Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/02/2022

Căng thẳng Nga-Ukraine : các bên liên hệ vẫn nghi ngờ lẫn nhau

Nhiều tác giả

Khủng hoảng Ukraine : "Một ý đồ xác định lại trật tự quốc tế"

Julien Théron, Anh Vũ, RFI, 14/02/2022

Căng thẳng không ngừng tăng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh hồ sơ Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin khăng khăng tuyên bố không có ý định tấn công nước láng giềng. RFI có cuộc trao đổi với ông Julien Théron, giảng viên về các xung đột và an ninh quốc tế tại trường Khoa học chính trị Paris (Science Po Paris).

nga1

Trục thăng Nga tham gia tập trận chung với Belarus tại Gozhsky, vùng Grodno, Belarus gần biên giới với Ukraine, ngày 12/02/2022.  AP - Vadzim Yakubionak

RFI : Từ nhiều ngày nay , khả năng về một cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine trong những ngày sắp tới đã nhiều lần được gợi lên. Làm thế nào mà tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đưa ra thời điểm kiểu như vậy ?

Julien Théron : Có nhiều lý do. Thứ nhất, tất nhiên là từ tin tình báo. Tổng thống Mỹ lãnh đạo một đất nước có mạng lưới tình báo cực kỳ rộng. Chắc chắn đó là những thông tin mà chúng ta không có.

Yếu tố thứ hai là việc củng cố khả năng quân sự của Nga xung quanh Ukaina mà chúng ta có thể nắm được các chi tiết : Đó là tin tình báo "để ngỏ" với các hình ảnh vệ tinh. Thực sự, việc củng cố vẫn tiếp tục. Các loại pháo tầm xa được chuyển đến, các loại trực thăng mới, các chiến hạm tác chiến đang đến khu vực Biển Đen. Những yếu tố đó cho thấy đã tới mức độ Nga có thể can thiệp vào Ukraine.

Lý do thứ ba là về mặt ngoại giao. Qua các mô tả và đàm phán, người ta nhận thấy rõ Nga tuyệt đối không chịu lùi bước trong các yêu sách ban đầu của họ và tất cả các nỗ lực của Hoa Kỳ, NATO, Pháp và Đức đều không đạt được mục tiêu. Bởi thế mà dẫn tới một cuộc xung đột là điều có thể dự kiến.

RFI : Ông nói "có thể dự kiến". Phải chăng thông tin về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là khả tín và sắp xảy ra ?

Julien Théron : Đúng là khả tín. Hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc tấn công sẽ có thể hiệu quả hay không ? Đó mới thực sự là câu hỏi. Đó là vấn đề quân sự, một vấn đề thậm chí cũng đang làm xáo động giới khoa học và phân tích chiến tranh hiện đại. Chẳng hạn, năm 2008 Nga tấn công Gruza, khi đó như một cuộc đột nhập. Họ dừng lại trước khi tới Tbilissi, ở quãng thành phố Gori. Họ đã không đi xa hơn. Người Nga đã giới hạn hành động để gây áp lực với Gruzia và với cộng đồng quốc tế.

Tại Syria, người Nga triển khai lực lượng tối thiểu nhưng có hiệu quả tối đa bằng cách sử dụng nhiều không quân để tránh thiệt hại trên mặt đất. Nhưng lần này người ta thấy không hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều xe chiến xa. Người ta thậm chí còn quan sát thấy có những hệ thống bảo vệ xe bọc thép chống các loại drone mà Ukraine đã mua của Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta nhận thấy họ đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ. Hoặc chí ít thì họ cũng dự định điều đó. Điều này gây nhiều thắc mắc. Bởi vì trong trường hợp tấn công trên bộ, quân đội Ukraine đã được tổ chức và chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2014, lúc xảy ra cuộc tấn công Crimée. Và nhất là dân chúng đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh du kích.

Sự việc sẽ có thể không như ở Syria cũng như ở Gruzia. Trong trường hợp này, rất có nhiều khả năng Nga rơi vào tình trạng "bị sa lầy" ở Ukraine. Như vậy vấn đề đặt ra là tính xác đáng của một cuộc can thiệp quân sự trên bộ.

RFI : Trong trường hợp đó, thể hiện sức mạnh kiểu như vậy có ích gì với Nga nếu biết là "bị sa lầy" ? Moskva trông đợi gì ? Phải chăng họ trông chờ phương Tây lùi bước trong ý định của NATO ? Đâu là mục đích của Nga ?

Julien Théron : Quả thực là nghịch lý, đến mức ngay cả giới quân sự Nga có thể cũng đặt câu hỏi. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ không hành động. Người ta có thể thấy hai chi tiết rất thú vị đối với Moskva trong trường hợp can thiệp quân sự.

Đầu tiên, là để vẽ lại cách thức mà người ta vẫn làm trong quan hệ quốc tế. Ở đây là trường hợp tấn công một quốc gia không có liên hệ trực tiếp với những đòi hỏi về việc mở rộng NATO. Chúng ta đang ở trong tình huống mà Ukraine rơi vào giữa một chiến lược lớn. Chiến lược này liên quan đến mối tương quan giữa Nga với phương Tây. Nếu người ta tiến hành một chiến dịch quân sự như vậy, có nghĩa là người ta có thể cậy đến sức mạnh quân sự để đòi tự cho mình có quyền đối với những nước khác. Đó là sự thay đổi trật tự quốc tế. Đây là điều rất quan trọng.

Chi tiết thứ hai có thể Moskva quan tâm hơn. Đó là diễn giải luận điểm mà người Nga vẫn luôn rêu rao rằng NATO chống lại chúng tôi, NATO là mối đe dọa, NATO sẽ xâm lược nước Nga. Tất nhiên là không có một nước nào trong NATO dự tính tấn công Nga từ 30 năm qua. Nhưng cách diễn giải đó cuối cùng có thể sẽ không còn hấp dẫn nữa nếu không có khủng hoảng. Trong khi Kremlin đang trong hoàn cảnh kinh tế -xã hội tế nhị. Kỳ bầu cử đang tới gần. Đó có thể là cách để giành lại những gì đã từng xảy ra năm 2014 trong vụ sáp nhập Crimée, tức là một cú kích thích lòng tin dân chúng.

RFI : Nếu Nga vượt qua biên giới, cụ thể NATO sẽ làm gì ?

Julien Théron : NATO có khoảng vài trăm hay vài ngàn đơn vị quân trong các nước thành viên. Người ta đã thấy Anh, Mỹ cùng với việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí phòng thủ chống tăng đã triển khai một số quân nhân huấn luyện về các hệ thống vũ khí. Đó không phải là binh sĩ chiến đấu. Các lính chiến đóng tại những nước Đông Âu của NATO, chủ yếu là các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Đó là để bảo đảm cho các nước này chẳng may có xung đột ở Ukraine thì chiến sự sẽ không tràn sang nước họ. Các nước đó lo ngại và họ có những lý do lịch sử để lo lắng.

NATO không hề có ý định đánh nhau với Nga tại Ukraine. Kremlin nói về chuyện khiêu khích, nhưng tuyệt nhiên không có sự khiêu khích nào trong việc đóng vài nghìn đơn vị quân theo yêu cầu của các nước đó. Số quân đó chỉ để trấn an trước cuộc hoảng hiện nay. NATO không dự tính đánh nhau với Nga hay vào Ukraine. Các nước thành viên NATO chủ yếu trừng phạt kinh tế Nga. Không nhất thiết các nước thành viên NATO đều cung cấp cho Ukraine các phương tiện phòng thủ.

RFI : Trong trường hợp xảy ra xâm lược Ukraine, ta có thể nghĩ Trung Quốc, một đồng minh lớn của Nga, họ cũng có thể khởi phát xung đột ở một số điểm tiềm ẩn của họ ?

Julien Théron : Trong quan hệ quốc tế, tồn tại một khái niệm rất quan trọng là tiền lệ. Luật pháp quốc tế dựa trên cơ sở cái mà người ta vẫn gọi là quyền về tập quán. Bất kỳ một tiền lệ nào đều có thể tác động đến một hoàn cảnh khác. Nhưng so sánh cũng chỉ là để so sánh. Tình hình Crimée không giống như là Đài Loan, nơi có chính phủ riêng. Chúng ta không có sự tương đồng về tình hình. Có thể coi là tình hình giống nhau ở chỗ sử dụng can thiệp làm phương tiện để chứng tỏ quyền của mình. Trên phương diện đó, người Trung Quốc có thể ủng hộ Moskva nhằm mục đích thúc đẩy việc bảo vệ lợi ích riêng của mình.

Hôm thứ Bảy vừa rồi, việc một chiếc tàu ngầm Mỹ dường như bị đuổi ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Kourile, đây cũng là nơi đang có tranh chấp giữa Nga và Nhật từ sau Đệ nhị Thế chiến. Sự việc cho thấy sự gia tăng căng thẳng có thể dẫn tới các căng thẳng khác ở phía bên kia lục địa Á-Âu. Ta không nói Thế chiến thứ 3 vì chúng ta vẫn trong hoàn cảnh các khối nước lớn đang cố tránh.

RFI : Không nói đến Thế chiến thứ 3 nhưng chúng ta đang ở trong không khí thế nào ? Một không khí chiến tranh lạnh ?

Julien Théron : Một số chuyên gia có suy nghĩ về Thế chiến thứ 3. Nếu nói về điều đó, cần phải coi đó là chiến tranh hiện đại, tức là không phải với các mặt trận "cổ điển". Chúng ta đang ở trong tình trạng có sự liên kết lại của các nước lớn chuyên chế, Nga và Trung Quốc. Họ đang ở trong hoàn cảnh có thể đặt phương Tây trước một thách thức, nhằm vẽ lại trật tự quốc tế vốn đã dựa trên nền tảng dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền và để họ có thể phản bác điều đó, không chỉ ở phạm vi trật tự trong nước họ mà cả trong những khu vực khác nhau trên thế giới, ở những nơi họ có lợi ích. Họ có ý định phá vỡ những gì có thể là độc quyền của phương Tây và điều đó đang diễn ra.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 15/02/2022

*******************

Chuyên gia : Chiến tranh Nga-Ukraine có thể khiến Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông

Carlyle Thayer, RFA, 15/02/2022

Giáo sư Carlyle Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm phân tích ảnh hưởng của một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Nga và Ukraine đến quốc gia Đông Nam Á. 

nga2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Putin - Reuters/RFA edited

Mặc dù nằm cách xa lục địa Châu Âu, tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia người Úc thì Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả tai hại một khi chiến tranh giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ xảy ra. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer bình luận rằng cuộc xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam theo hai khía cạnh, kinh tế và an ninh. 

Về khía cạnh kinh tế, vị giáo sư từ trường đại học New South Wale cho rằng chương trình phát triển kinh tế của chính phủ ông Phạm Minh Chính sẽ rất có thể bị "trật bánh", một khi chiến tranh nổ ra, ông nói thêm :

"Chúng ta đang nói đến khả năng về một cuộc xung đột giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ và Châu Âu liên minh chống lại Nga, và nếu Trung Quốc quyết định ủng hộ Nga thì chắc sẽ dẫn đến thảm hoạ. Và với Việt Nam thì đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. 

Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế, an ninh, và sự ổn định toàn cầu. Nếu những điều đó bị gián đoạn thì sẽ làm trật bánh chiến lược kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn".

Nguyên nhân của việc này theo giáo sư Thayer là vì nếu Nga xâm lược Ukraine thì sẽ bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề, bất cứ nước nào làm ăn với Nga sẽ đều bị cấm vận lây, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và xứ sở bạch dương. 

Và nếu ông Tập Cận Bình quyết định sát cánh với Putin trong cuộc đối đầu với phương Tây thì thiệt hại mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ còn nặng nề hơn nữa, vì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đảo lộn, mà nước này lại phụ thuộc vào việc xuất và nhập khẩu, cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

nga3

Binh lính Nga tập trận cùng Belarus hôm 12/2/2022. Ảnh : Reuters

Ngoài khía cạnh kinh tế, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với thách thức về mặt an ninh một khi chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, theo giáo sư Carlyle Thayer. 

"Nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra ở Ukraine, Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai và đạt được nhiều hơn những điều mà họ muốn. 

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có muốn mở một cuộc tấn công trên Biển Đông hay không, hay là họ sẽ cho Việt Nam thấy sự thay đổi về mặt tình hình thực tế, khi mà Hoa Kỳ sẽ không thể đóng vai trò quyết định ở khu vực nữa vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay nói cách khác là Việt Nam sẽ không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc. 

Nếu vậy thì Việt Nam sẽ phải nhượng bộ thêm và để Trung Quốc làm chủ tình hình, cũng như tránh đối đầu".

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Biden vừa mới công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới, trong đó nhắm đến việc củng cố an ninh ở khu vực, và vận dụng mọi nguồn lực để răn đe các động thái hung hăng cũng như chống lại các nỗ lực đe doạ đến hòa bình và sự ổn định ở khu vực. 

Trong chiến lược này thì Trung Quốc được cho là đối tượng chính mà Hoa Kỳ nhắm đến. 

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng một cuộc chiến tranh ở Châu Âu sẽ trì hoãn việc triển khai chiến lược này, và sẽ khiến các nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng. 

Về phần Chính phủ Việt Nam, chuyên gia người Úc cho rằng lựa chọn là rất hạn chế trong việc tiếp cận cuộc khủng hoảng ở Đông Âu, ông nói :

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ chọn cách kêu gọi đối thoại và thiết lập hòa bình, và vì lợi ích của mình nên Việt Nam sẽ không chỉ trích Nga. 

Rõ ràng là Việt Nam sẽ ở vào trong thế khó. Ngoài ra thì Trung Quốc cũng sẽ tỏ ra ủng hộ những việc làm của nước Nga, nên Việt Nam cũng sẽ không muốn khiêu khích Trung Quốc".

Đứng trước những thách thức có thể sẽ xảy đến, theo giáo sư Carlyle Thayer, thì Việt Nam không hề mong muốn một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ xảy ra. 

Nguồn : RFA, 15/02/2022

********************

Khủng hoảng Ukraine, Việt Nam đang ở vào thế khó

Nguyễn Hải Bằng, RFA, 14/02/2022

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang

Từ cuối năm 2021 đến nay, dư luận cả thế giới đang bị thu hút vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh Nga sẽ tấn công Ukraine. Mỹ và một số nước Châu Âu đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao và người thân ở Ukraine.

nga4

Biểu tình phản đối Nga ở Kyiv, Ukraine hôm 12/2/2022 - AFP

Theo phía Mỹ, lực lượng Nga được triển khai tới khu vực biên giới đang tăng lên với tốc độ có thể giúp Putin có được sức mạnh mà ông cần - khoảng 150.000 quân - để triển khai một cuộc xâm lược toàn diện vào giữa tháng 2/2022. Họ đánh giá rằng Putin muốn có thể tùy ý sử dụng mọi lựa chọn, từ một chiến dịch hạn chế ở khu vực Donbas thân Nga của Ukraine tới một cuộc xâm lược toàn diện. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nước này đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Moskva đã đưa ra một loạt yêu cầu, bao gồm việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được kết nạp Ukraine và giảm hiện diện quân sự ở Đông Âu. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã bác bỏ điều này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên trang mạng của Hội đồng Đại Tây Dương hồi tháng 12/2021 rằng "Tương lai của Châu Âu sẽ được định đoạt ở Ukraine" (1), trong đó nêu ra 3 thảm họa đối với Châu Âu. Theo ông, một cuộc chiến lớn ở Ukraine sẽ đẩy Châu Âu vào khủng hoảng : Khoảng 3-5 triệu người tị nạn sẽ tháo chạy khỏi cuộc xâm lăng của Nga, trở thành một trong nhiều lo ngại lớn cho xã hội Châu Âu. Tiếp theo, EU vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì từ Ukraine và Nga, nên chiến tranh sẽ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cuộc chiến mà Nga gây ra sẽ chấm dứt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Châu Âu vẫn tuân theo trong nhiều thập kỷ qua. 

Mỹ và Châu Âu sẽ phản ứng ra sao ?

Khủng hoảng Ukraine một lần nữa cho thấy sự vô dụng của các bảo đảm quốc tế. Bản ghi nhớ Budapest được Nga, Anh và Mỹ ký năm 1994, khẳng định các đảm bảo an ninh chống lại các mối đe dọa hoặc vũ lực ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Belarus và Kazakhstan để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ (2). Đáng tiếc là bản ghi nhớ đã không còn được tôn trọng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ukraine là thử thách quốc tế quan trọng đầu tiên đối với Mỹ sau Afghanistan. Mỹ, không sẵn sàng can thiệp về mặt quân sự, chỉ cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thực tế cho đến nay không có nhiều ảnh hưởng tới Tổng thống Vladimir Putin. Joe Biden đã lỡ lời khi nói rằng Mỹ có thể bỏ qua nếu đó chỉ là một cuộc xâm lược hạn chế (3), song tất nhiên, Putin muốn nhiều hơn và vẫn chưa rõ ai sẽ thắng trong trò chơi này.

Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp dụng, như trước đây. Nhưng kết luận chính mà Moskva rút ra từ các cuộc thảo luận này là phương Tây đang bị chia rẽ. Thay vì tạo ra sự răn đe mạnh mẽ, phương Tây đã không làm được gì hơn ngoài việc để lộ các vết nứt nội bộ ở khắp mọi nơi. Sự chia rẽ giữa các thành viên của EU diễn ra công khai, hầu hết đều là các đồng minh NATO. Đôi khi, sự chia rẽ thậm chí còn xuất hiện trong các chính phủ, chẳng hạn như ở Đức (4).

Các định chế quốc tế cũng đi đến thất bại tương tự. Ngày 31/1, Mỹ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về việc Nga triển khai tại biên giới với Ukraine, nhưng Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nắm quyền phủ quyết, nên Hội đồng Bảo an cũng gặp thất bại.

Những vấn đề Việt Nam cần phải suy nghĩ

Cả thế giới đang chờ xem Mỹ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine như thế nào. Điều này sẽ rất quan trọng vì các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn còn nghi ngờ các cam kết của Mỹ trước các vấn đề tại đây, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đã gặp nhiều chỉ trích từ chính các đồng minh của Mỹ.

Phát biểu gần đây, khi nhắc tới việc Mỹ phải có các hành động phản ứng khi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe doạ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đề cập : "Nếu chúng tôi cho phép những nguyên tắc đó bị thách thức mà không bị trừng phạt, ngay cả khi Châu Âu cách xa nửa vòng trái đất, thì điều đó cũng sẽ có tác động ở đây… Những người khác đang theo dõi ; những người khác đang tìm kiếm tất cả chúng ta để xem chúng ta phản ứng như thế nào" (5).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam - quốc gia vốn vẫn còn nhiều nghi ngờ về mục đích và động cơ, cũng như các cam kết của Mỹ đối với khu vực ASEAN, đang theo dõi và tiếp tục đánh giá các vấn đề này. Vì thế Mỹ cần phải chứng minh cho Việt Nam thấy thực tâm và cam kết của Mỹ mạnh mẽ đến mức nào để khiến Việt Nam tin tưởng.

Các quan chức ngoại giao và các học giả Việt Nam vẫn đang "im hơi lặng tiếng" trước vấn đề này. Điều này bởi lẽ Việt Nam có những trở ngại trước các mối quan hệ phức tạp. Một mặt, Việt Nam đang có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, mối quan hệ với Nga sẽ có vai trò quan trọng hơn Ukraine khi Nga là một đối tác quan trọng để Việt Nam có thể sử dụng nhằm kiềm chế và đối trọng phần nào trước một Trung Quốc đầy hung hăng trên Biển Đông. Nga luôn là một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, thêm nữa, các công ty dầu khí của Nga cũng tham gia khai thác trên các vùng biển mà Trung Quốc cho là "đang tranh chấp" với họ, mặc cho các đe doạ từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Nga tấn công Ukraine thì Việt Nam có thể gặp những bất lợi về mặt chiến lược như sau :

Thứ nhất, nếu Nga tấn công Ukraine mà thế giới không có phản ứng thích đáng, điều này sẽ cho Trung Quốc thấy sự vô nghĩa của "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", cũng như sự suy yếu của Mỹ và phương Tây, và do đó, sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có những cuộc phiêu lưu quân sự trên biển Đông mà Đài Loan cũng như các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát trên Biển Đông, có thể sẽ là mục tiêu tấn công của Trung Quốc.

Thứ hai, như đã trình bày ở trên, đối với Việt Nam, Nga đóng một vai trò quan trọng như một cường quốc đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc. Nga là nguồn cung cấp vũ khí truyền thống cho Việt Nam. Nga cũng không lo ngại việc đối mặt với các sức ép và đe doạ từ Trung Quốc khi cùng Việt Nam khai thác dầu khí trên biển Đông. Tuy nhiên, để chống lại sức ép của Mỹ và phương Tây, Nga rất cần sự ủng hộ từ Trung Quốc. Đây chính là lý do mà gần đây, Nga đã xích lại gần Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Tập Cận Bình và Putin đã có cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh ngày 4/2 vừa qua. Hai bên đã có một Tuyên bố chung cho cuộc gặp mặt này (6). Trong Tuyên bố chung này đã cho thấy Nga chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc khá nhiều. Tuyên bố chung cho biết Nga "tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc 'Một Trung Quốc', xác nhận Đài Loan là phần không thể tách rời của Trung Quốc" và 'phản đối Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức. Theo văn kiện này, hai nước sẽ tăng cường hợp tác liên kết các kế hoạch phát triển của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hợp tác thiết thực giữa EAEU và Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau và tăng mức độ kết nối giữa các khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Á-Âu. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc nhất trí nhất quán làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trong lĩnh vực phát triển bền vững Bắc Cực.

nga5

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2/2022. AFP

Thêm nữa, ngay trong dịp này, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đồng ý cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Công ty năng lượng nhà nước CNPC của Trung Quốc. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, thỏa thuận này có thời hạn 25 năm, giá trị của những lô hàng này khoảng 37,5 tỷ USD.

Ngoài ra, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận với CNPC để cung cấp 100 triệu tấn dầu mỏ qua Kazakhstan trong 10 năm tới. Theo Rosneft, hợp đồng trị giá 80 tỷ USD. Các thỏa thuận mới đã hỗ trợ đồng Ruble của Nga và thị trường chứng khoán Nga, bao gồm cả cổ phiếu của Rosneft và Gazprom (7). Cả Rosneft và Gazprom đều là các bên trực tiếp khai thác dầu khí cùng với Việt Nam ở Biển Đông.

Trong cuộc thoả hiệp chính trị này, chắc chắn Trung Quốc phải nhận được gì đó, mới dẫn tới việc Trung Quốc ủng hộ Nga như vậy. Liệu Nga có chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông không thì đó là một vấn đề mà Việt Nam cần tính tới. Bởi vì hơn lúc nào hết, Nga rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Hơn nữa, lợi ích địa chính trị lúc này trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều những lợi ích Nga sẽ nhận được từ Việt Nam.

Nguyễn Hải Bằng

Nguồn : RFA, 14/02/2022

Tham khảo :

1. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/europes-future-will-be-decided-in-ukraine/

2. https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%203007/Part/volume-3007-I-52241.pdf

3. https://thehill.com/homenews/administration/590519-biden-sparks-confusion-cleanup-on-russia-ukraine-remarks

4. https://www.wilsoncenter.org/blog-post/europes-dangerous-divide-ukraine

5. https://www.wsj.com/articles/u-s-warns-allies-that-ukraine-crisis-puts-post-world-war-ii-order-at-risk-11644576655 ?mod=e2tw

6. http://en.kremlin.ru/supplement/5770

7. https://bnews.vn/nga-ky-thoa-thuan-khi-dot-va-dau-mo-tri-gia-117-5-ty-usd-voi-trung-quoc/230971.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Julien Théron, Anh Vũ, Carlyle Thayer, Nguyễn Hải Bằng
Read 436 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)