Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/02/2022

Khủng hoảng Ukraine-Nga sắp ngã ngũ ?

Thụy My-Anh Vũ-Thu Hằng

Ukraine : Putin cáo buộc Mỹ lôi kéo Nga tham chiến, nhưng để ngỏ cho đối thoại

Thụy My, RFI, 02/02/2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 01/02/2022 cáo buộc phương Tây cố tình tạo ra một kịch bản để lôi kéo Moskva tham chiến, và làm ngơ trước quan ngại an ninh của Nga về Ukraine. Tuy nhiên ông vẫn để ngỏ cho giải pháp ngoại giao.

khunghoang1

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Hungary Viktor Orban sau cuộc hội đàm tại điện Kremlin ở Moskva, Nga ngày 01/02/2022.  AP - Yuri Kochetkov

Reuters cho biết, trong tuyên bố đầu tiên về cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ sáu tuần qua, Putin tỏ ra thách thức. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Hungary Viktor Orban, một trong nhiều lãnh đạo các nước NATO cố gắng can thiệp, Putin khẳng định "những quan ngại căn bản của Nga đã bị phớt lờ". Ông nêu ra khả năng Ukraine được gia nhập NATO và sau đó toan chiếm lại Crimea - lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập năm 2014.

Vladimir Putin tố cáo Mỹ sử dụng Ukraine như một công cụ để khống chế Nga, tuy nhiên ông cũng mở đường cho đối thoại. Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :

Nước Mỹ đã nói không, khi trả lời về các đòi hỏi bảo đảm an ninh của Nga và trong cách ứng xử của mình. Lá thư của Washington đang được Moskva nghiên cứu, nhưng ông Vladimir Putin đã có ý kiến, đại ý là "người Mỹ làm ngơ trước mối quan ngại của chúng tôi, dùng Ukraine làm công cụ để dẫn dắt chúng tôi vào một cuộc xung đột vũ trang".

Kết luận cuối cùng chưa được đưa ra, tuy nhiên Vladimir Putin hoàn toàn để ngỏ cho đối thoại : không có tối hậu thư, ngược lại, tiến trình ngoại giao vẫn tiếp tục. Tổng thống Nga "hy vọng có được một giải pháp, cho dù điều này không dễ dàng", thậm chí còn nêu ra việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Nga.

Bên cạnh Putin là thủ tướng Hungary – do Covid nên ngồi cách xa – đã tận hưởng ly sâm banh và khoan khoái với lời cảnh cáo của Putin như để châm chích Châu Âu vì đã chỉ trích chuyến đi của ông ta vào lúc đang có khủng hoảng giữa phương Tây với Nga. Vladimir Putin tuyên bố : "Khí đốt giao cho Châu Âu đã giảm khoảng 40%, sang năm các đối tác Châu Âu của chúng tôi hẳn là sẽ gặp khó khăn. Nhưng Hungary thì không". 

Hoa Kỳ, Anh, Ba Lan tích cực ủng hộ Ukraine

Theo Bloomberg, Hoa Kỳ nói rằng sẵn sàng thảo luận với điện Kremlin về phương cách kiểm tra sự hiện diện các hỏa tiễn hành trình Tomahawk tại các căn cứ NATO ở Rumani và Ba Lan, nếu Nga cũng chia sẻ những thông tin tương tự về một số căn cứ Nga. Trong nỗ lực bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine, Washington đã cổ vũ tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro hủy bỏ chuyến thăm Nga. Còn thủ tướng Ukraine đã ký sắc lệnh gia tăng 100.000 quân trong vòng ba năm, nhưng "không phải vì sắp có chiến tranh" mà cho hòa bình trong tương lai, theo ông.

Hôm qua, thủ tướng Anh Boris Johnson gặp đồng nhiệm Ukraine, Volodymyr Zelensky tại Kiev, tố cáo Putin "dí súng vào thái dương Ukraine" để đòi hỏi thay đổi cấu trúc an ninh Châu Âu, cảnh báo nếu Nga xâm lăng Ukraine sẽ dẫn đến thảm họa quân sự và nhân đạo. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng đang thăm Kiev, tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí và khí đốt cho Ukraine, đồng thời viện trợ nhân đạo và kinh tế. Ông Morawiecki nói : "Sống bên cạnh một láng giềng như Nga, chúng tôi có cảm giác như sống dưới chân núi lửa".

Thụy My

***********************

Ukraine : Sách lược cứng răn của Nga giúp NATO tìm lại sức sống mới

Anh Vũ, RFI, 02/02/2022

Đang trong khủng hoảng tổ chức, bất hòa nội bộ liên tiếp và vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước thất bại ở Afghanistan, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất ngờ được đặt trở lại trung tâm của cuộc tranh giành địa chính trị quốc tế : đối mặt với nước Nga của tổng thống Vladimir Putin. NATO đang trong mối lo tồn tại hay không tồn tại giờ như tìm lại sinh khí mới cho cuộc đọ sức mới.

khunghoang2

Cờ NATO trong cuộc tập trận quân sự Mũi tên Bạc ở Adazi, Latvia ngày 05/10/2019.  Reuters - INTS Kalnins

Là một tổ chức liên minh quân sự của phương Tây ra đời từ cách nay hơn 70 năm với mục tiêu chủ yếu bảo vệ an ninh cho phần Tây Âu trước mối đe dọa của khối Xô Viết, NATO đã tưởng như đã hết sứ mệnh sau khi Liên Xô sụp đổ cùng sự tan rã của tổ chức Hiệp Ước Vacxava đầu thập kỷ 1990. Tuy nhiên, Liên Minh quân sự phương Tây vẫn còn thể hiện được vai trò của mình trong một số chiến dịch quân sự sau đó ở Nam Tư cũ, Trung Cận Đông.

Thất bại lớn nhất của NATO là trên chiến trường Afghanistan đã làm lung lay hệ thống của Liên Minh. Trên thực tế, từ 2017 đến 2020 đã đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất của khối với những tranh cãi, lủng củng nội bộ, đòi hỏi các thành viên chia sẻ gánh nặng đóng góp tài chính. NATO đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump coi là một tổ chức "lỗi thời", dọa bỏ rơi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đánh giá là đang "chết não" đồng thời kêu gọi Châu Âu hiệp lực tìm con đường tự chủ quốc phòng riêng.

Cùng lúc, Liên Minh lại phải đau đầu đối phó với thành viên ngỗ ngược Thổ Nhĩ Kỳ, một mực mua sắm tên lửa S 400 của Nga hay đơn phương hành động theo tính toán lợi ích riêng trên mặt trận Syria, gây căng thẳng với Hy Lạp trong tranh chấp chủ quyền trên Địa Trung Hải. Có thể nói liên minh quân sự của phương Tây rơi vào tình trạng chia rẽ và mất phương hướng chưa từng có kể từ khi thành lập năm 1949. Thế nhưng thời thế đã bất ngờ thay đổi khi mối đe dọa của nước Nga trở nên cụ thể và có thực. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô cũ có nhiều hiềm khích thâm thù với Nga này manh nha ý đồ gia nhập NATO. Tổng thống Vladimir Putin không bao giờ chấp nhận liên minh quân sự phương Tây mở rộng ảnh hưởng đến sát sườn nước Nga.

Một cuộc đọ sức giữa Nga và NATO đã mở ra với mức độ căng thẳng leo thang dần những tuần qua. Mọi nỗ lực ngoại giao, đối thoại đều không có kết quả. Tổng thư ký Liên Minh, Jens Stoltenberg đã nhìn nhận nguy cơ một cuộc xung đột quân sự tại Châu Âu giờ là có thực. Kremlin khăng khăng đòi NATO phải lùi lại đến đường biên giới cũ của năm 1997 và từ bỏ ý đồ kết nạp thêm bất kỳ thành viên là các nước Đông Âu. Thế nhưng, gây áp lực quân sự ở biên giới Ukraine, Nga đã đánh thức NATO trong vai trò của một liên minh quân sự bảo vệ lợi ích của phương Tây. Vốn dĩ vẫn chia rẽ trong cách ứng xử với Nga, lần này các nước phương Tây có vẻ tương đối đoàn kết để đối phó với Vladimir Putin. Một loạt các nước cùng Mỹ thông báo sẵn sàng điều quân đến các nước đồng minh ở phía Đông Âu. Một số nước như Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, liên tiếp hứa bán vũ khí cho Ukraine.

Liên Minh bắc Đại Tây Dương bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp, hối hả với các hoạt động đối phó với những đe dọa của Nga đối với Ukraine. Ở khía cạnh khác, những đe dọa của Nga nhắm vào Ukraine đã làm dấy lên các cuộc tranh luận gia nhập NATO tại Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia đã ra khỏi quy chế trung lập từ năm 1995 để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Mục tiêu của tổng thống Nga Vladimir Putin dường như là bằng mọi giá không để NATO mở rộng vùng ảnh hưởng đến sát sườn nước Nga, đó là lẽ tự nhiên, nhưng cách hành động của ông có thể gây hiệu ứng ngược. Viện đến sức mạnh quân sự, vô hình chung tổng thống Nga đã làm cho NATO trở nên gắn kết hơn trước đe dọa, cho dù sự đoàn kết trong Liên Minh lúc này cũng chỉ là hình thức và mang tính tình thế.

Giới quan sát nhận thấy rõ một điều : Nếu như tổng thống Putin không đe dọa Ukraine, không đưa ra những đòi hỏi mang tính áp đặt về vùng ảnh hưởng riêng cho nước Nga thì NATO sẽ còn mất phương hướng, chia rẽ và nguy cơ tan rã không phải là không thể. Thay vì làm suy yếu và chia rẽ NATO thì chiến lược của Kremlin hiện nay đã đánh thức Liên Minh quân sự của phương Tây trở lại với lý do tồn tại ban đầu.

Anh Vũ

***********************

Khủng hoảng Ukraine : Blinken đề nghị Lavrov "giảm căng thẳng ngay lập tức"

Thu Hằng, RFI, 02/02/2022

Cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn bế tắc. Nga và Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh của Mỹ tiếp tục gây sức ép quân sự để giữ thế mạnh trong các cuộc đàm phán. Trả lời đài France 2 ngày 02/02/2022, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian xác nhận "mọi yếu tố đã hội tụ đủ để Nga can thiệp vào Ukraine" và mối nguy hiểm "rất rõ và tức thì". Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ và Nga nối lại điện đàm ngày 01/02 về tình hình Ukraine nhưng không có tiến triển rõ rệt.

khunghoang3

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2022. Reuters - Pool

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tường trình :

"Đây là lần đầu tiên hai ngoại trưởng nối lại đối thoại kể từ khi Mỹ trả lời Nga bằng văn bản và không chấp nhận những yêu cầu về bảo đảm an ninh mà Moskva đưa ra.

Ông Antony Blinken tiếp tục đề nghị Nga xuống thang ngay lập tức và rút quân khỏi biên giới với Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại rằng một cuộc xâm lược Ukraine do Nga tiến hành sẽ kéo theo những hậu quả tức thì và nghiêm khắc cho Moskva. Ông Blinken đề nghị Nga chọn con đường ngoại giao.

Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên giọng điệu và kết quả thì cũng thế. Theo một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, ông Serguei Lavrov không đưa ra "bất kỳ dấu hiệu nào" tỏ thiện chí giảm căng thẳng ngay lập tức từ phía Nga.

Vẫn theo quan chức trên, bước tiếp theo sẽ là Nga trao cho Mỹ, nhưng chưa có ngày cụ thể, "câu trả lời chính thức", được tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn, về văn bản mà Washington trả lời Moskva vào tuần trước.

Trong văn bản đó, Mỹ cũng đề xuất đàm phán về việc kiểm soát vũ khí. Chính vì điều này mà ngoại trưởng Nga nói rằng đồng nhiệm Mỹ thừa nhận là có những lý do để thảo luận về những quan ngại của Nga trong vấn đề an ninh. Đúng là việc trao đổi thông tin giữa hai bên không thực sự tiến triển nhưng cũng không bị cắt đứt".

Các thành viên NATO ủng hộ Kiev

Theo AFP, ngoài Hoa Kỳ, lãnh đạo nhiều nước thành viên NATO cũng tỏ ra năng động để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm ngày 01/02 với ông Putin, thủ tướng Ý Mario Draghi đã yêu cầu nguyên thủ Nga "giảm căng thẳng". Cùng ngày, tại Kiev, thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Moskva "lùi bước và chọn con đường ngoại giao", đồng thời cảnh báo "một thảm họa cho cả Nga và cả thế giới" nếu Moskva can thiệp quân sự vào Ukraine. Anh và Ba Lan đề xuất hỗ trợ Ukraine.

Về phần thủ tướng Hungary Victor Orban, trong chuyến thăm Moskva ngày 01/02, cho rằng phương Tây và Nga có thể khỏa lấp "những bất đồng" trong vấn đề Ukraine và một thỏa thuận "chấp nhận được" cho các bên là "điều có thể".

Theo dự kiến, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thăm Ukraine ngày 03/01. Ông Recep Tayyip Erdogan hy vọng sử dụng mối quan hệ để tác động đến đồng nhiệm Nga vì một cuộc xung đột Nga-Ukraine và NATO cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cơ may tái đắc cử của ông.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Anh Vũ, Thu Hằng
Read 346 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)