Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/01/2022

Một năm sau Đại hội 13

Phạm Quý Thọ

"Rối loạn chức năng toàn trị" thêm trầm trọng

Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 (Đại hội 13) diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế và thay đổi cuộc sống xã hội bình thường. Giới lãnh đạo mong muốn coi đây là dấu mốc xua tan thực trạng u ám, bi quan về kinh tế, xã hội và thể chế và khởi đầu cho thời kỳ phát triển mới. Chiến dịch tuyên truyền về "Việt Nam hùng cường", chiến lược để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào các mốc kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản ra đời (2030) và thành lập nước (2045) ghi trong Văn kiện Đại hội 13 được triển khai rầm rộ đồng thời đưa ra thông điệp cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, sau một năm nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội, trái lại, có phần ảm đạm hơn, những khó khăn và thách thức vẫn rất lớn cho những năm sắp tới của nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như chiến lược phát triển.

dh131

Phong tỏa trên đường phố Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19 hôm 29/8/2021. AFP

Chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối (toàn trị) có nguồn gốc từ mô hình của Lê-nin sử dụng bạo lực để huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với thời gian chế độ toàn trị đã thay đổi và, một trong những biến thể là mô hình Trung Quốc mà Việt Nam đang noi theo là duy trì chức năng toàn trị đồng thời chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường với các nguyên tắc vận hành thay thế cho kế hoạch hóa tập trung. Biến thể này có ưu thế trong thời kỳ đầu khi còn dư địa tăng trưởng lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng đã dần giảm ưu thế, cho đến khi diễn ra khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn thể chế. Thời gian gần đây sự rối loạn chức năng toàn trị trở nên ngày càng nghiêm trọng, chế độ luôn trong tình trạng đối phó bị động trước thay đổi.

Bản chất của chế độ được phản ánh trong những tình huống bất thường. Trước Đại hội 13 với những biểu hiện rối loạn đã được thừa nhận như "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh", "bộ máy trì trệ", "tham nhũng", "lợi dụng chức quyền", "tham vọng quyền lực’, "cua cậy càng cá cậy vây"… thì trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng các biểu hiện trên trở nên trầm trọng hơn, trong đó bốn vấn đề chủ yếu được phân tích dưới đây liên quan đến sự vận hành của hệ thống trong năm vừa qua, như thất bại chiến lược "Không Covid", chậm trễ đề xuất chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi phân quyền lớn hơn cho địa phương và thách thức lớn hơn với chính sách chống tham nhũng, tiêu cực

Trước hết, về thất bại chiến lược "Không Covid". Như đã biết, sau khi Những chuyến xuất ngoại dồn dập của các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước sang các nước EU, Nga, Mỹ (Liên Hiệp Quốc), Nhật, Hàn, Ấn Độ… vì mục đích kinh tế đã bị ‘lu mờ’ bởi ngoại giao vắc-xin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trở nên cấp bách hơn.

Chủ quan về chiến lược mua vắc-xin là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn vật chất và tinh thần cho người dân. Chính sách "Không Covid", vốn trước đợt dịch thứ 4 vào tháng 5/2021 được ca ngợi là "cách tiếp cận hiệu quả với chi phí thấp", thể hiện tính ưu việt của chế độ đã bị thay thế bởi chính sách "thích ứng an toàn với Covid" theo Nghị quyết 128 tháng 10/2021 của Chính phủ… Tuy nhiên, khi thực thi các chính quyền địa phương vẫn cát cứ, "phép vua thua lệ làng", lạm dụng xét nghiệm gây cản trở lưu thông hàng hóa, lao động và cuộc sống hàng ngày của người dân…

Hai là, chậm trễ và đề xuất chương trình bị động phục hồi kinh tế. Tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2021 tiếp tục mức sụt giảm từ 2020 ở mức dưới 3% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch mà Quốc hội xác định. GDP không phản ánh chất lượng tăng trưởng trong thị trường kém phát triển, nhưng vì nó đảm bảo cho tính chính danh và uy tín của Đảng cộng sản nên sự lựa chọn chính sách là "thử - sai" đòi hỏi chi phí cao và không bền vững. Không còn là chỉ tiêu kế hoạch hóa mang tính pháp lệnh, mà chỉ để "phấn đấu", nên các giải pháp đưa ra thường thiếu luận cứ thị trường cần thiết. Để tăng GDP năm 2022 từ 6 đến 6,5% được Quốc hội 15 vừa thông qua trong kỳ họp bất thường đồng thời với chương trình khôi phục kinh tế với quy mô gói kích thích "chưa từng có" lên tới gần 350 nghìn tỷ cho hai năm, 2022 và 2023, nhưng thiếu những luận cứ thuyết phục giải tỏa những lo ngại về lạm phát cao, ‘tiền không chảy đúng địa chỉ’, mà vào bất động sản, chứng khoán…, về sức cầu yếu, ‘cung’ trì trệ, "nghẽn đầu tư công" và thực thi chính sách kém hiệu quả.

Thực tế chỉ ra khi thị trường vận hành thiếu các nguyên tắc cần có và, hơn thế, việc thực thi chính sách luôn bị thao túng hoặc bóp méo bởi lợi ích nhóm, bởi quan hệ ‘tư bản thân hữu’ chính trị - kinh doanh. Trong môi trường như vậy luôn xảy ra các hiện tượng ‘khó lường’ của các đại gia, giới siêu giàu như đấu giá đất cao bất thường gây rối loạn thị trường bất động sản, ‘bán chui’ cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn, chuyển vốn ra nước ngoài… Đây là những dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô và, kéo theo là bất ổn xã hội và thể chế.

Ba là, đòi hỏi phân quyền lớn hơn cho địa phương thông qua cơ chế đặc thù. Phân chia quyền lực, tản quyền đối nghịch với tập quyền, là quá trình tất yếu chuyển đổi thị trường và dân chủ. Trước đây, quy chế đặc thù, có tính chất đặc biệt về chính trị hay kinh tế, cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì nay, trong năm vừa qua Quốc Hội 15 đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ. Về hình thức nói mục đích ‘trao’ cơ chế đặc thù là nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực, nhưng thực chất là những đòi hỏi về phân quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền địa phương. Thậm chí có ý kiến Đại biểu Quốc hội về sự cần thiết trao quy chế này cho tất cả tỉnh thành, vì mỗi tỉnh đều có những đặc thù…

Bốn là, thách thức lớn hơn với chính sách chống tham nhũng, tiêu cực từ đại án ‘Việt Á’ . Bộ Công an khởi tố lãnh đạo của doanh nghiệp này và các cá nhân, tổ chức liên quan với tội danh trục lợi ‘nâng giá bộ Kit xét nghiệm Covid’ và, với tính chất nghiêm trọng và sức nóng với xã hội, nó đã thành đại án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng Chống Tham nhũng, Tiêu cực. Những hành vi trục lợi trong bối cảnh khủng hoảng vì đại dịch luôn bị lên án, coi là tội ác, nhưng sự cám dỗ khủng, mức hoa hồng lên tới 45% của gói thầu bộ kít khiến quan tham ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’. Sự tha hóa quyền lực đã biến tham nhũng thành hiện tượng "lũng đoạn nhà nước". Sự ‘cấu kết bài bản’ giữa quyền và lợi, giữa quan chức và doanh nghiệp mang tính hệ thống. Công tác điều tra vẫn đang được ‘mở rộng không vùng cấm’ nhưng bước đầu đã có hàng loạt cán bộ lãnh đạo tỉnh, cấp vụ, thứ trưởng của các Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố và kỷ luật Đảng. Rõ ràng đại án này đang phủ bóng đen lên sự ‘rất thành công’ về nhân sự của Đại hội 13. Dư luận đang đòi hỏi sự giải trình trách nhiệm của lãnh đạo liên quan tới cấp cao nhất.

Rối loạn chức năng toàn trị kéo dài và càng trầm trọng chỉ ra sự cần thiết thay đổi mạnh mẽ chính sách cải cách thị trường đồng thời với chuyển đổi dân chủ, vượt qua rào cản thể chế bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều. Động cơ ít quan trọng hơn nhiều so với hành vi, ‘huyền thoại’ chủ nghĩa xã hội không thể thay thế cách vận hành và, hơn thế, nếu lãnh đạo có ý định tốt, nhưng không thể biết cách hiện thực hóa nó, thì ‘nhiệt tình cách mạng’ chỉ là duy ý chí.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 21/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 340 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)