng sản Việt Nam được trao Giải thưởng Lenin. Nhân dịp này truyền thông nhà nước ca ngợi ông "vì sự nghiệp bảo vệ và hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội..". trong bối cảnh chỉnh đốn đảng vì bất ổn thể chế chính trị. Trong chế độ toàn trị ông được đại hội đại biểu đảng cộng sản toàn quốc bầu ra, không phải bởi nhân dân, ông có quyền lực tuyệt đối được Hiến định trong Điều 4. Ý thức hệ phức tạp để diễn giải chủ nghĩa xã hội như huyền thoại và quyền lực tuyệt đối mà ông theo đuổi suốt sự nghiệp chính trị để thực hành nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có lẽ, là điều mà ông được tôn vinh như sự vận dụng ‘sáng tạo’ chủ nghĩa Mác Lenin. 

Với cả hai người cộng sản này, chủ nghĩa xã hội đã trở thành cuộc sống của họ mặc dù trong lịch sử nhân loại xã hội chủ nghĩa chưa hề tồn tại và hiện nay qua hơn thế kỷ thử nghiệm nhưng thất bại. chủ nghĩa xã hội chỉ là ‘huyền thoại’ và người ta không hiểu nó thực sự là gì.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 10/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)