Thể chế đóng một vai trò then chốt.
Có một thời, những ai phao tin đồn nhảm sẽ bị buộc phải đeo một chiếc mặt nạ sắt, bịt kín khuôn mặt, có miếng gạt chĩa vào miệng để ngăn không cho lưỡi chuyển động. Người bị phạt vừa phải đeo mặt nạ, vừa bị bắt đi diễu hành thị chúng.
Hình phạt vừa đau đớn vừa nhục nhã này diễn ra vào thế kỷ 16 – 17 tại các vùng thuộc Vương quốc Anh [1].
Ngày nay, dù những kiểu trừng phạt như trên không còn tồn tại, tin đồn và việc lan truyền tin đồn hiếm khi được xem là hành động cao đẹp.
Bất chấp điều đó, tin đồn vẫn tồn tại cùng nhân gian. Nếu sống ở Việt Nam, bạn sẽ dễ nhận ra nhiều người vừa thích tin đồn, vừa thạo đồn tin, lại rất dễ chạy theo chúng.
Khả năng cao, bạn là một người như vậy.
Có thể kể ra bốn yếu tố khiến Việt Nam là mảnh đất thiên đường cho tin đồn.
Nhưng trước khi bàn đến chúng, cần phải giải oan cho "bệnh bà tám" của người Việt Nam.
Tin đồn là một phần tất yếu của cuộc sống
Định nghĩa ngắn gọn nhất của "tin đồn" (rumour) là những thông tin không có nguồn gốc và không rõ đúng sai.
Vì sao nó tồn tại ?
Nhiều nhà nghiên cứu giải thích rằng đây là phương thức kết nối cơ bản của con người. Giáo sư tâm lý học David Ludden so sánh nó với hành vi của loài linh trưởng [2]. Trong khi những con khỉ "tâm sự" bằng cách bắt rận cho nhau, con người thủ thỉ thì thầm chia sẻ những thông tin họ có được. Người nào sớm có và càng có nhiều thông tin thì càng được coi trọng.
Trong một số trường hợp, tin đồn còn đóng vai trò như "chỉ dẫn đạo đức" [3]. Điều này thể hiện khá rõ qua chuyện bà tám, một dạng thức phổ biến của tin đồn.
"Chuyện bà tám" (gossip) là tin đồn về việc riêng tư của cá nhân. Các thông tin về cuộc sống của cá nhân thường được lan truyền và kèm theo phản hồi trong một nhóm/ cộng đồng. Các phản hồi này, tích cực hay tiêu cực, có tác dụng điều chỉnh hành vi của một người cho đúng với khuôn khổ được chấp nhận của nhóm hay cộng đồng (khuôn khổ đó tốt hay xấu lại là một câu chuyện khác).
Tin đồn và việc lan truyền tin đồn vì vậy là sản phẩm tự nhiên của xã hội loài người, không phải một đặc trưng riêng biệt của người Việt Nam.
Một hiểu lầm phổ biến về tin đồn là người ta chỉ lan truyền những thứ họ tin là sự thật [4] Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người sẵn sàng chia sẻ tin tức bất kể việc họ có tin nó là thật hay không.
Bằng cách đó, tin ban đầu từ không tin hoặc không chắc sẽ chuyển thành tin chắc rằng thứ mình lan truyền là thật.
Những tin giả cũng được nhào nặn theo cách đó.
Tuy người Việt Nam không có "máu bà tám" đặc biệt hơn ai, nhưng môi trường thông tin của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho tin đồn nói chung và tin giả nói riêng.
Bốn lý do góp phần dẫn đến tình trạng này.
1. Chính quyền độc chiếm thông tin
Khi thông tin bị một nhóm người độc chiếm làm của riêng, tự khắc những thông tin khác sẽ được sinh ra và đón nhận.
Với toàn bộ hệ thống báo đài trong nước nằm dưới tay một "đại tổng biên tập", các thông tin chính thức đều có cùng một nội dung, thậm chí là chung một giọng điệu. Luồng tin tức một chiều này không thể phản ánh được bức tranh thực tế của xã hội, vì thế người dân bắt buộc phải tìm thông tin từ những nguồn "phi chính thống".
Vấn đề nghiêm trọng hơn khi nhóm người độc chiếm thông tin cũng độc chiếm các nguồn lực khác của xã hội – một điều hầu như luôn luôn xảy ra trong các thể chế độc tài.
Trong trường hợp này, các thông tin phi chính thống, hay tin đồn, không còn chỉ đóng vai trò giải thích các hiện tượng xã hội mà trở thành công cụ tranh đoạt quyền lợi. Người ta càng có lý do để tạo ra, lan truyền và chạy theo nó.
2. Chính quyền vừa sản xuất, vừa dung dưỡng tin đồn
Vào tháng 3/2020, khi Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam được trang trọng gọi tên [5].
Nhóm dư luận viên với quân số lên tới cả chục ngàn người này không ít lần đã bị chỉ đích danh là nguồn tạo tin giả phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của chính quyền [6]. Với nguồn lực gần như vô tận từ ngân sách nhà nước, lực lượng dư luận viên có tất cả điều kiện cần thiết để thao túng môi trường thông tin trên mạng xã hội của Việt Nam.
Trong khi vừa sản xuất tin đồn và tin giả để phục vụ lợi ích của mình, chính quyền lại thả cửa cho những tin đồn và tin giả khác được tung hoành trên mạng, miễn là nó không ảnh hưởng đến quyền lợi của quan chức và quyền lực của nhà nước.
3. Người dân mất niềm tin vào chính quyền
Một trong những đặc điểm của tin đồn là rất khó chặn đứng sự lan truyền của nó.
Cách duy nhất hiệu quả là tung ra thông tin phản bác với đầy đủ chứng cứ xác thực từ một nguồn đáng tin cậy.
Vấn đề là ở thời điểm hiện tại, người dân không có nguồn chính thống đáng tin cậy nào để phản bác tin đồn hay đính chính tin giả.
Chính quyền chỉ quan tâm đến việc xử lý những tin đồn/ tin giả ảnh hưởng tới họ, và ngó lơ những tin khác, hoặc "chơi bài lì" giữ im lặng để dư luận quên đi những tin tức bất lợi. Nhưng ngay cả trong những trường hợp chính quyền lên tiếng bác tin đồn, dư luận cũng khó trao gửi niềm tin cho họ.
Người dân Sài Gòn vẫn chưa quên việc chính quyền lớn tiếng bác "tin đồn" phong tỏa Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 7/2021 để rồi chỉ vài ngày sau thực hiện đúng y như lời đồn [7].
Ở những nước mà quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được đảm bảo, ngoài nguồn chính thống từ nhà nước, người dân có thể dựa vào các tổ chức độc lập chuyên làm nhiệm vụ kiểm chứng xác nhận thông tin (fact-check). Hay nếu ai đó bị thiệt hại từ tin đồn thì họ có thể kiện người đưa tin ra một tòa án độc lập để đòi công bằng.
Những tổ chức, thiết chế này không có cách nào tồn tại ở Việt Nam, hoặc nếu có thì hiệu quả cũng rất thấp.
4. Khủng hoảng khiến tin đồn càng sinh sôi
Theo hai nhà tâm lý học Gordon W. Allport và Leo Postman, cường độ tin đồn tỷ lệ thuận với mối quan tâm (interest) vào sự việc và mức độ không chắc chắn (ambiguity) về những thông tin liên quan tới nó [8].
Nói cách khác, càng quan tâm mà lại càng không có thông tin rõ ràng khiến cho người dân càng tìm đến tin đồn.
Các cuộc khủng hoảng, điển hình như đại dịch Covid-19, là một môi trường như thế. Trong khủng hoảng, các nguồn lực bị suy giảm và phân tán. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân để vượt qua khó khăn và nỗi sợ hãi không được đáp ứng kịp thời. Những tin đồn lúc này giống như phao cứu sinh, trở thành giải pháp tức thời để nhiều người bấu víu.
Nếu chính quyền xử lý tốt khủng hoảng, các nguồn lực được bảo toàn và san sẻ hợp lý, người dân sẽ không có nhu cầu chạy theo tin đồn.
Ngược lại, một chính quyền loay hoay với khủng hoảng sẽ càng khiến người dân mất niềm tin, sẵn sàng chạy theo các tin đồn.
Yên Khắc Chính
Nguồn : Luật Khoa, 15/01/2022
Chú thích :
1. British Library. (2022). The British Library. Retrieved 2022
2. Gottfried, S. (2019, September 25). The Science Behind Why People Gossip—And When It Can Be a Good Thing. Time. Retrieved 2022
3. Xem [2]
4. Collective behavior | Definition, Types, Theories, Examples, Characteristics, & Facts. (2022). Encyclopedia Britannica. Retrieved 2022
5. RFA. (2020, October 11). Cuộc chiến trên mạng giữa lực lượng chuyên trách và dư luận viên với giới hoạt động. Radio Free Asia. Retrieved 2022
6. Luong Nguyen An Dien. (2021, March 3). 2021/22 “How The Vietnamese State Uses Cyber Troops to Shape Online Discourse” by Dien Nguyen An Luong. ISEAS-Yusof Ishak Institute. Retrieved 2022
7. Yên Khắc Chính. (2021, July 8). 5 câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022
8. Xem [4]