Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2022

Trung Quốc : kẻ hủy diệt biển Tây Phi

Nguyễn Huỳnh

Bờ sông dài đổ nát của Tombo, hàng chục chiếc thuyền gỗ sơn thủ công đang cập bến dưới cái nắng chói chang giữa trưa với công việc đánh bắt trong ngày cho khu chợ ở một trong những cảng cá lớn nhất Sierra Leone.

theche1

Việc đánh bắt quá mức và trái phép của đội tàu cá Trung Quốc làm kiệt quệ nguồn thủy sản ở Sierra Leone, đẩy nhiều ngư dân rơi vào cảnh tuyệt vọng bên mẻ lưới gần như trống không.


Vơ vét vùng biển Tây Phi

Trong một bóng râm ở bến tàu nhộn nhịp, Joseph Fofana, một ngư dân 36 tuổi, đang sửa lại một tấm lưới bị rách. Fofana cho biết anh ta kiếm được khoảng 50.000 leone (3,30 bảng Anh) cho một ngày dài 14 giờ trên một con tàu nhồi nhét đến 20 người đàn ông.

Bài báo trên Guardian, viết : Mỗi ngày, khoảng 13.000 chiếc thuyền nhỏ như thuyền của Fofana sẽ xuất phát từ đường bờ biển dài 506 km của Sierra Leone ra khơi đánh cá. Có đến 500.000 người trong tổng số gần 8 triệu dân của quốc gia Tây Phi phụ thuộc vào nghề này để kiếm sống. Nghề đánh bắt thủy sản cũng chiếm 12% nền kinh tế Sierra Leone và là nguồn cung cho 80% lượng protein tiêu thụ của người dân nước này.

Thế nhưng khá bất ngờ là hàng chục ngư dân được Guardian phỏng vấn nói rằng sản lượng khai thác của họ đang sụt giảm nhanh chóng do nạn đánh bắt cá quá mức trên quy mô lớn trong nhiều năm nay. "Nhiều năm trước, chỉ đứng từ đây, bạn cũng có thể nhìn thấy cá bơi dưới nước, thậm chí có cả những con lớn", Fofana nói. "Thế nhưng, giờ đây không còn nữa. (Chúng tôi) đang thấy ít cá hơn bao giờ hết".

Đánh bắt cá ở quy mô công nghiệp bắt đầu diễn ra tại Nam Thái Bình Dương từ sau Thế chiến thứ hai do Mỹ, Nhật làm chủ lực. Từ 2 thập kỷ gần đây, Trung Quốc thay vào vị trí này với các đội tàu đánh cá xa bờ và tàu lưới vây.

Tắt định vị để khai thác trái phép

Tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có thể thả lưới dài tới 100km, mỗi chiếc có tới 3.000 lưỡi câu, sử dụng thiết bị điện tử để rà cá và dùng tàu tốc độ cao để giăng lưới. Về lý thuyết thì tàu sẽ phải tránh bắt cá mập, cá cờ, cá kiếm, rùa biển… nhưng nhiều tàu treo cờ Trung Quốc đã không quan tâm.

Sau khi khai thác quá mức ở ngư trường của mình, các đội tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt một lượng lớn cá ngừ từ ngư trường màu mỡ nhất thế giới là vùng biển Thái Bình Dương. Kể từ năm 2012, số lượng tàu đánh cá ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đã tăng hơn 500%. Khảo sát các tàu hoạt động ở Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy các tàu gắn cờ Trung Quốc có số lượng nhiều hơn tàu của bất kỳ quốc gia nào khác và nhiều hơn tổng số tàu của tất cả các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Trung Quốc có hơn 600 tàu trong số 1/300 tàu quốc tế được cấp giấy phép ở vùng biển Thái Bình Dương. Các tàu này nhắm đến cá ngừ Albacore, một loài thuộc họ cá thu ngừ và cá ngừ vây vàng. Cá mập bị bắt để lấy vây còn phần thân thì quăng xuống biển.

Năm 2019, tổ chức theo dõi tội phạm xuyên quốc gia Global Initiative xếp hạng Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong hoạt động đánh cá bất hợp pháp.

Tại Tây Phi, ngư dân Ghana cho biết tàu cá Trung Quốc được trang bị để đánh bắt cá ở mọi độ sâu. Đội tàu Trung Quốc hoạt động mỗi ngày, đi từ vùng biển họ được cấp phép xâm nhập vào vùng nước thuộc chủ quyền của Ghana, đánh bắt những loại cá vốn quyền khai thác chỉ dành cho ngư dân địa phương.

"Những tàu cá này làm cạn kiệt nguồn thủy sản của chúng tôi nhanh khủng khiếp, chúng tôi giờ rơi vào nợ nần", Kajo Panyin, ngư dân 53 tuổi sống tại một làng chài ở Axim, Ghana, cho biết. Không chỉ đánh cá, tàu Trung Quốc cũng phá hỏng lưới đánh cá của ngư dân địa phương, ông Panyin nói thêm.

Với Trung Quốc, ngành khai thác thủy sản có nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, đồng thời tạo ra hàng chục triệu việc làm trong các ngành khai thác và chế biến nông thủy sản.

Trung Quốc áp đảo

Đánh cá xa bờ được nêu bật trong sách lược phát triển quốc gia của Bắc Kinh, là thành tố then chốt trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường, trong đó có các tuyến giao thương trên biển. "Ngành khai thác thủy sản có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia", tài liệu này cho biết.

Bắc Kinh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức nhanh chóng phát triển 29 cơ sở đánh cá xa bờ khắp thế giới, cho phép Trung Quốc khuếch trương tầm nhìn của nước này, biến nó trở thành trung tâm trong mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Tại Tây Phi, tập đoàn đánh cá Fuzhou Hongdong Pelagic Fishery đã đầu tư 60 triệu USD mở rộng cảng đánh cá ở Mauritania. Đây là căn cứ đánh cá xa bờ lớn nhất của Trung Quốc.

"Trong 5 năm qua, đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã gây ra những sự biến đổi lớn. Họ khiến các ngư trường nhỏ kiệt quệ, khai thác hết nguồn cá vốn là nguồn sống của người dân địa phương", Steve Trent, đồng sáng lập quỹ bảo tồn Environmental Justice Foundation, cho biết.

Tại Ghana, nhà chức trách quy định vùng nước trong phạm vi 6 hải lý từ bờ biển chỉ thuộc quyền khai thác của ngư dân địa phương. Nhưng tàu cá Trung Quốc phớt lờ quy định này, ngư dân địa phương cùng các nhóm bảo tồn tố cáo.

Nghiên cứu của Viện Brookings có trụ sở tại Washington công bố hồi đầu năm ngoái cho biết : "Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Trung Quốc là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng".

Ecuador đã cáo buộc ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc đã tắt hệ thống định vị để lén hoạt động gần quần đảo Galapagos. Cục Nghề cá Trung Quốc sau đó cam kết sẽ đưa tên tàu và thuyền trưởng tham gia đánh bắt cá trái phép vào danh sách đen. Bắc Kinh cũng đã cấm một số tàu của họ ở Thái Bình Dương, nhưng các nhà quan sát cho rằng hiệu quả của việc này không lớn vì các tàu Trung Quốc tiếp tục tắt định vị ở Thái Bình Dương.

Hải sản sau khi đánh bắt được bán trực tiếp giữa các tàu ngoài biển. Báo cáo năm 2019 của Viện Tài nguyên thế giới ước tính lượng hải sản bị đánh bắt bất hợp pháp hằng năm trên thế giới lên tới 7,2 triệu tấn, với trị giá từ 4,3 tỉ đến 8,3 tỉ USD.

Trung Quốc còn cấm ngư dân Việt khai thác trên vùng biển Việt Nam

Hồi giữa năm ngoái, trên các phương tiện truyền thông phía Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/9. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng đây là hành động đơn phương, phi lý của phía Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Ngoài ra, lệnh này còn vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và các văn bản pháp lý liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

"Việc ban hành lệnh cấm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông gây nguy cơ đụng độ giữa lực lượng chấp pháp của Việt Nam và tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam" – văn bản của Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.

Vài năm qua, Trung Quốc vẫn thực hiện các lệnh cấm biển với lý do bảo tồn tài nguyên. Nhưng kể từ năm 2021 tình hình được dự báo bắt đầu căng thẳng hơn, thu hút sự chú ý nhiều hơn từ các nước sau khi Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh mới, cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài.

Xem ra không quá lời khi nhìn nhận Trung Quốc đang là gã đồ tể hung tợn trên đại dương.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 08/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huỳnh
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)