Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2022

Vì sao Putin đe dọa dùng vũ khí hạt nhân vào thời điểm này ?

Trọng Thành

Ngày 27/02/2022, ngày thứ tư của cuộc chiến tranh tại Ukraine, tổng thống Nga tuyên bố đặt hệ thống răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng "sẵn sàng chiến đấu". Trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine hứa hẹn không sớm chấm dứt, việc ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân khiến một bộ phận chuyên gia quân sự phương Tây đặc biệt lo ngại.

doanguyentu1

Một vụ nổ nguyên tử. Ảnh của U.S. Federal Emergency Management Agency.  © Wikimedia

Trong suốt một phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh và mãi cho đến rất gần đây, vũ khí hạt nhân được xếp vào nhóm vũ khí "răn đe", không thể sử dụng trong chiến tranh. Đầu năm nay, các cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một lần nữa thừa nhận "sẽ không có bên thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân". Bởi, chỉ cần một phần rất nhỏ trong khối vũ khí hạt nhân hiện có được sử dụng, với nhân loại sẽ là ngày Tận thế. Cha đẻ bom hạt nhân, nhà vật lý Albert Einstein, từng đưa ra hình ảnh, sau chiến tranh thế giới thứ ba, phương tiện chiến tranh sẽ chỉ là "gậy và đá".

Tổng thống Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hay không ? Thực hư ra sao ? Tại sao ông Putin lại đưa ra đe dọa vào lúc này ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này. 

***

1. Tuyên bố của tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh nào ? Vì sao ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ?

Báo mạng Hoa Kỳ Huffington Post phiên bản Pháp ngữ, hôm qua 27/02/2022, có bài "Vì sao Vladimir Putin khuấy lên đe dọa vũ khí hạt nhân trước cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine ?", tổng hợp một số nguyên nhân chính và bối cảnh của tuyên bố nói trên. Cho đến nay, quân đội Nga với hỏa lực và phương tiện áp đảo chưa chiếm được thành phố lớn nào của Ukraine. Thất vọng trước diễn biến trên chiến trường Ukraine, dự án thần tốc, đánh nhanh thắng nhanh của điện Kremlin không thành công, và khó khăn vượt xa dự đoán của chính quyền Nga được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phản ứng nói trên của tổng thống Nga.

Tuyên bố của tổng thống Nga cũng đã được đưa ra chỉ ít giờ sau khi các nước Châu Âu đạt đồng thuận về việc thực hiện biện pháp loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế Swift, tên viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Một biện pháp trừng phạt cực mạnh về tài chính mà bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Lemaire ví như "một vũ khí hạt nhân về kinh tế" cách đây ít hôm.

Lo ngại trước các trừng phạt gia tăng từ phương Tây, và ngày càng triệt để từ phương Tây, cộng với sự hậu thuẫn gia tăng về phương tiện quân sự của phương Tây cho lực lượng kháng chiến Ukraine, có thể là một nguyên nhân quan trọng khác khiến chính quyền Putin giương cao đe dọa vũ khí hạt nhân. Theo chuyên gia Eliot Cohen, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đe dọa hạt nhân của ông Putin trước hết có ý nghĩa về mặt "tâm lý", với mục tiêu "phân hóa" hàng ngũ các quốc gia và các lực lượng chống can thiệp quân sự Nga tại Ukraine.

Một điểm đáng chú ý khác là tuyên bố của ông Putin được đưa ra ít giờ trước cuộc đàm phán dự kiến với chính quyền Ukraine, có thể được hiểu như một áp lực để buộc Kiev phải nhân nhượng.

2. Thế giới phản ứng ra sao sau tuyên bố "đặt hệ thống vũ khí răn đe vào trạng thái báo động" của ông Putin ?

Ngay sau tuyên bố của tổng thống Nga, hôm qua, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tố cáo tổng thống Nga "bịa đặt các đe dọa không tồn tại" để biện minh cho việc đặt hệ thống hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng. Trên CNN, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án một "hành xử vô trách nhiệm", những "lời lẽ nguy hiểm" của Moskva.

Đây là lần thứ hai trong những ngày gần đây, tổng thống Nga đe dọa "đặt hệ thống vũ khí răn đe vào trạng thái báo động". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngay lập tức đáp trả với tuyên bố : NATO cũng là một "liên minh các cường quốc hạt nhân". Tổng thống Nga đưa ra những lời lẽ nói trên nhằm đe dọa những ai có ý định ngăn cản cuộc tấn công Ukraine của quân đội Nga, vừa mở màn.

Theo trang mạng Pháp France TV Info, một số chuyên gia, như Gaspard Schnitzler (Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, Iris, Pháp) cho rằng tuyên bố của ông Putin trước hết chỉ nằm trong một "chiến lược truyền thông", và "gần như không có khả năng Moskva sử dụng vũ khí nguyên tử". Tuy nhiên, theo không ít chuyên gia, như Hans Kristensen, chuyên gia về hạt nhân Liên Đoàn các nhà Khoa học Mỹ, không nên coi tuyên bố trên của tổng thống Nga chì là một đe dọa mang tính "biểu tuợng".

3. Về phương diện quân sự, tuyên bố "đặt hệ thống vũ khí răn đe trong trạng thái báo động" của tổng thống Nga có ý nghĩa gì ?

Tuyên bố đặt vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng tấn công là lời lẽ đánh lạc hướng, mang tính hù dọa, hay đe dọa thật sự ? Đây là câu hỏi của không ít nhà quan sát. Trên thực tế, theo giới chuyên gia, hệ thống các vũ khí của Nga hay Mỹ đều đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Trả lời AFP, chuyên gia Marc Finaud, Trung tâm Chính trị về An ninh tại Genève, cho biết các tên lửa hạt nhân có thể phóng đi trong vòng khoảng vài chục phút, sau khi có lệnh. Riêng Nga, đã có 1.600 đầu đạn được đặt trong tư thế sẵn sàng tấn công. Theo chuyên gia Hans Kristensen, vấn đề chủ yếu là "sẽ có thêm bao nhiêu tàu ngầm và oanh tạc cơ được trang bị vũ khí nguyên tử", ngoài số vũ khí đã có.

Tuần san Courrier International dẫn nhận định rất đáng chú ý của một viên tướng Nga, trên một nhật báo Nga, nhan đề "Vali hạt nhân đã sẵn sàng» ("vali hạt nhân" là từ thường dùng để chỉ một chiếc cặp xách tay, được lãnh đạo cường quốc nguyên tử sử dụng để kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân). Nhật báo Komsomolskaia Pravda, dẫn lời tướng Boris Soloviov, phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, cho biết hệ thống vũ khí hạt nhân Nga đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ở cấp độ "gần cao nhất". Mức độ cao nhất là "báo động toàn bộ", tức "nút bấm đỏ" hạt nhân được đặt trong thế sẵn sàng kích hoạt.

Nhật báo Nga Vzgliad thân điện Kremlin cho biết rõ là tổng thống Nga đã ra lệnh cho bộ trưởng Quốc Phòng Sergey Shoygu và tổng tham mưu trưởng Velery Guerassimov đặt hệ thống hạt nhân vào tình trạng đặc biệt, với lý do "nhiều quan chức cao cấp của các cường quốc NATO đã đưa ra những lời lẽ gây hấn nhắm vào nước Nga".

Về ý nghĩa của việc Nga nâng cấp báo động hạt nhân, theo chuyên gia James Acton, lần đầu tiên có một quyết định nâng cấp khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đến mức như ông Putin vừa tuyên bố kể từ "khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba" năm 1962 giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô.

4. Đe dọa của Putin sử dụng vũ khí hạt nhân có khả năng thành hiện thực không ?

Trong lúc chuyên gia Gaspard Schnitzler (viện Iris) cho rằng điều này gần như hoàn toàn không thể, nhiều chuyên gia khác tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Tuyên bố của Putin có thể nói đi ngược lại học thuyết chính thống lâu nay về sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga và các cường quốc hạt nhân khác, với điểm chính là chỉ sử dụng như vũ khí răn đe, tức không dùng để tấn công phủ đầu, mà chỉ để dùng để đáp trả lại một cuộc tấn công hạt nhân của đối phương. Với tuyên bố nói trên, theo chuyên gia Héloise Fayet, Ifri, vũ khí hạt nhân đã "từ chỗ là công cụ răn đe đã biến thành công cụ gây áp lực". Không chỉ đe dọa, mà bản thân tổng thống Nga còn trực tiếp thị sát một số vụ bắn thử tên lửa siêu thanh, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong những ngày gần đây.

Theo chuyên gia Héloise Fayet (Ifri), tuyên bố nói trên của tổng thống Nga nằm trong chiến thuật "escalate to descalate" (leo thang để buộc xuống thang), "đe dọa tối đa để buộc đối phương phải xuống thang", khác hẳn với chiến thuật "phản ứng từng bước có mức độ" trong đe dọa hạt nhân xưa nay. Lawrence Freedeman, giáo sư chuyên về chiến tranh, trường King’s College Luân Đôn (báo Financial Times) nhận xét : đe dọa tấn công hạt nhân, cộng với đề xuất một thỏa thuận hòa bình có thể là cách để tổng thống Nga "thoát khỏi mớ bòng bòng" mà ông ta đang bị sa lầy.

Một số nhà quan sát, ghi nhận kể từ năm 2020, chính quyền Nga bắt đầu có những động thái "hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân". Trên France TV Info, ông Jean-Sylvestre Mongrenier, chuyên gia về an ninh Châu Âu, viện Thomas More, nêu khả năng, chính quyền Putin có thể sử dụng "vũ khí hạt nhân chiến thuật", tức vũ khí hạt nhân có quy mô nhỏ hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược, và không chịu sự điều chỉnh của các hiệp ước về hạt nhân Nga – Mỹ.

Báo Anh Financial Times dẫn lời Caitlin Talmadge, chuyên gia về hạt nhân Đại học Georgetown (Mỹ), cảnh báo, nếu thất bại về quân sự, cũng như chính trị trong xung đột Ukraine, cùng đường lãnh đạo tối cao Nga Vladimir Putin có thể sử dụng "vũ khí hạt nhân chiến thuật".

Nhìn chung hiểm họa sử dụng vũ khí hạt nhân mang tính hủy diệt đặc biệt gia tăng với việc các đối thủ đánh giá sai, hay "phiên dịch sai" ý đồ của nhau. Trong trường hợp đó, vũ khí hạt nhân có thể được Nga sử dụng trước, với lý do để tránh trở thành nạn nhân của Mỹ. 

Nhiều chuyên gia và nhà quan sát khẳng định rất khó đoán biết được thái độ thực sự của ông Putin, do việc tổng thống Nga sống gần như tách biệt với xã hội, ngờ vực tất cả. Courrier International, trích dẫn một người hiểu biết sâu về nội tình nước Nga cho biết, số nhân vật thân tín và có khả năng tiếp xúc với tổng thống Nga chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số ít tướng lĩnh quân đội và lãnh đạo ngành an ninh nằm trong số những người được ông Putin tin cậy và chịu ảnh hưởng. Giới tài phiệt dường như rất ít có mặt trong nhóm này (chuyên gia nổi tiếng về Liên Xô, nữ phóng viên CH Séc Petra Prochazkova, nhật báo Denik N.).

5. Phản ứng chừng mực của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây phải chăng có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt nguy cơ Putin liều lĩnh bấm nút hạt nhân ?

Thái độ chừng mực của phương Tây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Việc giải thích sai phản ứng của đối phương có thể nói sẽ dẫn đến thảm họa. Ngay sau tuyên bố của ông Putin, tổng thống Hoa Kỳ đã có động thái "xuống thang" trong lời lẽ. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết Moskva đã hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng Nga bị đe dọa. Nước Mỹ thông báo không nâng cấp báo động hạt nhân lên cấp Defcon 3 (Báo động hạt nhân của Mỹ có 5 cấp. Cấp 5 là cấp cao nhất. Hiện tại, Hoa Kỳ chỉ đặt ở cấp 2. Báo động cấp 3 là trên mức bình thường). 

Thông điệp trước đó có khả năng gây hiểu lầm từ phía Mỹ là tuyên bố của tổng thống Biden, là "hoặc các trừng phạt kinh tế buộc Nga xuống thang tại Ukraine, hoặc chiến tranh thế giới thứ Ba". Thông điệp của ông Biden có lẽ trước hết nhắm vào các đồng minh của Mỹ nhằm gây áp lực để buộc các đồng minh nhanh chóng đưa ra các trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, có thể bị hiểu là đe dọa chiến tranh với Nga, hoặc bị cố tình hiểu theo hướng này, ít nhất là theo lời của viên tướng Boris Soloviov, Hoa Kỳ và NATO đang đe dọa Moskva. Tướng Boris Soloviov khẳng định : theo học thuyết hạt nhân 2020, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ngay cả khi chỉ bị đe dọa nghiêm trọng bằng"vũ khí quy ước", và thông báo vừa qua của nguyên thủ Putin chỉ nhắc lại quan điểm này.

Việc tổng thống Mỹ khẳng định công khai không đưa quân đội đối đầu với Nga tại chiến trường Ukraine, mà nhiều người cho rằng là một hành động xuống nước đáng tiếc với Moskva, gây bất lợi cho Ukraine, trên thực tế rất có thể chính là điều mà hai siêu cường hạt nhân đều đã ngầm hiểu. Đó là mọi đối đầu trực tiếp Mỹ - Nga đều tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến căng thẳng leo thang tột độ, gia tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân. "Cân bằng về đe dọa hạt nhân» phương Tây - Nga (đặc biệt là cân bằng về vị trí bố trí phương tiện tấn công, để thời gian tấn công giả định là tương đương) cũng là điều mà hai bên cần phải bảo đảm duy trì nghiêm ngặt, như điều đã được cố gắng duy trì trong những thập niên qua. 

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân thực hư đến đâu ? Theo một số nhà quan sát, điều này cũng phụ thuộc nhiều vào quan điểm về vấn đề này trong xã hội Nga. Trang France TV Info dẫn lời chuyên gia về vũ khí hạt nhân Hans Kristensen, ghi nhận một thực tế đáng sợ, đó là trong những năm gần đây chính quyền Putin đã có những lời lẽ khác thường về vũ khí nguyên tử. Đơn cử năm 2018, trong một thảo luận về nguy cơ chiến tranh hạt nhân của câu lạc bộ Valdai, Sotchi, tổng thống Putin khẳng định : nếu xảy ra chiến tranh hủy diệt, nước Nga không sợ hãi, bởi "người Nga sẽ được lên Thiên đàng ".

Tình hình càng đáng lo hơn, khi "người phương Tây hoàn toàn không muốn tin vào việc vũ khí hạt nhân có thể bị sử dụng" (bởi coi đây là một phương tiện hoàn toàn thuộc về quá khứ), và chính vì vậy, "chúng ta không sẵn sàng" đối diện với việc viễn cảnh tận thế này "có thể trở thành hiện thực" (chuyên gia Florent Parmentier, Viện Khoa học Chính trị Sciences Po, Paris).

Để ngăn ngừa nguy cơ xung đột hạt nhân, xã hội Nga cũng có vai trò hàng đầu. Đã có dấu hiệu thức tỉnh trong bộ phận xã hội Nga thân chính quyền Putin. Một sự kiện đáng chú ý : hôm thứ Bảy, 25/02, trên mạng Instagram, cô Elizaveta Peskova, con gái của Dmitri Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga, đã đưa lên thông điệp rõ ràng "HET BOЙHE" (Không Chiến Tranh). Con gái của nhân vật thân tín hàng đầu với ông Putin gọi thẳng cuộc can thiệp quân sự của Nga là "chiến tranh", chứ không phải là một "chiến dịch quân sự", như ngôn từ chính thức của điện Kremlin, mà một số tỉ phú Nga phản chiến đã sử dụng, để tránh phải đối đầu với chính quyền.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 28/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)