Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/02/2022

Lao động Việt Nam tại Nhật

Thanh Phương

Lao động Việt Nam tại Nhật qua ống kính của Fujimoto

Tại Liên hoan điện ảnh Châu Á Vesoul, Pháp, vừa bế mạc ngày 08/02/2022, bộ phim "Along the sea" (Những cô gái bên bờ biển) của đạo diễn Nhật Bản Fujimoto Akio đã được trao Giải thưởng lớn của ban giám khảo quốc tế. 

yte3

Áp phích của phim Along the sea tranh giải Liên hoan điện ảnh Châu Á Vesoul 2022.  © Festival de Vesoul

Bộ phim nói về cuộc sống đầy gian nan, vất vả của những thực tập sinh kỹ thuật người Việt, bị bóc lột thậm tệ nên phải bỏ nơi làm việc và như vậy trở thành những người lao động bất hợp pháp. Theo cảm nhận của các thành viên ban giám khảo Festival Vesoul, "Along the sea" "đặt khán giả đối diện với những vấn đề xã hội-kinh tế mà các nhân vật đang gặp phải, tuy gần gũi về mặt địa lý với các nước phát triển, nhưng lại sống trong những điều kiện ngược lại hoàn toàn". 

Chương trình "thực tập sinh kỹ thuật" ở Nhật là một chương trình do Nhà nước bảo trợ nhằm giúp người lao động từ các nước kém phát triển có được kỹ năng trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm tại Nhật Bản. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 350.000 thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở Nhật. Nhưng chương trình này đã gây nhiều tranh cãi, bởi vì một số công ty tuyển dụng sử dụng các thực tập sinh nước ngoài như là một nguồn nhân công giá rẻ và nhiều thực tập sinh bị bóc lột thậm tệ, lạm dụng, thậm chí bị đánh đập dã man. 

Gần đây, một video do một công đoàn ở Nhật Bản công bố trên mạng xã hội và nhanh chóng lan truyền, khiến nhiều người phẫn nộ. Trong đoạn video này, người ta thấy một thực tập sinh Việt Nam, sang Nhật từ năm 2019, bị những đồng nghiệp người Nhật đấm, đá và đánh bằng cán chổi. Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 25/01, nạn nhân (xin được giấu tên và tạm gọi là A.) cho biết trong suốt hơn hai năm kể từ khi đến Nhật, anh đã bị đánh đập tàn nhẫn như vậy rất nhiều lần, đến mức bị gãy răng, gãy xương sườn. Bây giờ, anh quyết định lên tiếng để những thực tập sinh nước ngoài khác không rơi vào tình cảnh tương tự.

Hôm 25/01, bộ trưởng Tư Pháp của Nhật Furukawa Yoshihisa đã yêu cầu cơ quan quản lý nhập cư mở điều tra về vụ này. Ông tuyên bố :" Những hành vi vi phạm nhân quyền đối với thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài là không thể tha thứ được".

Theo lời ông Muto Mitsugu, chủ tịch công đoàn đứng ra bảo vệ anh A., trường hợp thực tập sinh bị đánh đập tàn nhẫn như vậy là rất hiếm, tuy nhiên, những trường hợp bị sách nhiễu, bị mắng chửi, bị trả lương thấp là rất phổ biến. 

(Trích đoạn phim "Along the sea")

- Tụi em qua đây được ba tháng.

- Đó là hãng đầu tiên mà các em làm ?

- Dạ đúng vậy, đó là hãng đầu tiên mà tụi em làm. Tụi em phải làm mỗi ngày 14-15 tiếng, làm luôn cả thứ Bảy, Chủ nhật, mà không được trả thêm phí, vì họ nói là do tụi em làm không đủ năng suất, nên tụi em phải làm thêm rất nhiều. Tụi em không có cả thời gian để ngủ

- Bắt làm dữ vậy à ?

- Dạ, tụi em không biết ngày với đêm luôn. Tụi em chỉ biết làm, làm, làm, xong rồi ăn cho thật lẹ, rồi ngủ cho thật lẹ, rồi hôm sau tiếp tục làm nữa, cứ quần quật như là cỗ máy vậy. Tụi em bị bóc lột sức chịu không nổi, mà tiền lương thì cuối tháng thì bị trừ gần như là hết, tụi em không còn đủ để xoay xở

Đó là lời kể của ba cô Phương (Hoàng Phương), Như (Quỳnh Như) và An (Huỳnh Tuyết Anh), 3 nữ thực tập sinh Việt Nam trong phim "Along the sea". 

Sau mấy tháng bị bóc lột thậm tệ như vậy, ba cô gái tuổi đôi mươi đã quyết định bỏ trốn và qua trung gian của một đồng hương, họ đến làm việc cho một tàu cá ở vùng biển lạnh giá, tuyết phủ đầy ở miền bắc Nhật Bản. Nhưng không còn giấy tờ tùy thân, cuộc sống của họ vẫn rất gian nan, nhất là đối với Phương, đang mang thai. Cô gái này cuối cùng đã phải từ bỏ cá bào thai trong bụng, để có thể tiếp tục ở lại Nhật làm việc kiếm tiền gởi về cho gia đình ở Việt Nam.

Đúng là nhờ tác phẩm điện ảnh này của đạo diễn Fujimoto mà khán giả Nhật và khán giả quốc tế biết tình cảnh bi đát của các thực tập sinh nước ngoài ở Nhật và chính vì đã gây xúc động mạnh mà "Along the sea" đã nhận được 3 giải thưởng ở Liên hoan Vesoul, trong đó có Giải thưởng lớn của ban giám khảo quốc tế. 

Ngoài Giải thưởng lớn, "Along the sea" còn giành được Giải Ban giám khảo phê bình và Giải của Ban giám khảo INALCO (do Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông trao tặng). 

Rất tiếc là vì lý do dịch Covid-19, đạo diễn Fujimoto Akio đã không thể có mặt ở Vesoul để nhận các giải nói trên. Tại festival, chúng tôi chỉ gặp được nhà sản xuất phim Watanabe Kazutaka. 

Đây là lần hợp tác thứ 3 giữa Watanabe và Fujimoto sau bộ phim đầu tay Passage of Life (2017), phim đã giành được 3 giải thưởng danh giá và phim ngắn Bleached Bones Avenue. 

yte4

Nhà sản xuất phim "Along the sea" Watanabe Kazutaka tại Liên hoan điện ảnh Châu Á Vesoul, ngày 08/02/2022. jfmaillot photo

Trả lời RFI Việt ngữ, trước hết, ông Watanabe kể lại từ đâu mà đạo diễn Fujimoto nảy ra ý định làm phim về các lao động nữ người Việt : 

"Đạo diễn có lần đã nhận được lời kêu cứu khẩn cấp từ một nữ thực tập sinh kỹ thuật người Việt đang gặp rất nhiều khó khăn tại nơi làm việc đến mức đang tính đến chuyện bỏ đi làm chỗ khác. Vào thời gian đó, đạo diễn Fujimoto đang trợ giúp những người trong hoàn cảnh như vậy, chẳng hạn như giúp xin triển hạn visa hay cung cấp những thông tin cần thiết. Ông cũng rất muốn giúp nữ thực tập sinh ấy, nhưng cuối cùng không thể giúp gì được, nên cô gái bỏ đi làm nơi khác .

Trải nghiệm này vẫn in đậm trong tâm trí của Fujimoto, ông vẫn cứ tự hỏi không biết cô gái ấy bây giờ ra sao khi đã rời bỏ nơi làm việc. Câu hỏi ấy chính là khởi đầu của dự án làm phim này.

Khi làm phim "Along the sea", Fujimoto muốn cho khán giả Nhật biết về tình cảnh của những người lao động nước ngoài tại Nhật, chia sẻ những cảm nhận của họ cho người Nhật".

Đạo diễn đã đi đến nhiều nơi khác nhau để tìm hiểu chi tiết về tình cảnh những lao động bất hợp pháp Việt Nam trước đây là cựu thực tập sinh kỹ thuật, về những gì mà họ đã trải qua sau khi rời nơi làm việc đầu tiên. Ông cũng đã phỏng vấn những người đã cung cấp nơi tạm trú, đã trợ giúp cho những lao động bất hợp pháp đó".

Quá trình làm việc với phía Việt Nam để thực hiện bộ phim "Along the sea" đã diễn ra như thế nào, ông Watanabe cho biết :

"Rất may là chúng tôi đã có một đối tác sản xuất ở Việt Nam là một công ty điện ảnh có tên là Ever Rolling Films (Hà Nội). Chúng tôi có cùng một mục tiêu khi thực hiện phim này. Cùng với đối tác này, chúng tôi đã có thể tổ chức tuyển chọn các vai diễn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong số trên 100 nữ ứng viên, không nhất thiết phải là những diễn viên chuyên nghiệp. Cuối cùng chúng tôi đã chọn được ba diễn viên rất xinh đẹp này. 

Trước hết, chúng tôi cho họ biết về cấu trúc của bộ phim, để các diễn viên chuẩn bị tinh thần cho vai diễn. Trong phim, họ không phải là những người ngoại quốc đã sống ở Nhật từ nhiều năm qua, mà là chỉ là những thực tập sinh kỹ thuật mới đến gần đây. Chúng tôi bảo các nữ diễn viên phải học tiếng Nhật, giống như các thực tập sinh được yêu cầu trước khi sang Nhật làm việc".

Khi thực hiện bộ phim, ông Watanabe và đạo diễn Fujimoto muốn chia sẽ cảm nhận của họ về tình cảnh của những người lao động ngoại quốc tại Nhật : 

"Chính phủ và các tổ chức đang trợ giúp những người lao động đó, nhưng không thể nào giúp hết mọi người, những sự trợ giúp đó vẫn không đủ để ngăn chận những trường hợp đó xảy ra. Có những nơi tạm trú cho họ do chính người dân Nhật lập ra, vấn đề là những thông tin về các nơi đó không đến được nhiều người lao động ngoại quốc, cho nên vẫn còn những thảm kịch như vậy.

Tính đến năm nay, có đến khoảng 400.000 thực tập sinh được đưa đến Nhật, trong đó hơn phân nửa là người Việt Nam. Có một cộng đồng người Việt khá lớn ở Nhật. Cho nên chúng tôi có đủ các dữ liệu để làm bộ phim "Along the sea".

Tôi không nghĩ là bộ phim sẽ có tác động nhiều đến dư luận về tình cảnh những của những người lao động ngoại quốc, mục tiêu của chúng tôi chỉ là chia sẻ cảm nhận của chúng tôi cho càng nhiều người càng tốt qua các buổi chiếu rộng rãi cho công chúng, hoặc qua những buổi chiếu đặc biệt".

Trong một thời gian dài, nhập cư vẫn là chủ đề cấm kỵ ở Nhật, vốn vẫn tự hào là một quốc gia thuần chủng, nhưng do nhu cầu về nhân công, chính quyền Tokyo phải lập ra các loại visa nhập cảnh mới để có thể tiếp nhận người lao động nước ngoài. Phân nửa số lao động ngoại quốc hiện nay là người Việt Nam và người Trung Quốc. 

Dân số Nhật Bản đang ngày càng già đi, dân số trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi, nước này càng cần đến nhân công ngoại quốc. Trong một báo cáo được công bố ngày 03/02/2022, nhiều viện nghiên cứu công đã dự báo là từ đây đến năm 2040, Nhật Bản sẽ cần một lực lượng lao động nhập cư nhiều gấp 4 lần hiện nay để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra. Cụ thể, nếu muốn đạt được tỷ lệ tăng trưởng bình quân 1,24%, từ đây đến 2040, Nhật Bản sẽ cần đến 6,74 triệu lao động nhập cư, so với 1,72 triệu hiện nay. Nhưng các viện nghiên cứu cũng khuyến cáo là mức cung sẽ không thể đáp ứng mức cầu về lao động nếu chính phủ không thay đổi chế độ visa hiện nay, để cấp phép cư trú dài hạn hơn cho người lao động nước ngoài. 

Trong bối cảnh đó, "Along the sea" sẽ còn tiếp tục là một bộ phim mang tính thời sự nóng bỏng, nếu chính quyền Nhật không có những biện pháp kiên quyết để ngăn chận các vụ lạm dụng đối với thực tập sinh kỹ thuật như An, Như và Phương.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 14/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 352 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)