Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2022

Mô hình thể chế độc tài là mối nguy cho cả nước lớn lẫn nước nhỏ

Song Chi

Khi một cường quốc có thể chế độc tài

Trong suốt một thời gian dài, dù truyền thông của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã liên tục đưa ra những thông tin tình báo cho biết Putin chắc chắn sẽ tấn công Ukraine, nhưng nhìn chung, thế giới đều nghĩ rằng Putin sẽ không làm như vậy mà chỉ hù dọa, rằng cuối cùng sẽ có một giải pháp thương lượng nào đó giữa Nga và Ukraine. Ngay chính Tổng thống Ukraine Zelensky cũng từng nghĩ như thế, khi kêu gọi phương Tây không gây hoảng sợ trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường ở các biên giới của đất nước ông. ("Khủng hoảng Ukraine : Đừng tạo ra hoảng sợ, Zelensky nói với phương Tây (Ukraine crisis : Don't create panic, Zelensky tells West, BBC).

mohinh01

Putin đánh giá thấp người Ukraine và công chúng Nga hiểu sai - Alexey Nikolsky / AFP qua Getty Images

Nhưng rốt cuộc, Putin vẫn hành động, bất chấp hậu quả. Nhiều nhà phân tích bình luận chính trị đã đưa ra nhiều lý giải khác nhau về việc Putin vẫn đưa quân tấn công toàn diện Ukraine, xô đổ mọi quy tắc, luật lệ kể từ sau Thế Chiến thứ Hai là không một quốc gia nào có quyền đem quân xâm lược nước khác. Trong đó, những ý kiến rất đáng chú ý về tính cách, tâm lý, vị trí độc tài của Putin đã dẫn tới quyết định này.

Catherine Belton, một cựu phóng viên của tờ Financial Times ở Moscow, hiện đang làm việc cho tờ Reuters, cho rằng Putin đã mất liên lạc với thực tế trong bài phỏng vấn podcast "Skullduggery" của Yahoo News, được đặng trên tờ Washington "Putin may have ‘lost touch with reality,’ expert says". Theo Catherine Belton, từng bị nhiều người coi là một kẻ xảo quyệt, nếu tàn nhẫn, nhưng cuối cùng vẫn có lý trí, Tổng thống Nga hiện đang bị cô lập (vì hai năm gần đây của đại dịch) và ngày càng hoang tưởng, khi đã phát động một cuộc chiến ở Ukraine khiến ngay cả một số cố vấn thân cận nhất của ông ta cũng phải báo động. Catherine Belton không cho rằng quyết định phát động một cuộc xâm lược quy mô toàn diện vào Ukraine lại được đa số các quan chức hàng đầu của chính Putin ủng hộ, nhưng họ đều sợ hãi ông ta và làm theo lệnh một cách mù quáng. Bị ám ảnh bởi việc phải khôi phục sự vĩ đại của nước Nga và khôi phục lại quá khứ đế quốc của nó, Putin có vẻ đã không mong đợi sự phản kháng gay gắt như vậy từ Ukraine, cũng không mong đợi một phản ứng mạnh mẽ như vậy từ thế giới phương Tây.

Zoya Sheftalovich, một người sinh ra ở Ukraine thuộc Liên Xô, chuyển đến Australia sau khi Liên Xô sụp đổ, trong bài "Tính toán sai lầm của Putin" (Putin’s miscalculation) trên tờ Politico cũng có những quan điểm tượng tự, rằng có vẻ như Tổng thống Nga đã đánh giá thấp và hiểu lầm người Ukraine cũng như tổng thống của họ.

Có thể tóm lược ý của Zoya Sheftalovich như sau :

Putin, đặc vụ một thời của KGB, người vào năm 2004 đã nói "không có cái gọi là cựu nhân viên KGB", đã cho thấy rõ rằng ông đang sống trong một thế giới của quá khứ với những hoài niệm về Liên Xô.

Nhưng Liên Xô không phải là Nga, và khi bạn sống trong quá khứ, bạn sẽ mất liên lạc với hiện tại.

Putin đã mất liên lạc với những người Nga bình thường, mặc dù thực hiện quyền kiểm soát lớn đối với những gì họ xem, nghe và đọc. Nhưng ở một mức độ lớn hơn, Putin đã mất liên lạc với những gì người Ukraine nghĩ.

Đó là sai lầm kinh điển của mọi bạo chúa : Chỉ bao quanh mình với những kẻ ăn bám, những kẻ hút máu và những người đồng ý, và bạn sẽ không bao giờ được kiểm tra thực tế trong buồng dội âm (echo chamber) của mình. Loại bỏ các chính trị gia bất đồng và bạn cho rằng điều đó có nghĩa là bạn đã loại bỏ những bất đồng chính kiến.

Có lẽ Putin nghĩ rằng ông sẽ tiến vào Kyiv theo cách mà Taliban tiến vào Kabul, gặp phải sự kháng cự ít ỏi của người Ukraine. Ông dường như đã mong đợi sẽ được chào đón bởi những người Ukraine nói tiếng Nga như những người hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của Liên Xô như ông ta vậy.

Nhưng Putin đã đánh giá thấp Ukraine. Quân đội của đất nước đã chống trả mạnh mẽ và phần lớn đã giữ được các thành phố của họ trước nỗ lực tấn công chớp nhoáng của Nga.

Putin cũng đánh giá thấp Zelensky. Zelenskiy đã từ chối những lời đề nghị được báo cáo về sự an toàn ở Pháp và ở Mỹ, để ở lại Kyiv tiếp tục chiến đấu.

Từ những nhận định này và nhiều nhận định khác nữa của các chuyên gia, các cây bút bình luận chính trị quốc tế, đã cho thấy sự tai hại của những chế độ độc tài là nó tạo ra những người đứng đầu quốc gia mà không ai dám nói trái ý, có thể muốn làm gì thì làm. Điều này sẽ càng nguy hiểm cho sự an toàn của cả thế giới nếu quốc gia độc tài đó là một cường quốc, như Nga (dù bây giờ kinh tế Nga không mạnh, GDP của Nga chỉ đứng hàng thứ 12 trên thế giới, nhưng Nga vẫn mạnh về quân sự và có vũ khí hạt nhân) hay Trung Quốc.

Putin hay Tập đều có quyền lực hầu như tuyệt đối, với việc sửa đổi Hiến pháp cho phép Putin có thể là Tổng thống trọn đời của nước Nga và Tập Cận Bình có thể là Chủ tịch trọn đời của Trung Quốc. Nếu Putin muốn xây dựng nước Nga trở lại cái vị thế một thời của Liên Xô trên thế giới, thì Tập Cận Bình nung nấu giấc mơ đưa Trung Quốc trở thành bá chủ hoàn cầu. Không chỉ có tinh thần dân tộc cực đoan, cả hai còn kích động cái tinh thần đó trong người dân Nga, người dân Trung Quốc, cộng với hệ thống truyền thông một chiều, khiến người dân Nga, Trung Quốc nói chung cũng có cái nhìn không chính xác về phương Tây, về thế giới bên ngoài.

Nghe bài diễn văn hay những phát biểu của Putin viết lại lịch sử nước Ukraine, đưa ra những lý do biện minh cho việc mình phải đưa quân vào Ukraine hay mô tả chính phủ Ukraine hiện tại là tân phát xít, diệt chủng…có thể thấy sự lệch lạc trong cái nhìn của ông ta. (Việt Nam đã từng có kinh nghiệm tương tự với việc Đặng Tiểu Bình gọi tên việc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979 là "cuộc phản kích tự vệ" để kiềm chế tham vọng của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Quốc, chẳng hạn)

Và một câu hỏi lạnh sống lưng hơn nữa là nếu diễn biến cuộc chiến không theo ý Putin mong muốn, khiến Putin bị mất mặt, liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân ? Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng "báo động đặc biệt". Nhưng chưa cần nói tới vũ khí hạt nhân, phương Tây đang cảnh báo Putin có thể xài loại vũ khí khủng bố Thermobaric weapons-vũ khí nhiệt điện còn được gọi là bom chân không, là một trong những vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất từng được phát triển. Hoa Kỳ từng sử dụng loại bom này, ném xuống Taliban ở Afghanistan năm 2017 và sức công phá của nó là kinh khủng, chết chóc hơn nhiều so với một loại vũ khí thông thường.

Không bao giờ có thể lường được một kẻ vừa độc tài vừa điên sẽ làm những gì.

Khi một nước nhỏ có thể chế độc tài

Những ngày qua, khi Ukraine bị Nga tấn công, chúng ta chứng kiến một sự đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ bằng mọi cách có thể của thế giới dành cho Ukraine. Tiền bạc, vũ khí, các gói hỗ trợ về nhân đạo… từ nước này nước khác đua nhau gửi về Ukraine trong khi danh sách các nước tham gia cấm vận Nga cách này cách khác cũng tăng lên. Có những quốc gia đã đảo ngược luôn cả chính sách từ trước tới nay của họ như Đức khi gửi vũ khi cho Ukraine, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng từ 1/2% lên 2%. Ngoại Trưởng Anh là Liz Truss đã nhanh chóng tuyên bố rằng bà ủng hộ công dân Anh muốn đến Ukraine để chiến đấu cho dân chủ trong khi chính sách của Anh trước giờ là cấm công dân Anh tự ý đi tham chiến ở nước ngoài, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis hôm Chủ nhật 27/2 cho biết "rất có khả năng" nước Thụy Sĩ trung lập cũng sẽ tuân theo Liên minh Châu Âu (EU) vào thứ Hai 28/2 trong việc trừng phạt Nga và đóng băng tài sản của Nga v.v… Và sau đó thì Thụy Sĩ đã thực hiện điều này, một sự đảo ngược có tính lịch sử. 

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, phản ứng của thế giới chắc chắn cũng sẽ không khác. Bởi vì khi Putin hay Tập Cận Bình đưa quân tấn công vào Ukraine hay Đài Loan thì dù cho Putin hay Tập Cận Bình có nêu ra những lý do ngụy biện cách nào đi nữa, đó vẫn là những quốc gia độc tài to mạnh xâm lược những quốc gia dân chủ nhỏ yếu hơn. Thậm chí Mỹ và Nhật có thể không chỉ viện trợ mà còn tham chiến, như hai quốc gia này đã từng tuyên bố sẽ không đứng yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Cái giá Bắc Kinh phải trả không hề nhỏ.

Nhưng nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, dù vẫn là một cuộc xâm lược của một nước lớn đối với một nước nhỏ, chắc chắn Việt Nam sẽ được thế giới ủng hộ bao nhiêu vì Việt Nam là một quốc gia có thể chế độc tài và nhà cầm quyền Việt Nam dưới cái nhìn của thế giới là một chính phủ không tử tế gì ngay với chính người dân của mỉnh. Khi Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979, không một nước nào giúp, vì thời điểm đó Việt Nam bị cho là đang xâm lược Cambodia, chua chát hơn là ngay cả Liên Xô lúc đó đã ký hiệp ước liên minh về quân sự với Việt Nam nhưng cũng không tham chiến. Tình hình bây giờ có thể khác hơn nhưng Việt Nam cũng không bao giờ có được một góc nhỏ sự hỗ trợ như đối với Ukraine hay Đài Loan.

Điều không may cho người dân Việt Nam là như vậy.

Nếu nhà cầm quyền Việt Nam nhìn vào những gì đang diễn ra tại Ukraine hôm nay, thì có những điều mà họ cần phải làm ngay, đó là phải làm cho Việt Nam càng giàu mạnh, càng ít phụ thuộc vào Trung Quốc bao nhiêu càng tốt, và phải cải thiện hình ảnh trước thế giới. Mà muốn như vậy thì chỉ có một con đường là dân chủ hóa, mới giải phóng được mọi sức mạnh nội tại của nhân dân, hạn chế được những "căn bệnh trầm kha" làm nghèo đất nước như tham nhũng hoặc những người không có đủ năng lực, trí tuệ, viễn kiến lại ngồi vào nhửng chức vụ cao hay lãnh đạo quốc gia ; đồng thời có được những mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước dân chủ để khi đất nước lâm nguy thì còn có bạn, có đồng minh.

Song Chi

Nguồn : RFA, 28/02/2022 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)