Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2022

Tại sao Hà Nội sợ tín ngưỡng phát triển trên Tây Nguyên ?

Mai Lan, Nguyễn Nam, Vân Khánh, Phạm Lê Đoan

Việt Nam sẽ cởi mở hơn về chính sách tôn giáo ở Tây Nguyên ?

Mai Lan, VNTB, 09/02/2022

Các "hiện tượng tôn giáo mới" có mặt ở Tây Nguyên trong những năm gần đây với cả hai chiều kích, đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng vốn đã đa dạng, lại càng trở nên đa dạng hơn.

tinnguong1

"Giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và với cả nước".

Tôn giáo qua lăng kính thống kê

Một tham luận tại hội thảo "Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên : Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách", cho biết về số liệu như sau :

Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó tín đồ người dân tộc thiểu số khoảng 511.450 người (Đăk Lăk : 186.000 ; Gia Lai : 152.690 ; Lâm Đồng : 88.000 ; Đăk Nông : 76.050 ; Kon Tum : 17.710) chiếm 96,6% tổng số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực này.

Phật giáo ở Tây Nguyên phát triển tín đồ Phật tử chủ yếu trong đồng bào Kinh (khoảng trên 600.000 Phật tử), tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật rất ít so với sự phát triển và hoằng pháp chung của Phật giáo ở các vùng miền cả nước.

Đạo Cao Đài bắt đầu được truyền bá lên Tây Nguyên từ năm 1938 cùng với chính sách khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp. Tiếp đó, giáo hội Cao Đài các hệ phái Tây Ninh, Ban Chỉnh đạo đã cử chức sắc lên Tây Nguyên truyền đạo và xây dựng cơ sở.

Đến những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng được đưa lên Tây Nguyên sinh sống và mang theo tín ngưỡng của đạo Cao Đài. Từ đó, ở Tây Nguyên có thêm các hệ phái Cao Đài Chơn lý, Cao Đài Cầu Kho và hệ phái Truyền giáo Cao Đài.

Cũng như Phật giáo, đạo Cao Đài truyền lên Tây Nguyên chủ yếu phát triển trong đồng bào dân tộc Kinh với khoảng 22.000 tín đồ, số tín hữu Cao Đài là người dân tộc thiểu số rất ít.

Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ Công giáo ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30,9% tổng số người theo Công giáo của toàn vùng.

Công giáo truyền lên Tây Nguyên sớm, với mốc khởi điểm từ những năm 1765 và mốc chính thức đầu từ năm 1850 với khu vực truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum, sau đến Lâm Đồng và Đắc Lắc. Trong quá trình phát triển, Công giáo ở Tây Nguyên hình thành 3 giáo phận : Kon Tum (1932), Đà Lạt (1960) và Buôn Ma Thuột (1967) với khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, hơn 630 linh mục (396 linh mục triều, 234 linh mục dòng), hơn 2.714 tu sĩ nam nữ.

Tôn giáo – Sắc tộc – Chính trị

Trình bày tham luận tại hội thảo, phó giáo sư – tiến sĩ Lê Văn Lợi, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng với vị trí, vai trò chiến lược đối với đất nước, giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và với cả nước.

Theo ông Lợi, sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin Lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành những cộng đồng dân tộc – tôn giáo. Ông Lợi đã dùng cụm từ "hiện tượng tôn giáo mới" khi bàn luận về trục tôn giáo – sắc tộc và thể chế chính trị đơn nguyên.

Dự báo về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên, ông Lợi cho rằng, các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài… sẽ vẫn tiếp tục đường hướng hành đạo để thích ứng, nhập cuộc sâu rộng hơn, toàn diện hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với các tộc người trên địa bàn Tây Nguyên, tiếp tục gắn bó chặt chẽ và đồng hành với dân tộc – quốc gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lợi cho rằng sự phát triển của tôn giáo tiếp tục làm rạn nứt, giải thể các thiết chế cộng đồng truyền thống và hình thành, phát triển các cộng đồng tôn giáo – tộc người và tộc nhóm – tôn giáo ở Tây Nguyên, kể cả tính chất liên vùng, liên xuyên quốc gia và liên khu vực.

Sự thay đổi, phân hóa, liên kết, xung đột về tín ngưỡng, đức tin, về sinh hoạt văn hóa, lối sống diễn ra với nhiều cấp độ, không chỉ trong các địa bàn hành chính, trong các cộng đồng tộc người mà cả trong từng buôn làng, giữa các thế hệ, trong mỗi gia đình của các tộc người ở Tây Nguyên.

"Điều này có những khía cạnh tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không tránh khỏi sự đứt gãy, hụt hẫng về văn hóa, làm mai một các giá trị văn hóa đặc sắc quý báu của các tộc người Tây Nguyên. Hơn nữa, cùng với sự nổi trội vai trò của tôn giáo và chức sắc tôn giáo trong đời sống cộng đồng các tộc người là sự giảm sút vai trò của già làng, trưởng họ và nhất là sự mờ nhạt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Điều đó đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững Tây Nguyên" – ông Lợi cảnh báo.

Như vậy, với nhìn nhận của ông Lê Văn Lợi trên cương vị chủ trì hội thảo, cho thấy đang có yêu cầu của nhận diện lại mối quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên. Bởi đang diễn ra sự giao thoa tiếp biến văn hóa, tác động qua lại giữa quan hệ dân tộc và tôn giáo. Tôn giáo làm biến đổi quan hệ dân tộc đồng thời quan hệ dân tộc có những tác động tới yếu tố địa phương hóa của tôn giáo khi vào Tây Nguyên. Điều đó đưa đến yêu cầu cần xác định một số vấn đề liên quan tới quan hệ dân tộc – tôn giáo khi hình thành cộng đồng tôn giáo – dân tộc ở Tây Nguyên để có những tu chỉnh thích hợp của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 09/02/2022

*********************

Ai đã làm Tây Nguyên xáo trộn niềm tin tín ngưỡng ?

Nguyễn Nam, VNTB, 07/02/2022

Tây Nguyên – một thuở Hoàng Triều Cương Thổ

Sử sách ghi hầu hết người Nùng ở Việt Nam di cư từ các thổ ty người Tráng tại Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 300 năm trước. Một bộ phận người Việt Nam gồm thầy đồ và quan lại di cư lên khu vực biên giới Việt – Trung sinh sống, sau vài thế hệ họ bị Thổ hóa, và ngày nay được chính phủ Việt Nam phân loại là người Tày.

tinnguong2

Đa số người Nùng di cư vào Tây Nguyên sau năm 1954 theo đạo Tin Lành và dùng tiếng Việt để cử hành thánh lễ

Những người này thường sống ở tỉnh lỵ, huyện lỵ hoặc các ngôi làng/bản ven những trung tâm dân cư này. Họ thường sở hữu nhiều đất đai và tương đối giàu có hơn các cư dân bản địa xung quanh. Một vài trong số nhiều dòng họ này gồm : họ Giáp, họ Thân, hiện nay cư trú ở vùng ải Chi Lăng (Lạng Sơn) vốn là họ Võ (ở Võ Giàng, Hà Bắc). Họ Nguyễn Công, Nguyễn Khắc ở vùng Thất Khê là những người quê ở Nghệ An được cử lên Lạng Sơn làm quan vào thời Trần Hiến Tông (1328-1341).

Tây Nguyên sớm trở thành khu tái định cư chính yếu cho khoảng 850.000 người di cư vào miền Nam sau Hiệp định Geneva, đa số là người Công giáo.

Mặc dù vấn đề xóa bỏ Hoàng Triều Cương Thổ của ông Ngô Đình Diệm còn gây nhiều tranh luận trái chiều, song cần nhìn nhận rằng trước năm 1975, dân số Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, sống khá yên bình, so với hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua.

Cuộc di dân vào Tây Nguyên của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50.000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên. Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ theo đạo Tin Lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40.000 người Hmông là tín đồ Tin Lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.

Những dòng người di cư từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa – xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây Nguyên hiện nay.

Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt và chuyển đổi sở hữu đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ thay đổi và biến động. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây Nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng lại sớm phải đối diện với sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường.

Còn các tộc người khác đến với Tây Nguyên, nhất là với người Kinh, dường như họ lại có cảm giác chứng kiến một tình trạng kéo dài của cấu trúc buôn làng, vốn rất xa xưa và lạ lẫm với họ. Như vậy, hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư đã có dịp giao lưu với nhau trên vùng đất này, tạo ra một sắc màu văn hóa vừa đa dạng, vừa muốn học hỏi cái mới nhưng lại muốn giữ lại nguyên trạng những nguyên sơ của vùng này.

Suy cho cùng, việc lựa chọn văn hóa, lối sống là do người dân, chủ thể nơi đây quyết định. Do đó, việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế chính nó đã tạo ra một sự tự do phát triển. Việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên không quan trọng bằng việc cần "phát triển bền vững" cho vùng này.

Đừng định hướng chính trị cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Như vậy nếu giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, thay cho "phát triển nóng", "tăng trưởng nóng" thì thiết nghĩ cái gì là nguyên dạng của Tây Nguyên có lẽ vẫn còn đó.

Từ phác họa ở trên còn cho thấy trong cơ chế chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay, không thể không tính đến yếu tố tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin Lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là "văn hóa tôn giáo".

Đặc trưng của "văn hóa tôn giáo" là nó đã kích đẩy những chủ nhân ở chính vùng đất của họ nhiều yếu tố tích cực như củng cố các giá trị đạo đức, thực hành tiết kiệm, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Thực tế cho thấy những cải tổ về các thủ tục cưới xin mà chay do các tôn giáo mang lại có vẻ ưu trội hơn so với các tập tục rườm rà tốn kém của văn hóa buôn làng.

Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra xu hướng rằng : "Văn hóa tôn giáo" đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, thờ phượng. Nó vượt trên sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.

Tính tích cực ấy của tôn giáo cần phải được nhìn nhận.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 07/02/2022

**********************

Niềm tin tôn giáo sẽ hỗ trợ việc quản lý trật tự xã hội tốt hơn

Vân Khánh, VNTB, 07/02/2022

Lẽ nào lại ngại niềm tin tôn giáo sẽ cạnh tranh với Đảng ?

"Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, đem Tin Mừng giải thoát, Thiên Chúa đã cứu tôi". Đó là lời của một bài thánh ca mà tôi được nghe trong khi dự lễ giao thừa năm Nhâm Dần" – tác giả Ngọc Vân đã viết như vậy trong mộtbài viết  trên trang Việt Nam Thời Báo.

Cuối bài viết, tác giả Ngọc Vân ao ước : "Nhân dịp năm mới, ước gì ngày càng có nhiều người tỏ lòng thương yêu đồng bào, đặc biệt là trong việc góp phần đem lại những thay đổi tích cực cho việc phát triển kinh tế nước nhà và việc đem lại tự do cho mỗi người dân".

Tôi muốn được hưởng ứng lời kêu gọi ở trên của tác giả Ngọc Vân, và mong trang Việt Nam Thời Báo cần có tuyến bài này về niềm tin tôn giáo trong sự cần thiết mang tính hài hòa giúp nhà chức trách làm tốt hơn phận sự quản lý trật tự trị an, và an sinh cho cộng đồng.

Rõ ràng là nhìn từ Tây Nguyên, dù người cộng sản có kiêu ngạo đến đâu đi nữa thì họ cũng không thể phủ nhận các tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, giúp khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tôn giáo là quyền dân sự hiến định

Hiện nay, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng đa thần truyền thống, ở Tây Nguyên còn có sự hiện diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài và một số tạm gọi tôn giáo mới tương tự như ở miền Nam có "tôn giáo nội sinh". Các tôn giáo mới này có thể kể đến như : Hà Mòn, Pơ khắp Brâu, Amí Sara, Canh tân Đặc sủng, Cây Thập giá Chúa Jêsu Krist, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam…

Khi tôn giáo phát triển trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo, những điều khuyên răn trong cách ứng xử của con người với đấng siêu nhiên, với tự nhiên, giữa con người với con người, và con người với chính bản thân mình trong giáo thuyết của các tôn giáo vừa có những nét tương đồng, vừa có những điểm khác biệt, mới mẻ so với hệ giá trị tín ngưỡng truyền thống, tạo nên sức hút, góp phần thay đổi một số quan niệm, chuẩn mực đạo đức và lối sống của đồng bào.

Đồng bào theo các tôn giáo sẽ tự giác tuân thủ những lời răn dạy, tích cực tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thực tế cho thấy, trong các cộng đồng dân tộc theo tôn giáo ở Tây Nguyên không có tình trạng bỏ vợ, bỏ chồng không chính đáng, không có tình trạng ngược đãi, bạo hành trong gia đình, các loại tệ nạn xã hội ít xảy ra.

tinnguong3

Cùng với quá trình truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng, thời gian qua, các tôn giáo đã đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Văn minh hơn nhờ tôn giáo

Khi du nhập, phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, một số tôn giáo với những nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi những quan niệm, tập tục lạc hậu, những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, góp phần thay đổi nếp sống văn hóa của đồng bào theo hướng tiến bộ hơn, văn minh hơn.

Trẻ em được quan tâm, khuyến khích học hành nâng cao trình độ học vấn, các gia đình, buôn làng, cộng đồng được hướng dẫn tổ chức cuộc sống văn minh hơn.

Tham gia tôn giáo, đồng bào thay đổi lối sống, phù hợp với điều kiện mới, đặc biệt trong bộ phận đồng bào theo Công giáo và đạo Tin Lành.

Đồng bào theo Công giáo và đạo Tin Lành khi ốm đau không còn mời thày mo, thày cúng về đuổi ma, trừ tà mà đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh ; cưới hỏi, tang ma được thực hiện theo các nghi lễ tôn giáo, tiết kiệm hơn và từ bỏ nhiều nghi lễ, tập quán lạc hậu.

Tham gia tôn giáo, đồng bào cũng tham dự các hoạt động cộng đồng cầu nguyện, tu học, có thời gian thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội, có thêm sự động viên, tương trợ nhau khi khó khăn, có thêm kiến thức mới…

Từ những ghi nhận trên cho thấy trongvụ án một linh mục bị sát hại dã man ở Kon Tum, lẽ ra nhà chức trách địa phương phải nhanh chóng truyền thông rộng rãi để tránh hoang mang. Bởi có một thực tế là cùng với quá trình mở rộng ảnh hưởng, các tổ chức tôn giáo đã có những cách thức, biện pháp để từng bước hội nhập, tiếp nhận trở lại những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Thay lời kết

Với đường hướng hội nhập văn hóa, Công giáo đang từng bước nỗ lực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách đào tạo các chức sắc, chức việc người dân tộc ; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho đồng bào ; tổ chức trưng bày hiện vật văn hóa các dân tộc ; cho phép tín đồ thực hành một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống ; sử dụng cồng chiêng và mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội tôn giáo hay các buổi lễ ở nhà thờ,…

Nhiều nhà thờ Công giáo hòa trộn kiến trúc phương Tây và nét kiến trúc nhà rông, hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được xây dựng ở Tây Nguyên.

Cùng với quá trình truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng, thời gian qua, các tôn giáo đã đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ở một số nơi, tổ chức tôn giáo đã xây dựng được cơ sở giáo dục trường mầm non, dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở lưu trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ; tổ chức phòng khám và phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy, cần thiết ở đây là Quốc hội Việt Nam cần có những tu chỉnh luật thích hợp về tín ngưỡng, tôn giáo để các giá trị nhân sinh mà tôn giáo mang lại không còn bị nghi kỵ qua lăng kính méo mó của chính trị hóa ở thể chế đơn nguyên.

Vân Khánh

Nguồn : VNTB, 07/02/2022

************************

Tôn giáo và vấn đề sắc tộc ở Tây Nguyên

Phạm Lê Đoan, VNTB, 09/02/2022

Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo đã được công nhận về mặt thủ tục hành chính, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số 1.753.761 tín đồ, chiếm 34,7% dân số, gần 3.500 nhà tu hành, khoảng 840 cơ sở thờ tự.

tinnguong4

Kịch bản tuyên truyền định hướng dư luận kế tiếp của chính quyền rằng "đạo lạ" đã tác động, ảnh hưởng đến tín lý và tổ chức của tôn giáo truyền thống

Mức sống chênh lệch nhau dẫn đến mâu thuẫn sắc tộc ?

Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số có 375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48% ; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân số.

Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế – xã hội. Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định.

Có một thực tế là từ việc quản lý thủ tục hành chính theo hướng hạn chế quyền độc lập của tôn giáo dẫn đến chuyện người dân sử dụng quyền tự do tôn giáo được hiến định để tham gia một số loại hình sinh hoạt tôn giáo mà chính quyền nhiều địa phương vì tránh đụng chạm, nên dùng từ "đạo lạ" với cách hiểu đây là biến tướng từ tôn giáo truyền thống.

Kịch bản tuyên truyền định hướng dư luận kế tiếp của chính quyền rằng "đạo lạ" đã tác động, ảnh hưởng đến tín lý và tổ chức của tôn giáo truyền thống, do "đạo lạ" phê phán chính tôn giáo gốc của mình, dẫn đến mâu thuẫn giữa "cốt cán" của "đạo lạ" với các chức sắc, chức việc của tôn giáo truyền thống, giữa người theo "đạo lạ" với người theo tôn giáo truyền thống.

Tuy nhiên có một thực tế mà nhà chức trách địa phương tránh né, đó là quần chúng tham gia các "đạo lạ" tại Tây Nguyên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có nhóm Canh Tân Đặc Sủng có số người tin theo là dân tộc Kinh.

Họ là những người có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thí dụ, làng H’Ra và Lơ Pang thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có khoảng 100 người tin theo "đạo lạ" của bà Y Gyin, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chiếm trên 60% ; phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nhà rông tại các làng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân.

"Lạ" không có nghĩa là "tà"

Một báo cáo ghi nhận từ cơ quan an ninh tôn giáo, viết :

"Việc xuất hiện các "đạo lạ" chỉ riêng cho người dân tộc thiểu số còn ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc Kinh, có xu hướng hình thành nên những cộng đồng dân tộc – "tôn giáo mới" cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thí dụ", đạo lạ" của bà Y Gyin tuyên truyền "Người Kinh có Đức mẹ La Vang thì người dân tộc thiểu số có Đức Mẹ Hà Mòn".

Với trường hợp Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin Lành xuất hiện ở tỉnh Đăk Lăk vào khoảng giữa năm 2009 trong bối cảnh Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đang có dấu hiệu phân hóa, mâu thuẫn, một số chi hội, điểm nhóm Tin Lành của người dân tộc thiểu số tại chỗ kêu gọi bầu Ban Chấp sự vùng, lập "Hội thánh Tin Lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên" tách ra khỏi các Hội thánh của người Kinh.

Mục sư Y Nham Niê Trei người dân tộc Ê Đê, quản nhiệm Chi hội Tin Lành Buôn Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pach, tỉnh Đăk Lăk nhân đó tuyên truyền vận động thành lập "Ban cầu nguyện Phục hưng Tin Lành" để tách ra sinh hoạt riêng.

Nhiều nơi, các "cốt cán" của "đạo lạ" lôi kéo, kích động những người tin theo thực hiện "5 không", bất hợp tác với chính quyền : không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền, không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương.

(…) "Đạo lạ" của bà Y Gyin lúc đầu xuất hiện chỉ ý đồ chống lại chủ trương di dân làm công trình thủy điện Plei Krông, về sau là "Theo Đức Mẹ Pluk ở Hà Mòn để đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam công nhận là tôn giáo riêng của người dân tộc, nhờ quốc tế can thiệp thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên do Ksor Kơk đứng đầu".

Có nơi "đạo lạ"này hình thành khung tổ chức, vô hiệu hóa chính quyền ở buôn làng, khống chế quần chúng ; khi cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh, nhiều đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt.

Cây Thập giá Chúa Giêsu Christ tuyên truyền người dân tộc thiểu số phải thường xuyên cầu nguyện cho "Nhà nước Đêga", cho những người bị "Nhà nước Kinh" bắt ở tù ; phải luôn yêu Chúa và chỉ có tin theo "Tin Lành Đêga" mới giải phóng được cho người Đêga ; cầu nguyện để được quốc tế can thiệp cho người dân tộc thiểu số…" (dừng trích).

Hiện nay, đạo Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên. Theo số liệu, các tỉnh Tây Nguyên có tới 47 hệ phái Tin Lành, trong số đó nhiều hệ phái chưa được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo theo quy định về thủ tục hành chính.

Đừng chính trị hóa tôn giáo nữa

Cũng theo tài liệu trên, một khuyến cáo được đưa ra cho thấy không rõ vì sao đến nay vẫn chưa được thực thi (trích) :

"Vấn đề nhận thức của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên về hiện tượng "đạo lạ" còn nhiều bất cập.

Không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền còn đánh đồng giữa "đạo lạ", "hiện tượng tôn giáo mới" với tà giáo dẫn đến nặng về xử lý, đấu tranh loại bỏ,làm cho những người tin theo lo sợ, càng lén lút hoạt động, hoặc quay lại phản ứng với chính quyền khiến cho tình hình càng thêm phức tạp.

Do đó, cần nhận thức đúng đắn về "đạo lạ"",hiện tượng tôn giáo mới".

Việc tin theo các "đạo lạ" từ nơi khác đến hoặc xuất hiện ngay tại địa phương cho thấy nhu cầu tôn giáo của người dân, là một trạng thái chung về chuyển biến niềm tin tôn giáo đang diễn ra không chỉ ở Tây Nguyên hay ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới.

Nó đã là một thực thể xã hội nên cần phải nhìn nhận và ứng xử đúng đắn đối với từng trường hợp cụ thể, bởi "lạ" chỉ là chưa "quen"chứ không có nghĩa là "tà", vì "tà" là không "chính", là mờ ám, mang nghĩa tiêu cực, và "mới" là để phân biệt với cũ chứ mới không phải là tà, là xấu.

Đơn cử, những người Công giáo gọi là "đạo Hà Mòn" vì phát sinh tại xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, còn chính quyền gọi là "Tà đạo Hà Mòn". Chúng tôi đề xuất nên gọi là "đạo lạ" của bà Y Gyin – gắn với tên người tự tung tin Đức Mẹ hiện hình" (dừng trích).

Theo ghi nhận của cơ quan an ninh tôn giáo, tại làng Kon Mar Hah và Kon Nát thuộc xã Hà Đông,huyện Đăk Đoa có đến 90% hộ theo "đạo lạ" của bà Y Gyin thuộc diện đói nghèo, sống khép kín, trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đi học hoặc phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm rẫy.

Cấp ủy, chính quyền địa phương không nắm chắc tình hình "đạo lạ", không có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh phức tạp ngay từ đầu. Thậm chí còn có cả đảng viên tham gia "đạo lạ", như trường hợp hai xã H’Ra và Pơ Lang có tới 22 cán bộ, đảng viên liên quan đến hoạt động "đạo lạ" của bà Y Gyin, hoặc có thân nhân liên quan đến "đạo lạ" này.

"Điều đó cho thấy, trong công tác đối với "đạo lạ", phải nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế – xã hội và quan tâm giải quyết nhu cầu tinh thần cho nhân dân ; bảo đảm vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, vừa hướng hoạt động tôn giáo của người dân theo hướng lành mạnh, đúng pháp luật, kịp thời ngănchặn những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của tôn giáo và "đạo lạ" gây ra" – báo cáo có đoạn đề xuất như vậy.

Đề xuất ở trên dường như cũng là ý kiến được đặt ra từ tháng 6/2015 trước chuyến công cán Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nhận định, "Báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ rằng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách nhà nước", ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói : "Chính quyền Việt Nam cần vứt bỏ não trạng thời Chiến tranh lạnh khi coi những người theo tôn giáo khác là ‘thù trong’ và tôn trọng các quyền tự do tôn giáo cơ bản của họ".

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 06/02/2022

Tham khảo :

Việt Nam : Chấm dứt đàn áp kiểu “Tà đạo” đối với các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Nguyễn Nam, Vân Khánh, Phạm Lê Đoan
Read 414 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)