Scandal bán chỗ (tiếng lóng là "bán lốt") cho những xe vận tải cần thông quan để mang nông sản Việt Nam sang Trung Quốc coi như đã được xử lý xong, sau khi Công an tỉnh Lạng Sơn thông báo đã khởi tố và tống giam hai nhân viên Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc vì "nhận hối lộ" cùng với một người đàn ông giữ vai trò trung gian giữa bên "mua lốt" và bên "bán lốt" vì "đưa hối lộ" (1).
Nơi tập kết xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Chuyện vài ngàn xe vận tải chở đủ loại nông sản từ khắp nơi ở Việt Nam sang Trung Quốc nhưng bị kẹt tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma thuộc Lạng Sơn đã xảy ra từ cách nay vài tháng. Không chỉ nông dân, thương lái mà các doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản để xuất cảng sang Trung Quốc cùng điêu đứng. Sự điêu đứng này không đơn thuần vì Trung Quốc thay đổi chính sách để ngăn ngừa dịch bệnh...
Theo loạt bài điều tra do tờ Giao Thông thực hiện thì để thoát cảnh dài cổ đợi chờ, nông sản hư thối phải đổ bỏ, hoặc chủ hàng, hoặc tài xế lái xe chở hàng sẽ phải chi hàng trăm triệu "mua lốt" – mua chỗ để có thể hoàn tất thủ tục thông quan sớm hơn, không phải chờ đợi như các chủ hàng khác hoặc tài xế khác (2).
Tiền "mua lốt" chỉ là một trong số những khoản phải chi khi chở nông sản sang Trung Quốc. Ngoài tiền "mua lốt", chủ hàng hoặc tài xế phải trả "tiền luật" và những chi phí chính thức cho cả phía Việt Nam và Trung Quốc. Trước kia, chi phí cho một xe vận tải thông quan phía Việt Nam dao động trong khoảng từ sáu triệu đến tám triệu đồng, khoản này bao gồm cả "tiền luật" lẫn các chi phí chính thức. Từ khi Trung Quốc thực thi các biện pháp kiểm soát nhập cảng với lý do ngăn ngừa dịch bệnh, dẫn tới tình trạng xe vận tải chở nông sản bị nghẽn ở các cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam, riêng "tiền luật" có lúc đã tăng lên đến 20 triệu đồng !
Dựa trên số liệu thu thập được : Từ 25/12/2021 đến 12/1/2022, ba cửa khẩu ở Lạng Sơn đã giải quyết cho thông quan 3.200 xe vận tải chở nông sản xuất cảng sang Trung Quốc, tờ Giao Thông ước tính, với lượng xe được thông quan từ 25 xe đến 80 xe/ngày, nếu chỉ tính "tiền luật" ở mức hữu nghị là 10 triệu đồng/xe (chưa kể tiền "mua lốt"), các chủ hàng và tài xế đã bỏ ra từ 800 triệu đến một tỉ đồng/ngày (3) !
Khoản tiền khổng lồ đó đi đâu ? Vào túi ai ? Chắc chắn không phải đổ hết vào túi ba nhân vật vừa bị Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố và tống giam. Liên quan đến kiểm soát thông quan nông sản xuất cảng từ Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều ngành (công an, biên phòng, hải quan) ở nhiều cấp (huyện, tỉnh). Theo những phóng viên thực hiện loạt bài điều tra vừa kể thì các viên chức hữu trách biết rất rõ về sự hiện diện của "nhà luật". Họ gọi đó là "mô hình" "nhà luật" ! Một cán bộ làm việc tại Trạm Kiểm soát liên ngành của Lạng Sơn đặt ở Dốc Quýt cho biết, có khoảng mười "nhà luật" làm việc ở khu vực Dốc Quýt từ nhiều năm, trong đó có cả thân nhân của những người làm việc trong trạm.
Thậm chí từ khi xe vận tải chở nông sản xuất cảng bị nghẽn do Trung Quốc siết chặt việc nhập cảng nông sản để ngăn ngừa dịch bệnh, khu vực Dốc Quýt đột nhiên có thêm bốn, năm "nhà luật" mới – cung cấp dịch vụ "bán lốt"với giá rất mắc, song hiệu quả rất cao mà các "nhà luật" có thâm niên lâu hơn không thể bì được bởi không thể sắp đặt cho khách hàng thông quan suôn sẻ như thế !
***
Loạt bài điều tra của tờ Giao Thông đính kèm nhiều ảnh, ấn tượng nhất là những tấm ảnh chụp tin nhắn trao đổi, mặc cả giữa chủ hàng, tài xế với các "nhà luật" về "tiền luật". Thậm chí có "nhà luật" còn viết hóa đơn, ký tên xác nhận đã nhận đủ "tiền luật" để tài xế có chứng từ về tính toán lại với chủ hàng (4) !
Có một điều đáng ngạc nhiên là chính quyền tỉnh Lạng Sơn và công an tỉnh này không thấy thẹn. Khi câu chuyện "nhà luật", "tiền luật" được kể công khai, Phó Chủ tịch tỉnh bảo với báo chí đã yêu cầu Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan báo cáo, cung cấp thông tin. Còn Phó Giám đốc Công an Lạng Sơn thì dõng dạc tuyên bố rằng công an tỉnh này mới bắt ba người để điều tra !
Cứ cho là bây giờ lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Công an tỉnh này mới biết về "nhà luật" và "tiền luật" nhưng nếu giờ mới biết khi tình trạng đó đã kéo dài hàng chục năm thì với năng lực và nhận thức trách nhiệm hạn chế như thế, họ có xứng đáng nhận lương, xứng đáng được đãi ngộ để thực thi công vụ trong phạm vi trách nhiệm của họ ? Thượng cấp của họ có thấy thẹn mỗi khi vỗ ngực tuyên xưng hệ thống là "của dân, do dân, vì dân" không ?
Chưa thể biết "tiền luật" đi vào túi những ai nhưng chắc chắn hững khoản tiền đó đã biến mồ hôi của nông dân – những người "bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời" – thành nước mắt. Những chi phí như "tiền luật", "tiền mua lốt" có khác gì một loại nhiên liệu để các hệ thống đang thực thi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành loại máy ép, liên tục ép giá nông sản thành bèo, ép nông dân tới sát đáy của cùng khổ và các thế hệ nông dân cứ thế thay nhau cắn răng mà chịu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/01/2022
Chú thích
(2) https://www.baogiaothong.vn/can-rang-chi-tram-trieu-mua-lot-xuat-nong-san-qua-cua-khau-d538993.html
(3) https://www.baogiaothong.vn/luat-ngam-kiem-tien-ty-cua-lai-xe-xuat-hang-qua-bien-gioi-d539214.html