Lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh phi nghĩa, bàn tay ông ta vấy máu người Ukraine và người Nga. Cuộc xâm lăng Ukraine là bước ngoặt khởi đầu cho một "big bang" địa chính trị.
Xác một máy bay không rõ của bên nào rơi tại một khu dân cư ở Kiev ngày 25/02/2022, sau khi Nga tấn công ồ ạt vào Ukraine. Reuters – Umit Bektas
Các tuần báo Pháp dù xuất bản trước khi Vladimir Putin xua quân xâm lăng Ukraine, đã dành trọng tâm cho hồ sơ này. Le Point đăng ảnh ông Putin với dòng tựa lớn "Thời của bạo tàn" và câu hỏi "Phương Tây có sẵn sàng chưa ?". Cũng với ảnh tổng thống Nga,L’Obschạy tựa trang nhất "Putin, con đường mòn chiến tranh". Trang bìa Courrier Internationallà hình vẽ chiếc xe tăng và dòng chữ đỏ "Hướng về chiến tranh ?", cònThe Economistđăng bóng đen khuôn mặt Putin nhìn nghiêng, trong đó có xe thiết giáp, phi cơ, chạy tít lớn "Ông ta sẽ dừng lại ở đâu ?"
Rạng sáng 24/02/2022, khuôn mặt lạnh lùng của Vladimir Putin xuất hiện trên tất cả màn ảnh truyền hình và trang web các phương tiện truyền thông, các nhà lãnh đạo phương Tây thức giấc trong bàng hoàng. Chiến tranh thực sự khởi đầu ngay trong lòng Châu Âu, tưởng chừng có được hòa bình vĩnh viễn sau hai trận đại chiến. Trên trang web, các tuần báo phá lệ, cập nhật thời sự nóng hổi. Ấn bản cuối tuần của Le Figaro báo động "Trận đánh Kiev đã bắt đầu", Le Monde chạy tựa "Kiev bị kẹp trong gọng kềm, Châu Âu dưới cú sốc", Libérationcổ vũ "Ukraine, hãy vững lòng".
Trong bài xã luận, Libération cuối tuần nhận định Vladimir Putin đã hoạch định tất cả, tính đến từng giờ. Hết bóp méo thông tin, tung hỏa mù cho các nhà lãnh đạo phương Tây, tấn công tin học, đến oanh tạc và xua quân qua biên giới. Ông ta đã dự kiến trước trạng thái sững sờ, lo sợ của Châu Âu và toàn thế giới, biết rằng phương Tây bị trói tay vì không thể tiến hành "cuộc chiến tổng lực" giữa các cường quốc nguyên tử.
Nhưng sống khép kín trong boong-ke, Putin quên rằng đang trong thời đại internet. Tờ báo cho rằng vũ khí tốt nhất để đối phó với "tên điên cuồng nộ ở điện Kremlin" không phải là quân sự, mà là tổ chức những cuộc biểu tình quy mô trên khắp các đường phố từ Luân Đôn đến Roma, từ Paris đến Berlin. Xã hội dân sự có thể sẵn sàng thắt lưng buộc bụng (giá ngũ cốc, dầu khí tăng) để thúc đẩy Putin nhả con mồi ra.
Xã luận Le Figaromang tựa đề "Chiến dịch Zelensky" lưu ý, các quân xa của đội quân xâm lược Nga đều có sơn chữ "Z" màu trắng. Trong bộ chữ cái Nga, mẫu tự "Z" được viết là "3", nhưng rõ ràng chữ "Z" la tinh đã được dùng để ám chỉ biệt danh "Z" của tổng thống Volodymyr Zelensky. Người diễn viên trở thành nguyên thủ và giờ là tổng tư lệnh quân đội, đã bị rơi vào cơn lốc xoáy lịch sử, tập trung mọi thù ghét từ đồng nhiệm Nga. Tổng thống Ukraine trở thành một trong những mục đích chính của trận đánh chiếm thủ đô Kiev, lực lượng Nga được lệnh trừ khử ông – hoặc giết chết, hoặc lật đổ.
Tờ báo nhắc nhở không nên tin vào ngôn ngữ của Kremlin : "thương lượng" với Ukraine chỉ liên quan đến các điều kiện đầu hàng. Putin nói rằng chính phủ Zelensky là "một băng đảng nghiện ngập, tân quốc xã", tuy ông Volodymyr Zelensky gốc Do Thái và trong gia đình có những người bị Đức quốc xã sát hại. Vladimir Putin khuyến khích quân đội Ukraine "nắm lấy quyền lực" và sau đó đòi "giao nộp vũ khí". Có nghĩa là nếu Kiev muốn tránh được biển máu, cần phải thay vị tổng thống dân cử bằng một chế độ chư hầu của Moskva.
Về vị tổng thống trẻ tuổi, Libération cho biết tối thứ Năm 24/02 ông đã xuất hiện chóng vánh trong cuộc họp video của Hội Đồng Châu Âu, thổ lộ : "Có thể đây là lần cuối cùng quý vị nhìn thấy tôi còn sống". Volodymyr Zelensky không quên nói thêm : "Chúng tôi phải đơn độc bảo vệ đất nước. Ai sẽ chiến đấu bên cạnh Ukraine ? Nói thẳng ra, tôi chẳng thấy ai cả". Tờ báo cho biết vấn đề an ninh của nguyên thủ Ukraine đã được phương Tây bàn bạc, ngoại trưởng Pháp Le Drian hôm thứ Sáu tuyên bố "Paris có thể giúp nếu cần". Hiểu ngầm : đặc nhiệm Pháp có thể can thiệp.
Tuy quyết chiến đấu đến cùng, nhưng quân đội Ukraine có thể kháng cự nổi người khổng lồ Nga hay không ? L’Express cho rằng tuy Moskva hơn hẳn Kiev về quân sự, nhưng quân đội Ukraine đã tăng cường sức mạnh trong những năm gần đây, và họ quyết chiến để bảo vệ Tổ quốc.
Nếu năm 2014 Ukraine có 130.000 quân nhân kém huấn luyện và kém trang bị, thì nay có đến 209.000 quân chính quy và 900.000 quân dự bị, theo IISS. Chi tiêu quân sự từ 3 tỉ đô la năm 2014 lên 6 tỉ đô la năm 2020, chưa kể viện trợ của NATO 14 tỉ đô la từ 2014 để hiện đại hóa. Tháng 11/2021, Washington chuyển cho Ukraine 88 tấn đạn dược, gần bốn chục giàn phóng Javelin và 180 hỏa tiễn.
Tuy vậy Ukraine vẫn là chú lùn so với Nga, có chi quân sự gấp 10 (61 tỉ đô năm 2020). Ngoài 190.000 quân đang bao vây Ukraine, Moskva còn có 900.000 lính và 2 triệu quân dự bị. Không chỉ về số lượng, quân đội Nga hiện đại hơn rất nhiều. Không quân là điểm yếu nhất của Kiev, một số phi cơ có từ thời Liên Xô và phi công ít giờ bay, trong khi nhiều phi công Nga có kinh nghiệm ở Syria. Hải quân Ukraine có 15.000 quân còn Nga có đến 150.000.
Nhưng khoảng cách khổng lồ giữa hai quân đội không phải là ẩn số duy nhất của phương trình. Ngược với quân Nga đăng lính để kiếm sống, những chiến sĩ Ukraine sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc. Sau 8 năm chiến tranh ở Donbass, họ cũng thu thập được kinh nghiệm chiến đấu từng thiếu vắng hồi năm 2014.
Tướng Pháp Dominique Trinquant cảnh báo, xâm lăng toàn bộ Ukraine không dễ dàng như đi dạo chơi, số lớn vùng chiến sự khiến Nga sẽ thiệt nhiều quân. Theo thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS), 1/3 người dân Ukraine khẳng định sẵn sàng cầm súng chống quân xâm lược, 21,7% tình nguyện tham gia phong trào kháng chiến dân sự. Về ngắn hạn, khó thể nghi ngờ chiến thắng quân sự của Nga nhưng về dài hạn, Nga sẽ sa lầy.
Không thể không chú ý đến sự kiện hôm thứ Năm 24/02 Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sở hữu đủ loại vũ khí nguyên tử chiến lược (hỏa tiễn địa-địa, địa-không, bắn đi từ tàu ngầm) và chiến thuật (sử dụng trên chiến địa). Nhưng dù chiến lược hay chiến thuật, vũ khí hạt nhân có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Ngay trong ngày, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đáp trả "Vladimir Putin cũng phải hiểu rằng Liên minh Bắc Đại Tây Dương là một liên minh nguyên tử".
Putin hôm Chủ nhật tuần trước đã giám sát cuộc tập trận Grom có sự tham gia của lực lượng chiến lược (phụ trách vũ khí hạt nhân). Ngay những giờ đầu của cuộc xâm lăng, các hỏa tiễn đạn đạo Islander lưỡng dụng – có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc không – đã tấn công các mục tiêu Ukraine, cùng với các oanh tạc cơ chiến lược. Cũng trong ngày thứ Năm, hai pháo đài bay B-52 Mỹ - có thể thả bom nguyên tử - bay qua biển Baltic và Ba Lan. Cuộc so găng nguyên tử tạm dừng ở đây, nhưng vẫn có thể tái diễn, vào lúc các hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đã hết hạn hoặc bị các cường quốc coi thường.
Theo Le Figaro cuối tuần, nếu quân đội và dân chúng Ukraine chống chọi được trước cỗ máy đàn áp, Sa hoàng Putin sẽ không ngần ngại phá hủy một phần lớn đất nước, và chiếm giữ một phần ba ở miền đông để nối liền khu vực nói tiếng Nga đến Transnistria. Mặc kệ cho Châu Âu xoay sở với những tàn tích còn bốc khói ! Ông ta có dừng lại ở đó không ? Bây giờ thì chúng ta đã biết, đại đế thích chinh phục chỉ ngưng lại khi bị chận đứng.
Cũng với câu hỏi, rồi Sa hoàng đỏ sẽ dừng lại ở đâu ? The Economist khẳng định "Lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh này", khi vô cớ tấn công nước láng giềng. Đây không phải là cuộc chiến không thể tránh khỏi, mà là một cuộc xung đột do chính Putin sản xuất. Những trận đánh và những cảnh thương tâm… rất nhiều máu của người Ukraine và người Nga sẽ đổ xuống, từng giọt máu vỡ tung tóe trên bàn tay Putin – tờ báo viết.
Trong nhiều tháng trời, Putin không xuất đầu lộ diện nhưng tập trung quân ở biên giới Ukraine, câu hỏi đặt ra là ông ta muốn gì ? Còn giờ đây đã gây chiến, vấn đề là ông ta sẽ tiến đến đâu ? Nghe tuyên bố của Putin trước cuộc xâm lăng, có thể nghĩ không có gì ngăn được nhà độc tài này. Trong bài diễn văn thu trước hôm 21/02 và được phát lúc ông tung ra những hỏa tiễn hành trình đầu tiên nhắm vào người anh em Slave, tổng thống Nga đả kích "đế quốc dối trá" phương Tây, khoe khoang số vũ khí nguyên tử, đe dọa chà đạp tất cả những nước nào dám cản đường.
Ban đầu người ta cho rằng ông chủ điện Kremlin sẽ tự bằng lòng với việc kiểm soát Donetsk và Lugansk. Nhưng với cuộc tổng tấn công, mọi hy vọng đã sụp đổ. Dường như Vladimir Putin muốn chiếm toàn bộ Ukraine, như tình báo Mỹ và Anh đã khẳng định từ đầu. Thay vì cân nhắc lợi hại, ông ta được thúc đẩy bởi ý nghĩ hoang tưởng là người làm nên lịch sử. Chiếm xong Ukraine, Putin không thể xâm lăng các nước NATO trước đây thuộc Liên Xô cũ, ít nhất là trong giai đoạn đầu, nhưng say men chiến thắng, sẽ tấn công tin học và lao vào trận chiến thông tin, ở dưới ngưỡng xung đột. Bằng cách đó, Putin đe dọa NATO.
Không thể nói với nhân dân là quân đội Nga đánh vào những người anh em Ukraine đã góp sức giành tự do cho Liên Xô, ông ta nói là Nga chiến đấu chống Mỹ, chống NATO và tay sai. Truyền hình Nga không đưa tin chiến tranh với Ukraine, thậm chí không đề cập đến quân Nga ở Donbass. Nhưng sự thật thảm hại là Putin vô cớ tấn công một quốc gia có chủ quyền, giẫm đạp lên các nguyên tắc làm nên hòa bình cho thế kỷ 21.
Thế nên thế giới phải bắt ông ta trả giá thật đắt cho sự hung hăng này. Bắt đầu bằng trừng phạt nặng nề hệ thống tài chính, ngành công nghệ cao và giới tinh hoa giàu có. Khi Moskva công nhận hai nước cộng hòa tự phong, phương Tây chỉ trừng phạt nhẹ nhàng, nhưng nay không thể chần chừ nữa. Cho dù Nga đã chuẩn bị, nhưng do kinh tế vẫn kết nối với thế giới, sẽ phải gánh chịu thiệt hại, như chứng khoán ngay trong ngày đầu tiên đã sụt mất 45%, tuy phương Tây cũng bị thiệt.
Bên cạnh đó cần củng cố sườn phía đông của NATO, chứng tỏ sự đoàn kết và triển khai ngay lực lượng phản ứng nhanh 40.000 quân tại các nước tuyến đầu. Việc huy động này khiến NATO thêm khả tín với nguyên tắc nếu đánh vào một nước thành viên coi như tấn công cả khối. Các quốc gia thành viên cũng cần viện trợ vũ khí, tiền bạc, nơi tạm trú cho người tị nạn và nếu cần, hỗ trợ một chính phủ lưu vong.
Một số người nói rằng thách thức Putin như vậy là quá rủi ro, vì ông ta không tiếp xúc với thực tại, hoặc vì Putin sẽ leo thang, tính toán sai lầm hoặc bám chặt lấy Trung Quốc. Nhưng sau 22 năm trên ngôi cao, ngay cả một nhà độc tài cũng ý thức được về vận mệnh và thăng trầm của quyền lực. Nhiều người Nga không muốn có một cuộc chiến đẫm máu chống lại người anh em Ukraine, phương Tây có thể khai thác điều này. Nhường nhịn Vladimir Putin với hy vọng ông ta sẽ biết điều hơn sẽ càng nguy hiểm. Putin càng được tự do dấn tới hôm nay, ông ta càng quyết tâm áp đặt cách nhìn của mình ngày mai. Và rốt cuộc máu sẽ đổ nhiều hơn để có thể ngăn được bạo chúa.
Trả lời Le Point, nhà bình luận Dominique Moisi khẳng định "Lịch sử xoay chuyển từ hôm nay". Cuộc xâm lăng Ukraine khiến phương Tây bước vào một kỷ nguyên mới, khởi đầu một big bang địa chính trị.
Lần đầu tiên kể từ 1945, ngay tại trung tâm Châu Âu, một nước xâm lược một nước khác, bác bỏ quyền hiện hữu của quốc gia láng giềng. Tuy cũng có những xung đột như vùng Balkan, Nam Tư cũ, nhưng đó chỉ là sự tan vỡ của một đế quốc. Nga đưa quân xâm chiếm Ukraine là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu hồi kết của thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến. Thời kỳ này gồm hai giai đoạn : chiến tranh lạnh từ 1945 đến 1989, và hòa bình nóng từ 1989 đến nay.
Theo ông Moisi, Nga có thể nhanh chóng đạt mục tiêu. Tất cả những gì phương Tây làm được, hoặc quá ít, hoặc quá trễ. Giờ đây tốt nhất nên nghĩ đến chuyện sắp tới : các nạn nhân tiềm năng của Putin có thể là Litva, Latvia, Estonia - ba nước Baltic là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO. Nếu Moskva dấn lên mà phương Tây không phản ứng mạnh, sẽ là hồi kết của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Liệu có thể là khởi đầu của một cuộc đại chiến thế giới hay không ? Chuyên gia Dominique Moisi không loại trừ khả năng này, vì bản chất Vladimir Putin là một kẻ phi lý lẽ, nắm mọi quyền lực chính trị của một nước là cường quốc nguyên tử chỉ sau Mỹ, và là cường quốc quân sự thứ ba thế giới. Một "tên điên siêu vũ trang".
Những hình ảnh từ Ukraine - người già, trẻ em lang thang trên đường phố tìm nơi trú ẩn - gợi nhớ bóng ma quá khứ, khi Đức quốc xã xâm lược Ba Lan năm 1939. Rõ ràng có sự tương đồng giữa Putin và Hitler, cả hai đều đã nói rõ ý định : Hitler trong cuốn Mein Kampf, còn Putin trong một loạt diễn văn.
Trước mắt, cuộc xung đột giữa Nga và các nước dân chủ là món quà trời cho đối với Trung Quốc, từ lâu nuôi tham vọng thống trị thế giới. Còn phương Tây kể từ ngày 24/02 không còn có thể sống vô tư lự. Chiến tranh không còn thuộc về quá khứ, mà là hiện tại ở Ukraine và tương lai ở các nước Châu Âu. Hậu quả lâu dài là về kinh tế : giá thực phẩm, năng lượng sẽ tăng lên, tình hình căng thẳng hiện nay hết sức bất lợi cho kinh tế toàn cầu.
Thụy My
Ngay sau bài diễn văn hơn 20 phút của tổng thống Nga mờ sáng 24/02/2022, quân Nga bất ngờ oanh kích hàng loạt vị trí tại Ukraine. Cuộc chiến tranh tình báo Mỹ dự báo, rút cục đã diễn ra. Truyền thông đặc biệt chú ý đến một bài diễn văn khác dài hơn một giờ ngày 21/02 của tổng thống Nga - công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass, lên án Kiev là "phát xít mới", tay sai của phương Tây - được nhiều người nhìn nhận như hành động tuyên chiến với Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi ký văn kiện công nhận hai nước cộng hòa tự phong vùng Donbass (Ukraine), Moskva, ngày 21/02/2022. © Reuters
Cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và Ukraine không thể tách khỏi trận chiến về truyền thông. Đêm ngày 24/02, ít giờ trước diễn văn khởi động chiến tranh của ông Vladimir Putin, tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky có bài nói chuyện ngắn, hướng tới người dân Nga, như một nỗ lực mong manh sau cùng hy vọng vãn hồi hòa bình. Bài nói chuyện của tổng thống Ukraine được tuần san Pháp Courrier International gọi là "một bài học về lịch sử Zelensky dành cho Putin".
Tạp chí Đặc biệt của RFI tuần này về can thiệp quân sự Nga tại Ukraine trước hết xin giới thiệu hai bài diễn văn, cho thấy cái nhìn của lãnh đạo hai bên chiến tuyến.
Bài diễn văn dài 65 phút trên truyền hình của tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người ví với một bài giảng về lịch sử, điểm lại những cội rễ trong lịch sử, cụ thể là lịch sử của chế độ cộng sản Xô Viết, đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Moskva và Kiev. Điểm chung toát lên từ bài diễn văn được chú ý nhiều là luận điểm của tổng thống Nga, khẳng định Ukraine chỉ là một quốc gia nhân tạo, ra đời cùng với chế độ cộng sản Liên Xô, sau khi đế chế Nga sụp đổ.
Trả lời đài France Inter, nhà báo Pierre Haski nhận định : "Đối với người Ukraine, bài phát biểu này là một sự phủ định bản sắc Ukraine, thậm chí cả quyền tồn tại của quốc gia này. Đây là một cách thuật lại lịch sử mang tính phủ nhận, với mục tiêu biện minh rằng: nếu một nước Ukraine không tồn tại, hoặc không hợp nhất với Nga, thì Moskva được phép hành xử tùy ý với người Ukraine, kể cả bằng vũ lực. Đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, "nước Ukraine hiện đại đã hoàn toàn là do Nga tạo ra, chính xác hơn là bởi những người cộng sản Bolshevik và nước Nga cộng sản". Lenin, Stalin, Khrushchev đã kế tiếp nhau định hình nên nước Ukraine ngày nay bằng cách "cắt bớt" "những phần lãnh thổ lịch sử" của Nga, theo cách nói của tổng thống Putin.
Mọi cách thuật lại lịch sử mang tính bịa đặt đều chứa đựng một phần sự thực. Cụ thể ở đây là đã có sự nhào nặn lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, bởi những người nắm quyền lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, mang đầy tư tưởng phiêu lưu. Nhưng gạt sang một bên chủ đề phức tạp nói trên, điều chủ yếu ở trong chuyện này là việc tổng thống Nga đã không nhìn nhận là ý thức dân tộc của người Ukraine đã trưởng thành trong một quá trình lâu dài, để chỉ giữ lại phần mô tả lịch sử Ukraine, theo quan điểm Liên Xô.
Trong một cuốn sách được xuất bản vào mùa thu năm ngoái, chuyên gia về Ukraine, ông Alexandra Goujon, nhấn mạnh rằng : "chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã phát triển vào thế kỷ 19, tương tự như sự thức tỉnh dân tộc của nhiều cộng đồng dân cư khác ở Châu Âu. Nhưng đến tận cuối thế kỷ 20, dân tộc Ukraine mới bắt đầu thực sự có được một nhà nước của mình". Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức về nền độc lập, với tỷ lệ hơn 80% ủng hộ độc lập ở khắp mọi nơi thuộc Ukraine - nước Cộng Hòa Liên Xô cũ, ngoại trừ bán đảo Crimea. Donbass, trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại, một vùng tuy đa số dân nói tiếng Nga, cũng đã ủng hộ nền độc lập của Ukraine" (Bài "Poutine ou la dangereuse négation de l’identité ukrainienne", ngày 22/02/2022).
Về hệ quả của quan điểm này, nhà báo Pierre Haski nhấn mạnh : "Chúng ta có thể thấy rõ ràng, chính quyền Putin đã đi từ yêu cầu ban đầu đòi hỏi "được đảm bảo an ninh", đến chỗ chống lại một nước láng giềng, mà chính quyền Putin phủ nhận bản sắc dân tộc của họ. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng. Bởi trong con mắt của chính quyền Nga, một nước láng giềng như vậy sẽ không có chủ quyền về lãnh thổ, nguyên tắc được coi là nền tảng của hệ thống luật pháp quốc tế đương đại".
Bài diễn văn 65 phút của ông Putin lên án chính quyền Ukraine trước đây tham nhũng, chọn chính sách đi dây cơ hội chủ nghĩa giữa Nga và phương Tây trong một thời gian dài, từ khi độc lập cho đến chính biến Maidan, cuộc nổi dậy năm 2014 mà chính quyền Putin cho là do phương Tây giật dây. Tổng thống Nga cũng nhắc lại nhiều chỉ trích lâu nay về việc Hoa Kỳ, Liên Âu, khối NATO đã không thực sự mở rộng cánh cửa để Nga hội nhập với Châu Âu. Chính quyền Kiev giờ đây bị Moskva cáo buộc do phương Tây chi phối.
Điều đặc biệt gây sốc với nhiều phương tiện truyền thông Pháp bên cạnh việc phủ nhận bản sắc quốc gia của Ukraine, đó là việc bài diễn văn của Putin tố cáo chính sách "diệt chủng 4 triệu dân cư" Ukraine sau cuộc chính biến 2014. Điều mà nhiều người cho là hoàn toàn bịa đặt. Chúng ta biết, tổng dân số của hai nước cộng hòa tự phong Donesk và Lugansk (vùng Donbass) là gần 4 triệu, và dân số toàn Ukraine là hơn 40 triệu người.
Nhiều nhà quan sát nhìn thấy trong bài diễn văn của ông Putin tham vọng phục hồi lại vị thế của đế quốc Nga, với uy lực và ảnh hưởng như của siêu cường Liên Xô trước đây, nhưng loại trừ những gì bất lợi của mô hình toàn trị Lênin và Stalin, mà chính ông Putin đã có những lời lẽ phê phán rất gay gắt. Phải chăng Ukraine chính là trở lực lớn đầu tiên cho dự án tái lập giấc mơ siêu cường của "Sa hoàng Putin" ?
Hai ngày sau bài diễn văn dài của tổng thống Nga lên án, tổng thống Ukraine có bài phát biểu ngắn gần 10 phút. Bài phát biểu được đưa lên mạng trong đêm ngày 24/02, ít giờ trước cuộc tấn công của Nga. Tổng thống Zelenski nói bằng tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ của ông. Đối tượng hướng đến của ông là người dân Nga.
Tổng thống Zelenski phản bác luận điểm quy kết chính quyền Ukraine là phát xít, phản bội lại lịch sử, phổ biến trên truyền thông Nhà nước Nga từ nhiều năm nay :
"…người dân Ukraine đang được hưởng tự do. Họ nhớ về quá khứ của mình, và đang xây dựng tương lai cho mình. Họ đang xây dựng nó chứ không phải phá hủy nó, như quý bạn vẫn được nghe kể hàng ngày trên truyền hình Nga. Ukraine mà bạn được biết qua tin tức hàng ngày trên truyền thông và Ukraine trong thực tế là hai đất nước hoàn toàn khác nhau. … Bạn được nghe nói rằng chúng tôi là phát xít. Làm thế nào mà một dân tộc có thể là phát xít sau khi đã hy sinh 8 triệu sinh mạng để tiêu diệt chế độ Quốc xã ? Làm thế nào mà tôi có thể là phát xít, khi ông nội tôi đã từng trải qua toàn bộ chiến tranh trong lực lượng bộ binh của Quân đội Liên Xô, và đã qua đời ở cương vị đại tá tại một đất nước Ukraine độc lập.
Bạn được nghe nói rằng chúng tôi ghét văn hóa Nga. Nhưng làm sao một nền văn hóa lại có thể bị ghét bỏ ? ... Hàng xóm láng giềng luôn làm giàu cho nhau về mặt văn hóa. Tuy điều đó không làm cho chúng ta trở thành một thực thể, nhưng cũng không khiến chúng ta trở thành đối thủ của nhau… Nhiều người trong số các quý bạn đã đến thăm Ukraine trong quá khứ. Nhiều bạn có người thân ở đây. Một số bạn đã theo học tại các trường đại học của chúng tôi. Kết bạn với người dân Ukraine. Bạn đã quen thuộc với tính cách của chúng tôi, với con người của chúng tôi, với các nguyên tắc của chúng tôi. Bạn biết những gì mà chúng tôi trân trọng nhất".
Tổng thống Ukraine hướng đến người dân Nga, nói với họ như những người bạn :
"Hãy đối diện với lương tri của bạn, hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí, của lẽ phải ! Hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi ! Người dân Ukraine muốn hòa bình…. Đúng là Ukraine được nhiều quốc gia hỗ trợ. Tại sao ? Bởi vì chúng tôi không nói về hòa bình bằng bất cứ kiểu gì. Chúng ta nói về hòa bình, và về cả các nguyên tắc, về công lý. Về quyền của mọi người được xác định tương lai cho chính mình, về sự an toàn và quyền sống của mọi người không bị đe dọa. Tất cả điều này là quan trọng đối với chúng tôi. Tất cả điều này là quan trọng cho hòa bình. Tôi biết chắc rằng điều này cũng quan trọng đối với bạn. Chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi không muốn chiến tranh. Dù chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, hay chiến tranh lưỡng hợp… Tôi biết rằng thông điệp của tôi sẽ không được phát trên truyền hình Nga. Nhưng người dân Nga cần biết được điều đó. Họ cần biết được sự thật".
Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps, bất ngờ với bài diễn văn đầy tính riêng tư, và chứa chất cảm xúc của tổng thống Ukraine, nhận xét : tổng thống Zelensky quả đã "nhập vai", "vai diễn của cuộc đời ông". Báo Le Temps ngụ ý nhắc đến quá khứ làm diễn viên hài của vị tổng thống 44 tuổi, vốn bị không ít người lấy ra để chê cười.
Tối hôm qua, 25/02, ngày thứ hai của chiến dịch quân sự Nga, có nhiều tin đồn về việc tổng thống đã lẩn trốn. Ông Zelensky, cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp của chính quyền Ukraine, có mặt trong một đoạn video quay trên đường phố thủ đô Kiev. Nguyên thủ Ukraine khẳng định ông ở đây sát cánh cùng quân đội và nhân dân kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Zelensky kêu gọi những người Châu Âu có "kinh nghiệm chiến đấu" đến hỗ trợ Ukraine, bởi cuộc chiến của Ukraine cũng là cuộc kháng chiến "bảo vệ Châu Âu" chống lại các thế lực độc tài.
Phản ứng của hai quốc gia Bắc Âu trung lập, Thụy Điển và Phần Lan trước cuộc tấn công của Nga là chủ đề đáng được chú ý. Hồi tháng Giêng, hai quốc gia Bắc Âu dự kiến khởi động tiến trình gia nhập NATO để đối phó với đe dọa từ Nga. Hôm thứ Năm, ngay sau khi tổng thống Nga phát động cuộc tấn công, trong một cuộc họp báo, thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderson nhận định "chúng ta đang bước vào một chương mới đen tối trong lịch sử Châu Âu", đồng thời lên án hành động "chà đạp lên luật pháp quốc tế" của chính quyền Nga. Nhưng Stockholm nhấn mạnh : "Thụy Điển vốn đã đứng ngoài các liên minh từ rất lâu, và điều này phục vụ cho các lợi ích của Thụy Điển", chính sách an ninh của Thụy Điển "không thay đổi", bất chấp thảo luận được dấy lên về vấn đề gia nhập NATO.
Về phần mình, Phần Lan cũng tuyên bố loại trừ khả năng gia nhập NATO trong thời gian trước mắt. Trong một cuộc họp báo được triệu tập khẩn cấp, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhấn mạnh là Phần Lan đã có một chiến lược an ninh quốc gia trong thời gian khủng hoảng hiện nay, và tăng cường hợp tác với các đối tác NATO. Sau khủng hoảng Helsinki sẽ xem xét "các hành động cần thiết khác". AFP dẫn lời nữ thủ tướng Sanna Marin cho hay, trái ngược với Thụy Điển, Phần Lan có biện pháp, "khả năng gia nhập NATO", trong trường hợp an ninh quốc gia đòi hỏi.
Moskva không bỏ qua dịp để một lần nữa răn đe Thụy Điển và Phần Lan, về ý định gia nhập NATO. Hôm qua, 25/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đe dọa "các hậu quả quân sự", nếu hai quốc gia trung lập Bắc Âu gia nhập NATO.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Die Zeit, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, bác bỏ các đòi hỏi của tổng thống Nga Putin, về việc yêu cầu NATO ngừng mở rộng phạm vi trên lục địa Châu Âu. Theo nguyên thủ Phần Lan, quốc gia này sẽ tự định đoạt việc có tham gia vào một liên minh hay không.
Về khả năng "Phần Lan hóa" (hay trung lập hóa) Ukraine, trên Financial Times ngày 22/02/2022, tức hai ngày trước cuộc tấn công của Nga, ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh : Ukraine cũng như tất cả các quốc gia khác có quyền tự quyết định lựa chọn có đề nghị gia nhập NATO hay không. Lãnh đạo ngoại giao Phần Lan khẳng định vai trò của ngoại giao để giải quyết căng thẳng hiện nay, nhưng phê bình khái niệm "Phần Lan hóa", mà theo ông là một sản phẩm của lịch sử, ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện giờ không nên coi là một hình mẫu cho việc giải quyết khủng hoảng trong quan hệ Nga – Ukraine. Ngoại trưởng Phần Lan cũng tố cáo mưu đồ phục dựng lại đế chế Xô Viết, mà tổng thống Nga đã thể hiện rõ qua bài diễn văn hơn một giờ đồng hồ ngày 21/02.
Vai trò của Bắc Kinh trong cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine đặt ra nhiều dấu hỏi. Chế độ cộng sản Trung Quốc là đồng minh của Nga, là kẻ giật dây trong hậu trường, hay là ngư ông đắc lợi. Ngày 04/02/2022, Bắc Kinh và Moskva ra thông cáo khẳng định tầm nhìn chung về an ninh thế giới, chống lại Mỹ và các đồng minh, trong bối cảnh Nga đưa hơn 100 nghìn quân áp sát biên giới Ukraine. Ngày 24/02, Nga tấn công Ukraine, ngay sau khi Thế Vận Hội mùa đông do Trung Quốc đăng cai vừa khép lại. Bắc Kinh không lên án, mà tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Nga. Ngày 25/02, Trung Quốc vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Nga xâm lược.
Tham vọng lãnh thổ và thái độ quá hung hăng của Nga tại Ukraine có thể đặt Trung Quốc vào thế khó xử, tạo điều kiện cho Trung Quốc nối lại đối thoại với Mỹ, như giả thiết của cựu cố vấn của tổng thống Obama, Ryan Hass hay không ? Chưa kể các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga có thể gây khó cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá Trung Quốc có thái độ cơ hội chủ nghĩa và thâm hiểm hơn rất nhiều.
Trả lời RFI, sử gia Pháp François Godement, chuyên gia về Trung Quốc (cố vấn về Châu Á viện Montaigne) nhận định :
"Có thể thấy Trung Quốc có một ứng xử mang tính cơ hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng đây là một tính toán mang tính toàn cục của Tập Cận Bình : đó là mọi sự suy yếu của phương Tây, mọi mặt trận bổ sung mới chống lại phương Tây đều cần được coi là điều tốt. Liệu Trung Quốc có hoàn toàn thoải mái với cuộc xâm lăng Ukraine đang diễn ra hay không ?
Tôi cho rằng cần phải tách thái độ của Bắc Kinh thành hai mặt. Một mặt, Trung Quốc không sẵn sàng gánh chịu các mạo hiểm của chính quyền Nga (trong cuộc can thiệp hiện nay), hay cùng gánh chịu với Nga. Bắc Kinh sẽ chọn một quan điểm mang "tính trung lập". Có quan điểm trung lập tại Hội đồng Bảo an không phải là điều dễ, nhưng "bỏ phiếu trắng" cũng có thể chính là một cách. Phần còn lại, cần chấp nhận một thực tế là, không nên trông đợi gì ở việc Trung Quốc sẽ có một thái độ khác biệt (với Nga), và có được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong chuyện này. Trừ phi nước Nga rơi vào tình trạng suy yếu trầm trọng, thì từ đó, Trung Quốc có thể sẽ có một lựa chọn mang tính cơ hội khác. Tuy nhiên tình hình hiện nay thì lại hoàn toàn không phải như vậy".
Trong một phân tích trên Les Echos, chuyên gia về Trung Quốc François Godement nhấn mạnh là, Bắc Kinh chắc chắn sẽ "vui mừng" khi Putin thành công, nhưng "không sẵn sàng trả giá cho các rủi ro trong cuộc phiêu lưu của tổng thống Nga".
Trọng Thành
Bây giờ mọi người chỉ nói tiếng Ukraine ! Một vài bạn trẻ vô tình xổ ra mấy tiếng Nga đều bị người chung quanh trợn mắt nhìn, phải ngưng và quay trở lại với tiếng mẹ đẻ !
Quân nhân Ukraine tại một vị trí tiền tiêu gần Zolote, Ukraine, 7 tháng Hai.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu mới báo động các ngân hàng thương mại phải chuẩn bị đối phó vì tin tặc Nga có thể tấn công phá rối hệ thống máy vi tính, tin học, theo bản tin Reuters. Trong cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine, Mỹ và các nước Âu Châu không phải chỉ là phô trương quân đội, vũ khí mà còn mặt trận thông tin.
Tháng trước chính phủ Anh báo động ông Putin âm mưu lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky để một chính phủ thân Nga lên cầm quyền ở Ukraine. Mỹ lại mấy lần báo động quân Nga đã tụ tập đủ 70%, rồi 80% sẵn sàng tiến sang Ukraine. Sau đó, Mỹ lại cảnh cáo Nga sắp tung ra một video ngụy tạo cảnh quân Ukraine tấn công quân Nga để ông Putin kiếm cớ đánh trả đũa. BáoThe Wall Street Journal coi các thông tin đó là một món võ mới của Mỹ : Tiết lộ các tin tức tình báo, để ngăn chặn trước khi ông Vladimir Putin ra tay. Chiến thuật này có vẻ đạt kết quả. Ông Putin có dịp tố cáo Mỹ tung tin giả để đánh lừa thế giới, nhưng vẫn điều tra coi tình báo Mỹ lấy các tin mật đó từ đâu ra !
Dân Ukraine không đủ phương tiện tham dự cuộc chiến thông tin và tâm lý này. Nhưng họ vẫn lo phòng thủ : Bảo vệ niềm tin vào dân tộc trước cuộc tấn công của một đế quốc vốn coi là "anh em một nhà". Một phương pháp tự vệ là giữ gìn ngôn ngữ ! Lớp trẻ tuổi 20 ở Ukraine đang hô hào sử dụng tiếng mẹ đẻ trên các mạng xã hội.
"Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ còn một vũ khí là ngôn ngữ. Tôi muốn bảo vệ cá tính cuối cùng của dân tộc", anh Andrii Shymanovskiy, một diễn viên 23 tuổi nói. Từ năm ngoái Shymanovskiy đã làm nhiều video cổ động toàn dân bảo vệ tiếng Ukraine, chương mục của anh trên TikTok được hàng triệu người ủng hộ.
Bảo vệ tiếng Ukraine cũng khó ! Ngôn ngữ hai dân tộc cùng chung một gốc Tư Lạp Phu (Slavic). Hiện nay 37% người Ukraine thường xuyên dùng tiếng Nga hoặc tiếng mẹ đẻ, nhiều bằng nhau. Trong công việc hàng ngày 21% dùng cả hai ngôn ngữ. Chỉ có một nửa dân số dùng tiếng Ukraine trong gia đình, 30% dùng tiếng Nga từ khi sinh ra, nhiều gia đình dùng cả hai, dân miền quê nói một thứ tiếng pha trộn, gọi là Surzhyk.
Tiếng Ukraine mới phát triển theo chiều hướng riêng từ thời Trung Cổ, đến thế kỷ 17 mới thông dụng. Chữ Ukraine dùng mẫu tự ABC theo lối "Cyrillic"như tiếng Nga. Từ năm 1804 cho đến khi dành được độc lập, trong đế quốc Nga hoàng tiếng Ukraine bị cấm dùng ; chỉ thông dụng trong miền đất phía Tây ; và được duy trì nhờ các bài ca dao, các ca sĩ đi hát dạo và một số nhà văn.
Những người Ukraine nói tiếng Nga hàng ngày cũng không phải vì thế mà "thân Nga". Chính Tổng thống Volodymyr Zelensky, người đang đối đầu với ông Putin, cũng nói tiếng Nga từ thủa bé, trước đây ông nổi tiếng trong các màn hài hước toàn tiếng Nga. Trước khi ông Zelensky đắc cử, năm 2019 chính phủ Ukraine đã ban hành một đạo luật ghi nhận tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức, phải dùng trong việc hành chánh và giáo dục. Trong thương mại, phải dùng tiếng Ukraine khi tiếp khách hàng trừ khi người ta yêu cầu dùng tiếng Nga. Trong ngành truyền thông, các đài ti vi và phim ảnh phải dùng tiếng Ukraine.
Chính phủ Nga đã phản đối đạo luật trên, gọi đó là một chính sách "phát xít" về ngôn ngữ. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tố cáo Ukraine đang tuyên chiến với tiếng Nga ! Năm 2014 ông Putin cho quân đánh chiếm bán đảo Crimea cũng nêu lý do là đa số dân ở đó nói tiếng Nga. Ông quả quyết trong một bài báo rằng Ukraine và Nga là "một dân tộc !"
Nhưng người Ukraine biết rằng ngôn ngữ là một yếu tố quyết định hồn tính dân tộc mình. Dân ở thủ đô Kyiv, và các thành phố lớn như Kharkiv bây giờ ngày càng nhiều người bỏ không dùng tiếng Nga, chỉ dùng tiếng mẹ đẻ.
Người Việt Nam có thể thông cảm với những người như anh Shymanovskiy. Chúng ta đều nhớ câu : "Tiếng ta còn, nước ta còn". Câu nói của Phạm Quỳnh đã giải thích lịch sử. Các sử gia Lê Thành Khôi, Keith Taylor và Lê Mạnh Hùng đều công nhận nếu không giữ được tiếng nói trong một ngàn năm Bắc thuộc, thì chắc bây giờ Việt Nam đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc, như dân Quảng Đông, Vân Nam.
Các dân tộc còn tồn tại đều nhờ giữ gìn được tiếng nói. Trong cuốnĐứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã kể chuyện dân Phần Lan. Họ bị các đế quốc Thụy Điển và Nga thay phiên nhau thống trị trong gần một ngàn năm, không khác gì người Việt Nam bị nhà Hán, nhà Đường đô hộ. Nhưng đến thế kỷ 19, 20 họ đã giành được độc lập. Yếu tố quan trọng nhất là các nông dân vẫn dùng tiếng nói của tổ tiên. Một phong trào nổi lên tìm cách phục hồi, phát triển ngôn ngữ, trở thành động cơ đoàn kết dân tộc. Giữa thế kỷ 18, dân số Phần Lan là 428,000 người (hiện nay đã lên 6 triệu dân). Với một số dân nhỏ như thế, họ vẫn giữ được tiếng nói để xây dựng một quốc gia tồn tại đến bây giờ.
Trong nước Nam Tư trước đây, người Serb chiếm đa số và nắm hết quyền hành ; họ cũng muốn phổ biến tiếng Serb trong cả liên bang. Khi Nam Tư tan vỡ từ 1991, dân Bosnia tách ra, cổ động cho "quốc ngữ" của mình. Sau hiệp ước Dayton năm 1995, tiếng Bosnia được công nhận ngang hàng với tiếng Serbo-Croat, ngay trong các vùng có người Bosnia cư ngụ ngoài lãnh thổ của họ. Khi Montenegro tách ra khỏi Nam Tư, dân bắt đầu bỏ tiếng Serb, chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Cùng thời gian đó, dân Moldova muốn tách ra khỏi Romania, cũng nêu lý do họ nói một ngôn ngữ khác ; mặc dù tiếng họ nói cũng không khác tiếng Rumania bao nhiêu.
Lịch sử còn cho thấy những dân tộc bị mất tiếng nói thì cũng tan biến. Như người Mãn Châu, giỏi chiến trận, đã nhiều lần xâm chiếm và cai trị phần phía Bắc Trung Hoa. Lần sau cùng vào thế kỷ 17 họ chiếm ngôi hoàng đế Trung Quốc. Họ từng sáng tạo lối viết chữ riêng cho tiếng nói của mình, khác chữ Hán. Trong ba thế kỷ cai trị Trung Quốc, các ông hoàng người Mãn phải kết hôn với các cô gái Mãn, bảo đảm chủng tộc thuần nhất. Vậy mà khi nhà Mãn Thanh sụp đổ, năm 1911 ở Mãn Châu còn hàng chục triệu người nói tiếng Mãn. Ông vua cuối cùng là Phổ Nghi sau này không còn nói thông thạo tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Theo tuần báoThe Economist đến năm 2011 thì thế hệ những người biết nói tiếng Mãn đang chết dần. Ở làng Sanjiazi, vào năm 1979 còn 50 người nói thông thạo tiếng Mãn ; đến năm 2011 chỉ còn có 2 người ; cả hai đều 86 tuổi. Một dân tộc không giữ được tiếng nói thì mất nước.
Một luận điệu tuyên truyền của ông Vladimir Putin là tất cả những người nói tiếng Nga đều thuộc cùng một khối văn hóa, một dân tộc, nước Nga phải bảo vệ. Đó cũng là lối nói của Hitler khi xâm lăng Tiệp Khắc năm 1938, nhân danh dân nói tiếng Đức ở Sudetenland.
Anh Andrii Shymanovskiy đang cổ động đồng bào dùng tiếng Ukraine để giữ nền độc lập. Trong các video anh truyền đi trên mạng TikTok, Shymanovskiy không nhắc gì đến mối đe dọa bị quân Nga xâm chiếm mà chỉ chiếu cảnh anh ca hát, nhảy múa, tặng hoa cho những người tuyên bố sẽ chỉ dùng tiếng mẹ đẻ ! Công việc anh làm đã có hiệu quả. Trong khu các hàng quán đông người ở Kyiv, với những thanh niên vẽ tatoo đầy mình ngồi uống bia, báoWall Street Journal kể, bây giờ mọi người chỉ nói tiếng Ukraine ! Một vài bạn trẻ vô tình xổ ra mấy tiếng Nga đều bị người chung quanh trợn mắt nhìn, phải ngưng và quay trở lại với tiếng mẹ đẻ !
Dân tộc Ukraine đang sử dụng món võ cuối cùng để tự vệ !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 11/02/2022