Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2022

Ukraine : Nga chỉ hù dọa hay thực sự muốn tấn công ?

Martin-Genier, Phan Minh, Anh Vũ, Thụy My

Vai trò của NATO trong căng thẳng Nga-Ukraine

Martin-Genier, Phan Minh, RFI, 09/02/2022

Trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine ngày càng gia tăng, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn "gắn số phận của Châu Âu với Ukraine" bằng cách yêu cầu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Ba Lan, Bulgaria và Romania.

hudoa1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ ngày 12/01/2022.  Reuters - Johanna Geron

Trong khi bộ trưởng quân lực Pháp Florence Parly cho biết sẵn sàng điều "vài trăm binh sĩ" tới biên giới Rumani và Ukraine để "bảo vệ các quốc gia gần khu vực căng thẳng này", ông Patrick Martin-Genier, giảng viên của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) và Học Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO) nhận định rằng trong cuộc khủng hoảng Ukraine thì "an ninh của cả Châu Âu đang bị đe dọa". Kể từ cuối tháng 12, Nga bị cáo buộc chuẩn bị phát động một cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraine. Một số cuộc đàm phán đang được tiến hành nhằm tránh một kết cục như vậy.

Nhân chủ đề này, trang mạng Pháp FranceInfo có bài phỏng vấn ông Martin-Genier hôm 29/01/2022.

---------------------

FranceInfo : Liệu NATO có thể ngăn chặn được một cuộc tấn công của Nga hay không ?

Martin-Genier : Tôi nghĩ rằng tổng thống Putin rất bất ngờ trước phản ứng của phương Tây, quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng điều động quân đội NATO và quân đội Mỹ dưới sự giám sát của NATO. Đây là một yếu tố quan trọng bởi vì Vladimir Putin đã ra một điều kiện hoàn toàn không thể chấp nhận được, rằng các lực lượng của NATO phải rút quân không chỉ khỏi Rumani, mà còn khỏi Ba Lan và Belarus.

FranceInfo : Đây thực sự là một động thái mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ, nhưng liệu đây có phải là loại hành động ngăn cản được tổng thống Putin lấn tới hay không ?

Martin-Genier : Tôi không nghĩ vậy. Tổng thống Putin muốn có kết quả và ông ấy sẽ không lùi bước cho đến khi đạt được kết quả ngoại giao. Và quả thực, ông ấy vẫn đưa ra lời đe dọa can thiệp quân sự vào Ukraine. Do vậy, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói : "Khối NATO, cần chú ý, không nên hoảng loạn, không nên tức giận vì hiện tại Nga vẫn chưa tấn công ngay lập tức".

Chúng ta có thể thấy rằng hiện một cuộc chiến "cân não" đang diễn ra từ mấy tuần nay và những phát biểu của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho thấy vẫn có thể giải quyết (khủng hoảng) bằng con đường ngoại giao, mặc dù tổng thống Putin nói rằng phương Tây và NATO không chấp nhận những đề xuất của ông khiến cho tình hình bị bế tắc hoàn toàn.

FranceInfo : Châu Âu bị liên lụy như thế nào ?

Martin-Genier : Vấn đề thực sự nằm ở chỗ quyền tự do, quyền tự quyết của các dân tộc không được tôn trọng. Rõ ràng là tổng thống Putin chưa bao giờ tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cụ thể là việc Crimea đáng lẽ phải được hoàn trả lại cho Ukraine. Cuộc chiến Donbas cũng là một cuộc tấn công vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nhưng vượt lên trên vấn đề Ukraine ra, thì điều đáng lo ngại là an ninh của cả Châu Âu.

Bằng việc yêu cầu NATO rút quân khỏi Rumani, Ba Lan và Bulgari, tổng thống Putin trên thực tế dường như đang gắn số phận của Châu Âu với Ukraine.

Vì vậy, chúng ta sẽ phải hoàn toàn đoàn kết. Điểm khác biệt duy nhất là Ukraine không phải là thành viên của NATO, nên nước này không thể viện dẫn điều khoản số 5 (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), quy định về sự tương trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong các thành viên của NATO bị tấn công. Có thể coi đây là một sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Nga. Nhưng ngoài vấn đề này ra, không chỉ an ninh của Châu Âu mà cả quyền tự do của một quốc gia trong việc lựa chọn các liên minh cho bản thân đang bị đe dọa.

FranceInfo : Liệu chúng ta có phương tiện tiến hành chiến tranh với Nga hay không ?

Martin-Genier : Hoàn toàn không. Ngay cả khi Pháp là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi chúng ta là một cường quốc hạt nhân, chúng ta biết rõ là sẽ không bao giờ sử dụng bom nguyên tử. Ngay cả khi chúng ta có đủ năng lực thuyết phục và răn đe, một mình Pháp sẽ không thể giúp tránh được sự xâm lược (của Nga), điều đó có nghĩa là tất cả các nước NATO phải tập hợp lại với nhau để đối phó với hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.

Thế nhưng vấn đề là trong số các thành viên Châu Âu của NATO, một số nước bị chia rẽ. Mắt xích yếu hiện nay rõ ràng là Đức, quốc gia từ chối gửi vũ khí sang Ukraine.

Đức thậm chí còn không cho phép các lực lượng của NATO bay qua không phận của mình. Nước Pháp thực sự không thể và không có năng lực ngăn cản một cuộc xâm lăng. Chính vì thế, các nước thành viên NATO cần phải đoàn kết. Chúng ta đã thấy Hà Lan và Đan Mạch sẽ huy động binh lính, tàu chiến, máy bay quân sự. Điều cần thiết là một mặt trận thống nhất của NATO. Đương nhiên, một mình nước Pháp không có khả năng ngăn cản được một cuộc xâm chiếm hoặc toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraine.

FranceInfo Việc NATO huy động lực lượng liệu có nguy cơ gây căng thẳng trên thực địa hay không ?

Martin-Genier : Đương nhiên rồi. Điều khó khăn là chúng ta phải biết được tổng thống Putin đang nghĩ gì. Ông ta cần một lối thoát trong danh dự. Tôi có cảm giác là cuộc điện đàm hôm 28 tháng Giêng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một tín hiệu khá tích cực vì nó kéo dài một giờ, và vì ông Putin đang ở thế khó. Theo tôi và các chuyên gia quân sự, Nga không có khả năng kéo dài nếu xẩy ra một cuộc xâm chiếm.

Dẫu sao, cần phải biết là Ukraine sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.

Chiến tranh kéo dài từ lâu nay, bắt đầu ở Donbas từ năm 2014, với 15.000 người chết. Ukraine thực sự rất quyết tâm. Đối với Nga, đây thực sự là một vũng lầy, giống như Afghanistan, nếu Moskva tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện. Hiện tại, tình hình có lẽ đang xuống thang. Các hoạt động ngoại giao được tiến hành từ nhiều tuần qua và hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận gì đó. Nhưng một lần nữa, Vladimir Putin nói rằng những yêu cầu chính của ông đã không được phương Tây và NATO coi trọng, vì vậy chúng ta vẫn đang ở trong một cuộc chiến "cân não" và không thể loại trừ một cuộc xâm chiến toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraine.

FranceInfo : Pháp có nên tiếp tục tham gia bộ chỉ huy liên hợp NATO hay không ?

Martin-Genier : Tôi nghĩ rằng việc Pháp là thành viên bộ chỉ huy liên hợp NATO là điều cơ bản, thậm chí mang tính chiến lược. Giải pháp thay thế duy nhất, đó là lực lượng phòng thủ Châu Âu, nhưng lực lượng này hoàn toàn không tồn tại. Chúng ta thấy có những bất đồng. Châu Âu đang cố tập hợp lại với nhau, có một cách tiếp cận qua lại trong lĩnh vực công nghiệp, vũ khí khí tài, thế nhưng, không có lực lượng phòng thủ Châu Âu.... Vì vậy, không có giải pháp thay thế cho NATO và cho việc tham gia bộ chỉ huy liên hợp NATO. Nếu Pháp rời bộ chỉ huy liên hợp, thì trước tiên, nước này sẽ mất đi tầm ảnh hưởng đáng kể của mình và đó sẽ là một món quà cho tổng thống Putin. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng NATO đã chết não, nhưng hiện nay, chúng ta đang thấy rõ ý nghĩa của tổ chức quân sự này là nhằm bảo vệ tự do ở Châu Âu.

Phan Minh tóm lược

************************

Khủng hoảng Ukraine : Le lói hy vọng hạ nhiệt với hoạt động ngoại giao cấp tập

Anh Vũ, RFI, 10/02/2022

Không khí vẫn còn căng thẳng xung quanh khủng hoảng Ukraine, nhưng hy vọng tránh một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng lớn dần cùng với những nỗ lực ngoại giao trong những ngày qua. "Giờ đây, vẫn còn cơ hội thực sự" để hạ nhiệt khủng hoảng giữa Moskva và Kiev, hôm qua 09/02/2020, ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, lạc quan đánh giá như trên.

salay4

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (phải) họp báo với đồng nhiệm Hoa Kỳ Antony Blinken, Kiev, ngày 19/01/2022. Alex Brandon Pool/AFP

Theo lãnh đạo ngoại giao Ukraine, tình hình hiện nay vẫn "căng thẳng nhưng kiểm soát được". Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tỏ lạc quan khi nhận thấy có những "tiến bộ" sau các trao đổi ngoại giao dồn dập giữa Moskva và phương Tây. Ông nhấn mạnh "sứ mệnh là bảo đảm an ninh ở Châu Âu và tôi tin chúng ta sẽ đạt được". Về phía Paris, phủ tổng thống Pháp ra thông cáo ca ngợi chuyến công du con thoi của tổng thống Emmanuel Macron đến Moskva, Kiev và Berlin trong hai ngày vừa rồi đã đạt được "mục tiêu" giúp làm dịu tình hình.

Về phần Moskva, phát ngôn viên của Kremlin, Dmitri Peskov hôm qua đánh giá "có những tín hiệu tích cực trong việc Ukraine quyết định hành động trên cơ sở thỏa thuận Minsk", ký giữa Kiev và lực lượng nổi dậy miền đông Ukraine, dưới sự bảo trợ của Paris, Berlin và Moskva hồi năm 2015.

Sau cuộc hội đàm trực diện với ông Vladimir Putin, ông Emmanuel Macron khẳng định tổng thống Nga bảo đảm không có hành động gây thêm căng thẳng tình hình.

Hôm nay, ngoại trưởng Anh, Liz Truss, bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Moskva, trong lúc thủ tướng Anh Boris Johnson cũng chuẩn bị tới Ba Lan, nơi Luân Đôn dự tính sẽ triển khai thêm quân. 

Vẫn trong nỗ lực tìm lối thoát có thể cho khủng hoảng Ukraine. Hôm nay, thủ tướng Đức sẽ tiếp các lãnh đạo các nước vùng Baltic láng giềng với Nga, cũng đang rất lo ngại về tình hình căng thẳng hiện nay.

Một điểm nhấn trong các hoạt động ngoại giao liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay là chuyến đi Nga của thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Moskva ngày 15/02. Công trình dẫn khí đốt từ Nga sang Đức Nord Stream 2 vẫn tiếp tục phủ bóng lên cuộc khủng hoảng hiện nay.

Một ẩn số lớn còn lại hiện nay là ý định của tổng thống Nga Putin. Nguyên thủ Nga vẫn không nói lời nào về hàng chục nghìn quân Nga đang được triển khai gần biên giới Ukraine.

Anh Vũ

*********************

Ukraine : Pháp, Đức, Ba Lan đoàn kết vì hòa bình Châu Âu

Thụy My, RFI, 09/02/2022

"Đoàn kết để tránh chiến tranh xảy ra ở Châu Âu", đó là thông điệp mà thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda muốn đưa ra hôm 08/02/2022 tại Berlin. Cuộc gặp này diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch ngoại giao rộng rãi liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, sau chuyến thăm Moskva và Kiev của tổng thống Pháp, cũng như chuyến đi Washington của thủ tướng Đức.

hudoa2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa), tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron (phải) tham dự cuộc họp báo chung tại Berlin, Đức ngày 08/02/2022.  Reuters - Pool

Tam giác Weimar - công thức đã được lặng lẽ kỷ niệm 30 năm vào năm ngoái - là liên kết giữa Pháp-Đức, hai đồng minh là cột trụ truyền thống của Châu Âu và Ba Lan, nước Đông Âu lớn nhất, với nhiều thăng trầm theo thời gian. Warszawa ngày nay đóng vai trò tiên phong trong cuộc khủng hoảng Ukraine, có quan điểm cứng rắn nhất đối với Moskva.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

Ba nhà lãnh đạo Scholz, Macron và Duda muốn kích hoạt trở lại công thức Weimar từ nhiều năm qua vẫn bất động, và bày tỏ tình đoàn kết của Châu Âu trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng Đức tuyên bố : "Mục đích chung của chúng tôi là tránh để chiến tranh xảy ra ở Châu Âu, phân tích tình hình của chúng tôi rất giống nhau. Chúng tôi muốn giảm căng thẳng, cần đến các cuộc đàm phán và một giải pháp".

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tỏ ra lạc quan, cho rằng giải pháp sẽ được "tìm thấy", nhưng theo ông, muốn vậy Châu Âu không nên lùi một bước nào, và phải cứng rắn.

Ông Emmanuel Macron cũng có cùng giọng điệu, một lần nữa cho rằng cần "đối thoại ráo riết với Nga". Tổng thống Pháp khẳng định : "Cần phải tránh chiến tranh. Hòa bình và ổn định ở Châu Âu là tài sản quý giá của chúng ta, và nghĩa vụ của chúng ta là phải làm mọi cách để gìn giữ".

Tổng thống Macron nhắc nhở rằng thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất cho một giải pháp chính trị. Một cuộc họp mới theo công thức Normandie giữa các cố vấn Nga, Ukraine, Đức và Pháp sẽ diễn ra ngày 09/02 ở Berlin. Một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo bốn nước thì vẫn chưa chắc chắn.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Martin-Genier, Phan Minh, Anh Vũ, Thụy My
Read 289 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)