Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2022

Những dấu hỏi về sự dấn thân của Thiền sư Nhất Hạnh

Nguyễn Quốc Khải - Bùi Văn Phú - Thanh Ngọc - Võ Văn Quản

Thiền sư Nhất Hạnh : công và tội với dân tộc

Nguyễn Quốc Khải, 01/02/2022

Trong vài tuần nay khá nhiều góp ý về Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể từ khi ông qua đời vào ngày 22/1/2022. Một cách tổng quát, có hai ý kiến trái ngược nhau ca ngợi và chỉ trích mãnh liệt. Xét cho cùng hai bên đều có thể đúng. Một bên ca ngợi ông về mặt triết lý của cuộc sống và mục tiêu là mưu cầu hạnh phúc, đặc biệt là phương pháp thiền của ông giúp con người sống an nhiên tự tại. Một bên phê phán ông Nhất Hạnh về mặt chính trị dựa trên tinh thần quốc gia dân tộc.

nhathanh1

Một đời viết sách

Tính đến 1/2019 ông Nhất Hạnh đã xuất bản trên 130 cuốn sách, bao gồm trên 100 cuốn bằng Anh ngữ và bán được trên năm triệu cuốn trên thế giới. Sách của ông được dịch ra trên hơn 40 ngôn ngữ và viết về những đề tài như hướng dẫn về tâm linh, Phật điển (Buddhist texts), lời dậy về tỉnh thức (mindfulness), thơ và truyện, và những bài tiểu luận về thiền học.

Ông Nhất Hạnh viết khá nhiều về cuộc sống, giúp ích cho mọi gia đình, mọi tôn giáo. The Art of Mindfulness (Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức) bán được 200.000 cuốn chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Giám đốc Ngân Hàng Thế Giới Jim Jong Kim gọi cuốn sách Phép Mầu của Chánh Niệm (Miracle of Mindfulness) là cuốn sách ưa thích nhất của ông. Ngoài ra ông Nhất Hạnh còn có nhiều sách nổi tiếng khác như Bông Hồng Cài Áo, Muốn An Được An, Hạnh Phúc Cầm Tay, Giận, Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Thả Một Bè Lau, Bước Tới Thảnh Thơi, Tâm Tình Với Đất Mẹ, Thiền Tập Cho Người Bận Rộn, Con Đường Chuyển Hóa, Gieo Trồng Hạnh Phúc, Để Có Một Tương Lai, Tìm Bình Yên Trong Một Gia Đình.

Ông viết ít hơn về đạo Phật và không đưa ra tư tưởng sâu xa gì mới. Sách về Phật giáo gồm Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ, Đạo Phật Ngày Nay, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Đường Xưa Mây Trắng, Đạo Bụt Nguyên Chất, Bụt Là Hình Hài, Bụt Là Tâm Thức, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Sen Nở Trời Phương Ngoại. Ông chỉ trích Phật giáo ở miền Nam Việt Nam là tách biệt với dân. Ông phát huy một ý niệm mới về Phật giáo dấn thân. Theo đó, triết lý và những điều răn dậy của Phật giáo, những bài học về đức tin, có thể áp dụng vào phúc lợi của con người trong các lãnh vực giáo dục, y tế và chính trị. Tức là đạo vào đời. Trong phần sau, người đọc sẽ thấy ông chủ xướng Phật giáo dấn thân, nhưng áp dụng tùy tiện, tùy lúc, tùy nơi.

Về chính trị, nếu tôi không lầm, ông chỉ viết có một cuốn duy nhất là Hoa Sen Trong Biển Lửa. Trong sách này ông xem Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là một lực lượng chính danh đại diện cho nhân dân miền Nam. Ông không trực tiếp tham gia hoạt động chính trị, nhưng thái độ và những hành động mang tính cách chính trị của ông gây nhiều tranh cãi và hậu quả tai hại như chúng ta sẽ thấy ở một phần sau.

Vận động hòa bình

Thiền sư Nhất Hạnh là người thông thạo Việt, Anh, Pháp và một số ngôn ngữ khác. Do đó ông có nhiều môn sinh thuộc các sắc dân khác nhau và có cơ hội gặp gỡ nhiều yếu nhân quốc tế như Dalai Lama, Mục sư Martin Luther King, Jr., Giáo hoàng Paul VI, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert S. McNamara, Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy, Thượng nghị sĩ William Fulbright.

nhathanh2

Mục sư Martin Luther King, Jr. sau khi được giải Nobel Hòa Bình vào năm 1964 đã đề cử Thiền sư Nhất Hạnh nhận giải Nobel của năm 1967 nhưng không có kết quả. Ông là một trong những người Việt Nam nổi tiếng trên thế giới và có lẽ là một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng chỉ sau Đức Dalai Lama.

Thiền sư Nhất Hạnh được học bổng Hoa Kỳ du học về tôn giáo tại Princeton University vào năm 1960 trong lúc chiến tranh Việt Nam bắt đầu sôi động và cuối năm đó Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam thành lập. Tiếp theo, ông được nhận vào học tại Princeton Theology Seminary vào 1961-1962. Ngay sau khi ông Ngô Đình Diệm bị giết chết, ông trở Việt Nam vào cuối năm 1963 theo lời mời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Ba năm sau, vào 1966, lúc 40 tuổi, ông được Cornell University mời trở lại Hoa Kỳ và dự trù ở lại trong ba tháng. Mục tiêu của chuyến đi này là vận động hòa bình cho Việt Nam.

Ngay trên đất Mỹ, ông phát động chiến dịch chống Mỹ tham chiến ở Việt Nam rất sớm, chỉ một năm sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ông lên án các vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại miền Nam mặc dù trong thời gian này quyền tự do tôn giáo được bảo đảm. Ông đòi hỏi chính quyền Sài Gòn phải thương thuyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam để chấm dứt chiến tranh, mặc dù tổ chức này chỉ là công cụ của Hà Nội. Chỉ vài tháng sau khi quân cộng sản Bắc Việt chiếm được miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam bị giải tán tức khắc. Ông được tài trợ đi công du tại 19 quốc gia để quảng bá chiến dịch hòa bình này. Ông được mời nói chuyện trước quốc hội Anh, Canada và Thụy Điển. Vì vậy chính quyền quân nhân Sài Gòn cấm ông trở về Việt Nam. Ông Nhất Hạnh buộc lòng phải xin tị nạn tại Pháp vào cuối năm 1966.

Chống chiến tranh, nhưng ông Nhất Hạnh chỉ chống Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam mà không chống miền Bắc mang quân vào xâm chiếm miền Nam. Ông chống Mỹ ném bom vào tỉnh Bến Tre và thổi phồng sự thiệt hại cho dân mà không chống cộng sản Việt Nam tàn sát dân vào Tết Mậu Thân tại Huế. Ông chống miền Nam thiếu tự do, nhưng không chống miền Bắc độc tài đảng trị, chà đạp nhân quyền và tôn giáo tàn bạo. Chính Làng Mai của ông ở Lâm Đồng thiết lập vào 2005 bị tàn phá vào 2009 mà ông bất lực.

Trở về Việt Nam lần đầu

Thiền sư Nhất Hạnh làm đơn xin với Bộ Văn Hóa trở về Việt Nam từ năm 2000 và đã nộp những bài ông sẽ thuyết pháp cho Bộ Văn Hóa kiểm duyệt, nhưng không được chấp thuận. Đáp ứng với Nghị quyết 36 của của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ban hành vào 2004, Thiền sư Nhất Hạnh một lần nữa xin trở về và được chấp thuận vào 2005 cùng trong khoảng thời gian trở về của cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy, cựu Viện trưởng Viện Đại học Hòa Hảo Lê Phước Sang.

Cũng vào thời gian này, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm (country of particular concern - CPC) vào 2004 vì vi phạm nhân quyền đặc biệt là tự do tôn giáo. Do đó chính quyền Hà Nội muốn nới lỏng gọng kìm độc tài để chứng tỏ Việt Nam có tự do tôn giáo nên dễ dàng với ông Nhất Hạnh và thả tự do cho một số tu sĩ Phật giáo liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Thượng tọa Thích Trí Siêu. Đồng thời chính quyền Hà Nội chuẩn bị tổ chức Hội Nghị Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) vào năm 2006.

nhathanh3

Sau gần 40 năm lưu vong ở nước ngoài, 30 năm sau chiến tranh chấm dứt, ông Nhất Hạnh về Việt Nam để chứng kiến những tu sĩ từng tranh đấu cho tự do tôn giáo như ông đang bị chính quyền Hà Nội giam cầm hay quản chế là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, và các thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Hải Tạng ...

Chính sách đàn áp tôn giáo tàn bạo của chế độ cộng sản Việt Nam thể hiện rất rõ ngay từ khi vừa chiếm xong miền Nam. Vào cuối năm 1975 chính quyền cấm không cho treo cờ Phật giáo khiến 12 tăng ni và Phật tử ở chùa Dược Sư, Cần Thơ tự thiêu để phản đối. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra thông điệp kêu gọi Bảo Vệ Nhân Quyền ở Việt Nam và đòi hỏi tự do tôn giáo vào ngày 9/6/1977, ngay lập tức chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giam sáu vị trong ban lãnh đạo bao gồm các thầy Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Viện Đại học Vạn Hạnh do Thiền sư Nhất Hạnh sáng lập và Nhà xuất bản Lá Bối bị ngưng hoạt động. Cô nhi viện Quách Thị Trang bị trưng dụng. Thượng tọa Thích Mẫn Giác phải rời nước ra đi bằng đường biển để mang thông điệp ra thế giới bên ngoài. Riêng Thượng tọa Thích Thiện Minh, bị áp giải về trại cải tạo Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận, và chết trong tù vào ngày 17/10/1978. Thượng tọa Thích Thiên Minh là một chiến lươc gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từng bị thực dân Pháp bắt giam vào 1947 vì tham gia Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tại Quảng Trị và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào 1963 cùng với một số tu sĩ Phật giáo khác vì chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo.

Hai Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị kết án tử hình vào 1988 vì bị vu khống hoạt động lật đổ chính quyền. Nhờ sự kiên trì và dũng cảm tranh đấu của hai ông, và cuộc vận động hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế, hai ông được giảm án và sau đó được trả tự do vào 1998. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội duy nhất đối lập và không chấp nhận chế độ cộng sản Việt Nam bởi vì đi ngược với giáo lý từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa bao giờ tiếp cận với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Vào cuối năm 2003, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu Châu phê chuẩn hai nghị quyết tố cáo chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vào tháng 9/2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách CPC. Vào cuối năm 2004 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM tổ chức tại Việt Nam, hơn 100 dân biểu Quốc hội Âu Châu đã gửi thư yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu đưa vấn đề đàn áp tôn giáo và nhân quyền ra thảo luận với chính quyền cộng sản Việt Nam. Các dân biểu cũng lên tiếng yêu cầu trả tự do cho hai hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong dịp trở về Việt Nam lần đầu đã trực tiếp trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải một bức thư đề nghị bẩy điều về chính sách của Nhà nước với Phật giáo. Quan trọng nhất là các vấn đề tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền, xung khắc và nghi kỵ giữa chính quyền và Phật giáo, hợp nhất hai giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và việc hỗ trợ giữa chính quyền và tôn giáo.

Hà Nội đã hoàn toàn làm ngơ trước tất cả những yêu cầu này, mặc dầu ông Nhất Hạnh là người sinh trưởng ở miền Nam nhưng theo miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam. Ông là người đã chống chính quyền miền Nam Việt Nam, chống việc tham gia của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam chống tham vọng bành trướng của cộng sản, và đắc lực tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội trong khi ông lưu vong ở nước ngoài.

Ông muốn thống nhất Phật giáo nhưng chế độ cộng sản Việt Nam lại chủ trương chia rẽ và kiểm soát Phật giáo bằng cách lập giáo hội quốc doanh. Ông muốn tôn giáo độc lập, Đảng cộng sản Việt Nam lập gia Ban Tôn giáo để kiểm soát tôn giáo. Những điều ông đòi hỏi hợp lý nhưng đương nhiên không thể được chấp nhận bởi một chính thể độc tài. Sau cùng ông bị chính quyền Hà Nội ra mặt xem ông như một phần tử đối nghịch nguy hiểm, không cho ông được tiếp súc với nhiều người.

Trở về Việt Nam lần thứ hai

Thái độ của chính quyền Hà Nội khá rõ khi ông trở về Việt Nam lần thứ hai vào năm 2007. Sự di chuyển của ông bị hạn chế tối đa. Ông bị cấm đoán tổ chức trai đoàn giải oan cho nạn nhân chiến tranh ở cả hai miền. Một lá thư của Làng Mai giải thích "Theo tư tưởng lãnh đạo, đây là một cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, những người chiến sĩ hy sinh là tại họ muốn hy sinh, những người bên kia chống lại tại vì họ muốn chống lại, hai bên đã chết vì muốn đi theo đường lối và chí hướng của mình, như vậy không có oan ức gì cả".

nhathanh4

Cũng trong lần về nước lần thứ hai, ông Nhất Hạnh đề nghị với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dựng tượng đài tưởng niệm những nạn nhân đã chết khi vượt biên nhưng không được chấp thuận. Ông cũng kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam đổi tên vì "cái tên đảng hiện giờ đang là một chướng ngại, gây hiểu lầm và tiếp tục nuôi dưỡng oan hận".

Hai năm sau, vào khuya ngày 28/06/2009 những tu sinh Làng Mai sinh hoạt tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng đã bị khoảng 200 côn đồ có vũ trang do công an chỉ đạo đến sách nhiễu, đánh đập và đuổi ra khỏi tu viện. Thiền sư Nhất Hạnh gửi thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để cầu cứu, nhưng không được hồi âm. Họ phải chạy qua lãnh nạn tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc.

Hơn 400 tu sinh theo pháp môn Làng Mai đã một lần nữa bị đánh bật ra khỏi chùa Phước Huệ. Họ bị vu cáo là tụ tập chống phá nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Công an ép các tu sinh pháp môn Làng Mai trở về địa phương. Bô Ngoại giao trục xuất những người có ngoại tịch ra khỏi Việt Nam. Vấn đề then chốt là chính quyền không muốn có một tổ chức độc lập nào ở Việt Nam.

Vào năm 2005 Thượng tọa Thích Đức Nghi hiến chùa Bát Nhã cho Thiền sư Nhất Hạnh để truyền dậy pháp môn Làng Mai ở Việt Nam và tiếp tục trụ trì chùa này. Trong ba năm chùa Bát Nhã đã được sửa sang và mở rộng. Nhưng đến giữa năm 2008, chính quyền ép buộc Thượng tọa Thích Đức Nghi đòi lại ngôi chùa và không cho các môn sinh Làng Mai tu học ở đây. Dự tính thành lập nhiều Làng Mai ở Việt Nam của ông Nhất Hạnh đến thời điểm này kể từ khi chùa Bát Nhã bị đập phá đã chấm hết. Sự việc Bát Nhã là một bài học cay đắng cho Thiền sư Nhất Hạnh.

"Không cùng tinh thần quốc gia dân tộc"

Pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh là một tổ chức độc lập, không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Nhà nước. Trong những lần về Việt Nam ông Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo của Nhà nước để tổ chức những chuyến viếng thăm một số nhân vật lãnh đạo chính quyến và thuyết pháp truyền đạo.

nhathanh5

Báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng vào ngày 5/5/2007, trong lần Thiền sư Nhất Hạnh về nước lần thứ 2, "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp tại Phủ Chủ tịch Thiền sư Nhất Hạnh và đại diện thiền sinh, cư sĩ trong đoàn tăng thân Làng Mai tới thăm xã giao nhân dịp về thăm Việt Nam theo lời mời của Ban Phật giáo quốc tế thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch nước đánh giá chuyến về thăm Việt Nam của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảm ơn Nhà nước, Chính phủ đã tạo điều kiện cho ông cùng các thiền sinh, cư sĩ trong đoàn được về thăm đất nước".

Trong những lần về Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh cũng thỉnh cầu được thăm viếng các vị cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gồm Hòa thượng Thích Quảng Độ và Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, nhưng đều không được toại nguyện. Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chối tiếp Thiền sư Nhất Hạnh vì lý do công an không cho phép. Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ đang trong thời gian nhập thất cũng không tiếp ông được. Trong lúc sinh thời Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã bị Hòa thượng Thích Quảng Độ và Hòa thượng Thích Huyền Quang từ chối tiếp.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng không cử người chính thức đại diện tới dự tang lễ của Thiền sư Nhất Hạnh. Đại lão Hòa thượng Thích Chí Viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ Nha Trang ra Huế dự tang lễ chỉ với tư cách huynh đệ đồng môn do từng tu học ở chùa Từ Hiếu trước đây. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng không chính thức tổ chức lễ tưởng niệm cố Thiền sư Nhất Hạnh vì không cùng chí hướng với ông trên tinh thần quốc gia dân tộc. Mỗi chùa tùy nghi làm lễ tưởng niệm.

Kết luận

Ông Nhất Hạnh là một người yêu dân tộc, yêu đạo pháp, muốn đất nước có tư do no ấm. Nhưng sinh không hợp thời, cả hai chế độ Nam Bắc đều không chấp nhận ông. Thiền sư Nhất Hạnh có thể nghĩ rằng cộng sản Việt Nam sẽ mang lại tự do no ấm cho dân Việt Nam. Nhưng sau 1975, ông đã thấy hết sự thật như thế nào. Tiếng súng đã im trong gần nửa thế kỷ nhưng hòa bình thật sự vẫn chưa thành sự thật.

Cuối đời Thiền sư Thich Nhất Hạnh toan tính cảm hóa cộng sản Việt Nam theo con đường nhân bản, cho tự do tôn giáo, giải oan cho các nạn nhân chiến tranh hai bên, cầu siêu cho những oan hồn của những người tử nạn trên đường vượt biên, nhưng ông hoàn toàn thất bại. Dự định thiết lập một số Làng Mai ở Việt Nam cũng đã không thành trong cay đắng. Hẳn ông đã vỡ mộng. Vào năm 2018, ông được trở về lần cuối cùng chỉ để chuẩn bị cho sư ra đi của ông ở quê cha đất tổ.

Nói tóm lại Thiền sư Nhất Hạnh đã đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết về cuộc sống an lạc nhưng con đường dấn thân của ông cho đất nước đã không đạt được điều gì cả ngoại trừ giúp cho cộng sản Việt Nam chiếm được miền Nam. Ông bị đột quy và cấm khẩu vào cuối năm 2014. Không còn nguy hiểm cho chế độ Hà Nội nữa cho nên ông được phép về Việt Nam vào 2018, sống lặng lẽ trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Ông mất tại chùa Từ Hiếu ở Huế vào ngày 22/01/2022, hưởng thọ 95 tuổi.

Nguyễn Quốc Khải

01/02/2022

Tham khảo :

1. "Thiền sư Nhất Hạnh và con đường thứ ba", BBC tiếng Việt, 15/4/2015.

2. "Hai con đường, hai khác biệt", BBC tiếng Việt, [31] 4/5/2015.

3. Nguyễn Hùng, "Thiền sư Nhất Hạnh và ba lần nhẫn nại trở về", VOA tiếng Việt, 24/01/2022.

4. Henry Kamm, "Refugees from Indochina find only further despair", New York Times, June 17, 1977.

5. "Bẩy điểm đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo", Làng Mai, 25/03/2005.

6. Quang Mai, "Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Thiện Minh", Tập san Quảng Đức, 8/10/2018.

7. Thanh Ngoc", Lên án Thiền sư Nhất Hạnh : sân si hay chính đáng", 26/01/2022.

8. "Reflection : Thich Nhat Hanh at Princeton Seminary", Princeton Theological Seminary, January 27, 2022.

9. Trần Phương, "Xưa có ba nhà sư : Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang và Thích Quảng Độ", Luật Khoa, 22/01/2022.

10. Võ Văn Quan",Thích Nhất Hạnh : Chánh niệm hay chính trị ?", 24/01/2022.

11. Matt Schudel, "Thich Nhat Hanh, Buddhist monk who sought peace and mindfulness, dies at 95", The Washington Post, January 22, 2022.

12. Văn Tâm, "Cuộc đời của Thiền sư Nhất Hạnh", Tạp Chí Luật Khoa, 22/01/2022.

13. "Thiền sư Nhất Hạnh : Không làm chính trị nhưng chọn thái độ chính trị", Việt Tân, 26/01/2005.

14. Đan Thanh, "Thiền sư Thích Nhất Hạnh và biến cố Bát Nhã năm ấy", Báo Tiếng Dân, 27/01/2022.

15. "Quan chức Mặt Trận Tổ Quốc viếng Thiền sư Nhất Hạnh", VOA tiếng Việt, 25/01/2022.

16. Oprah Winfrey, "Oprah talks to Thich Nhat Hanh", 9/2009.


****************************

Thầy Nhất Hạnh mất đi, nỗi buồn Việt Nam vẫn còn đó

Bùi Văn Phú, Việt Báo, 29/01/2022

Người Việt đã dùng nhiều danh hiệu khác nhau như Thượng tọa, Hòa thượng, Thiền sư, Sư ông để gọi Thầy Nhất Hạnh. Nửa thế kỷ trước thầy đã không dùng danh xưng "Thích Nhất Hạnh" mà chỉ là "Nhất Hạnh", như in trên bìa tập sách nhỏ "Bông hồng cài áo", xuất bản lần đầu tại Sài Gòn giữa thập niên 1960. Ý tưởng trong tác phẩm nổi tiếng này được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đưa vào ca khúc mang cùng tên mà rất nhiều người Việt thường cất tiếng ca để nhớ về mẹ.

Bông hồng cài áo – tiếng hát Bằng Kiều, nhạc Phạm Thế Mỹ -lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Courtesy of Thúy Nga

Từ những năm đó, thầy đã khai mở một Phật pháp môn mới là Tiếp Hiện, sau này là Làng Mai hải ngoại, với tinh thần tu tập dấn thân được nhiều người theo học, để nhận ra thầy là một bậc tu hành người Việt được thế giới kính trọng.

"Thầy" là cách xưng hô người Việt dùng khi tiếp xúc với các nhà tu hành Phật giáo, nhưng với tôi, nhìn qua lăng kính tâm lý giáo dục tôi gọi là "Thầy" vì ông thực sự là bậc thầy về tâm lý học hơn là một nhà tu truyền giảng tín lý tôn giáo.

thay1

Một số tác phẩm của thầy Nhất Hạnh

Những điều thầy nói ra là "hiểu và thương" trong giao tiếp giữa người và người, là "tỉnh thức" trong từng lời nói, việc làm dù rất thường ngày như quyét nhà, rửa chén hay vui chơi, học hành, như thầy đã viết trong "Nói với tuổi hai mươi" là một tác phẩm quen thuộc với giới trẻ ở Việt Nam từ thập niên 1960 và với giới trẻ hải ngoại sau năm 1975.

thay2

Buổi quán niệm với Tăng đoàn Làng Mai ở Oakland, California.

Nhiều người ngoại quốc được thầy chỉ dẫn vào "chánh niệm", qua "Phép lạ của sự tỉnh thức" được xuất bản ở Sài Gòn trước đây và nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Thầy dạy một điều thật đơn giản là trong từng bước chân, nhịp thở hãy sống ngay phút giây hiện tại để giúp nhận ra chính mình đang hạnh phúc, giúp con người trầm tĩnh lại, nhận ra bình an trong tâm hồn, khi mà xã hội văn minh vật chất luôn năng động quay cuồng và áp lực cuộc sống đè nặng trên vai.

thay3

       Thị trưởng Oakland Jerry Brown phát biểu chào mừng Tăng đoàn Làng Mai trong một buổi quán niệm ở Oakland, California đầu thập niên 1990.

Lần đầu tiên tôi được gặp thầy là vào mùa xuân 1983 trong buổi thuyết giảng tại Berkeley Community Theater.

Năm 1981, Bút nhóm Ý Thức do tôi khởi xướng sinh hoạt với sinh viên Đại học Berkeley có in lại "Bông hồng cài áo", tôi viết thư qua Pháp xin phép và được thầy đồng ý cho in. Hôm đó tôi có đem theo tập sách nhỏ để xin thầy chữ ký.

bonghong1

Nửa thế kỷ trước thầy đã không dùng danh xưng "Thích Nhất Hạnh" mà chỉ là "Nhất Hạnh", như in trên bìa tập sách nhỏ "Bông hồng cài áo", xuất bản lần đầu tại Sài Gòn giữa thập niên 1960.

Những năm ở đại học tôi đọc "Lotus in the Sea of Fire" để thấy thầy là người Việt đã lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, đòi quyền dân tộc tự quyết. Qua tác phẩm, qua những phát biểu, qua những "Đề nghị hòa bình" cho Việt Nam, chủ yếu thầy yêu cầu người Mỹ rút lui, chấm dứt can thiệp vào Việt Nam.

Tháng Tư 1975 người Mỹ quấn cờ ra đi. Chiến tranh chấm dứt, hòa bình không thấy mà thanh niên Việt lại phải tiếp tục hy sinh trên chiến trường biên giới phía bắc, mất mạng bên nước láng giềng phía tây.

Chiến tranh chấm dứt, nhiều người Việt không được vui sống bên gia đình mà lại bị đưa vào những trại học tập cải tạo. Chiến tranh chấm dứt, các cơ sở tôn giáo bị tịch thu. Nhiều người không thể đóng góp cho quê hương mà phải vượt biển, vượt biên bỏ nước ra đi.

thay5

Sư cô Chân Không, với khăn áo nâu, trong một buổi quán niệm ở Oakland, California.

Năm 1976 thầy là người đầu tiên có mặt ở Đông Nam Á, với con thuyền do một tổ chức quốc tế về tôn giáo bảo trợ để cứu người vượt biển, dự định đưa họ đến Guam hay qua Úc. Vì thiếu minh bạch tài chánh nên chương trình bị buộc chấm dứt và thầy trở về Pháp. Dù thế nào, đó cũng đã là mở đầu cho nhiều tổ chức sau này thuê tàu ra khơi để cứu người, khi làn sóng thuyền nhân ngày càng lên cao.

Hôm thầy đến diễn thuyết ở Berkeley, ngoài hành lang có bàn ký thỉnh nguyện thư gửi Liên Hiệp quốc, lãnh đạo Việt Nam đòi tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền cho Việt Nam.

Tình hình Giáo hội Phật giáo ở Việt Nam khi đó rất căng thẳng vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị nhà nước giải tán, thay thế bằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc. Các thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị giam hay quản chế cư trú, người ở Quảng Ngãi, người ở Thái Bình. 

Thời chiến tranh, thầy kêu gọi chính phủ Sài Gòn cho Giáo hội Phật giáo được tự do hành đạo. Thời cộng sản, Hà Nội đàn áp Giáo hội thì thầy không nói gì.

Thầy lập ra Làng Hồng, sau là Làng Mai để phát triển việc tu thiền, đi thuyết giảng ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia, thu hút đông tăng sinh. Mấy chục quyển sách về tu thiền, về lịch sử, văn hóa Việt Nam của thầy in tại hải ngoại được nhiều người đón nhận.

thay0

Hôm thầy thuyết giảng ở Berkeley, vài nghìn người đến nghe, hầu hết là người Mỹ, ngồi kín thính đường và tràn ra cả lối đi.

Ngoài hành lang có bày bán sách của thầy và tôi chú ý đến bài thơ in trên giấy hoa văn, đọc qua thấy mang nhiều ý nghĩa nên tôi mua một bản. Bài thơ "Please call me by my true names" có những câu đã nói lên hoàn cảnh của hàng triệu người Việt sau chiến tranh.

I am the twelve-year-old girl,

refugee on a small boat,

who throws herself into the ocean

after being raped by a sea pirate.

And I am the pirate,

my heart not yet capable

of seeing and loving

I am a member of the politburo,

with plenty of power in my hands.

And I am the man who has to pay

his "debt of blood" to my people

dying slowly in a forced-labor camp

Tạm dịch :

Tôi là bé gái 12 tuổi,

tị nạn trên con thuyền nhỏ,

trầm mình xuống biển

sau khi bị hiếp.

Tôi là tên hải tặc

tim tôi chưa biết

nhìn thấy và thương

Tôi là ủy viên bộ chính trị,

quyền lực trong tay.

Còn tôi một người

phải trả "nợ máu" nhân dân

đang chết dần trong trại lao động cưỡng bách

Bài thơ này sau được in trong tập thơ của thầy, mang cùng tên "Please call me by my true names" do nhà xuất bản Parallax ở Berkeley phát hành năm 1993.

Lần đầu tiên đi nghe thầy thuyết giảng. Sân khấu trang trí thật đơn sơ. Thầy ngồi. Khoan thai gõ chuông trên tay. Tiếng Anh lơ lớ, chậm rãi, thầy yêu cầu mọi người thở ra, hít vào. Thầy nói chuyện như tâm sự, chừng hơn tiếng đồng hồ và mọi người yên lặng lắng nghe.

Mười năm sau, thầy và Tăng đoàn Làng Mai có buổi quán niệm bên hồ Lake Merritt, Oakland với nhiều nghìn người tham dự. Thị trưởng Oakland là Jerry Brown, cựu thống đốc tiểu bang California, đã có mặt và trao bằng khen cho thầy, ông nói trong nhà ông có ảnh chân dung và nhiều sách của thầy.

Dịp này tôi được một anh bạn trước đây cùng nhau sinh hoạt báo chí sinh viên trong vùng Vịnh San Francisco, là Thượng toạ Thích Từ Lực trụ trì chùa Phổ Từ ở Hayward, mời đến chùa dùng cơm trưa với thầy. Bữa cơm chay trong thinh lặng. Sau đó nói chuyện ít lâu với thầy về sinh hoạt giới trẻ địa phương mà anh bạn và tôi thường tổ chức trong phạm vi sinh hoạt của hai tôn giáo khác nhau. Giọng thầy lúc nào cũng nhỏ nhẹ, chậm rãi, như khi thuyết giảng.

Thầy thường đến vùng Vịnh San Francisco vì có những tăng sinh Mỹ đã theo thầy nhiều năm, từ những ngày Làng Mai mới ra đời, đặc biệt là anh chị Arnie và Theresa Kotler sáng lập nhà xuất bản Parallax đã phát hành nhiều tác phẩm của thầy.

Đến năm 1999 xảy ra tranh chấp tài chánh giữa thầy và nhà xuất bản để rồi phải xa cách nhau là điều đáng tiếc vì trong hai chục năm theo thầy, lo tổ chức diễn thuyết, in ấn xuất bản, anh chị Arnie và Theresa còn làm việc với thầy trong chương trình từ thiện giúp người nghèo ở Việt Nam qua việc gửi những gói quà nhỏ bằng đường bưu điện, trong đó có thuốc men, kem đánh răng mà người nhận có thể dùng hay bán đi để có tiền mua thực phẩm.

Có những người nghèo nhận được gói quà, viết thư qua cám ơn. Tôi dịch những lá thư qua tiếng Anh cho những nhà hảo tâm hiểu. Một lá thư từ vùng quê Đà Nẵng kể rằng gia đình ông không có thân nhân ở nước ngòa i, khi nhận được giấy báo lên bưu điện thành phố nhận hàng, ông ngạc nhiên. Nghèo quá, không có phương tiện lên thành phố nên ông phải mượn xe đạp và tiền của hàng xóm để đi lãnh hàng và nộp thuế. Ông kể đã giữ lại món gì trong gói hàng, bán thứ gì để trả nợ, để có tiền mua thực phẩm.

Tuần trước, nhà thơ Bùi Chí Vinh từ trong nước có kể chuyện trên FaceBook của ông về sự kiện năm 1987 ông nhận được gói hàng từ một người xa lạ tên Bùi Thị Chín, gửi từ California nên bị công an mời lên thẩm vấn, nói quà đó là từ Sư cô Chân Không, phụ tá thân tín nhất của thầy, trong chiến dịch chuyển lửa về quê nhà.

thay4

Tượng đài với những nhân vật hoạt động vì hoà bình ở Oakland, California.

Về sư cô mà thầy gọi là "Sister Chân Không", theo ghi chú trong tập thơ "Please call me by my true names", năm 1966 từ nước ngoài thầy có làm bài thơ ngắn mang tên "The empty path" viết lên bưu thiếp gửi về cho Cao Ngọc Phượng, tức Chân Không sau này, mà cô nhận được trong ngày bị bắt giam vì tội in và mang trong người những tài liệu chống chiến tranh. Chân Không, cùng Nhất Chi Mai là trong số vài tăng sinh đầu tiên theo pháp môn Tiếp Hiện được thầy chấp nhận thọ giới.

Tập thơ ghi lại những cảm xúc của thầy trong ba thập niên qua nhiều sự kiện, từ chiến tranh với những cái chết của dân vì bom đạn, những vụ ám sát các thành viên của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, đến cái chết của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, thảm cảnh thuyền nhân sau năm 1975.

Thầy chủ trương bất bạo động nhưng lại là con người thụ động. Thầy không có can đảm để mạnh mẽ nói lên nỗi thống khổ của đồng bào mình dưới chế độ mới, như Gandhi, Martin Luther King Jr., Đức Dalai Lama hay Giám mục Tutu khi nói về đồng bào của họ.

Vì thầy không muốn mất lòng tin của phe cánh tả, của những người phản chiến cũ, những người còn mang mặc cảm tội lỗi vì sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Linh mục công giáo Daniel Berrigan đã viết trong lời giới thiệu sách "Love in Action" của thầy để xin tha thứ : "For your grief, for your long travail, your exile, for the deaf and dumb of uncaring world, for the crucifixion and death of your people. Forgive us". (Vì nỗi buồn của anh, vì đau khổ kéo dài, cuộc sống lưu vong, vì sự câm lặng ngu ngơ của một thế giới không quan tâm, vì sự chịu nạn và cái chết của dân tộc anh. Xin tha lỗi cho chúng tôi).

Một nghệ sĩ Mỹ muốn tôn vinh hoạt động vì hòa bình nhân loại đã khắc tượng thầy chung với Mục sư Martin Luther King Jr., Mẹ Têrêsa, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và nhiều danh nhân khác trong một công viên ở thành phố Oakland, vùng Vịnh San Francisco.

Thầy là nhà tu hành người Việt nổi tiếng khắp thế giới và với quá khứ chống chiến tranh, chống Mỹ can thiệp, nhưng Hà Nội lại không cho phép thầy về.

Ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, qua nhiều vận động của quốc tế và Hoa Kỳ, đặc biệt là của cố Thượng Nghị sĩ John McCain, thầy được trở lại quê hương đầu năm 2005 trong phẩm phục, võng lọng chứ không còn là hình ảnh Sư ông Làng Mai đơn sơ với áo nâu sòng, nón lá.

Về nước Đức Tăng thống Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ không tiếp thầy, trong khi thầy được gặp Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời trà. Sư cô Chân Không, như để lấy điểm với nhà nước đã phát biểu rằng những ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nơi có cờ vàng ba sọc đỏ.

Thầy tin Hà Nội sẽ cho pháp môn Làng Mai được sinh hoạt và phát triển. Tu viện Bát Nhã mở ra ở Lâm Đồng với hàng trăm tăng sinh tu tập.

Khi thầy kiến nghị nhà nước đòi sự độc lập cho tôn giáo, bỏ ban tôn giáo nhà nước, Bát Nhã trở thành bãi tha ma sau một đêm côn đồ tấn công vào thiền viện, đuổi mấy trăm tăng sinh đi.

Sau 95 năm ở dương trần, rạng sáng ngày 22/1/2022 thầy Nhất Hạnh thở hơi cuối cùng tại chùa Từ Hiếu, Huế sau một thời gian bệnh.

Thầy ra đi được nhiều người nước ngoài tiếc nhớ vì tiếng nói cho hòa bình, vì ảnh hưởng của thầy trong sinh hoạt Phật giáo ở phương Tây, qua cách tu thiền để sống hạnh phúc trong từng phút giây mà nhiều người đang theo đuổi.

Với người Việt, vì trên quê hương vẫn thiếu tự do, người dân không có quyền quyết định tương lai cho đất nước, như thầy và nhiều người từng tranh đấu cho lý tưởng đó, nên tranh luận về những gì thầy đã làm vẫn còn tiếp tục.

Từ Houston, Texas Hòa thượng Thích Huyền Việt, đại diện cho Văn phòng 2 Viện Hóa đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã trả lời phóng viên đài VOA hôm 25/1 về sự ra đi của thầy với cảm nhận : "Bản thân tôi vẫn kính trọng, ngưỡng mộ Thiền sư về phương diện văn hóa, truyền bá tư tưởng Phật giáo từ bi, bao dung đến thế giới phương tây, nhưng trên tinh thần quốc gia, dân tộc thuần túy thì tôi không cùng đường với Thiền sư Nhất Hạnh".

Bài thơ "Hòa bình" của thầy viết năm 1964, được Phạm Duy phổ thành tâm ca "Tôi ước mơ", có lời vẫn đúng với thực tế trên quê hương hôm nay :

Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn

và tôi vẫn thở

Nhưng đến bao giờ

tôi mới được nói

những điều tôi ước mơ

Bùi Văn Phú

29/01/2022)

*************************

Lên án thiền sư Thích Nhất Hạnh : Sân si hay chính đáng ?

Thanh Ngọc, Luật Khoa, 26/01/2022

Những chỉ trích về Thích Nhất Hạnh phản ánh mâu thuẫn dân tộc chưa bao giờ được hóa giải.

TNH

Ảnh nền trái : Các nhà sư khối Ấn Quang biểu tình ở Sài Gòn vào năm 1966, yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Nguồn : Bettmann/ CORBIS. Ảnh nền phải : Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai thiền hành tại Hồ Gươm vào năm 2005. Nguồn : PVCEB. Ảnh nhân vật : Thích Nhất Hạnh trong một buổi họp báo tại Washington, D.C., Mỹ vào năm 1966 (trái) và tại Paris, Pháp vào năm 2006. Nguồn : AP/ Washington Star, Wikipedia.

Trong một bài giảng của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẽ lên bảng hình một cây nến đang cháy sáng. Rồi ông hỏi những người đang ngồi nghe, khi cây nến cháy hết nó sẽ đi về đâu ? Đó có phải sự kết thúc của cây nến ?

Ông cho rằng đời sống của con người giống như cây nến đang cháy. Nó tỏa ánh sáng và nhiệt lượng, thắp sáng cho mọi người cũng như thắp sáng cho chính nó. Con người ta cũng vậy, những gì họ nghĩ, họ nói, họ làm sẽ để lại ảnh hưởng ở hiện tại và ngay cả khi họ đã qua đời. Nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên con cháu, bạn bè, xã hội của họ.

Điều ông giảng đang xảy ra với ông. Những lựa chọn của ông trong Chiến tranh Việt Nam và khi ông được phép trở về nước đang bị một số người chỉ trích dữ dội.

Những người lên án Thích Nhất Hạnh cho rằng công chúng không nên quá ngợi ca ông. Theo họ, ông đã gián tiếp gây đau khổ cho nhân dân miền Nam khi thể hiện quan điểm thân cộng sản, chống chiến tranh. Sau năm 1975, trước tình hình nhân quyền bi đát dưới chế độ cộng sản, ông hầu như không lên tiếng phản đối.

Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng việc lên án ông thể hiện sự sân si, ganh ghét với một người đã làm rạng danh đất nước Việt Nam – vốn đã không có gì nổi bật với thế giới.

Bạn sẽ đứng về phía bên nào, hoặc bạn sẽ nhìn nhận hai bên như thế nào ? Tranh cãi này đang nói lên điều gì ?

***

Các cuộc tranh cãi tương tự đã xảy ra với một nhà sư khác, hòa thượng Thích Trí Quang, khi ông qua đời vào năm 2019. Cùng với các nhà sư trong khối Ấn Quang, Thượng tọa Trí Quang đã gây ra hàng loạt các xáo trộn chính trị tại miền Nam vào những năm 1960. Thích Nhất Hạnh cũng là một thành viên nổi bật trong nhóm Ấn Quang vào thời điểm đó.

Quan điểm chống chiến tranh của khối Ấn Quang, dù chiếm được cảm tình của giới Phật tử khi ấy, ngày nay bị không ít người chỉ trích.

Sau năm 1975, nếu đất nước thật sự có được "hòa bình" theo đúng nghĩa thì ngày nay mọi chuyện chắc hẳn đã khác. Trên thực tế, đối với nhiều người dân miền Nam, bất kể là dân đen, trí thức, quân nhân hay quan chức của chính quyền cũ, đó là khoảng thời gian kinh hoàng.

Hãy tưởng tượng, ngôi nhà mà bạn đang ở bỗng dưng bị tịch biên, gia đình bạn bị đưa đi vùng kinh tế mới để làm nông mặc dù không ai trong nhà bạn biết trồng trọt là gì.

Hãy tưởng tượng, cán bộ có thể ập vào nhà bạn bất cứ khi nào để lục soát, điều tra xem bạn có chuẩn bị đồ đi tị nạn, thẩm vấn con cái của bạn ở trường xem bạn có ý đồ gì về chính trị hay không.

Hãy tưởng tượng, cha bạn bị bắt đi trại cải tạo, trở về nhà với một thân xác đầy bệnh tật hoặc thậm chí, không bao giờ trở về.

thiensu2

Bên ngoài Trại cải tạo Z30D, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Sau năm 1975, khoảng 2.000 cựu viên chức, quân nhân của chế độ cũ được cải tạo tại đây. Đến năm 1988, phần lớn trong số đó đã ra khỏi trại. Nguồn ảnh và thông tin : Kienthuc.net.vn.

Trong chiến tranh, người miền Bắc cũng mất mát rất nhiều. Tuy nhiên, nỗi đau của họ được bù đắp bằng vật chất lẫn tinh thần, được xoa dịu, được vinh danh, được lấy chiến thắng làm niềm tự hào. Còn người miền Nam (ở một bộ phận) thì ngược lại.

Việc lên án hay ca ngợi thiền sư Nhất Hạnh phản ánh mâu thuẫn phổ biến giữa hai miền về Chiến tranh Việt Nam. Người miền Bắc luôn cho đó là cuộc chiến giải phóng dân tộc. Người miền Nam coi đó là cuộc chiến xâm lược của miền Bắc.

Quan điểm của bạn phụ thuộc vào việc bạn đứng về phía bên nào của vĩ tuyến.

Nếu bạn đứng ở phía miền Nam và trải qua những đau khổ sau năm 1975, bạn rất có thể sẽ xem Thích Nhất Hạnh là người đã góp phần vào sự sụp đổ của miền Nam, đẩy gia đình của bạn vào nghịch cảnh. Còn nếu ở bờ kia của vĩ tuyến, bạn có thể sẽ cho là ông đã làm điều đúng đắn.

Những chỉ trích Thích Nhất Hạnh vượt ra ngoài phạm vi cá nhân về vị thiền sư này. Nó biểu lộ thái độ không công nhận sự kiểm soát của chính quyền cộng sản miền Bắc đối với miền Nam, cũng như sự bất bình về việc áp đặt chủ nghĩa xã hội cực đoan lên đất nước sau năm 1975.

***

Năm ngoái, trên một chuyến taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh, tài xế kể cho tôi một mẩu chuyện trong gia đình. Đó là khi cháu của anh ấy xem chương trình truyền hình về đám tang của tướng Võ Nguyên Giáp. Người mẹ phát hiện ra và nạt con : "Mày có biết ông đó đã hại chết ông ngoại mày hay không mà xem ?". Đã hơn năm thập niên, nút thắt giữa hai miền vẫn còn đó.

Nếu bạn không may là một gia đình miền Nam chịu cảnh đọa đày sau năm 1975, cần bao nhiêu thời gian để bạn quên những mất mát đó ? Có lẽ là không bao giờ.

Nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh, những điều mà bạn đã trải qua sẽ còn ảnh hưởng đến con cái của bạn, và nó sẽ còn tiếp nối qua những thế hệ sau nữa.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Những mất mát của người dân khắp nơi qua các cuộc chiến tranh, trong thời kỳ Đức Quốc Xã hay thời kỳ cộng sản ở Châu Âu cũng gây ra sự chia rẽ đáng kể. Chỉ khi nó được kể lại một cách công bằng và không ngừng nghỉ, những nỗi đau đó mới được hàn gắn phần nào.

Người miền Bắc có thể đến tham quan những nhà tù cách mạng, những chuồng cọp, những cảnh tra tấn ông cha của họ, những khu vực thảm sát do quân nhân Việt Nam Cộng hòa gây ra. Nhưng người miền Nam phải tìm đến đâu để hiểu về những trại cải tạo, những trận đấu tố diễn ra ngay trên đường phố, những cuộc vượt biên mạo hiểm đầy chết chóc mà ông bà, cha mẹ của họ đã trải qua ?

Sau hơn năm thập niên, nỗi ám ảnh của người dân về Chiến tranh Việt Nam lẫn sự kinh hoàng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sau năm 1975 vẫn chưa kết thúc.

Những tranh cãi về Thích Nhất Hạnh rồi sẽ lắng xuống, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, sự bất đồng sẽ lại trỗi dậy, cho đến khi nó được chính thức thừa nhận và thực tâm hóa giải.

Thanh Ngọc

Nguồn : Luật Khoa, 26/01/2022

*********************

Thích Nhất Hạnh : Chánh niệm hay chánh trị ?

Võ Văn Quản, Luật Khoa, 24/01/2022

Bên cạnh thuyết pháp chánh niệm, vai trò chánh trị của ông nổi bật (và gây tranh cãi) không kém.

Mine

Ảnh trái : Thích Nhất Hạnh dẫn đầu một buổi đi bộ thiền tại Làng Mai ở Pháp vào năm 2014. Nguồn : PVCEB. Ảnh phải : Thích Nhất Hạnh tham gia cuộc diễu hành ở Mỹ vào năm 1982 nhằm kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân. Nguồn : Plum Village. Ảnh giữa : Path of Happiness.

Trong các nhân vật lãnh tụ tôn giáo từ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, Thích Nhất Hạnh có vẻ là người nổi tiếng nhất, song cũng gây tranh cãi nhất.

Một mặt, tại phương Tây, thiền phái của Thích Nhất Hạnh cũng như sách thiền, sách Phật học do ông viết có tầm ảnh hưởng  không hề nhỏ [1]. Ông được xưng tụng là người cha của chánh niệm (mindfulness). Người Tây phương có vẻ rất thích thú với định hướng Phật giáo của Thích Nhất Hạnh.

Trong một bài giảng đạo nổi tiếng, ông từng cho rằng ai cũng có thể trở thành Bồ tát (bodhisattvas) nếu họ học cách tìm thấy niềm vui và thanh thản ngay ở những hành động nhỏ nhặt nhất như lột cam hay uống trà. Với hơn 70 quyển sách được xuất bản, vai trò của Thích Nhất Hạnh trong đời sống tâm linh phương Tây là không thể phủ nhận.

Christiana Figueres, cựu thư ký thường trực của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, từng chia sẻ vào năm 2016 rằng cô đã không thể tham gia và xây dựng thành công Hiệp định Paris nếu không nhờ vào những lời giảng dạy của Thích Nhất Hạnh. Giám đốc Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim gọi quyển "Phép màu của Chánh niệm" (Miracle of Mindfulness) của Thích Nhất Hạnh là quyển sách ưa thích nhất của ông [2].

thiensu4

Thích Nhất Hạnh trong một bức ảnh chụp tại Làng Mai vào năm 2009. Ảnh : PVCEB.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành ngay sau năm 1975 và những người trong nước có tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, Thích Nhất Hạnh không khác gì con cờ của chính quyền Bắc Việt.

Cùng với Phật giáo Ấn Quang, một nhánh chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động tích cực tại miền Nam Việt Nam, Thích Nhất Hạnh và giới tăng sư phản chiến thời kỳ này bị nhiều người gọi là "phản quốc" hay "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".

Điều gì đã tạo ra hai hình ảnh thuộc về hai thái cực khác biệt nhau đến như vậy ? Liệu đó có phải là hiểu nhầm ? Định mệnh của lịch sử ? Hay chúng là sự thật ? Bài viết sẽ không đi quá xa về việc bình luận hay đưa ra những giả thiết mang tính chất âm mưu thường thấy về vị thiền sư lừng danh này (như về đời sống vợ chồng, con riêng hay thực tế tu tập). Do bản thân Thích Nhất Hạnh ít khi được bàn đến trong sử sách chính thống Việt Nam, tác giả mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin còn thiếu sót đó.

Con đường đến danh tiếng quốc tế

Danh tiếng của Thích Nhất Hạnh trước tiên đến từ quốc gia nơi ông sinh ra. Thích Nhất Hạnh tên thật  là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, lớn lên tại Huế, Việt Nam [3]. Ông được ghi nhận là có định hướng tu hành khi còn khá nhỏ. Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Bảo xuất gia theo phái Thiền Tông tại Việt Nam và chính thức trở thành một sư thầy vào năm 1951.

So với độ tuổi, Thích Nhất Hạnh đạt được những thành tựu tôn giáo đáng kể. Ở giữa tuổi 20, Thích Nhất Hạnh đã có sách xuất bản riêng. Ông bắt đầu quảng bá cho cách tiếp cận đổi mới của riêng ông về Phật giáo.

thiensu5

Thích Nhất Hạnh vào những năm 1950. Ảnh : PVCEB.

Ông chỉ trích Phật giáo miền Nam Việt Nam thời kỳ này quá phi chính trị và cách biệt với đời sống người dân. Từ đó, ông phát động phong trào Phật giáo Dấn thân (thường được biết đến ở phương Tây là "Engaged Buddhism ") [4]. Nhiệm vụ của phong trào này là áp dụng triết lý và điều răn dạy của Phật giáo vào đời sống thực tế để giải quyết các vấn đề như chiến tranh, bất bình đẳng xã hội hay đàn áp chính trị. Thích Nhất Hạnh đồng thời là chủ biên của Tạp chí Phật học Việt Nam, một tờ báo chỉ được phát hành tại miền Nam Việt Nam.

Năm 1960, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Miền Nam Việt Nam là dấu mốc đẩy các cuộc xung đột, giết chóc tại miền Nam Việt Nam ngày càng leo thang và lan tỏa vào thành phố.

Phong trào Phật giáo Dấn thân của Thích Nhất Hạnh được cho là trở thành cái gai trong mắt của chính quyền Ngô Đình Diệm khi công khai phản đối nhiều hoạt động quân sự và khuyến khích người dân phản chiến.

Tuy vậy, Thích Nhất Hạnh vẫn đến Sài Gòn sinh sống trong một thời gian trước khi được chọn tham gia vào chương trình trao đổi do Đại học Princeton, Hoa Kỳ tài trợ. Ông học tập về Tôn giáo học So sánh (Comparative Religion) và được bổ nhiệm làm giảng viên môn Phật giáo Đông phương tại trường Đại học Columbia sau khi kết thúc khóa học. Đây là giai đoạn Thích Nhất Hạnh bắt đầu xây dựng danh tiếng của mình như một nhà vận động phản chiến, hay thậm chí có thể nói là một trong những người đầu tiên khơi mào cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Ông nhanh chóng trở thành gương mặt "người thật việc thật" từ Việt Nam được giới phản chiến Hoa Kỳ thời điểm này ưa chuộng.

Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh và giết hại, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam và tiếp tục các hoạt động của mình. Danh tiếng và ảnh hưởng của Thích Nhất Hạnh đối với phong trào phản chiến trong nước được tăng cường.

Ngay sau khi chính phủ Sài Gòn mới thành hình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Thích Nhất Hạnh là một trong những thành viên tích cực nhất.

Ông được giao làm chủ bút của tuần báo Hải Triều Âm  – cơ quan ngôn luận chính của Viện Hóa đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất [5]. Tuần báo này thu hút nhiều tác giả Phật học, nghị luận viên có tiếng nói và nhanh chóng trở thành tạp chí tôn giáo phổ biến nhất miền Nam Việt Nam. Ông cũng tạo cơ sở cho việc thành lập một trường học Phật giáo dành riêng cho thanh thiếu niên có tên gọi Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội [6].

thiensu6

Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát tại một làng tự nguyện những năm 1960. Ảnh : PVCEB.

Hải Triều Âm lẫn Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội đều có xu hướng chống chính phủ Sài Gòn. Các bài viết của Hải Triều Âm đều có mục tiêu chung là chỉ trích Ngô Đình Diệm và biện giải cho phong trào Phật giáo trước đó, với điểm nhấn là việc Thích Quảng Đức tự thiêu. Tờ báo còn dấn sâu vào việc phê bình chính phủ đương thời miền Nam Việt Nam, yêu cầu loại bỏ các thành phần "thân Diệm" còn sót lại trong chính quyền, đồng thời chỉ trích khả năng can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam.

Bản thân Thích Nhất Hạnh cũng cho ra đời quyển "Hoa sen trong biển lửa", viết bằng tiếng Việt (xuất bản và biết đến tại phương Tây với tên gọi "Lotus in the Sea of Fire ") [7]. Theo người viết, cuốn sách này là tác phẩm phê bình và đấu tranh chính trị thuần túy. Nó bàn và phân tích cả đến vấn đề lịch sử Việt Nam cận đại với mục tiêu gây ảnh hưởng lên dư luận ; và chỉ là "vô tình" có sử dụng ngôn ngữ Phật học.

Năm 1966, nhận lời mời  của Đại học Cornell, Thích Nhất Hạnh lên đường sang Hoa Kỳ [8]. Chuyến đi trở thành chuyến công du tại hơn 19 quốc gia. Ông phát biểu trước Quốc hội Vương quốc Anh, Quốc hội Canada, Quốc hội Thụy Điển. Ông gặp gỡ với hai đại diện của hai chiến tuyến ở Hoa Kỳ : phe chủ chiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara và phe phản chiến do Thượng Nghị sĩ William Fulbright đứng đầu. Ông thậm chí còn có cơ hội gặp gỡ riêng và trình bày ý kiến với Giáo hoàng Paul VI.

Thông điệp chủ đạo  của Thích Nhất Hạnh tại nước ngoài nhất nhất như một : đòi hỏi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào chiến tranh Việt Nam ; yêu cầu các hoạt động quân sự của quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân đội Hoa Kỳ chỉ được giới hạn trong phạm vi phòng vệ ; lên án các vi phạm nhân quyền nói chung và quyền tôn giáo nói riêng tại miền Nam Việt Nam ; yêu cầu chính quyền Sài Gòn thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và từ đó chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước [9].

Thông điệp này bị cho là vượt quá vai trò của một lãnh tụ tôn giáo, và khá dễ hiểu khi nó không được Việt Nam Cộng hòa chào đón. Thích Nhất Hạnh bị cấm trở lại miền Nam Việt Nam. Song trong cuộc sống tha hương, hình ảnh và quan điểm của ông ngày càng phổ biến ở phương Tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Giới hippies phổ nhạc những bài thơ phản chiến của Thích Nhất Hạnh, và Martin Luther King đề cử  ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967 [10].

thiensu7

Thích Nhất Hạnh cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở Chicago vào ngày 31/5/1966. Ảnh : PVCEB.

Dù công khai chống lại phe chủ chiến ở Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn trong suốt hai thập niên tồn tại ngắn ngủi của quốc gia này, Thích Nhất Hạnh luôn xem mình nằm ở vị trí trung lập và chưa bao giờ đứng về phe nào. Quan điểm này cũng được báo chí thế giới phản ánh ghi nhận.

Trong luận thư đính kèm với một bài thơ phản chiến gửi cho ấn phẩm New York Review of Books , ông khẳng định [11] :

"Người ta cho rằng chúng tôi quá ngu ngơ về Cộng sản. Chúng tôi không như thế. Chúng tôi biết rằng Phật giáo bị quản thúc và kiểm soát như thế nào tại miền Bắc. Chúng tôi đã được học về những gì xảy ra tại Trung Hoa. Chúng tôi biết không có chỗ cho tâm linh trong chủ nghĩa Marx.

Và chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh chính trị hòa bình đối với những người Cộng sản, nhưng nó chỉ có thể thực hiện nếu chiến tranh kết thúc. Chúng tôi tin rằng người dân miền Nam Việt Nam có thể tự bảo vệ mình khỏi chủ nghĩa Cộng sản nếu họ được trao quyền tự quyết và thực hiện đời sống chính trị của mình trong hòa bình".

"Kẻ phản bội" ?

Những hoạt động chính trị của Thích Nhất Hạnh liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã giúp ông trở nên nổi tiếng và nay, có thể nói, là lãnh tụ Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới, chỉ đứng sau Đức Dalai Lama.

Song dù phong trào phản chiến giúp tiếng nói của ông nhận được sự đồng cảm và ủng hộ rất lớn từ giới bình dân phương Tây, Thích Nhất Hạnh không tìm được nhiều sự ủng hộ từ chính những người ông từng hứa sẽ bảo vệ – người dân miền Nam Việt Nam. Và người viết, ở mức độ nào đó, hiểu được sự bất mãn của phần lớn những người sinh sống dưới thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là những thuyền nhân phải vượt biên sau năm 1975.

Bạn đọc có thể tham khảo những quan điểm này, được tổng hợp tương đối rời rạc trong tác phẩm "The Dark Journey : Inside the Re-education Camps of Vietcong " của tác giả Hoa Minh Truong, do Strategic Book Publishing xuất bản [12]. Người viết đã cân nhắc và nhận thấy nhà xuất bản có trụ sở ở Hoa Kỳ từng vướng vào nhiều tranh chấp pháp lý với các tác giả và cộng sự, và chắc chắn chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng biên tập của họ. Tuy nhiên, xét về mặt thông tin, không quá khó để kiểm chứng lại chúng.

Điểm thứ nhất, nhiều người chỉ ra tiêu chuẩn kép trong các vận động chính trị của Thích Nhất Hạnh.

Dù cực lực lên án Hoa Kỳ tham chiến và phê phán tình trạng nhân quyền của chính quyền miền Nam Việt Nam, ông chưa bao giờ có thái độ tiêu cực đối với vai trò của quân đội Trung Quốc tại Bắc Việt, hay việc quân đội Bắc Việt Nam tiến vào miền Nam Việt Nam. Đặc biệt hơn, ông chưa từng dám lên tiếng phản đối những chiến dịch khủng bố, ám sát tại đô thị do lực lượng Mặt trận (thường được quân nhân Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn gọi là Việt Cộng) thực hiện.

thiensu8

Người dân chạy nạn đợt tấn công Mậu Thân 1968 trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm thành phố. Hình chụp ngày 13/3/1968. Nguồn : Getty Images.

Đây là luận điểm mà người viết cho rằng không hề nói quá. Từ các cuộc thảm sát sau Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 do chính quyền Bắc Việt và phe Mặt trận chủ động thực hiện, cho đến hàng loạt những vụ đánh bom nhắm vào các mục tiêu dân sự suốt từ năm 1968 cho đến 1975, người viết không tìm được bất kỳ tài liệu nào về việc Thích Nhất Hạnh lên tiếng phản đối hay lên án những hành vi leo thang vũ lực của phía chính quyền cộng sản, dù ông luôn tự nhận mình là người trung lập.

Trong suốt giai đoạn này, Thích Nhất Hạnh vẫn tiếp tục những nỗ lực phản chiến, hay đúng hơn là chỉ trích chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là điều khó lý giải, bởi sau sự kiện Mậu Thân 1968 đẫm máu, khó ai có thể nghĩ phe quyết chiến tại Việt Nam thật sự là Hoa Kỳ hay chính quyền Sài Gòn.

Song những nỗ lực của Thích Nhất Hạnh với phong trào phản chiến quốc tế vẫn thành công trong việc đẩy toàn bộ trách nhiệm của việc leo thang chiến sự tại miền Nam Việt Nam về phía liên minh Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Một năm trước sự kiện Mậu Thân 1968, trong tác phẩm "Hoa sen trong biển lửa" đã nhắc đến ở trên, ông vẫn cho rằng Mặt trận là một lực lượng đại diện ý nguyện nhân dân  mà cả Hoa Kỳ lẫn Sài Gòn phải tôn trọng ý kiến [13].

Vậy, nói về tự do tôn giáo và bảo vệ Phật giáo, liệu Thích Nhất Hạnh có tiền hậu bất nhất hay không ? Có nhiều bằng chứng cho thấy là có.

Trong giai đoạn trước 1975, đặc biệt là sau 1963, dù Lễ Phật Đản và các hoạt động Phật giáo được tiến hành một cách hết sức thuận lợi [14], Thích Nhất Hạnh vẫn vận động mạnh mẽ và nhiều lần lên án chính quyền Sài Gòn trong vấn đề tự do tôn giáo tại quốc hội nhiều nước hay tại Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, sau năm 1975, ông gần như không có bất kỳ chỉ trích nào dành cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và sau đó là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dù các tăng lữ, tăng ni thuộc phái của chính ông phải chịu sự đàn áp và tổn thất nặng nề.

Ngay sau giải phóng, cơ sở Phật giáo của các giáo phái trong nhánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Ấn Quang hay Quốc Tự bị tịch thu trên diện rộng, dù phái Ấn Quang của Thích Nhất Hạnh khá ủng hộ Mặt trận trước đó.

Năm 1977, khi việc quốc hữu hóa tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở nên quyết liệt và phổ biến hơn, Ban trị sự của Giáo hội cũng ra lời kêu gọi tổ chức biểu tình [15]. Song phong trào dân sự, tôn giáo thời điểm này không dễ dàng thành công như trong thời kỳ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những chức sắc lãnh đạo cuộc biểu tình như Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị bắt và bị xét xử hình sự. Các cuộc tự thiêu chìm vào quên lãng.

thiensu9

Thích Quảng Độ trong phiên tòa vào tháng Tám năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Ảnh : Phật tử Việt Nam.

Đến năm 1981, Giáo hội này bị chính quyền giải thể bằng quyết định hành chính. Thay vào đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời sau cuộc họp của các đại diện tăng lữ do chính quyền chỉ định.

Kể từ lúc ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự nhận mình là đại diện độc tôn của tất cả các hoạt động Phật giáo của người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước. Nó cũng là thành viên đại diện duy nhất của tôn giáo này trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Năm 1981 cho đến đầu thập niên 1990 là giai đoạn mà hoạt động tôn giáo bị kiểm soát chặt chẽ, với việc các cá nhân phản đối bị bắt bớ, giam giữ và xét xử.

Thích Quảng Độ, lãnh đạo cuối cùng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ra tù vào năm 1998 và tá túc tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Do sức ép quá lớn và sự xuất hiện thường xuyên của lực lượng an ninh, công an, Thích Quảng Độ sau đó phải rời thiền viện  này [16]. Ông mất vào đầu năm 2020.

Câu chuyện về sự đàn áp của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bằng cách nào đó, chưa bao giờ tìm được đường vào những lời giảng hay những bài phát biểu của Thích Nhất Hạnh tại nước ngoài. Ngược lại, ông tập trung phổ biến và xây dựng nhiều chi nhánh Phật giáo Thiền tông của mình tại nước ngoài, tận hưởng những thành công lớn cả về mặt tôn giáo lẫn tài chính.

***

Trong một khoảng thời gian dài, Thích Nhất Hạnh không hề lên tiếng về những bất công mà người dân miền Nam Việt Nam phải gánh chịu sau năm 1975, về nỗi thống khổ của hơn hai triệu thuyền nhân Việt Nam và hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển ; hay ra mặt bảo vệ quyền lợi cho chính giáo hội trong nước của mình.

Đến năm 2005, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam để chủ trì Đại lễ cầu siêu cho các "nạn nhân chiến tranh Việt Nam". Trớ trêu thay, ông cũng chỉ làm việc thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự can dự sâu của chính quyền trước mặt truyền thông quốc tế.

thiensu10

Thích Nhất Hạnh thăm chùa Thiên Mụ tại Huế vào năm 2005. Ảnh : Dang Ngo/ Zuma Press.

Đây có thể xem là giọt nước tràn ly khiến cho một bộ phận lớn người Việt hải ngoại cũng như giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam khó có thể cân nhắc Thích Nhất Hạnh như là một nhân vật trung lập với chánh niệm Phật giáo thuần túy.

Hiển nhiên, Thích Nhất Hạnh có thể tự xem mình là kẻ thù của cả hai phía trong chiến tranh Việt Nam ; như ông tự kể một cách châm biếm rằng tội của ông là "đã xem con người của cả hai bên là anh em, dù họ thuộc phía Cộng sản hay thuộc phía chống Cộng" [17].

Với những bằng chứng đã có, người viết cho rằng chánh niệm của Thích Nhất Hạnh chưa bao giờ chỉ là chánh niệm. Ông thành lập ra phong trào Phật giáo Dấn thân là để can dự và tham gia vào cuộc đối thoại, tranh cãi chính trị của Chiến tranh Việt Nam. Vậy nên, dù đúng hay sai, lịch sử có quyền tháo bỏ cái hào quang thánh người ta đội cho ông và xét lại vai trò của ông như nó đã làm với bất kỳ ai.

Võ Văn Quản

Nguồn : Luật Khoa, 24/01/2022

Chú thích :

1.  Aidyn Fitzpatrick. (2019, January 24). The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life. Time. Retrieved 2022

2.  Xem [1]

3.  Kyte, L. (2022, January 21). The Life of Thich Nhat Hanh. Lion’s Roar. Retrieved 2022

4.  Thich Nhat Hanh. (2021, June 10). The Fourteen Precepts of Engaged Buddhism. Lion’s Roar. Retrieved 2022

5.  Thích Giác Toàn. (Aug 2014). Lược sử báo chí Phật giáo Việt Nam từ năm 1951 đến năm 1975Thư viện Hoa Sen. 

6.  Chân Diệu Hải. (2014). Trái tim thanh niên phụng sự xã hội – Làng Mai. Làng Mai. Retrieved 2022 

7.  Vietnam : Lotus in a Sea of Fire – A Buddhist Proposal for Peace, Thich Nhat Hanh, Thomas Merton : 9780809013340 : Amazon.com : Books. (1967). Amazon. Retrieved 2022

8.  Modernity and Re-enchantment. (2007). Google Books. Retrieved 2022 

9.  A Proposal for Peace: 1 June, 1966. (2019, October 10). Plum Village. Retrieved 2022 

10.  Schedneck, B. (2019, March 18). Thich Nhat Hanh, the Buddhist monk who introduced mindfulness to the West, prepares to die. The Conversation. Retrieved 2022 

11.  Thich Nhat Hanh. (2021, November 21). A Buddhist Poet in Vietnam by Thich Nhat Hanh. The New York Review of Books. Retrieved 2022

12.  The Dark Journey. (2010). Google Books. Retrieved 2022

13.  Congressional Record. (1967). Google Books. Retrieved 2022

14.  Phật Giáo A Lưới. (2015). Lễ Phật đản năm 1964 trong ký ức người dân Sài Gòn – Phật giáo A Lưới. Phật Giáo A Lưới. Retrieved 2022

15.  Vietnam. (1995). Human Rights Watch. Retrieved 2022

16.  RFA. (2020, October 11). Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị đuổi khỏi Thanh Minh Thiền Viện. Radio Free Asia. Retrieved 2022

17.  BBC Vietnamese. (2005). Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam. BBC Việt Ngữ. Retrieved 2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Khải, Bùi Văn Phú, Thanh Ngọc, Võ Văn Quản
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)