Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2022

Du lịch Việt Nam hậu Covid-19, câu chuyện đau đầu

Viết từ Sài Gòn

Nói du lịch sau Covid-19 là câu chuyện đau đầu hình như có nói bớt, nói giảm đi một chút, mà phải nói là nền kinh tế Việt Nam sẽ là câu chuyện đau đầu. Nhưng, điều này sẽ biểu hiện rõ nét nhất ở du lịch, bởi ba yếu tố : Hành xử của chính quyền, Tâm tính nhân dân và Kinh tế chết lâm sàn.

dulich1

Ngành du lịch Việt Nam có chung một tâm lý là hốt vội, lùa vội để gở vốn, để thoát chết.

Ở khía cạnh thứ nhất, hành xử của chính quyền, nói ra nghe có vẻ như đang nói ngược nhưng trong các lý do chính để khách du lịch chọn đến Việt Nam, ngoài yếu tố cảnh quan đẹp, thức ăn và dịch vụ lưu trú rẻ, sống thoải mái, có lẽ yếu tố quan trọng nhất khiến người ta chọn đến Việt Nam lại là quốc gia độc tài.

Bởi không có gì thú vị hơn khi bạn đang sống ở một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh với đầy đủ sự tiến bộ, bạn bỏ một ít tiền, mua vé để trải nghiệm đời sống, trải nghiệm lịch sử, văn hóa trên một đất nước mà ở đó, mọi ngóc ngách đều bị chi phối bởi thứ chủ nghĩa vốn đã bị thế giới văn minh vứt vào sọt rác từ rất lâu. Bạn vừa trải nghiệm cảnh quan, văn hóa, lịch sử lại vừa thực chứng một thứ chủ nghĩa vốn đã thành đồ cổ đang hiện hữu trước mặt bạn. Và trên hết, bạn được đối xử như một ông vua so với dân bản địa, bạn được bảo đảm an ninh và có vẻ như an ninh luôn ưu ái bảo vệ bạn.

Nhưng, đó chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, mà nói là hôm qua nhưng cũng hơi lâu rồi chứ chẳng mới mẽ gì. Bởi từ ngày ngành du lịch phát triển phì đại, lượng khách quốc tế liên tục kéo đến Việt Nam thì dường như vấn đề an ninh cho du khách không còn được coi trọng, tuy chưa có những xúc phạm, xâm hại đến khách nước ngoài quá mức nhưng cũng không ít khách du lịch cảm thấy Việt Nam không còn an toàn, an ninh bản thân bị đe dọa và bị lừa nhiều thứ, từ phòng khách sạn, dịch vụ cho đến vấn đề trộm cắp.

Cái hấp dẫn của việc chọn du lịch Việt Nam nằm ở chỗ bạn được trải nghiệm trên quốc gia độc tài, có vấn đề chính trị hết sức nhạy nhưng bạn được bảo vệ tốt. Một khi bạn không được bảo vệ, bạn chẳng còn tha thiết với việc chui đầu vào một đất nước đang ngày càng lộn xộn và nguy hiểm cho bạn. Hiện tại, du lịch Việt Nam hầu như không còn an toàn nữa. Nghĩa là chính quyền sau khi vắt cạn những gì cần vắt từ du lịch, họ bắt đầu thả lơ về an ninh cho khách tham quan.

Đáng sợ hơn nữa là sự thiếu kiểm soát, lơ là và ầu ơ của chính quyền địa phương trước các tiêu chuẩn về an toàn du lịch. Vụ việc cháy tàu trên vịnh Hạ Long nhiều lần, lật tàu, chìm tàu du lịch trên các tuyến biển, mới đây nhất lật tàu ở biển Cửa Đại, trên tuyến du lịch Hội An – Cù Lao Chàm, Quảng Nam… cho thấy tiêu chuẩn an toàn bị chính quyền địa phương bỏ quên, hiếm khi kiểm soát và khi có việc đáng tiếc thì luận điệu chung vẫn là "tuyến du lịch này an toàn, đây là trường hợp đáng tiếc, hi hữu, cá biệt…". Cái tiêu chuẩn an toàn đã bị qui đổi bằng phong bì giữa người làm du lịch và cán bộ chuyên trách đã nhanh chóng trở thành một thứ tai ương treo lơ lửng trên đầu khách du lịch khi đến Việt Nam.

Và, sự nguy hiểm càng rõ nét hơn khi nói về tâm tính đại bộ phận nhân dân. Dường như khó có nơi nào mà người ta có thể nhiệt tình hết mức, tình cảm hết mức để rồi qua loa chiếu lệ, cẩu thả hết mức đối với khách du lịch như Việt Nam. Hay nói khác đi, đại đa số người làm du lịch Việt Nam đều có cách săn đón rất nhiệt tình bề ngoài, đãi bôi cho được việc nhưg bên trong lại ngấm ngầm máu phản trắc, bội bạc.

Sự phản trắc, bội bạc này nằm trong máu huyết, trong căn tính có vẻ rất kì cục của một dân tộc. Có nghĩa là sự nhiệt tình của đại bộ phận làm dịch vụ du lịch đều có tính thực dụng và nói sâu xa hơn là tầm thường, lợi dụng niềm tin của khách hàng, thậm chí trí trá. Khi cần thì đon đả, xun xoe, khi đủ no, đủ thu nhập thì trở mặt, coi thường khách hàng, đó là mẫu số chung trong tính cách của hầu hết người làm du lịch tại Việt Nam.

Chính vì tính cách này nên có nhiều trường hợp khách du lịch đến Việt Nam từ mười năm, hai mươi năm trước rất thích thú, họ tự nhủ nhất định phải qua trở lại thăm Việt Nam bằng được khi có dịp. Thế rồi khi quay trở lại, trước sự choáng hợp về hình thức và các dịch vụ ngày càng có vẻ hiện đại này, người ta trở nên thất vọng, tiếc nuối vì đã chọn quay lại Việt Nam bởi mọi thứ đều có gì đó giả tạo, thiếu tình cảm của con người và Việt Nam trở thành cái máy chém vào túi tiền khách tự bao giờ. Dường như đi bất kì đâu cũng vậy, sự đãi bôi và xun xoe bề ngoài khi bạn dám vung tiền nhưng liền sau đó, khi lấy được tiền của bạn xong, có sự trở mặt rất rõ, hoặc giả khi biết bạn có ít tiền, thái độ của người làm du lịch trở nên tệ hại và kỳ cục.

Điều này không phải do cung quá nhiều và cầu thiếu hụt, hoàn toàn không phải vậy, bởi du lịch Việt Nam hiện tại như trăm hoa đua nở, nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, người thợ làm nhang cũng biết cách thu hút khách đến chụp hình ở chỗ mình và tham gia diễn để lấy tiền của khách, người bán vé số, bán trái cây dạo, bán bánh mì hay bất kì người nào bạn bắt gặp trên đường với hình ảnh lạ, đẹp hoặc bắt mắt một chút, bạn dừng lại chụp hình, họ sẽ yêu cầu bạn trả tiền mẫu. Rất hiếm ngòi không đòi tiền hoặc không phàn nàn khi bạn chụp hình. Mọi thứ đều diễn để lấy tiền. Chính vì vậy, bạn sẽ mau chóng chán chường khi chọn du lịch tại Việt Nam.

Dường như nụ cười hồn hậu, dễ thương và ấm áp của người Việt đã vắng bóng, thay vào đó là nụ cười diễn, cười có mục đích và sẵn sàng cười cho dù tâm trạng chưa chắc đã vui. Sự mất tự nhiên này dường như diễn ra khắp mọi nơi, bởi nó có chung một động cơ : kiếm tiền, moi cho được tiền từ túi khách. Đó là chưa nói đến những làng quê vốn từng nổi tiếng với các loại trái cây, đặc sản địa phương, có vị thơm ngọt riêng, rất đặc trưng, đã lừa khách bằng những loại trái cây, đặc sản mua từ nơi khác về, không ngoại trừ trái cây và hàng hóa Trung Quốc. Điều này gây tổn thương không nhỏ đến văn hóa du lịch.

Với đặc tính, tâm tính dân tộc hết sức bi đát như vậy trong con mắt du khách nước ngoài và cả du khách trong nước, cộng thêm tình hình kinh tế bất ổn, kiệt quệ sau đại dịch Covid-19, dường như ngành du lịch Việt Nam có chung một tâm lý là hốt vội, lùa vội để gở vốn, để thoát chết. Mọi tiêu chuẩn về an toàn du lịch gần như không được chăm sóc, nạn chặt chém giá cả ở khắp mọi nơi, thậm chí hành hung khách nếu như khách lên tiếng thắc mắc về sự bất minh giá cả của quán. Văn háo du lịch xuống cấp trầm trọng.

Và đáng sợ hơn là tình hình kinh tế ngày càng đi xuống, giá xăng tăng, giá điện có nguy cơ tăng, giá gas cũng tăng, mọi thứ dịch vụ nền đều tăng như vậy khiến cho chi phí nền đội lên cao, đây là cái cớ để người ta tùy tiện nâng giá mọi thứ. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là sự quản lý hết sức ầu ơ của cơ quan chức năng. Bởi hầu như mọi hoạt động từ lúc dịch bùng phát đến nay, tất cả những gì có liên quan đến những con cá mập kinh tế đều có gì đó bất thường, thậm chí gian manh, đạp lên đời sống, sinh mạng và sức khỏe của nhân dân để làm giàu. Điều này vô hình trung tạo ra làn sóng tiêu cực khắp đất nước, làn sóng bất chấp, sẵn sàng đạp qua lương tri để làm giàu, kiếm tiền hoặc gở vốn sau khi tốn quá nhiều loại chi phí cho quĩ đen của giới quan quyền.

Vấn đề này sẽ dẫn đến hệ lụy nền kinh tế đã kiệt quệ càng kiệt quệ hơn và sự hỗn loạn ngày càng phát triển khắp các lĩnh vực, kinh tế đang chết lâm sàn.

Nếu cả chính quyền và người dân không kịp thời chấn chỉnh tâm lý, coi lại văn hóa và tiếp tục hành xử theo kiểu thực dụng, bất chấp như hiện tại, có lẽ, một lúc nào đó, Việt Nam sẽ bị khách du lịch lắc đầu, thậm chí bĩu môi rằng "du lịch Việt Nam chỉ có chơi với dế là hợp !".

Cái lõi tâm tính dân tộc cũng như sự quản lý có trách nhiệm của chính quyền sẽ quyết định sự sống còn của ngành du lịch nói riêng và các lĩnh vực kinh tế nói chung. Thật là khó hình dung tương lai sẽ ra sao với thực trạng quá thê thảm như hiện tại !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/02/2022 (VietTuSaiGon's blog)

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)