Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/02/2022

Ngành y tế ngày càng be bét, giáo dục cũng không hơn gì

Thanh Trúc

Hàng loạt "sai phạm, yếu kém" trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình

Thanh Trúc, RFA, 15/02/2022

Kết luận của Thanh tra Chính phủ Việt Nam hôm 12/2 chỉ ra vô số tiêu cực trong Bộ Y tế. Tuy nhiên tóm lại có hai sai phạm lớn : một là buông lỏng quản lý, không công khai kết quả trúng thầu ; hai là có dấu hiệu lợi ích nhóm.

yte1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 gần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hôm 31/3/2020 - AFP

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, sự buông lỏng công tác quản lý làm nẩy sinh mọi tiêu cực trong việc tham mưu Thông tư bộ Y Tế, Vật tư Y Tế tiêu hao và cả những khâu liên quan đều không đúng luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về việc mua sắm thiết bị, trang thiết bị. Nói chung là những chuyện này không được công khai, minh bạch. 

Kết luận chỉ rõ : "Trong thời gian dài, không công khai kết quả trúng thầu trên trang thông tin điện tử theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP".

Bên cạnh đó, công tác quản lý giá và vật tư tiêu hao còn yếu kém ; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm của Bộ Y tế còn hạn chế, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, thành viên của nhóm nhân sĩ trí thức chuyên phản biện ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng bản kết luận đã loanh quanh, rườm ra, báo chí dẫn lại cũng theo lối vòng vo mà không nói thẳng ra rằng tham nhũng trong hàng ngũ nhân sự cấp cao mới là nguyên nhân quá rõ của mọi sai phạm, yếu kém, hạn chế, ách tắc trong guồng máy y tế bao lâu nay tại Việt Nam :

"Cái chung nhất là tình hình của Bộ Y tế về những vụ thuốc giả, về vật tư y tế rồi bao nhiêu thứ, kể cả vụ Việt Á vừa rồi. Với tư cách một bác sĩ tôi thấy quá xấu hổ. Thấy không thể tưởng tượng được sự kinh doanh trên sinh mạng con người".

"Phải nói từ lúc bà Trần Thị Kim Tiến (làm Bộ trưởng Y tế) cho tới bây giờ, Bộ Y tế đã quá tệ. Tham lam, tham nhũng làm mất uy tín của ngành Y, mà ở cấp lãnh đạo cao nhất chớ không phải cấp dưới như trạm y tế hay bệnh viện".

Ông thừa nhận rằng không chỉ ngành y tế mà nhiều ngành khác ở Việt Nam cũng vậy ; và trong thời gian đại dịch vừa qua tiêu cực trong ngành y tế lộ rõ ra hơn :

"Y tế là ngành ảnh hưởng đến cả sinh mạng con người mà cũng có những tiêu cực khủng khiếp : thuốc giả, thuốc chống ung thư, que xét nghiệm… đủ thứ. Nói chung hình như cả một hệ thống rệu rã là quá rõ rồi, không ai mà giấu giếm được, nó lộ liễu quá rồi".

Theo ông cơ chế đã dung dưỡng cho những nhóm lợi ích và không ai có thể làm gì suốt một thời gian dài :

"Bây giờ ầm ỉ nên chẳng qua vì dư luận quần chúng phản đối quá. Nó từ phe Đảng, từ lợi ích của nhóm, từ thấp lên tới cao, rồi từ cao xuống thấp, nói chung là tràn lan hết".

"Thể chế quá lỏng lẻo, một nhiệm vụ đưa qua thì 50% là thực thi nhưng bên cạnh 50% là giám sát. Đằng này không có kiểm tra, mà ngay như thanh tra, kiểm tra lại cũng có người tham nhũng. Lãnh đạo quá kém, lòng tin của dân giảm đi. Là đảng viên gần 56 tuổi đảng mà thấy vụ này tôi không chịu nỗi. Anh em không nói được gì, nói không ai nghe mà cũng chẳng đi tới đâu".

Một cựu viên chức Bộ Y tế, yêu cầu không nêu tên, cũng thừa nhận trong chia sẻ qua điện thư về thực trạng ‘be bét’ của ngành y tế :

"Thí dụ như vụ thổi giá test kit của công ty Việt Á và các dính líu đi kèm của các CDC lên gần 200 cán bộ, hay những gì được cho là ‘đấu đá nội bộ’ bên trong Bộ Y tế. Trường hợp truy tố nguyên thứ trưởng Cao Minh Quang và Thứ trưởng Trương Quốc Cường. Sắp tới đây sẽ là một loạt các cán bộ khác của Bộ Y tế bị đưa ra ánh sáng".

"Sự ‘sai phạm’ và ‘yếu kém’ kia thường sẽ đi kèm với những nguyên nhân thường xảy ra trong các cơ quan, bộ máy công quyền nhà nước. Đó là tiền bạc, là hối lộ và các game chính trị, thanh trừng lẫn nhau. Một hậu quả dễ nhận thấy là hầu hết các chuyên viên, lãnh đạo của Bộ và các Cục, Vụ bên dưới sẽ "án binh bất động" vì làm gì cũng sợ sai, họ né tránh trách nhiệm, ngồi yên hoặc đùn đẩy lên cấp trên ra quyết định".

yte2

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, người đang chịu kỷ luật vì những sai phạm trong ngành Y tế. RFA edit

Cựu viên chức này còn cho rằng bao công lao, thành quả của những chiến sĩ áo trắng trong ngành y tế lâu nay đã bị những quan chức ‘sâu mọt’ làm lu mờ đi. 

Bác sĩ Nguyễn Viên, nhiều chục năm làm việc trong ngành y tế trong và ngoài chính phủ, thường xuyên có những bài phản biện xây dụng trên mạng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giới y, bác sĩ đều cảm thấy rất bức xúc :

"Trong lúc cả nước chống dịch thì lãnh đạo lại dính vào lợi ích nhóm, lại thủ lợi rất lớn. Còn kết luận của Thanh tra nhà nước, được công bố trên các báo nhà nước thì chắc chắn đây là có sự bật đèn đỏ từ cấp cao hơn Bộ Y tế, và từ các báo với rất nhiều chi tiết mà không phải ai cũng tiếp cận được trước khi Nhà nước đi vào những biện pháp mạnh mẽ hơn để mà chống tham nhũng trong ngành y tế cũng như các ngành khác".

Vậy thì kết luận của Thanh tra chính phủ về những sai phạm, yếu kém, hay nói trắng ra là tình trạng tham nhũng, liệu có tạo thay đổi tốt đẹp nào trong bộ máy y tế thời gian tới ? Bác sĩ Nguyễn Viên thổ lộ rằng ông không kỳ vọng gì mấy :

"Cơ hội này khó lắm. Ai cũng nói thay đổi nhưng bắt đầu từ chỗ nào, từ con người, từ đào tạo, từ vấn đề tổ chức cán bộ, qui hoạch cán bộ… Phải nghĩ phương án nào khả thi nhất".

"Vế thứ hai, vấn đề buông lỏng quản lý đi liền với lợi ích nhóm. Người ta nói rất nhiều đến chuyện mua bán ở các cơ quan lớn ở Hà Nội. Tôi nghĩ trước mắt người ta sẽ đánh vào những cá nhân nào chịu trách nhiệm chống dịch mà liên quan đến vấn đề thiết bị, trang thiết bị, thuốc men. Đó là những đối tượng cụ thể".

Ông nói giới y bác sĩ và người dân rất đón nhận tin tức đó. Mặc dù những cái xấu, cái tiêu cực của đất nước bị phanh phui ra thì cũng không vui sướng gì, nhưng nó sẽ đặt lại vấn đề bổ nhiệm con người vào những vị trí lãnh đạo ngành.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 14/02/2022

***********************

‘Sâu mọt’ tại cơ quan hàng đầu về quản lý giáo dục Việt Nam

Thanh Trúc, RFA, 10/02/2022

Ngoài những vi phạm liên quan đến tuyển sinh, mở ngành, Viện Quản lý Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam còn mắc phải quá nhiều sai sót trong công tác tổ chức bộ máy và việc tuyển chọn nhân sự.

giaoduc1

Học viện Quản lý Giáo dục - Công An Nhân Dân

Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo, tổ chức bộ máy, nhân sự trong Học viện Quản lý Giáo dục từ 2018 đến trước ngày 6/12/2019, đã không có Hội đồng Học viện để thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định.

Mặt khác, Học Viện cũng chưa có văn bản quy định, chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.

Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo còn cho rằng qui chế tổ chức và hoạt động của Học viện Quản lý Giáo dục chưa xác định rõ các mối quan hệ giữa Đảng ủy với Hội đồng Học viện, giữa Đảng ủy với Giám đốc Học viện, và cả giữa Hội đồng Học viện với Giám đốc Học viện, chưa kể mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện.

Một điểm sai phạm thêm nữa là Giám đốc Học viện chưa ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo qui chế ; văn bản về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc của giảng viên không phù hợp các quy định của Luật Viên chức 2010 và các Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội Vụ.

Tóm lại, cơ cấu, tổ chức, tuyển chọn và những chức năng khác của Học viện Quản lý Giáo dục đều chẳng những không đúng qui định và trình tự thủ tục mà còn vấp váp, sai phạm rất nhiều về khâu nhân sư.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại học Liège của Bỉ, từng nhiều năm làm việc trong các chương trình Cao học Bỉ-Việt tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trên nguyên tắc Học viện Quản lý Giáo dục, thành lập năm 2006, đang đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ngành Quản lý Giáo dục, thạc sĩ ngành Tâm Lý học lâm sàng và Công nghệ Thông tin.

Chia sẻ qua điện thư gởi cho RFA, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng viết rằng ông không ngạc nhiên về những tiêu cực vừa được nêu ra trong Học viện Quản lý Giáo dục :

"Gần gũi với nên giáo dục Việt từ 1990 cho đến nay, tôi đã nghe phong phanh và có khi chứng kiến rất nhiều sai phạm trong hệ thống Giáo dục và đào tạo ở Việt Nam".

"Vấn đề phát xuất từ yêu cầu bằng cấp của rất nhiều nhân sự chính quyền không có khả năng học hỏi mà muốn giữ chức nắm quyền. Trong cơ chế "thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Có cầu thì phải có cung đâu đó thôi !"

Nhà nghiên cứu Ngữ học kiêm nhà giáo với hơn 40 năm tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Dũng, nhận định :

"Học viện Quản lý Giáo dục như tên gọi là chuyên về đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cho Bộ Giáo Dục".

"Về nguyên tắc thì điều đó cần, còn trên thực tiễn người ta dạy dỗ như thế nào, sản phẩm cung cấp cho nền giáo dục ra làm sao… Cái đó phải có một cuộc điều tra để xem thử nó đúng hay là sai".

"Tôi không đủ tư liệu để nói rằng kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục đúng hay sai, nhưng nổi bật của câu chuyện này là vấn đề cơ chế. Hôm nay là Học viện Quản lý Giáo dục thì hôm sau tôi tin chắc sẽ có những trường khác, những học viện khác".

Học viện Quản lý Giáo dục cũng không phải trường đầu tiên bị những kết luận kiểu tiêu cực như thế này. Vẫn lời nhà giáo Hoàng Dũng :

"Xin nói lại là chúng tôi không đủ tư liệu để thẩm tra, coi lại. Thế nhưng kỷ luật một đơn vị sai phạm rồi công khai lên báo là chuyện rất đáng làm, rất nên làm. Oan hay ưng mọi chuyện phải công khai".

Theo Quyết Định số 178 của Đảng ủy Học viện ngày 19/12/2017, được báo chí đăng tải lại, việc phê duyệt quy hoạch quản lý Trưởng phòng, Phó phòng các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2016-2021, việc phê duyệt quy hoạch năm 2017 không đúng chức danh quy hoạch đào tạo đối với ba cán bộ mà tên tuổi được đưa lên mặt báo.

giaoduc2

Hình minh họa : sinh viên một trường đại học trong tiết học ở Hà Nội. AFP

Một cách rõ ràng hơn thì quá nhiều sai sót trong công tác nhân sự, có khi một đơn vị mà chỉ một cấp trưởng và một cấp phó. Tựu chung thì chính cán bộ Học viện Quản lý Giáo dục cũng không biết làm thế nào cho đúng, là nhận định tiếp theo của nhà giáo Hoàng Dũng :

"Thực ra qui định bao nhiêu người thì có một cấp trưởng, bao nhiêu người thì có hai cấp phó, ví dụ như thế, thì họ có qui định rất chặc chẽ chứ không phải ưa gì làm nấy. Còn ở đây, một đơn vị mà chỉ một cấp trưởng và một cấp phó thôi, thì phải hiểu ngay rằng cơ quan này muốn có nhiều quân nhiều quan ở cấp trưởng cấp phó. Như thế thì thu nhập sẽ cao hơn, lương sẽ khác, phụ cấp sẽ khác. Đó là chuyện làm không đúng đắn".

"Mà thực ra nó là trong quyền hạn của cái ông đứng đầu cơ quan, ông hoàn toàn có thể cử anh này làm trưởng anh kia làm phó. Tuy rằng chuyện có trưởng có phó được qui định bởi văn bản, chẳng hạn 10 người mới có một trưởng, bây giờ ông bất chấp, 1 người ông cũng dựng lên một cấp trưởng. Cái sai đó không phải là phổ biến lắm nhưng cũng không phải là hiếm".

Đối với ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, quá nhiều sai trái trong một cơ quan đào tạo cấp cao như Học viện Quản lý Giáo dục là thêm một lần phải nhìn lại bản thân ngành Giáo dục-Đào tạo vốn mang tai tiếng bao lâu :

"Chưa rõ vì sao kỳ này Bộ Giáo dục và đào tạo lại chĩa sang viện Quản lý Giáo dục, bởi thật ra tình hình từ đầu không phải từ Học viện Quản lý Giáo dục ấy đâu. Nó bắt đầu từ chóp bu của Bộ Giáo Dục, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng rồi các Cục, các Vụ, Viện của Bộ. Họ chưa thấy cái sai ở đâu cho nên họ chớp vào cái chỗ yếu và họ cho rằng đấy là một cái đầu môi để ma sửa chữa".

Con người yếu kém hay nhân sự yếu kém, ông Nguyễn Khắc Mai nói, là nguồn gốc và vấn đề của giáo dục Việt Nam :

"Lỗ hỗng lớn nhất là cái đào tạo, tuyền chọn ngần ấy cán bộ giáo dục mà bây giờ phải đánh giá lại. Thứ hai là chất lượng của đội ngũ cán bộ giáo dục hiện nay là rất thấp, quá thấp. Tôi chắc là có những cái lúng túng chưa gỡ ra được, chưa thấy được".

"Cũng không phải chỉ có Viện Quản lý Giáo dục này nó hỏng đâu. Rất nhiều vụ, rất nhiều bộ phận ở trong Bộ Giáo Dục nó hỏng. Nhân cái kiểm tra của Bộ Giáo Dục về Học viện Quản lý Giáo dục này thì tôi cho rằng đây là vấn đề họ phải đối diện và phải giải quyết trong thời gian trước mắt".

Tiếp lời cựu cán bộ dân vận Nguyễn Khắc Mai, nhà sư phạm Hoàng Dũng nhấn mạnh :

"Việc quản lý chặt chẽ với nhiều qui định từ nhiều cấp như vậy, tưởng là chặc mà hóa ra không chặc. Sai phạm của Học viện Quản lý Giáo dục này là anh ra hàng loạt văn bản như thế mà người ta không sợ, người ta lại vi phạm hàng loạt như nhan đề bài báo nêu ra, tức là mô hình quản lý đó không đúng".

Vụ việc đầy dẫy sai phạm tại Học Viện Quản lý Giáo dục, nếu đúng như Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo nêu ra, là thêm một cảnh báo mạnh mẽ rằng phải cải cách hệ thống Giáo dục-Đào tạo đến nơi đến chốn với tác nhân chính là nhân sự có trách nhiệm trước khi bàn đến cơ chế, là kết luận của nhà giáo Hoàng Dũng.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 10/02/2022

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc, Thanh Phương
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)