Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/02/2022

Ukraine : chế độ "phát xít" hay trở lực cho tham vọng đế chế của Putin ?

Trọng Thành

Ngay sau bài diễn văn hơn 20 phút của tổng thống Nga mờ sáng 24/02/2022, quân Nga bất ngờ oanh kích hàng loạt vị trí tại Ukraine. Cuộc chiến tranh tình báo Mỹ dự báo, rút cục đã diễn ra. Truyền thông đặc biệt chú ý đến một bài diễn văn khác dài hơn một giờ ngày 21/02 của tổng thống Nga - công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass, lên án Kiev là "phát xít mới", tay sai của phương Tây - được nhiều người nhìn nhận như hành động tuyên chiến với Ukraine.

phatxit1

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi ký văn kiện công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass (Ukraine), Moskva, ngày 21/02/2022. © Reuters

Cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và Ukraine không thể tách khỏi trận chiến về truyền thông. Đêm ngày 24/02, ít giờ trước diễn văn khởi động chiến tranh của ông Vladimir Putin, tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky có bài nói chuyện ngắn, hướng tới người dân Nga, như một nỗ lực mong manh sau cùng hy vọng vãn hồi hòa bình. Bài nói chuyện của tổng thống Ukraine được tuần san Pháp Courrier International gọi là "một bài học về lịch sử Zelensky dành cho Putin".

Tạp chí Đặc biệt của RFI tuần này về can thiệp quân sự Nga tại Ukraine trước hết xin giới thiệu hai bài diễn văn, cho thấy cái nhìn của lãnh đạo hai bên chiến tuyến.

Ukraine là sản phẩm của Liên Xô : "Bài giảng lịch sử" của Putin

Bài diễn văn dài 65 phút trên truyền hình của tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người ví với một bài giảng về lịch sử, điểm lại những cội rễ trong lịch sử, cụ thể là lịch sử của chế độ cộng sản Xô Viết, đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Moskva và Kiev. Điểm chung toát lên từ bài diễn văn được chú ý nhiều là luận điểm của tổng thống Nga, khẳng định Ukraine chỉ là một quốc gia nhân tạo, ra đời cùng với chế độ cộng sản Liên Xô, sau khi đế chế Nga sụp đổ.

Trả lời đài France Inter,  nhà báo Pierre Haski nhận định : "Đối với người Ukraine, bài phát biểu này là một sự phủ định bản sắc Ukraine, thậm chí cả quyền tồn tại của quốc gia này. Đây là một cách thuật lại lịch sử mang tính phủ nhận, với mục tiêu biện minh rằng: nếu một nước Ukraine không tồn tại, hoặc không hợp nhất với Nga, thì Moskva được phép hành xử tùy ý với người Ukraine, kể cả bằng vũ lực. Đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, "nước Ukraine hiện đại đã hoàn toàn là do Nga tạo ra, chính xác hơn là bởi những người cộng sản Bolshevik và nước Nga cộng sản". Lenin, Stalin, Khrushchev đã kế tiếp nhau định hình nên nước Ukraine ngày nay bằng cách "cắt bớt" "những phần lãnh thổ lịch sử" của Nga, theo cách nói của tổng thống Putin.  

Mọi cách thuật lại lịch sử mang tính bịa đặt đều chứa đựng một phần sự thực. Cụ thể ở đây là đã có sự nhào nặn lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, bởi những người nắm quyền lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, mang đầy tư tưởng phiêu lưu. Nhưng gạt sang một bên chủ đề phức tạp nói trên, điều chủ yếu ở trong chuyện này là việc tổng thống Nga đã không nhìn nhận là ý thức dân tộc của người Ukraine đã trưởng thành trong một quá trình lâu dài, để chỉ giữ lại phần mô tả lịch sử Ukraine, theo quan điểm Liên Xô.  

Trong một cuốn sách được xuất bản vào mùa thu năm ngoái, chuyên gia về Ukraine, ông Alexandra Goujon, nhấn mạnh rằng : "chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã phát triển vào thế kỷ 19, tương tự như sự thức tỉnh dân tộc của nhiều cộng đồng dân cư khác ở Châu Âu. Nhưng đến tận cuối thế kỷ 20, dân tộc Ukraine mới bắt đầu thực sự có được một nhà nước của mình". Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức về nền độc lập, với tỷ lệ hơn 80% ủng hộ độc lập ở khắp mọi nơi thuộc Ukraine - nước Cộng Hòa Liên Xô cũ, ngoại trừ bán đảo Crimea. Donbass, trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại, một vùng tuy đa số dân nói tiếng Nga, cũng đã ủng hộ nền độc lập của Ukraine" (Bài "Poutine ou la dangereuse négation de l’identité ukrainienne", ngày 22/02/2022).

"Diệt chủng 4 triệu người Ukraine" : Sự vu cáo của Putin ?

Về hệ quả của quan điểm này, nhà báo Pierre Haski nhấn mạnh : "Chúng ta có thể thấy rõ ràng, chính quyền Putin đã đi từ yêu cầu ban đầu đòi hỏi "được đảm bảo an ninh", đến chỗ chống lại một nước láng giềng, mà chính quyền Putin phủ nhận bản sắc dân tộc của họ. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng. Bởi trong con mắt của chính quyền Nga, một nước láng giềng như vậy sẽ không có chủ quyền về lãnh thổ, nguyên tắc được coi là nền tảng của hệ thống luật pháp quốc tế đương đại"

Bài diễn văn 65 phút của ông Putin lên án chính quyền Ukraine trước đây tham nhũng, chọn chính sách đi dây cơ hội chủ nghĩa giữa Nga và phương Tây trong một thời gian dài, từ khi độc lập cho đến chính biến Maidan, cuộc nổi dậy năm 2014 mà chính quyền Putin cho là do phương Tây giật dây. Tổng thống Nga cũng nhắc lại nhiều chỉ trích lâu nay về việc Hoa Kỳ, Liên Âu, khối NATO đã không thực sự mở rộng cánh cửa để Nga hội nhập với Châu Âu. Chính quyền Kiev giờ đây bị Moskva cáo buộc do phương Tây chi phối.

Điều đặc biệt gây sốc với nhiều phương tiện truyền thông Pháp bên cạnh việc phủ nhận bản sắc quốc gia của Ukraine, đó là việc bài diễn văn của Putin tố cáo chính sách "diệt chủng 4 triệu dân cư" Ukraine sau cuộc chính biến 2014. Điều mà nhiều người cho là hoàn toàn bịa đặt. Chúng ta biết, tổng dân số của hai nước cộng hòa tự phong Donesk và Lugansk (vùng Donbass) là gần 4 triệu, và dân số toàn Ukraine là hơn 40 triệu người. 

Nhiều nhà quan sát nhìn thấy trong bài diễn văn của ông Putin tham vọng phục hồi lại vị thế của đế quốc Nga, với uy lực và ảnh hưởng như của siêu cường Liên Xô trước đây, nhưng loại trừ những gì bất lợi của mô hình toàn trị Lênin và Stalin, mà chính ông Putin đã có những lời lẽ phê phán rất gay gắt. Phải chăng Ukraine chính là trở lực lớn đầu tiên cho dự án tái lập giấc mơ siêu cường của "Sa hoàng Putin" ?

phatxit2
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu, Kiev, ngày 25/02/2022, ngày thứ hai cuộc can thiệp quân sự Nga. © Reuters/Ukrainian Presidential Press SE

Ukraine "tự do": Người dân Nga cần biết "sự thật"

Hai ngày sau bài diễn văn dài của tổng thống Nga lên án, tổng thống Ukraine có bài phát biểu ngắn  gần 10 phút. Bài phát biểu được đưa lên mạng trong đêm ngày 24/02, ít giờ trước cuộc tấn công của Nga. Tổng thống Zelenski nói bằng tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ của ông. Đối tượng hướng đến của ông là người dân Nga.

Tổng thống Zelenski phản bác luận điểm quy kết chính quyền Ukraine là phát xít, phản bội lại lịch sử, phổ biến trên truyền thông Nhà nước Nga từ nhiều năm nay :

"…người dân Ukraine đang được hưởng tự do. Họ nhớ về quá khứ của mình, và đang xây dựng tương lai cho mình. Họ đang xây dựng nó chứ không phải phá hủy nó, như quý bạn vẫn được nghe kể hàng ngày trên truyền hình Nga. Ukraine mà bạn được biết qua tin tức hàng ngày trên truyền thông và Ukraine trong thực tế là hai đất nước hoàn toàn khác nhau. … Bạn được nghe nói rằng chúng tôi là phát xít. Làm thế nào mà một dân tộc có thể là phát xít sau khi đã hy sinh 8 triệu sinh mạng để tiêu diệt chế độ Quốc xã ? Làm thế nào mà tôi có thể là phát xít, khi ông nội tôi đã từng trải qua toàn bộ chiến tranh trong lực lượng bộ binh của Quân đội Liên Xô, và đã qua đời ở cương vị đại tá tại một đất nước Ukraine độc lập.  

Bạn được nghe nói rằng chúng tôi ghét văn hóa Nga. Nhưng làm sao một nền văn hóa lại có thể bị ghét bỏ ? ... Hàng xóm láng giềng luôn làm giàu cho nhau về mặt văn hóa. Tuy điều đó không làm cho chúng ta trở thành một thực thể, nhưng cũng không khiến chúng ta trở thành đối thủ của nhau… Nhiều người trong số các quý bạn đã đến thăm Ukraine trong quá khứ. Nhiều bạn có người thân ở đây. Một số bạn đã theo học tại các trường đại học của chúng tôi. Kết bạn với người dân Ukraine. Bạn đã quen thuộc với tính cách của chúng tôi, với con người của chúng tôi, với các nguyên tắc của chúng tôi. Bạn biết những gì mà chúng tôi trân trọng nhất".  

Tổng thống Ukraine hướng đến người dân Nga, nói với họ như những người bạn :

"Hãy đối diện với lương tri của bạn, hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí, của lẽ phải ! Hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi ! Người dân Ukraine muốn hòa bình….  Đúng là Ukraine được nhiều quốc gia hỗ trợ. Tại sao ? Bởi vì chúng tôi không nói về hòa bình bằng bất cứ kiểu gì. Chúng ta nói về hòa bình, và về cả các nguyên tắc, về công lý. Về quyền của mọi người được xác định tương lai cho chính mình, về sự an toàn và quyền sống của mọi người không bị đe dọa. Tất cả điều này là quan trọng đối với chúng tôi. Tất cả điều này là quan trọng cho hòa bình. Tôi biết chắc rằng điều này cũng quan trọng đối với bạn. Chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi không muốn chiến tranh. Dù chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, hay chiến tranh lưỡng hợp… Tôi biết rằng thông điệp của tôi sẽ không được phát trên truyền hình Nga. Nhưng người dân Nga cần biết được điều đó. Họ cần biết được sự thật".  

Zelensky ở lại với Kiev

Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps, bất ngờ với bài diễn văn đầy tính riêng tư, và chứa chất cảm xúc của tổng thống Ukraine, nhận xét : tổng thống Zelensky quả đã "nhập vai", "vai diễn của cuộc đời ông". Báo Le Temps ngụ ý nhắc đến quá khứ làm diễn viên hài của vị tổng thống 44 tuổi, vốn bị không ít người lấy ra để chê cười.  

Tối hôm qua, 25/02, ngày thứ hai của chiến dịch quân sự Nga, có nhiều tin đồn về việc tổng thống đã lẩn trốn. Ông Zelensky, cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp của chính quyền Ukraine, có mặt trong một đoạn video quay trên đường phố thủ đô Kiev. Nguyên thủ Ukraine khẳng định ông ở đây sát cánh cùng quân đội và nhân dân kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Zelensky kêu gọi những người Châu Âu có "kinh nghiệm chiến đấu" đến hỗ trợ Ukraine, bởi cuộc chiến của Ukraine cũng là cuộc kháng chiến "bảo vệ Châu Âu" chống lại các thế lực độc tài.

Phần Lan, Thụy Điển tiếp tục chính sách không vào NATO

Phản ứng của hai quốc gia Bắc Âu trung lập, Thụy Điển và Phần Lan trước cuộc tấn công của Nga là chủ đề đáng được chú ý. Hồi tháng Giêng, hai quốc gia Bắc Âu dự kiến khởi động tiến trình gia nhập NATO để đối phó với đe dọa từ Nga. Hôm thứ Năm, ngay sau khi tổng thống Nga phát động cuộc tấn công, trong một cuộc họp báo, thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderson nhận định "chúng ta đang bước vào một chương mới đen tối trong lịch sử Châu Âu", đồng thời lên án hành động "chà đạp lên luật pháp quốc tế" của chính quyền Nga. Nhưng Stockholm nhấn mạnh : "Thụy Điển vốn đã đứng ngoài các liên minh từ rất lâu, và điều này phục vụ cho các lợi ích của Thụy Điển", chính sách an ninh của Thụy Điển "không thay đổi", bất chấp thảo luận được dấy lên về vấn đề gia nhập NATO.

Về phần mình, Phần Lan cũng tuyên bố loại trừ khả năng gia nhập NATO trong thời gian trước mắt. Trong một cuộc họp báo được triệu tập khẩn cấp, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhấn mạnh là Phần Lan đã có một chiến lược an ninh quốc gia trong thời gian khủng hoảng hiện nay, và tăng cường hợp tác với các đối tác NATO. Sau khủng hoảng Helsinki sẽ xem xét "các hành động  cần thiết khác". AFP dẫn lời nữ thủ tướng Sanna Marin cho hay, trái ngược với Thụy Điển, Phần Lan có biện pháp, "khả năng gia nhập NATO", trong trường hợp an ninh quốc gia đòi hỏi.

Moskva không bỏ qua dịp để một lần nữa răn đe Thụy Điển và Phần Lan, về ý định gia nhập NATO. Hôm qua, 25/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đe dọa "các hậu quả quân sự", nếu hai quốc gia trung lập Bắc Âu gia nhập NATO.

Phần Lan không ủng hộ giải pháp "Phần Lan hóa" với Ukraine

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Die Zeit, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, bác bỏ các đòi hỏi của tổng thống Nga Putin, về việc yêu cầu NATO ngừng mở rộng phạm vi trên lục địa Châu Âu. Theo nguyên thủ Phần Lan, quốc gia này sẽ tự định đoạt việc có tham gia vào một liên minh hay không.

Về khả năng "Phần Lan hóa" (hay trung lập hóa) Ukraine, trên Financial Times ngày 22/02/2022, tức hai ngày trước cuộc tấn công của Nga, ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh : Ukraine cũng như tất cả các quốc gia khác có quyền tự quyết định lựa chọn có đề nghị gia nhập NATO hay không. Lãnh đạo ngoại giao Phần Lan khẳng định vai trò của ngoại giao để giải quyết căng thẳng hiện nay, nhưng phê bình khái niệm "Phần Lan hóa", mà theo ông là một sản phẩm của lịch sử, ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện giờ không nên coi là một hình mẫu cho việc giải quyết khủng hoảng trong quan hệ Nga – Ukraine. Ngoại trưởng Phần Lan cũng tố cáo mưu đồ phục dựng lại đế chế Xô Viết, mà tổng thống Nga đã thể hiện rõ qua bài diễn văn hơn một giờ đồng hồ ngày 21/02.

Trung Quốc : Đồng minh của Nga, kẻ giật dây hay "ngư ông đắc lợi" ?

Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine đặt ra nhiều dấu hỏi. Chế độ cộng sản Trung Quốc là đồng minh của Nga, là kẻ giật dây trong hậu trường, hay là ngư ông đắc lợi. Ngày 04/02/2022, Bắc Kinh và Moskva ra thông cáo khẳng định tầm nhìn chung về an ninh thế giới, chống lại Mỹ và các đồng minh, trong bối cảnh Nga đưa hơn 100 nghìn quân áp sát biên giới Ukraine. Ngày 24/02, Nga tấn công Ukraine, ngay sau khi Thế Vận Hội mùa đông do Trung Quốc đăng cai vừa khép lại. Bắc Kinh không lên án, mà tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Nga. Ngày 25/02, Trung Quốc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Nga xâm lược.

Tham vọng lãnh thổ và thái độ quá hung hăng của Nga tại Ukraine có thể đặt Trung Quốc vào thế khó xử, tạo điều kiện cho Trung Quốc nối lại đối thoại với Mỹ, như giả thiết của cựu cố vấn của tổng thống Obama, Ryan Hass hay không ? Chưa kể các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga có thể gây khó cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá Trung Quốc có thái độ cơ hội chủ nghĩa và thâm hiểm hơn rất nhiều.

Trả lời RFI, sử gia Pháp François Godement, chuyên gia về Trung Quốc (cố vấn về Châu Á viện Montaigne) nhận định :

"Có thể thấy Trung Quốc có một ứng xử mang tính cơ hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng đây là một tính toán mang tính toàn cục của Tập Cận Bình : đó là mọi sự suy yếu của phương Tây, mọi mặt trận bổ sung mới chống lại phương Tây đều cần được coi là điều tốt. Liệu Trung Quốc có hoàn toàn thoải mái với cuộc xâm lăng Ukraine đang diễn ra hay không ?

Tôi cho rằng cần phải tách thái độ của Bắc Kinh thành hai mặt. Một mặt, Trung Quốc không sẵn sàng gánh chịu các mạo hiểm của chính quyền Nga (trong cuộc can thiệp hiện nay), hay cùng gánh chịu với Nga. Bắc Kinh sẽ chọn một quan điểm mang "tính trung lập". Có quan điểm trung lập tại Hội đồng Bảo an không phải là điều dễ, nhưng "bỏ phiếu trắng" cũng có thể chính là một cách. Phần còn lại, cần chấp nhận một thực tế là, không nên trông đợi gì ở việc Trung Quốc sẽ có một thái độ khác biệt (với Nga), và có được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong chuyện này. Trừ phi nước Nga rơi vào tình trạng suy yếu trầm trọng, thì từ đó, Trung Quốc có thể sẽ có một lựa chọn mang tính cơ hội khác. Tuy nhiên tình hình hiện nay thì lại hoàn toàn không phải như vậy".

Trong một phân tích trên Les Echos, chuyên gia về Trung Quốc François Godement nhấn mạnh là, Bắc Kinh chắc chắn sẽ "vui mừng" khi Putin thành công, nhưng "không sẵn sàng trả giá cho các rủi ro trong cuộc phiêu lưu của tổng thống Nga".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)