Việc Nga tấn công Ukraine không chỉ khiến Châu Âu lo ngại, mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Châu Á : các mối đe dọa địa chính trị đối với khu vực Đông Á là rất nhiều, đặc biệt là đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, kể cả về quân sự, kinh tế và năng lượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022 via Reuters - Sputnik
Trên đây là nhận định của chuyên gia Pierre-Antoine Donnet trong bài viết "Nga xâm lược Ukraine : Hậu quả nào cho Châu Á ?", đăng ngày 23/02/2022 trên trang mạng Châu Á The Asialyst, RFI lược dịch bài viết.
Vụ Nga xâm lược Ukraine sẽ làm sáng tỏ mối quan hệ đầy sóng gió giữa Hoa Kỳ và Nga, đằng sau đó là với Trung Quốc và Đài Loan. Thứ nhất, những căng thẳng quân sự Nga - Mỹ có nhiều nguy cơ leo thang tại vùng Viễn Đông của Nga. Từ nhiều tháng qua, Nga đã tăng cường các hoạt động quân sự ở biển Nhật Bản và biển Okhotsk, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Nhật Bản, nơi các chiến lược gia đang theo dõi tình hình với nhiều lo lắng.
Hồi tháng 12/2021, Nga thông báo sẽ đưa vào vận hành các tàu ngầm hạt nhân mới ở vùng Viễn Đông, cũng như triển khai các tên lửa tới Matua, một hòn đảo núi lửa không người sinh sống ở gần dãy núi Kuril. Thêm vào đó, từ cuối tháng 1 đến tháng 2 năm 2022, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở biển Nhật Bản và biển Okhotsk, với sự tham gia của khoảng 20 tàu.
Vào ngày 12/02/2022, Moskva tiết lộ một tàu ngầm Mỹ đã xâm phạm lãnh hải của Nga ở Thái Bình Dương, gần nơi diễn ra các cuộc thao dợt nói trên. Dù Hoa Kỳ đã phủ nhận điều đó, nhưng rõ ràng căng thẳng giữa các lực lượng quân sự Nga và Mỹ trong khu vực đã gia tăng. Từ nhiều năm nay, Nga đã triển khai nhiều tàu ngầm hạt nhân ở biển Okhotsk. Chính từ những tàu ngầm này, Nga sẽ phóng tên lửa hạt nhân về phía lãnh thổ Mỹ nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử nổ ra giữa Nga và Hoa Kỳ.
Thêm vào đó là tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản liên quan đến vùng mà Moskva coi là "lãnh thổ phía Bắc" : khu vực nằm ở phía bắc đảo Hokkaido của Nhật, gồm 4 hòn đảo của Nhật đã bị Nga chiếm nhưng Tokyo tuyên bố chủ quyền. Đây là những đảo mà Moskva coi là chiến lược vì chúng tạo thành "trận tuyến" bảo vệ vùng biển Okhotsk. Một số chuyên gia nhận định trong những năm tới đây Nga có thể sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự trên những hòn đảo này.
Sự nhượng bộ của Washington trước Nga có thể bất lợi cho an ninh Châu Á
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng sẽ làm phức tạp thêm quan hệ của Nhật Bản và Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Ngày 26/01/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời bằng văn bản các yêu cầu về an ninh của đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Mặc dù từ chối yêu cầu của Nga về việc Mỹ và các đồng minh phải vĩnh viễn từ bỏ việc để Ukraine gia nhập NATO, Joe Biden đã đưa ra 3 đề xuất : Washington có thể đồng ý hạn chế triển khai tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung ; Hoa Kỳ và Nga có thể cam kết sẽ minh bạch hơn về các cuộc thao dợt quân sự ở Châu Âu ; Hoa Kỳ có thể sẽ cung cấp thông tin về các căn cứ quân sự ở Romania, Ba Lan, để đổi lấy các hành động có đi có lại của Moskva liên quan đến 2 trong số các căn cứ tên lửa của Nga.
Những nhượng bộ của Washington có thể giúp xoa dịu căng thẳng Nga - Mỹ, nhưng cũng có thể làm tăng rủi ro an ninh ở Châu Á vì có lợi cho Trung Quốc. Tổng thống Nga Putin, nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Trung Quốc nhân Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, đã ca ngợi là hiện nay mối quan hệ của Nga với Trung Quốc "gần gũi hơn bao giờ hết". Ông Putin giải thích Trung Quốc và Nga hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong các lĩnh vực như địa chính trị và phát triển kinh tế. Tổng thống Nga nhấn mạnh : "Mối quan hệ song phương của chúng ta thực sự đang ở mức cao chưa từng có về tinh thần hữu nghị và về quan hệ đối tác chiến lược. Các mối liên hệ giữa hai nước đã trở thành một ví dụ về mối quan hệ chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhau và giúp các nước khác hỗ trợ nhau về phát triển kinh tế".
Trong một tuyên bố chung sau cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung tuyên bố "phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO trong tương lai" và tố cáo "ảnh hưởng tiêu cực của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực". Hai nhà lãnh đạo còn nói họ "lo ngại" về việc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc hồi tháng 9/2021 thành lập liên minh quân sự AUKUS. Cũng trong tuyên bố chung này, Tập Cận Bình dường như cho thấy ủng hộ Nga trong hồ sơ Ukraine, trong khi Vladimir Putin khẳng định Đài Loan là một phần không thể thiếu của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã phản đối những tuyên bố "bỉ ổi" nói trên và tố cáo Bắc Kinh vẫn tiếp tục phổ biến sai sự thật rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc.
Hồ sơ Ukraine làm suy yếu "trục Châu Á" của Washington, có lợi cho Bắc Kinh
Lo ngại khi thấy Nga - Trung muốn áp đặt các mô hình chuyền quyền độc đoán, Tây phương ngày 19/02 cảnh cáo sự xích lại gần mang chiến lược giữa Nga và Trung Quốc làm lung lay các quy tắc về trật tự quốc tế.
Châu Âu và Mỹ đã nắm rõ được thông điệp của Vladimir Putin và Tập Cận Bình từ Bắc Kinh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, hôm thứ Bảy 19/02, trước Hội nghị An ninh lần thứ 58 diễn ra tại Munich, Đức, nhấn mạnh : "Những lo ngại của Nga quanh vấn đề Ukraine cũng phải được nhìn nhận như đối với những mối lo ngại của các bên có liên quan về cuộc khủng hoảng này".
Tại hội nghị Munich, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói với các nhà lãnh đạo quốc tế rằng Nga và Trung Quốc đang tìm cách thay thế các quy tắc quốc tế hiện có và cảnh báo Bắc Kinh - Moskva muốn cai trị theo kiểu của kẻ mạnh hơn là tôn trọng pháp quyền, chuộng đàn áp hơn tôn trọng quyền tự quyết và ưa cưỡng chế hơn là hợp tác. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cùng với Moskva yêu cầu NATO không kết nạp thêm thành viên mới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đó là một nỗ lực của Nga - Trung nhằm kiểm soát vận mệnh của các quốc gia tự do, viết lại các quy tắc quốc tế và áp đặt các mô hình lãnh đạo chuyên chế.
Cũng phát biểu tại hội nghị Munich, thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc nhở thế giới không còn bị chia cắt như trước năm 1989 thành phe cộng sản và tư bản. Theo thủ tướng Đức, ngoài Bắc Triều Tiên thì hiện nay trên thế giới chỉ còn lại các nước tư bản và sự khác biệt giữa các quốc gia hiện nay liên quan đến chế độ chuyên quyền, về cách lãnh đạo đất nước, về nền dân chủ. Đối với thủ tướng Olaf Scholz, rõ ràng là chúng ta đang bước vào một thế giới đa cực chứ không còn là thế giới lưỡng cực. Ông tin rằng các quốc gia Châu Á khác cũng mong muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc hoặc Nga trong việc thiết lập phạm vi thống trị hay phạm vi lợi ích của riêng họ, bất kể đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia hay Malaysia.
Đối với Bắc Kinh, khủng hoảng Ukraine cũng là một phương tiện làm suy yếu "trục Châu Á" của Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại nếu hậu thuẫn Nga lách các biện pháp trả đũa kinh tế mà Washington từng dọa trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine. Theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, rất có thể "sự biến mất trên truyền thông" trong suốt nhiều ngày của 7 lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản Trung Quốc là vì họ phải tập trung họp bàn về những nguy cơ mà Trung Quốc phải đối mặt nếu ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.
Tạm thời, các tuyên bố của Bắc Kinh vẫn rất thận trọng do những mối liên hệ với Ukraine và nhất là do Bắc Kinh phải hết sức lưu ý khi nói đến khái niệm "quyền tự chủ" bởi có liên quan đến vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là một phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc.
Pierre-Antoine Donnet
Nguyên tác : "Invasion russe de l’Ukraine : quelles conséquences pour l’Asie ?", The Asialyst, 23/02/2022
Thùy Dương lược dịch
Nguồn : RFI, 25/02/2022