Năm mươi năm mô hình Trung Quốc dựa trên tư tưởng thực dụng đã thay đổi và đang tạo ra chu kỳ thịnh suy. Việt Nam cũng vận hành theo quỹ đạo này và bài học cho cải cách.
AFP
50 năm mô hình Trung Quốc
Mô hình Trung Quốc từng hấp dẫn đối với nhiều nước đang phát triển bởi thành tích tăng trưởng kinh tế thần kỳ, và còn hơn thế đối với Việt Nam bởi sự tương đồng chế độ chính trị. Tuy nhiên, việc áp dụng có hiệu quả đến đâu tuỳ thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan, bối cảnh quốc tế cũng như sự thực hành chính sách dựa trên tư tưởng thực dụng – điểm cốt lõi của mô hình Trung Quốc. Một số đặc trưng khái quát dưới đây của mô hình vẫn còn ý nghĩa như bài học cải cách chuyển đổi cho Việt Nam.
Một là, mô hình Trung Quốc có khởi đầu liên quan đến chính sách can dự của Mỹ, có khởi nguồn cách đây tròn nửa thế kỷ, gắn với sự kiện cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông vào ngày 21/2/1972. Một sự thỏa thuận hai bên cùng có lợi, Mỹ muốn kiềm chế sự ảnh hưởng bành trướng của hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô, còn Trung Quốc cần nguồn lực tư bản để cứu chế độ khỏi sụp đổ khi nền kinh tế bị kiệt quệ sau những chính sách sai lầm và đặc biệt là cách mạng văn hóa.
Với chính sách can dự, Mỹ đã "bật đèn xanh" cho làn sóng đầu tư tư bản vào Trung Quốc, không chỉ từ Mỹ mà cả các nước phương Tây và các nước công nghiệp mới nổi khác. Chính sách này sau đó được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa sôi động, đặc biệt trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh kể từ khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ hoàn toàn ở Đông Âu và Liên Xô cũ.
Hai là, mô hình Trung Quốc vận hành dựa trên tư tưởng thực dụng, gắn liền với tên tuổi Đặng Tiểu Bình (1904-1997) từ khi ông lên nắm quyền lực sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976. Những phát ngôn nổi tiếng mang tính biểu tượng vẫn còn hay được nhắc lại : "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột".
Tư tưởng thực dụng nhấn mạnh bốn nguyên tắc "hồng y" (theo diễn ngôn của các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở trong nước) và hai ý tưởng cốt lõi. Bốn nguyên tắc nhằm duy trì chế độ, đó là : Chủ nghĩa Mác- Lênin, Sự trung thành với đảng, Phục tùng lãnh đạo, Tư tưởng Mao Trạch Đông. Hai ý tưởng cốt lõi để triển khai chính sách : Đảng cộng sản có thể duy trì quyền lực chỉ duy nhất bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế, và đất nước chỉ có thể hiện đại hóa dưới một chế độ độc đảng mạnh.
Bởi vậy, đảng mặc dù sau này ủng hộ việc cải cách pháp lý để hiện đại hóa, nhưng không được phép hạn chế quyền lực của đảng và chối bỏ dân chủ dưới bất kì hình thức nào. Cố Thủ tướng Triệu Tử Dương (1919-2005), người được cho bị ảnh hưởng dân chủ đã bị đã bị thanh trừng vì có "tình cảm" với những sinh viên tham gia biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Đảng cộng sản Trung Quốc đã quy định giới hạn tuổi và hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo để tránh lạm quyền. Các quy định này được duy trì qua một cách liên tục qua bốn thế hệ lãnh đạo từ Đặng cho đến Tập cho thấy sự chuyển giao quyền lực nhưng không bị gián đoạn, đã phần nào phản ánh "sự dẻo dai" của chế độ.
Ba là, mô hình Trung Quốc được hỗ trợ bởi thuyết chủ quyền quốc gia mang tính dân tộc đại Hán. Các nhà phân tích chính trị cho rằng ông Vương Hộ Ninh, một trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay của Đảng cộng sản Trung Quốc, có vai trò chính xây dựng chủ thuyết cho tư tưởng thực dụng. Ông Vương được mệnh danh là "nhà lý luận cung đình", "am hiểu" nhược điểm của chế độ dân chủ kiểu phương Tây và đã phát triển ý tưởng về nhà nước có chủ quyền hiện đại rằng năng lực của nhà nước và của người dân mà nhà nước ấy đại diện cho quyền lợi của họ trong nỗ lực trung lập hóa mọi thế lực có thể chia rẽ và làm suy yếu khối nhân dân. Sự nghiệp của ông Vương phản ánh thay đổi chính trị ở Trung Quốc, để lại dấu ấn về trong các chính sách của ba đời Tổng bí thư. Như thời Giang Trạch Dân với "Thuyết Ba Đại diện", Hồ Cẩm Đào với "thuyết phát triển khoa học" cho đến Tập Cận Bình với "Giấc mộng Trung Hoa", dự án "Con đường tơ lụa mới" và "cộng đồng thịnh vượng chung (phú dụ)". Chủ thuyết này duy trì ổn định, nhất quán chính sách giúp cho tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài.Cho đến bây giờ ông Vương Hộ Ninh vẫn là nhân vật có uy quyền về ý thức hệ chỉ sau Tập Cận Bình…
Đồ lưu niệm có hình Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh tụ Mao Trạch Đông được bày bán ở một cửa hiệu ở Bắc Kinh hôm 9/11/2021. AFP
Bốn là, mô hình Trung Quốc tăng tốc "chu kỳ thịnh suy" dưới thời Tập Cận Bình. Mới đây, lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc được viết lại lần ba. Hai lần trước viết dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Để có thể làm điều này cần phải có "tư tưởng mới". Mao cầm quyền để chuyển trạng thái từ chiến tranh giải phóng sang thời bình với khát vọng ảo tưởng chủ nghĩa xã hội. Đặng sửa sai chính sách thời Mao bằng "tư tưởng thực dụng". Tập tự phong là "hạt nhân" sánh ngang với Mao và Đặng với "Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới". Liệu tư tưởng thực dụng của Đặng đã "lỗi thời" ?
Ông Tập Cận Bình đang nỗ lực cho mục đích tiếp tục nắm giữ quyền lực của Tổng bí thư đảng tại Đại hội 20 Đảng cộng sảnTrung Quốc vào cuối năm nay, trong đó tăng cường chiến dịch "Đả hổ diệt ruồi" và thúc đẩy Trung Quốc đang trỗi dậy trở nên hung hăng, ngoại giao chiến lang. Những động thái như nguồn gốc đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, các dự án bẫy nợ "con đường tơ lụa", bành trướng quân sự trên biển…, đến các vấn đề nội bộ nhạy cảm như dân chủ ở Hồng Kông, sắc tộc ở Tân Cương và tôn giáo ở Tây Tạng… phản ánh mối đe dọa lớn nhất đối với cả thế giới không chỉ vì tính "cộng sản" mà còn đến từ các chế độ toàn trị kiểu mới.
Năm là, nguy cơ nội sinh hiện hữu đối với sự tồn vong của chế độ đang lớn dần, đó là sự suy giảm tăng trưởng và quốc nạn tham nhũng trầm trọng. Việc thiếu đi cải tổ chính trị để ngăn cản tầng lớp lãnh đạo khỏi việc phân chia không đồng đều miếng bánh của cải từ tăng trưởng khiến cho bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng mang tính chính trị. Hơn thế, chiến dịch chống tham nhũng phản ánh sự tha hóa nghiêm trọng và mang tính hệ thống của quyền lực độc đảng không được kiểm soát, như một mối nguy lớn nhất không chỉ đối với sự sụp đổ của chế độ mà còn cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặng Tiểu Bình từng phát biểu cứng rắn : "Không cải cách tức là đường cùng ! Ai không cải cách sẽ phải nhường bước ! Hãy để một số người làm giàu trước !". Tuy nhiên, "nhà nước tư bản thân hữu" đang lớn dần, như hậu quả từ vận hành thực dụng, đã không thể có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi : Ai sẽ là những người làm giàu trước ? Quan chức của bộ máy thống trị đã giàu có nhờ quyền lực. Đây là điểm mấu chốt đang làm thay đổi bản chất của chế độ.
Sáu là, cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất kết thúc mô hình thực dụng. Mỹ đã thừa nhận sự "dại dột" theo đuổi chính sách can dự, và sự sai lầm này đã góp phần vào sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Những động thái kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc đang thiết lập, từ chiến lược xoay trục sang Châu Á, trừng phạt Trung Quốc vì bất bình đẳng thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, hình thành "Bộ tứ kim cương", "Liên minh AUKUS"… là nguy cơ lớn nhất kết thúc mô hình thực dụng.
Tóm lại, năm mươi năm mô hình Trung Quốc vận hành rõ rệt theo quỹ đạo thịnh suy, vốn đặc trưng cho chế độ tập quyền, giai đoạn khởi đầu vất vả, thành công kinh tế và hiện đang ở giai đoạn suy vong. Quỹ đạo vận hành có ý nghĩa thiết thực như bài học cải cách đối với Việt Nam.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 01/03/2022