Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2022

Nền dân chủ toàn cầu "lao dốc"

The Economist

Thực trạng nền dân chủ trên toàn thế giới đã giảm xuống đến mức thấp kỷ lục trong năm 2021 vừa qua.

Đó là kết luận của bản báo cáo thường niên Chỉ số Dân chủ của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn Kinh tế gia có trụ sở tại London, mới công bố hôm 10/2. Theo đó, các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 là "thủ phạm chính" trong vấn đề này khi nhiều quốc gia cố gắng cân bằng tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng với các quyền tự do cá nhân.

global01

Chỉ số dân chủ năm 2021 : Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) đã công bố báo cáo của mình về tình trạng dân chủ vào năm 2021 trên 165 quốc gia độc lập và hai vùng lãnh thổ.

Đánh giá 167 quốc gia dựa trên nhiều biện pháp, trong đó có cả các quy trình bầu cử và các quyền tự do dân sự, tài liệu khảo sát này cho biết chỉ 6,4% thế giới được sống trong "nền dân chủ đầy đủ", trong khi hơn một phần ba sống dưới sự cai trị độc đoán – với phần lớn ở Trung Quốc.

Điểm số chung của thế giới đã giảm mạnh từ 5,37 xuống còn 5,28 trên thang điểm 10, xác lập "một kỷ lục buồn khác" với điểm số thấp nhất kể từ khi EIU bắt đầu biên soạn tài liệu này vào năm 2006. Đây cũng là mức sụt giảm hằng năm nặng nề nhất kể từ năm 2010 sau cuộc khủng hỏang tài chính toàn cầu.

Đây là năm thứ hai liên tiếp đại dịch Covid-19 là nguồn gốc lớn nhất gây căng thẳng cho tự do dân chủ toàn thế giới.

Do áp dụng các biện pháp khác nhau từ phong tỏa đến cấm đoán đi lại nhằm ngăn chặn virus corona, các nền dân chủ phát triển cũng như các chế độ độc tài đã lại đình chỉ các quyền tự do dân sự.

Phần đông công dân, nhưng không phải là tất cả, đã chấp nhận các quy tắc khẩn cấp và sự mở rộng quyền lực của nhà nước. Đến nay, thực trạng chia rẽ này vẫn tiếp diễn giữa những người ủng hộ các chính sách phòng ngừa, như cấm cửa và ủy nhiệm vắc-xin, và những người phản đối sự can thiệp của nhà nước và không chấp nhận bất kỳ sự giảm sút quyền tự do cá nhân nào.

Theo số liệu từ Chỉ số Dân chủ, đầu năm 2021, các cuộc biểu tình liên quan đến dịch Covid-19 đã nổ ra ở ít nhất 86 quốc gia ; đến cuối năm, các cuộc biểu tình xung quanh phong trào chống vắc-xin đã lan tràn từ Áo đến Úc.

Các quốc gia Bắc Âu tiếp tục thống trị các vị trí đứng đầu bảng xếp hạng trong khi 3 quốc gia châu Á "đội sổ" : Triều Tiên lần đầu tiên bị đánh bật khỏi vị trí cuối bảng sau cuộc đảo chính ở Myanmar và sự trở lại của Taliban ở Afghanistan.

Các cuộc đảo chính cũng đã quay trở lại châu Phi nhưng Mỹ Latinh mới là nơi chứng kiến nền dân chủ bị sụt giảm mạnh nhất vào năm 2021. Việc thực thi dân chủ yếu kém trong khu vực này đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân túy phi tự do phát triển mạnh và lịch bầu cử dày đặc ở đây không thể thúc đẩy sự nghiệp dân chủ.

Chiến thắng sít sao của Pedro Castillo tại Peru vào tháng 6 đã bị đối thủ của ông ta, Keiko Fujimori, tranh chấp trong suốt nhiều tuần lễ, và cuộc bầu cử trá hình ở Nicaragua hồi tháng 11.

Chile đã "xuống cấp" ở mức "nền dân chủ thiếu sót" một phần vì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp trong cuộc bầu cử mang tính phân cực sâu sắc, còn Haiti vẫn đang chìm trong cuộc khủng hỏang chính trị kéo dài sau khi tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát.

Dân chủ ở Bắc Mỹ trong tình trạng khá hơn một chút. Tuy nhiên, điểm số dân chủ của Mỹ chỉ giảm 0,07 điểm, bất chấp cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hồi đầu năm và nỗ lực của ông Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Riêng Canada đã phải chịu một bước thụt lùi lớn hơn nhiều khi điểm số dân chủ bị trừ đi 0,37 điểm. Một lần nữa, những hạn chế của đại dịch là nguyên nhân chính của sự thất vọng và không hài lòng. Theo dữ liệu của dự án nghiên cứu toàn cầu Khảo sát Giá trị Thế giới, đã được EIU sử dụng trong báo cáo thường niên, chỉ 10,4% số người Canada cảm nhận rằng họ có "rất nhiều" quyền tự do lựa chọn và kiểm soát. Trong khi đó, đáng báo động hơn, 13,5% dân số nước này bày tỏ thái độ yêu thích hơn đối với chế độ quân sự.

Ngoài ra, bản báo cáo nêu trên của EIU xác định một số mối đe dọa đối với nền dân chủ trong năm 2022 và sau này. Điểm số của Canada sụt giảm phản ánh thực tế người dân không hài lòng với hiện trạng và chuyển sang các lựa chọn thay thế phi dân chủ. Vụ giới tài xế xe tải biểu tình ở Ottawa mới đây có thể dẫn đến nhiều biến động chính trị.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với mô hình dân chủ của phương Tây trong những năm tới sẽ xuất phát từ Trung Quốc. Sau bốn thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ; trong vòng một thập kỷ, EIU dự báo, nó sẽ vượt qua Mỹ.

Cho dù sự kiện Trung Quốc vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ gần đây ở Mỹ được gọi tên như thế nào đi nữa, phương Tây vẫn không muốn can dự vào.

Đáng chú ý, phản ứng của Trung Quốc khi bị hắt hủi là tuyên bố tình trạng dân chủ ở Mỹ "là thảm họa".

The Economist

Nguyên tác : A new low for global democracy, The Economist, 09/02/2022

An Hạ dịch

Nguồn : VNTB, 13/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, An Hạ
Read 368 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)