Hai nội dung đầu tiên và được đề cập công khai trong nghị trình chuyến thăm Phnom Penh của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn từ 19 – 20/01/2022 là Việt Nam muốn cùng phía Campuchia tăng cường phối hợp, tích cực triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đối với công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia và vấn đề kiều dân. Theo đó, tổ chức thực hiện hiệu quả hai văn kiện pháp lý ký năm 2019 và tổ chức quản lý tốt khoảng 84% đã hoàn thành phân giới cắm mốc ; tiếp tục tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc 16% còn lại. Các Ngoại trưởng cũng cần tiếp tục phối hợp để giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt ở Campuchia, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh khác trên tinh thần hữu nghị và hợp tác [1].
Reuters
Động hướng ngoại giao khác nhau
Hai vấn đề gai góc nói trên – phân định cắm mốc biên giới và giải quyết giấy tờ pháp lý cho hàng triệu người Việt ở Campuchia – chắc chắn không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Muốn đạt được kết quả cụ thể phải dựa vào nền tảng tương lai của mối quan hệ song phương. Mối quan hệ này tuy là đồng minh "ruột" một thời trong các cuộc kháng chiến và trong quá trình đánh đuổi Khmer đỏ, nhưng hai nước Việt Nam, Campuchia giờ đây đã/đang có những "động hướng ngoại giao" mới, (diplomatic orientations) khác nhau. 2021 vừa qua là năm những "động hướng" lớn ấy đã bộc lộ các rạn nứt nguy hiểm cho cả hai. Vì vậy, dưới cờ hiệu kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, từ đầu chúng ta đã chứng kiến sự khởi động từ phía Việt Nam. Nhưng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cuối năm ngoái đã không mang lại một sự đột phá ngoạn mục nào [2].
Năm kết quả từ chuyến thăm nguyên thủ ấy được Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đúc kết (ông Dũng là đoàn viên trong đoàn, người vừa trở thành tân Đại sứ Việt Nam ở Mỹ). Nhưng đúc kết này không phản ánh được tính bước ngoặt trong quan hệ tay đôi. Từng là "đồng minh ruột", lại cũng từng là "huynh đệ tương tàn" - Brother Enemy (*), quan hệ hai nước trong lịch sử cũng như hiện nay luôn là một biến số của một "hàm phức hợp" Việt – Miên – Lào – Trung Quốc. Theo đó, không chỉ quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia mà ngay cả quan hệ Việt Nam – Lào cũng tùy thuộc vào "người lĩnh xướng" không lồ ngồi ở Trung Nam Hải. Nhưng vì đều là những quốc gia theo chính thể toàn trị, phi-tự do nên không chỉ người dân, mà ngay cả các nhà lập pháp ở mỗi nước, cũng không được quyền tiếp cận các thông tin gần với sự thật.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia đã nhanh chóng nêu lên năm ý nghĩa trong chuyến thăm Phnom Penh hai ngày của Ngoại trưởng Sơn vừa kết thúc. Vẫn là một loại ngôn ngữ ngoại giao "trơn tuột", không để lại bất cứ điểm quy chiếu nào rõ rệt để có thể đánh giá thực trạng của mối quan hệ giờ đây có thể khái quát là "bằng mặt mà không bằng lòng" ấy [3]. Chính những "động hướng ngoại giao" khác nhau phục vụ cho các lợi ích quốc gia – dân tộc khác nhau đã để lộ những rạn nứt không thể che giấu. Cuộc họp "mini thượng đỉnh" giữa ba ông Nguyễn Phú Trọng, Thongloun Sisoulith và Hun Sen tại Hà Nội ngày 26/9/2021 là một chỉ dấu của sự vênh nhau ấy. Hẳn từ lâu, Việt Nam đã thấu cảm được một thực tế bất thường khác. Lào và Campuchia đã/đang áp dụng rất tốt bài học "đu dây" của Hà Nội. Chỉ khác nhau ở chỗ trong khi Việt Nam "đu" giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Lào/Campuchia lại "đu" giữa Trung Quốc và Việt Nam [4].
Rõ ràng, "hai ông em" của Hà Nội đang bị thu hút từ từ vào quỹ đạo ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Lào và Campuchia đã trở thành những thỏi nam châm cực mạnh hút vốn và doanh nhân Trung Quốc ở các mức độ khác nhau. Chính giới doanh nhân này đã thiết lập mối quan hệ gắn bó với giới tinh hoa cầm quyền tương ứng của hai nước. Điều này đã được thể hiện rõ ràng bởi mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, vốn đã dành cho Campuchia và Lào những khoản tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng "không ràng buộc". Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Việt Nam bất lực nhìn sự bành trướng… của Trung Quốc ở hai nước vốn là sân sau của mình. Nguy hiểm hơn, các căn cứ quân sự và hải quân của Bắc Kinh ở Campuchia cũng như tuyến quan trọng của BRI trên đất Lào giống như hai con dao găm đang chọc sườn Việt Nam [5].
Lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào Campuchia gặp nhau ở Hà Nội hôm 26/09/2021 : (từ trái qua) Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. VNA
Những "cái bẫy" nguy hiểm trước mắt
Hai nội dung quan trọng khác được dàn trải trong thông cáo báo chí. Đó là sự ủng hộ của Việt Nam đối với Campuchia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar. Đổi lại, Campuchia sẽ có cách tiếp cận như thế nào đối với vấn đề Biển Đông trong năm nay là mối quan tâm sát sườn của Việt Nam, nhưng thông cáo báo chí lại không nói rõ. Không biết Việt Nam chia sẻ ở mức độ nào đối với những thất bại ê chề của Hun Sen trong chuyến thăm hai ngày 7 – 8/01 ở Myanmar, riêng các nước ASEAN "hải đảo" đã có những phản ứng tẩy chay cuộc họp hẹp giữa các Ngoại trưởng ASEAN được dừ trù từ 18 – 19/01 vừa qua. Đây thực tế cũng là điểm nhậy cảm của Việt Nam, tuy Hà Nội ít khi công khai bày tỏ thái độ, sau thất bại được cho là Việt Nam đã "theo voi hít bã mía" ở Liên Hợp Quốc năm tháng 3/2021. Việt Nam và ba nước khác đã "thành công" trong việc không để Liên Hiệp Quốc chỉ trích nặng Myanmar [6].
Việt Nam có một lập trường khá lạ lẫm trong vấn đề Myanmar. Công luận có thể đánh giá đó là một thái độ "nước đôi" không đàng hoàng. Việt Nam từng bị chỉ trích trước đó khi ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết trên Twitter : "Người dân của Myanmar nên biết rằng, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể hành động liên quan đến cuộc đảo chính quân sự của Myanmar, thì đó là do những kẻ xấu (villain) ngăn chặn Liên Hiệp Quốc đưa ra bất kỳ hành động nào : Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam". Tuy nhiên, ở trong nước, báo Công an Nhân dân lại có bài cảnh báo không để lực lượng vũ trang "phản bội Đảng", bảo vệ quyền lợi của "giai cấp tư sản" nhân các sự kiện ở Myanmar. Trong nội bộ khối, Việt Nam không dám ủng hộ, nhưng cũng không ra mặt tố cáo nhóm đảo chính quân phiệt. Có thể là do nể Trung Quốc.
Biển Đông là vấn đề hết sức nan giải đối với cả Campuchia lẫn Việt Nam trong năm nay. Lợi dụng chiếc ghế Chủ tịch luân phiên, Hun Sen có thể giở lại bổn cũ để phục vụ Trung Quốc, ngăn không cho đưa nội dung Biển Đông, hay phê phán chính sách bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc vào Tuyên bố. Cấp cao ASEAN lại sẽ tiếp tục thất bại giống như các năm 2012 và 2016. Nếu Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn vừa qua đã nói chuyện "phải quấy" được với phía Campuchia để Hun Sen không lặp lại tình huống các năm trước, thì phải nói, ngoại giao Việt Nam thành công mỹ mãn. Trong trường hợp ấy, những rạn nứt trong năm ngoái của quan hệ Việt Nam – Campuchia coi như được khắc phục. Ngược lại, thì bài học Campuchia "thoát Việt" là nhỡn tiền. Quan hệ song phương hai nước rõ ràng đáng trước thách thức ghê gớm trong năm nay [7].
Cuối cùng, một "cái bẫy" không lồ khác đã được Trung Quốc giương lên cho cả Việt Nam lẫn Campuchia. Tuy nhiên, chúng ta không có một mẩu thông tin chính thức nào về việc hai "đàn em" của Trung Quốc liệu có bàn thảo với nhau phối hợp phương thức hành động để chiều lòng Bắc Kinh. Đó là hai nước phản ứng như thế nào đối với đề nghị của Trung Quốc hãy thiết lập các mối quan hệ đối tác "cộng đồng vận mệnh chung". Đối với Campuchia thì mẫu số chung với Trung Quốc là an ninh và thịnh vượng của mỗi nước cũng như của toàn khu vực. Đối với Việt Nam và Lào thì mục tiêu là để bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới. Trong dịp lãnh đạo Việt – Trung trao đổi điện mừng nhân 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc vẫn không ngừng nhắc lại mục tiêu chiến lược này, Việt Nam thì tiếp tục đánh bài tảng lờ.
Gia Cát Tường
Nguồn : RFA, 22/01/2022
Tham khảo :
(*) "Huynh đệ tương tàn" là cuốn sách nổi tiếng của Nayan Chanda viết về Chiến Tranh Đông Dương lần 3 (China-Vietnam-Kambodia). Mọi sự kiện đều rất khách quan, vì được tác giả Chanda người Ấn Độ, một nước luôn được coi là bạn của Việt Nam qua mọi thời kỳ, viết và tường thuật hết sức trung thực về những gì ông được chứng kiến trong thời gian này ở Đông Dương.
4. https://www.voatiengviet.com/a/viet-mien-lao-than-thieng-nho-bo-ha/6253283.html