Vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh : Động cơ của kẻ thủ ác đã sáng tỏ ?
VOA tiếng Việt, 08/02/2022
Giám mục Giáo phận Kon Tum vừa đưa ra một bức thư nhằm làm sáng tỏ động cơ khả dĩ của người đàn ông bị buộc tội giết Linh mục Trần Ngọc Thanh trong lúc có những "uẩn khúc" quanh vụ sát hại gây phẫn nộ trong cộng đồng tôn giáo.
Phần mộ của Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, người bị sát hại bởi một người đàn ông khi đang làm lễ rửa tội cho các giáo dân tại một điểm sinh hoạt tông giáo hôm 29/1 ở Giáo xứ Sa Loong của Kon Tum.
Nguyễn Văn Kiên, người sát hại Linh mục Thanh hôm 29/1, đang bị giam giữ sau khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum khởi tối về tội "Giết người".
Nghi phạm 31 tuổi đã dùng một con dao dài khoảng 40cm chém nhiều nhát vào Linh mục Thanh khi đang làm lễ cho khoảng 20 giáo dân tại một điểm sinh hoạt tôn giáo ở xã Sa Loong thuộc huyện Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum. Linh mục Thanh được đưa đi cấp cứu sau khi bị chém nhiều nhát nhưng không qua khỏi. Vị linh mục 41 tuổi thuộc dòng Đa Minh bị sát hại chỉ hơn 1 tuần sau khi được bổ nhiệm tới đặc trách Giáo họ Sa Loong thuộc Giáo xứ Đắk Mốt, nơi có nhiều người Thượng sinh sống.
Vài ngày sau khi mạng xã hội đưa tin về vụ sát hại "man rợ" khiến cộng đồng tôn giáo phẫn nộ với những nghi vấn trong công luận về động cơ giết người của kẻ thủ ác, truyền thông trong nước mới bắt đầu đăng tải các thông tin về vụ việc.
Theo VOV, đối tượng ra tay sát hại Linh mục Thanh "có biểu hiện không bình thường về thần kinh". Tuy nhiên, trongbức thư mà Tòa Giám mục Kon Tum gửi tới những thành viên của Giáo phận này hôm 3/2 được một luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho gia đình Linh mục Thanh công bố, Giám mục Nguyễn Hùng Vị nói "anh Kiên không phải là người điên khùng theo cách hiểu thông thường".
Trong bức thư được gửi đi với mục đích chúc Tết các "anh chị em trong gia đình Giáo phận" và để đưa ra thêm "những thông tin liên quan" nhằm "tránh những hiểu lầm không đáng có" quanh "sự việc thương tâm" còn "nhiều uẩn khúc", Giám mục Vị cho biết rằng nghi phạm thuộc gia đình công giáo có cha mẹ là những người "hiền lành, ngoan đạo" nhưng bản thân là người "không sống đạo".
Bức thư của Giám mục Vị nói rằng ông Kiên "vẫn biết làm ruộng, làm rẫy, sửa xe…" nhưng thỉnh thoảng "có thể nổi điên quậy phá, chửi bới, đập tivi, đánh đập ngay cả người nhà, thậm chí đập phá bàn thờ gia đình".
Một lý do khác mà vị giám mục này đưa ra để làm sáng tỏ thêm các "uẩn khúc" là ông Kiên "hoang tưởng bị người ta ức hiếp, ngăn cản không cho lấy vợ" và "từng quát mắng mẹ anh khi bà phủ nhận lời anh nói như thế".
Nói về vị linh mục bị sát hại, Giám mục Vị cho biết trong bức thư rằng "Cha Giuse Thanh" mới được bổ nhiệm về Giáo họ Sa Loong để tiếp tục công việc tiền nhiệm với chương trình kêu gọi giúp đỡ xây dựng một ngôi nhà thờ tại đây.
"Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến", Giám mục Vị cho biết.
Theo Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn của Giáo phận Kon Tum, từ nay Giáo phận "mất đi một cánh tay đắc lực cho việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kon Tum".
Ba luật sư, gồm Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Trịnh Vĩnh Phúc, đang nhận hỗ trợ pháp lý cho gia đình Linh mục Thanh. Luật sư Mạnh cho VOA biết nhóm của họ đã gặp mặt gia đình vị linh mục bị sát hại nhưng từ chối cho biết thêm chi biết với lý do "chưa được phép thông tin gì về vụ này".
Trong lúc vụ giết hại Linh mục Thanh đang được Công an Kon Tum điều tra, Tổ chức BPSOS, chuyên giúp đỡ và vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, có trụ sở ở Mỹ đã đưa ra cảnh báo quốc tế về tình trạng "kích động hận thù" nhắm vào các tôn giáo tại Việt Nam và thành lập khẩn cấp toán công tác để theo dõi diễn biến vụ việc này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người đứng đầu BPSOS, vụ sát hại Linh mục Thanh là một trường hợp điển hình và rằng các vụ tấn công vào các tín đồ tôn giáo đặc biệt hay xảy ra ở các khu vực cao nguyên, nơi có nhiều nhóm dân tộc thiểu số với nhiều hạn chế về ngôn ngữ, trình độ văn hóa và điều kiện tiếp xúc cũng như các nguồn thông tin và kiến thức đa chiều. Theo BPSOS, Linh mục Thanh đã dựng một tượng thánh Joseph trong khuôn viên nhà thờ vài tháng trước đó nhưng bức tượng liền bị chính quyền tịch thu và dẹp đi.
Theo BPSOS, người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành đã phải đối mặt với sự bách hại nghiêm trọng vì niềm tin tôn giáo của họ trong nhiều thập niên qua. Tổ chức có trụ sở ở Mỹ cho biết có khoảng 80 mục sư, nhà truyền đạo và tín đồ Thiên Chúa giáo người Tây Nguyên đang bị án tù.
Theo chia sẻ của Linh mục Nguyễn Văn Đông với VOA gần đây, trong giáo hội công giáo "đã có nhiều vụ chết oan ức". Trước vụ sát hại Linh mục Thanh, một linh mục 70 tuổi ở Giáo xứ An Khê của tỉnh Gia Lai cũng bị đâm chết trong vụ việc mà truyền thông nhà nước đưa tin ngay khi xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên cho tới lúc này, không rõ vụ điều tra đã kết thúc hay chưa và vụ việc được công chúng xem như đã "chìm xuồng".
Luật sư Phúc, trong nhóm hỗ trợ pháp lý cho gia đình Linh mục Thanh, cho biết trong mộtđăng tải trên Facebook cá nhân rằng Linh mục Giám tỉnh Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam nói rằng phía Tỉnh dòng "đặc biệt quan tâm" đến trường hợp Linh mục Thanh "bị đoạt mạng" và "mong muốn vụ án sớm được đưa ra xét xử công khai".
"Chúng tôi không hề muốn đòi mạng trả mạng hoặc bồi thường nhân mạng bằng giá trị vật chất, chúng tôi muốn biết rõ động cơ thủ ác của hung thủ giết người và rồi có thể tha thứ", vị linh mục này được trích lời nói.
Vẫn theo Luật sư Phúc, Tỉnh dòng Đa Minh Việt nam cùng với Tòa Giám mục Kon Tum sắp tới có thể sẽ có văn bản gửi cơ quan tiến hành tố tụng "đề nghị được cử đại diện tham gia tố tụng vào vụ án, vì người bị hại thuộc sự quản lý của Tỉnh dòng và đang thi hành sứ vụ tại Giáo phận Kon Tum".
Nguồn : VOA, 08/02/2022
**********************
Kích động hận thù và gây xung đột tôn giáo, sắc tộc
Ngọc Lan, VNTB, 05/02/2022
Ngày 4/2/2022, Công an tỉnh Kon Tum cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiên (33 tuổi, xã Saloong, Ngọc Hồi, Kon Tum) để phục vụ điều tra về hành vi giết người vào tối 29/1/2022.
Tổ chức BPSOS (Ủy ban Cứu người Vượt biển) tại Hoa Kỳ vừa đưa ra cảnh báo quốc tế về tình trạng "kích động hận thù" nhắm vào vào các tôn giáo tại Việt Nam.
Theo cơ quan công an, khoảng 19g ngày 29/1, biết tại nhà bà Y Mới (thuộc thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, Ngọc Hồi – một điểm sinh hoạt các nghi thức tôn giáo của giáo dân) đang diễn ra nghi lễ do ông Trần Ngọc Thanh, linh mục giáo xứ nhà thờ Đăk Mốt (xã Saloong, Ngọc Hồi) chủ trì, Kiên lấy 1 dao dài khoảng 40cm của gia đình đi đến nhà bà Y Mới, do thấy đông người nên Kiên đứng ngoài đợi.
Khoảng 30 phút sau khi mọi người ra về, trong phòng chỉ còn khoảng 20 người, Kiên đi vào và dùng dao sát hại ông Thanh. Không dừng lại ở đó, Kiên tiếp tục chạy đến dùng dao chém một người đàn ông đang ngồi đàn piano ở gần bàn thờ Chúa, tuy nhiên người này đã kịp dùng ghế gỗ tránh đỡ và chạy thoát.
Người dân có mặt tại hiện trường đã khống chế, bắt giữ và lấy dao từ tay Kiên, đồng thời nhanh chóng đưa ông Trần Ngọc Thanh đi cấp cứu, nhưng vị linh mục không qua khỏi.
"Động cơ gây án là gì, tại sao lại giết một vị linh mục ?"
"Vì sao báo chí ở Việt Nam rất chậm chạp trong đưa tin về vụ án này ?"
Hai câu hỏi trên đang rất cần sớm có lời giải đáp trước nghi vấn theo góc nhìn của Tổ chức BPSOS (Ủy ban Cứu người Vượt biển) tại Hoa Kỳ, thì đó là cảnh báo quốc tế về tình trạng "kích động hận thù" nhắm vào vào các tôn giáo tại Việt Nam.
Tin tức cũng cho hay Tổ chức BPSOS đã thành lập khẩn cấp toán công tác để theo dõi diễn tiến, viết báo cáo và vận động quốc tế lên tiếng về tình trạng này, vài ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát nhắm vào một linh mục Công giáo ở Kon Tum.
Người đứng đầu tổ chức BPSOS là ông Nguyễn Đình Thắng cho biết trước khi xảy ra vụ sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh, thì có một linh mục khác thuộc giáo phận Kontum cũng đã bị đâm trọng thương. Chính quyền dù đã bắt giam hung thủ nhưng vụ việc cho đến nay coi như bị chìm xuồng vì việc điều tra đã dậm chân tại chỗ.
Trong cụ thể vụ án sát hại một linh mục tại Kontum đang gióng hồi chuông cảnh báo về yêu cầu giải quyết tốt các vấn đề về "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" ngay trong chính nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam ở hiện tại.
Dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là những vấn đề luôn được thể chế chính trị đơn nguyên như Hà Nội luôn mặc định đó thuộc nhóm nhạy cảm, hạn chế bàn luận, bình phẩm công khai trên các diễn đàn mạng xã hội. Dẫu vậy, dù ở phe nhóm quyền lực nào đi nữa thì ai cũng phải đồng ý rằng lịch sử chứng minh, khi nào các vấn đề về "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" được giải quyết thành công thì xã hội mới có sự ổn định, phát triển và ngược lại.
Sự phức tạp và nhạy cảm của các vấn đề này có thể nảy sinh do sự vận động nội tại, hoặc do các thế lực phe nhóm ngay trong chính đảng cầm quyền lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ, lợi ích chính trị của họ.
Trong trường hợp đáng lo ngại ấy, quả thật luận điệu tuyên truyền thường thấy lâu nay đã thành lố bịch đến mức ngớ ngẩn, khi nếu vẫn tiếp tục cho rằng đây là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" để chống phá Đảng, chế độ (?!)
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 05/02/2022