Giải pháp ngoại giao về vấn đề Ukraine giữa Mỹ và Nga gần như đã sa lầy sau phản hồi chính thức ngày 26/01/2022 từ phía Mỹ bằng văn bản về những đòi hỏi của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như thích để đối thủ và đồng minh phải suy đoán
Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn năm 2008, khi Nga tiến quân vào Georgia. Nga đã thành công trong việc từ chối mọi thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu (EU), coi các nước Châu Âu không bằng vai phải lứa, mà chỉ nói chuyện với Mỹ.
Theo Reuters, hôm 26/01, tại Hạ Viện Nga, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga hoàn toàn không có ý định thảo luận về tình hình Ukraine và an ninh của nước Nga với Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Điều này không gây bất ngờ. Vì ngay từ buổi hội đàm đầu tiên tại Geneva, cả Nga và Mỹ đều tỏ ra nghi ngờ bên này hay bên kia chịu lùi bước trước các đòi hỏi cũng như trách nhiệm phổ quát mà hai bên theo đuổi.
Cuộc chiến đánh Ukraine, nếu được phát động tuy thế sẽ đem lại nhiều rủi ro cho Putin, nhưng đấy là chủ đề của một câu chuyện khác. Ở đây, tôi muốn điểm qua các vấn đề lịch sử và đánh giá vì sao Phương Tây rất e ngại bị cuốn vào chiến tranh với Nga.
Về quan điểm ngoại giao, Phương Tây cho rằng Ukraine có quyền xin vào NATO, tuân thủ một nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến Chương Paris, đó là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể lựa chọn liên minh cho mình.
Hiến chương Paris thông qua tại Paris (11/1990), dựa trên nền tảng Hiệp ước Helsinki về an ninh Châu Âu. Đây là nền tảng cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Song trớ trêu là Hoa Kỳ, Liên Xô (khi đó) và Canada đều không ký đồng thuận về cam kết này.
Về điểm này, nước Nga, kế thừa Liên Xô, phản đối tính chất không thể tách rời về an ninh : An ninh của nước này không thể được thực hiện mà gây bất lợi cho an ninh của nước khác. Đó có hai nguyên tắc cơ bản không tương thích, cho đến lúc này chưa được giải quyết.
Để Ukraine vào NATO là Nga bị đe dọa an ninh, theo Kremlin, và đây là lằn ranh đỏ ông Putin không cho phép Phương Tây bước qua.
Tổng thống Putin và vấn đề lịch sử Nga-Ukraine
Các vấn đề hiện nay chỉ là biểu hiện của hai ba lớp chủ đề có trong lịch sử gần, và xa xưa.
Theo cách nhìn từ Kremlin, khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Liên Xô chấp nhận cho hai nước Đức thống nhất, đổi lại lời hứa của Hoa Kỳ là NATO "không mở rộng sang phía đông". Phía Mỹ nói họ không hề hứa như vậy.
Bây giờ, Moscow không chỉ muốn Phương Tây phải đảm bảo Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Liên minh quân sự NATO, mà NATO còn phải rút quân khỏi Bulgaria và Romania, hai nước mà Kremlin cho là thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của mình.
Chưa kể, theo tổng thống Putin, một Ukraine đi theo tư tưởng của phương Tây sẽ tạo nên chuỗi phản ứng domino tới các quốc gia đang chịu sự ảnh hưởng của Moscow.
Ukraine có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Nga. Nhà nước Rus Kyiv (Nga Kyiv) là của tộc người Slav phía đông (862-1240) được thành lập bởi vị vương Oleg của triều đại Rurik (Rurik of Ladoga) khi dời đô từ Novgorod tới Kyiv (Kiev) trong khoảng 882.
Hoàng thân Vladimir Krasno Mặt Trời Đỏ huyền thoại của Công quốc Nga Kyiv là hình tượng trong sử thi Nga. Mỗi lần đi qua điện Kremlin, chắc hẳn ông Putin thấy cay đắng khi nhìn thấy bức tượng hoàng tử huyền thoại này được dựng năm 2016. Hoàng thân Vladimir cũng là người đã đưa dân Nga vào đại gia đình Chính thống giáo năm 988, tạo ra bản sắc Nga.
Chính thống giáo cũng là giáo hội của Đại công quốc Moscow, sau này là Đế chế Sa hoàng, và vẫn tồn tại ở Nga, Ukraine, Belarus thời Liên Xô, tới bây giờ là quốc đạo của Liên bang Nga. Nhưng gần đây, giáo hội Ukraine đã tách ra.
Giữa hai vùng đất Nga Kyiv và Nga Moscow có một sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo không kể sự pha trộn sắc tộc trong ba thế kỷ. Hai công quốc Slav đã nhập làm một năm 1654, trước cả khi Hoa Kỳ ra đời. Đến nay, một ước tính trên báo Pháp nói có tới 1/3 người Ukraine có gia đình ở Nga.
Crimea bên bờ Hắc Hải
Tuy thế, hai nước Nga và Ukraine thời nay đã có tranh chấp quanh vùng Biển Đen, cụ thể là Crimea.
Đế quốc Nga giành được bán đảo Crimea với diện tích 26.945 km2, từ tay Đế chế Ottoman (1299-1922) sau chiến tranh Nga-Thổ (1768-1774).
Ukraine và Crimea có rất nhiều ý nghĩa với đế quốc Nga. Kyiv là một trong ba thành phố quan trọng nhất của Nga sau Moscow, St.Petersburg.
Nữ hoàng Nga, Catherine Đại đế (người gốc Đức) đặt nền móng cho thành phố Sebastopol, trên bán đảo Crimea vào năm 1783 trong công cuộc bành trướng xuống phía Nam.
Năm 1783, bà tuyên bố "từ bây giờ cho đến mãi mãi, mảnh đất này sẽ là của nước Nga".
Tuyên bố của Catherine Đại đế thậm chí được ghi trong Hiệp định Jassy ký với triều đình Ottoman ngày 6/1/1792, tuyên bố chủ quyền nước Nga không chỉ ở bán đảo Crimea mà còn nối dài theo bờ biển đến tận sông Dnepr.
Ngoài giá trị là thương cảng quan trọng, đây còn là nơi đồn trú của Hạm đội Nga Hoàng và là cảng nước sâu của Hải quân Liên Xô và Hạm đội Biển Đen.
Nước Nga bị mùa đông khắc nghiệt bao vây nên các cửa biển ấm, không đóng băng là tối quan trọng, như huyết mạch của họ.
Nga đã từng bị Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh gây chiến hòng chiếm đoạt Crimea, cửa ngõ kiểm soát Biển Đen của đế quốc Nga hoàng.
Đức quốc xã cũng phải trả giá nặng nề, sau 250 ngày công phá, mãi đến tháng 6 năm 1942 mới chiếm được quân cảng Sebastopol.
Do đó việc Ukraine vào NATO đang khơi dậy những hồi ức về các mối đe dọa đến từ sườn phía Tây trong quá khứ, theo góc nhìn từ Moscow.
Châu Âu chia rẽ, Mỹ chần chừ
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga còn yếu và vẫn muốn tham gia vào một tiến trình hợp tác với phương Tây. Nhưng việc tiếp nhận gần như tất cả các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ vào EU, và nhất là vào NATO, khiến Nga có mặc cảm bị chèn ép, bắt nạt. Chính giới Nga đã tố cáo phương Tây là "bội ước" và lợi dụng một nước Nga kiệt quệ để bành trướng. Các nước Đông Âu, Baltic hiển nhiên bác bỏ cách nhìn "đại Nga" của Kremlin.
Tuy nhiên, theo một số đánh giá tại Pháp, việc hạ nhục nước Nga trong mắt các kẻ thù và đồng minh của nước Nga giống như đánh thức con gấu đang ngủ đông. Và ngay tại EU, quan điểm trong giới lãnh đạo dân sự, quân sự lộ ra bất đồng, dẫn đến hệ lụy gần đây nhất là nước Đức đã mất một tư lệnh Hải quân. Đó là tướng Kay-Achim Heino Schönbach đã từ chức hôm 22/1/2022, sau khi nói rằng Tổng thống Putin đáng ra nên được tôn trọng, và Ukraine sẽ không bao giờ giành lại được Crimea.
"Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht miễn nhiệm tôi ngay lập tức", Reuters dẫn lời Phó đô đốc Kay-Achim Schönbach cho biết trong tuyên bố ngày 22/1. "Bộ trưởng đã chấp nhận yêu cầu của tôi".
Ông Schönbach đã đưa ra nhận xét cá nhân vào hôm 21/1, vào thời điểm nhạy cảm khi Nga đang điều quân ở biên giới Ukraine.
Ta cần hiểu Đức từ sau Thế Chiến II và bài học chia cắt đất nước (Đông Đức do Liên Xô kiểm soát) vẫn còn nhức nhối nên dù sao đi nữa phải giữ thái độ e dè với đối tác Nga. Nhưng tình trạng khối quân sự NATO hiện nay cũng không ổn. NATO được Tổng thống Pháp Macron mô tả như 'liệt não', kẻ sẽ không biết phải làm gì nếu có một cuộc chiến tranh quy ước ở Châu Âu.
Pháp là nước duy nhất trong EU có bộ binh mạnh, máy bay chiến đấu hiện đại đủ so sánh với các chiến đấu cơ Nga, có hàng không mẫu hạm và vũ khí hạt nhân. Nhưng nói tổng thống Macron sẽ phát động một cuộc chiến tranh bảo vệ Ukraine một khi quân Nga tràn qua biên giới nước này là điều không tưởng. Mặc dù là Chủ tịch luân phiên EU năm nay, song chỉ còn ba tháng nữa Pháp sẽ có bầu cử tổng thống nên gần như không có hy vọng tổng thống Pháp bật đèn xanh cho một cuộc can thiệp quân sự.
Thậm chí, nếu có chiến tranh ở Ukraine, thì quân đội Pháp không sẵn sàng kể cả khi tổng thống Macron muốn điều động. Nhiều chuyên gia quân sự Pháp đánh giá nước họ chỉ có dàn lính kiểng (nguyên văn 'Armée bonsaï'- quân đội cây kiểng) gồm 89 nghìn quân, trong đó chỉ có thể điều động được khoảng 15.000 lục quân, vài nghìn thiết giáp và chiến xa. Lực lượng Pháp thiện chiến nhất lại đang mắc kẹt ở vùng Sahel, Châu Phi. So với quân Nga với cơ số lính chiến đấu tới 120 nghìn ở sẵn biên giới Ukraine, cùng với các vũ khí tấn công vừa qua thử thách, cải tiến ở Syria, thì Pháp không phải là địch thủ.
Về thời gian và thời tiết, từ nay cho đến tháng ba, mặt đất băng giá vững chắc của vùng bình nguyên Ukraine đảm bảo cho Nga triển khai tốt xe tăng, thiết giáp và khí tài hạng nặng, chưa kể máy bay đổ bộ và trực thăng vũ trang hiện đại của Nga. Người ta nói về khả năng quân Ukraine "du kích chiến" chống Nga, nhưng đó là câu chuyện sau khi Nga đã thắng cuộc tấn công ban đầu.
Tóm lại, vào lúc này, Putin đang có tới lợi thế về sức mạnh để áp đặt làn ranh đỏ, củng cố vị thế nước Nga trên bàn cờ an ninh Châu Âu.
Thụ động lâu rồi nên khó dám giao chiến ?
Nhìn từ bên ngoài, hẳn Nga thấy trong quá khứ, EU và Hoa Kỳ đều đã bất lực trước việc Nga sử dụng vũ lực tại Georgia (Gruzia), Chechnya và trong vụ sáp nhập Crimea.
Kyiv mất một phần vùng Donbass mà các cường quốc trơ mắt nhìn, các biện pháp trừng phạt đều không ngăn chặn được tham vọng giành lại ảnh hưởng địa chính trị của Nga.
Các nước cựu cộng sản trong Liên bang Xô viết cũ khi có biến động chính trị hoặc chiến tranh đều quay về phía Nga xin giúp đỡ. Armenia và Azerbaijan nhờ Nga làm trọng tài sau cuộc chiến kéo dài 6 tuần năm 2020 trên khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hoặc Belarus, Kyrgyzstan và mới nhất là Kazakhstan "khi có biến" đều van nài sự trợ giúp của Nga.
Tuy thế tình hình giằng co hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi.
Liệu Tổng thống Putin có đi nước cờ phiêu lưu là khởi động một cuộc chiến tranh quy ước tấn công người anh em láng giềng Ukraine để thu hồi vùng đất vốn gắn kết với Đế chế Nga từ 336 năm trước ?
Việc Mỹ, Anh sơ tán một phần nhân viên sứ quán tại Ukraine có gióng hồi chuông lo ngại ngọn lửa chiến tranh đang bén lửa nhằm tránh một cuộc di tản tồi tệ như tại Afghanistan ? Anh còn trong NATO và giúp Ukraine về vũ khí, nhưng Anh không còn trong EU thì làm sao thuyết phục Pháp, Đức, Đông Âu xây dựng một chiến lược chung đối phó với Nga ? Các can thiệp thường là sau khi "sự đã rồi".
Năm 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp trong vai trò trung gian hòa giải đã cứu quân đội Georgia không bị xóa sổ. Trong vòng 12 ngày, với sức mạnh hải lục không quân, Nga đã đè bẹp sức chiến đấu của đội quân nước 'anh em đồng đạo Chính thống giáo' ven bờ Biển Đen từng được Hoa Kỳ trang bị và huấn luyện. Kết cục là sau cuộc chiến, Tbilisi mất Nam Ossetia, Abkhazia.
Tôi nhớ khi đó Tổng thống Mỹ George Bush và giới lãnh đạo phương Tây chỉ còn biết chỉ trích phản ứng quá mạnh tay của Nga, mà không hề gửi quân giúp Georgia. Phải chăng đây đã là tiền lệ việc Mỹ chọc giận một cựu thủ lĩnh "đầu gấu" như nước Nga mà tổng thống đương nhiệm Joe Biden lãng quên ?
Nước Mỹ vừa có trải nghiệm cay đắng ở Afganistan : Hai mươi năm gây dựng và đổ máu chỉ để lại hình ảnh cuộc rút chạy hỗn loạn. Cộng với đại dịch Covid 19, lạm pháp tăng phi mã, nước Mỹ của vị tổng thống già nua có lẽ chưa sẵn sàng cho một phiêu lưu đầy rủi ro mới.
Điều quan trọng nhất là liệu dân Mỹ có thiết tha chiến đấu vì tổng thống, cựu diễn viên tấu hài Volodymyr Zelensky của Ukraine ?
Việc cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko một biểu tượng chống Nga quyết liệt trong thời gian cầm quyền trước đây đang bị tòa án Ukraine khép vào cáo trạng phản bội tổ quốc khắc họa một bức tranh đầy mâu thuẫn trong nội bộ chính trị quốc gia trên 50 triệu dân nhưng chưa đồng nhất cả hướng đi.
Vậy thì ai ở phương Tây sẵn sàng chết cho Ukraine, Poroshenko hay Zelensky ? Nhìn cả Pháp và Châu Âu những tuần qua, tôi chưa thấy ai.
Phạm Cao Phong (Paris)
Nguồn : BBC, 30/01/2022