Nga thiếu may mắn vì Ukraine không chọn ‘chính sách 4 không’
Trân Văn, VOA, 03/03/2022
Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022. Việt Nam bỏ phiếu trắng cho nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cuối cùng, ông Putin – Tổng thống Nga cũng đã lên tiếng. Putin đã ngậm tăm sau khi ra lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2/2022 để "tự vệ trước nguy cơ xảy ra những điều tồi tệ hơn tình trạng hiện nay đối với lợi ích và chủ quyền của nước Nga". Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 2/3/2022 ở Moscow, Putin chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã chủ động soạn kịch bản, dùng Ukraine như công cụ, dụ Nga tấn công Ukraine và Putin không thể làm khác cho dù ông ta không hề muốn xua quân vào Ukraine (1) !
Trong cùng ngày, tại New York, 141 trong số 193 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc nhất trí lên án Nga tấn công Ukraine, yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện. Chỉ có 5/193 quốc gia tán thành hành động của Nga (ngoài Nga tự bảo vệ mình như lẽ tất nhiên, ủng hộ Nga chỉ có Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Syria). 35/193 quốc gia bỏ phiếu trắng (không lên án cũng không ủng hộ), trong số này có Việt Nam, xưa nay vẫn thường song hành với Trung Quốc (2).
Tin mới nhất : Nga cho biết sẽ tiếp tục ngồi xuống với Ukraine trong ngày 3/3/2022 để bàn về việc ngưng bắn... Chưa biết kết quả thế nào nhưng rõ ràng, chưa bao giờ Nga thiệt hại nặng nề cả trong bang giao quốc tế lẫn kinh tế và nội trị bất ổn, hỗn loạn như vậy.
***
Nếu Ukraine xác lập chính sách quốc phòng "ba không" : "Không tham gia liên minh quân sự". "Không liên kết với nước này để chống nước kia". "Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác" và đến năm 2019, long trọng bổ sung thêm một "không" nữa vào "Bạch thư Quốc phòng" (3) : "Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế" như Việt Nam, vị thế chính trị của Ukraine sẽ không như mọi người đã thấy suốt tuần vừa qua.
Không may cho Putin là dân Ukraine thuộc loại bất khuất. Bởi họ đã từng đứng dậy giành lấy và cương quyết giữ cho bằng được quyền lựa chọn những cá nhân đại diện cho chính họ trong các cơ quan dân cử, qua đó kiểm soát các cơ quan công quyền nên mới có Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nếu Volodymyr Zelensky không như mọi người đã biết và đang thấy, chắc chắn dân Ukraine đã không chọn để đặt ông vào vị trí Tổng thống và không cùng ông đối đầu với Nga để bảo vệ quyền tự quyết của Ukraine.
Xưa cũng thế và giờ cũng vậy, thiên hạ chỉ dành thiện cảm cho những người dám sống và chết vì những giá trị mà nhân loại cùng cho là cao đẹp. Bởi dân Ukraine sẵn sàng vứt bỏ tất cả để bảo vệ từ thể diện tới chủ quyền quốc gia của họ, bảo vệ phẩm giá của những người được gọi là Ukrainian, cộng đồng quốc tế mới ủng hộ Ukraine và sử dụng nhiều cách thức khác nhau, trừng phạt Nga, tiếp sức cho Ukraine. Không phải tự nhiên mà cộng đồng Châu Âu xem Ukraine như đại diện cho căn tính, giá trị Châu Âu.
Tại sao dân Ukraine sẵn sàng đối đầu với Nga, bất kể hậu quả để giữ quyền quyết định vận mệnh của họ ? Chắc chắn do họ hiểu thế nào là giá trị của độc lập, tự do sau nhiều thế kỷ hết thuộc Mông Cổ, đến thuộc Ba Lan, Thổ, Nga...
Dân Ukraine từng thực hiện "Cách mạng Cam" năm 2004, phế truất Viktor Yanukovych – cựu Thủ tướng muốn dán tương lai của Ukraine vào Nga - đắc cử Tổng thống vì gian lận bầu cử. Dân Ukraine từng tiến hành "phong trào EuroMaidan" (cuối 2013 đầu 2014), phản đối chính phủ thân Nga trì hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu, lật đổ chính phủ này. Đó cũng là lý do Nga cưỡng chiếm Crimea, khuấy động các cuộc bạo động đòi tự trị ở Donetsk và Lugansk thuộc khu vực Donbass.
Khi phải làm hàng xóm với một quốc gia vừa nuôi tham vọng chi phối, dẫn dắt các lân bang, vừa hết sức hung hãn như Nga, một dân tộc quật cường như dân Ukraine chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ đảng nào, chính phủ nào định ra và đeo đuổi "chính sách ba không", thậm chí tạo thêm một "không" chỉ để duy trì "sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi" cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Là nguyên thủ của một xứ sở như thế, Tổng thống Ukraine phải như đã biết và đang thấy. Volodymyr Zelensky không thể vứt bỏ nhân tâm, dân ý, vặn hỏi những người dân Ukraine bày tỏ sự âu lo về tương lai quốc gia, số phận dân tộc, kiểu như ông Nguyễn Phú Trọng từng vặn hỏi đồng chí, đồng bào hồi 2015, lúc họ nêu thắc mắc, rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong việc xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông :Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không(4) ?
***
Sự kháng cự mãnh liệt của Ukraine đối với tham vọng biến xứ sở này thành chư hầu của Nga thêm một lần nữa, phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lăng do Nga tiến hành hồi cuối tháng 2 vừa qua, giá mà cả Putin lẫn Nga cùng phải trả chắc chắn sẽ khiến cả Tập Cận Bình lẫn Trung Quốc phải cân nhắc đến hậu quả của việc tấn công, sáp nhập Đài Loan – lãnh thổ mà mức độ cương cường từ trên xuống dưới dường như chẳng kém Ukraine – vào Trung Quốc.
Còn Biển Đông, rộng hơn là Việt Nam thì sao ? Có lẽ Tập Cận Bình và Trung Quốc không thèm bận tâm vì trước đã có "chính sách ba không", giờ có thêm "chính sách bốn không" và cam kết tự nguyện tuân thủ những chính sách này một cách nghiêm cẩn.
Suốt tuần vừa qua, rất nhiều người Việt bày tỏ sự phẫn nộ khi nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam và nhiều sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ủng hộ Putin, ủng hộ Nga. Lên án sự ủng hộ bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, lội ngược dòng chảy chung của thế giới văn minh ấy là "cuồng Nga", "cuồng Putin" dường như chưa thật đúng và đủ. Cứ ngẫm kỹ hơn sẽ thấy, chỉ trích cả Ukraine lẫn Tổng thống Zelensky là chuyện phải làm bởi nếu không, "ba không", nay là "bốn không" tự nhiên sẽ lung lay !
Phiếu trắng mà Việt Nam vừa chọn hôm 2/3/2022 là tất yếu. Đã có "ba không" rồi, "bốn không" thì phải như vậy ! Không có "không" nào nên Ukraine dứt khoát không từ bỏ bán đảo Crimea, khu vực Donbass. Với "ba không", rồi "bốn không", toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa đã mất là vô vọng. Thậm chí, tùy bối cảnh, nhắc để nhớ lấy còn trở thành "kẻ thù của nhân dân". Vì sao ký ức về tội ác, dã tâm của Trung Quốc lại trở thành thứ mà không có chủ trương thì không được nhớ, được nhắc ?
Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài. Sự ân hận đó khiến Nghị viện Châu Âu vừa đẩy mạnh xem xét tiếp nhận Ukraine làm thành viên. Còn với "ba không", rồi "bốn không", thiên hạ có cơ hội để ân hận với dã tâm và sự hung hăng mà Trung Quốc đã, đang cũng như sẽ còn bày ra với Việt Nam chăng ? Khi đó là lựa chọn của riêng Việt Nam, thiên hạ làm gì có cửa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/03/2022
Chú thích
(2) https://news.un.org/en/story/2022/03/1113152
***********************
Trừng phạt tối đa lên nước Nga của Putin
Phạm Phú Khải, VOA, 03/03/2022
Putin đã có công làm cho Tây phương và các quốc gia yêu chuộng tự do, dân chủ đến gần nhau hơn.
Putin tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh, 4 tháng Hai.
Trong lúc Vladimir Putin dàn quân bao vây Ukraine (hình vệ tinh cho thấy quân Nga đang tiến gần đến đến thủ đô Kyiv của Ukraine từ phía Bắc, Nam và Đông), thì Putin và chính phủ Nga đang bị Mỹ và thế giới bao vây và trừng phạt về ngoại giao, và đặc biệt là kinh tế (tài chánh), một cách chưa từng thấy trước đây. Ngay cả cácbộ môn thể thao, như trượt băng quốc tế, trượt tuyết, bóng rổ, điền kinh và một số môn quần vợt của Nga, thì các vận động viên và quan chức cũng bịcấm hay đình chỉ tham dự vào đầu tháng 3 vừa qua.
Vào ngày 25/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cương quyết cam kếttrừng phạt Nga một cách mạnh mẽ nhất, với tác động tối đa và lâu dài. Mỹ sẽ cùng đồng minh 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, cũng như Anh, Úc, Canada, New Zealand, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác, sẽ trừng phạt nền kinh tế Nga ngay lập tức và trong thời gian tới. Biden cho biết Nhóm 7/G7 và tất cả các đồng minh Mỹ hoàn toàn đồng ý về mục đích và phương cách. Liên Minh này sẽ : hạn chế khả năng tài chánh và quân sự của Nga ; làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cấp cao của thế kỷ 21 ; đánh vào giá trị đồng tiền Nga ; trừng phạt các ngân hàng Nga đang nắm giữ tài sản khoảng 1 nghìn tỷ đô la ; cắt bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga, nắm giữ hơn 1/3 tài sản ngân hàng, ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ ; chặn thêm bốn ngân hàng lớn khác của Nga, có tài sản 250 tỷ Mỹ kim ; và sẽ cho tên giới ưu tú Nga và các thành viên gia đình vào danh sách đang bị xử phạt, vì những người này được hưởng lợi từ chính sách của chế độ hiện nay ; áp dụng các biện pháp giới hạn các hoạt động của công ty quốc doanh của Nga trị giá 1,4 ngàn tỷ Mỹ kim v.v…
Vào ngày 28/2, các quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âukhẳng định sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, sử dụng các lệnh cấm để nhắm mục tiêu vào đồng minh của Nga là Belarus, và tài trợ vũ khí cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước sự xâm lược của Nga. Những công ty lớn như BP và Shell, ngân hàng toàn cầu HSBC, và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap, đã gia nhập danh sách các doanh nghiệp đang tìm cách rời bỏ Nga trong lúc các chế tài của phương Tây được siết chặt lên Moscow. Ngày 1 tháng 3, các thương hiệu lớn của Mỹ bao gồm Apple, Google và Harley-Davidson đã cắt giảm doanh số bán hàng và tách mình khỏi Nga vì xâm lược Ukraine.
Ngày 1/3, Reuters cho biết các ngân hàng quốc tế bắt đầu thi hành lệnh chế tài Nga. Cùng ngày, Thủ tướng Scott Morrisoncông bố viện trợ 75 triệu Mỹ kim (105 triệu Úc kim) cho Ukraine, trong đó 50 triệu Mỹ kim để giúp vũ khí/phòng vệ, và 25 triệu Mỹ kim cho nhân đạo. Morrison cho biết, khoảng 50 triệu Mỹ kim viện trợ này sẽ thuộc loại gây chết người, như tên lửa, đạn dược, hỗ trợ người Ukraine trong việc bảo vệ quê hương của chính họ, và Úc sẽ làm điều đó với sự hợp tác của NATO.
Nga đang bị cô lập gần như hoàn toàn qua hành động xâm lược này, ngoại trừ một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ và UAE.
Xin mở ngoặc để nói vài lời về vị thế lạ lùng của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ tiến gần hơn trong quan hệ với Mỹ, xa cách hơn trong quan hệ với Trung Quốc (ngày càng thù nghịch hơn), nhưng vẫn duy trì mối quan hệ như trước với Nga. Một trong những cản trở lớn trong quan hệ của Ấn với Mỹ trước đây là quan hệ giữa Mỹ và Pakistan, một quốc gia thù nghịch hơn là đồng minh của Ấn Độ. Mỹ ủng hộ Pakistan, nhưng gần đây thấy không ổn vì nước này đâm sau lưng mình, dung túng bọn khủng bố, kể cả Osama bin Ladin. Tuy Ấn Độ vẫn duy trì sự trung lập về Nga liên quan đến Ukraine, xu hướng "đu dây" này có thểgây thiệt hại cho Ấn trên đường dài.
Bị bao vây trừng phạt nặng nề như thế, phao cứu của Nga hiện nay có khả năng là Trung Quốc. Trung Quốc hưởng lợi hơn nếu sự xung đột hiện nay giữa Âu Châu và Nga kéo dài. Putin hy vọng chuyến viếng thăm và hội nghị với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong Thế Vận hội Mùa đông sẽ có thêm đồng minh. Tuy hai bên có ký kết nhau quan hệ "không giới hạn", thiếu điều như môi hở răng lạnh, nhưng cụ thể ra sao thì chưa rõ. Nhận định về quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc xâm chiếm Ukraine, Zi Yang trên The Diplomatbiện luận rằng "Trung Quốc sẽ không cùng Nga chống lại phương Tây và sẽ xa rời sự hung hăng của Nga đối với Ukraine", và sẽ cân nhắc một cách tốt nhất để lợi ích hóa tối đa cho Bắc Kinh bằng cách vận dụng tình thế xung đột của Châu Âu và Nga tại Ukraine.
Nếu phần lớn thế giới sử dụng mọi biện pháp trừng phạt lên Nga một cách toàn diện và hệ thống, nền kinh tế của Nga có thể bị khủng hoảng và tê liệt qua thời gian.
Tóm lại, Nga thật sự không có đồng minh nào về mặt ngoại giao trong vụ này, và đang bị cô lập một cách toàn diện về kinh tế. Ấn cùng lắm là trung lập. Trung Quốc cũng chỉ là con buôn trục lợi. Bangladesh có làm ăn hợp tác với Nga nhưng cần Mỹ nhiều hơn. Bangladesh là nước đã nhận được viện trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ, hơn 60 triệu liều. Phần lớn các quốc gia khác còn lại trên thế giới không có lý do gì để ủng hộ Nga. Về mặt lý, tất cả lẽ ra nên lên án mạnh mẽ động thái của Nga, vì an ninh và quyền lợi lâu dài. Chủ quyền quốc gia là tuyệt đối, ngoại trừ nạn diệt chủng xảy ra trong quốc gia đó. Nếu ủng hộ cá lớn nuốt được cá bé thì không khác gì tự xỏ dây thòng lọng vào cổ mình.
Putin phải trả giá cho hành động của mình. Chính Putin, một mình, đã quyết định xâm chiếm Ukraine. Số thương vong chết chóc của thường dân Ukraine, kể cả trẻ con, là do tội ác Putin gây ra. Ba chuyên viên, từng giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Mỹ trước đây, gồm David J. Kramer (Thứ trưởng Ngoại giao thời George W Bush), John Herbst (cựu Đại sứ tại Ukraine), và William Taylor (cũng là cựu Đại sứ tại Ukraine), đều cổ võ cho chủ trương bắt Putin đền tội. Viết trên Foreign Affairs ngày 26/2 rằng, ba ôngbiện luận rằng nếu Putin không bị trừng phạt nghiêm khắc, ông ta sẽ không dừng lại ở Kyiv.
"Để thực sự kiềm chế Moscow và ngăn chặn Moscow tấn công các nước Châu Âu khác, Washington và NATO phải thực hiện gần như mọi biện pháp hiện có, không kể việc đặt giầy lên mặt đất [tức ngoại trừ gửi lính đến đó chiến đấu]. Điều đó có nghĩa là mạnh tay trừng phạt ngành năng lượng của Nga và phần còn lại của ngành tài chính. Nó cũng có nghĩa là nhắm mục tiêu đến tất cả mọi người xung quanh Putin, bao gồm tất cả các quan chức cấp cao của chính phủ Nga cũng như các thành viên của quốc hội Nga. Và phương Tây cần áp đặt những biện pháp vượt ra ngoài các biện pháp trừng phạt - ví dụ, cắt đứt hoạt động tuyên truyền của Moscow và dàn dựng các cuộc tấn công mạng nhằm vào quân đội Nga.
"Những hậu quả này có giá trị trong và của chính chúng ; Putin và chế độ của ông ta phải trả giá cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Ukraine. Nhưng các biện pháp trừng phạt cũng có thể thay đổi hành vi của chế độ, nếu không phải chính chế độ đó. Nếu hậu quả vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt, chúng có thể làm chậm cuộc xâm lược của Nga và giúp người Ukraine chống trả. Tuy nhiên, ngay cả khi họ không thực hiện được điều đó, các hình phạt vẫn có thể ngăn cản Điện Kremlin thực hiện nhiều mối đe dọa khác trong tương lai".
Timothy Frye, Giáo sư về Chính sách Ngoại giao hậu Liên Xô,biện luận trên Foreign Affairs ngày 26 tháng 2 rằng, Putin đã không ngờ được dân tình Ukraine và phản ứng của họ qua vụ này, và ngạc nhiên với phản ứng mạnh mẽ từ Tây phương. Điều này hẳn đã làm cho Putin cảm thấy ít nhất là bất an. Sử dụng chiêu bài cũ của Putin về việc cai trị bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa củ cà rốt và cây gậy đã không còn khả thi nữa. Cho nên Putin giờ đây phải vượt qua thất bại từ cuộc chiến mà ông và giới tình báo/an ninh của mình đã tiến hành.
Ivo H. Daalder, cựu Đại sứ của Mỹ tại NATO từ 2009 đến 2013,biện luận trên Foreign Affairs ngày 1 tháng 3 rằng, cần phải ngăn chặn Putin và cứng rắn hơn nữa. NATO cần gửi hàng chục ngàn lính đến phía đông Ba Lan và phía nam Lithuania, thay vì chỉ vài ngàn như hiện nay. Tuy vẫn nên tiếp tục duy trì kênh ngoại giao, tất cả các cuộc gặp gỡ của thủ lãnh quốc gia với Putin như trước cần phải chấm dứt. Daalder cho rằng không có chỗ đứng cho Nga trong nhóm 20/G20 nữa, và cho đến khi nào Nga chưa rút quân khỏi Ukraine một cách toàn diện và vô điều kiện thì không có gì để nói với nhau. Daalder lạc quan về biện pháp dành cho nước Nga của Putin, rằng kết quả thu được rất đáng kể : các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, tăng cường khả năng răn đe/phòng ngừa và đoàn kết chính trị hoàn toàn với Ukraine.
Edward Fishman, một viên chức về hoạch định chính sách trong Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2014 đến 2017, và Chris Miller, phó giáo sư tại American Enterprise Institute, biện luận trên Foreign Affairs vào ngày 28 tháng 2 rằng, sách lược mới để ngăn chặn Nga cần tập trung vào kinh tế, trong đó có công nghệ cao cấp. Fishman và Millerđề nghị : "Các nước phương Tây nên tiếp tục mở rộng các biện pháp kiểm soát để hạn chế khả năng của Nga trong việc có được các kỹ năng sản xuất, chế tạo người máy và tự động hóa tiên tiến. Năng lực tổng thể của các lĩnh vực sản xuất và công nghệ của Nga càng thấp, ngành công nghiệp quốc phòng Nga càng ít có khả năng đạt được chuyên môn cần thiết để chế tạo những thiết bị quân sự tiên tiến. Để ngăn chặn Nga phát triển thêm các năng lực sản xuất, máy tính hoặc lập trình phần mềm, Washington và các đồng minh nên cắt đứt hoàn toàn những lĩnh vực này khỏi quyền tiếp cận với công nghệ phương Tây".
Thế giới trông có sự đồng thuận rộng lớn về việc trừng phạt Putin mạnh mẽ nhất. Người ta đã thấy sự thiệt hại quá lớn từ một kẻ độc tài hung hăng. Tất nhiên vẫn có người ưa thích độc tài vì họ được hưởng đặc quyền đặc lợi. Nhưng số này thì ít. Người thiệt thòi thì vô kể. Dù sao qua vụ xâm chiếm Ukraine, Putin đã giúp làm cho nhiều người thức tỉnh và hiểu biết hơn về sự phá hoại khủng khiếp của việc cai trị mang tính cá nhân và mang thế giới đến gần hơn trong giải pháp đối với vấn nạn độc tài toàn trị. Bài diễn vănThông điệp Liên bang (State of the Union) của Tổng thống Biden hôm nay khẳng định Putin sai lầm, nhất là nghĩ rằng có thể chia rẽ nước Mỹ. Nhưng Bidenkhẳng định Mỹ, và bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới sẽ ủng hộ người dân Ukraine, và sẽ làm cho nước Nga của Putin phải trả giá, phải chịu trách nhiệm cho hành vi xâm lăng này.
Putin đã có công làm cho Tây phương và các quốc gia yêu chuộng tự do, dân chủ đến gần nhau hơn.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 03/03/2022
************************
Nga-Ukraine : Những ai ở trong nội các của Putin và điều hành cuộc chiến ?
Paul Kirby, BBC, 03/03/2022
Vladimir Putin tạo cho mình thành một nhân vật biệt lập, dẫn dắt quân đội Nga vào một cuộc chiến có nguy cơ cao đe dọa phá hủy nền kinh tế đất nước của ông.
Trong những ngày trước cuộc xâm lược, truyền hình Nga đã phát sóng một phiên họp của hội đồng an ninh gồm 30 thành viên của Tổng thống Putin.
Ông ấy hiếm khi trông cô lập hơn trong hai lần xuất hiện gần đây, được dàn dựng cùng với nội các của mình, nơi ông ấy ngồi ở một khoảng cách xa nhất định với các cố vấn thân cận nhất của mình.
Với tư cách là tổng tư lệnh, trách nhiệm cuối cùng về cuộc xâm lược thuộc về ông, nhưng ông ấy luôn dựa vào một đoàn tùy tùng trung thành sâu sắc, nhiều người trong số họ cũng bắt đầu sự nghiệp của mình trong các cơ quan an ninh của Nga. Câu hỏi đặt ra là ai được lắng nghe, trong thời điểm định mệnh nhất này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu
Nếu ai có thể làm điều này, thì đó là nhân vật thân tín lâu năm Sergei Shoigu, người đã ủng hộ đường lối của Putin về việc phi quân sự hóa Ukraine và bảo vệ Nga khỏi cái gọi là mối đe dọa quân sự của phương Tây.
Đây là người cùng tổng thống tới Siberia cho các chuyến đi săn và câu cá, và trong quá khứ, ông được xem như một người kế nhiệm tiềm năng.
Nhưng hãy xem bức ảnh đặc biệt này của ông ấy ở cuối bàn này, đang ngồi có vẻ lúng túng bên cạnh người đứng đầu lực lượng vũ trang, và bạn sẽ tự hỏi Tổng thống Putin có thể nghe được bao nhiêu lời của ông ấy.
Tổng thống thường xuất hiện như một nhân vật biệt lập
Bức ảnh này được chụp ba ngày trước chiến dịch quân sự mà Nga đang phải vấp phải sự kháng cự bất ngờ của người Ukraine cùng với đó là nhuệ khí quân lính thấp.
"Shoigu được cho là đang hành quân đến Kyiv ; ông ấy là bộ trưởng quốc phòng và được cho là sẽ giành chiến thắng", Vera Mironova, một chuyên gia về xung đột vũ trang nói.
Ông được cho là người đã chiếm giữ quân sự Crimea vào năm 2014. Ông cũng phụ trách cơ quan tình báo quân đội GRU, bị cáo buộc trong hai vụ đầu độc chất độc thần kinh - vụ tấn công chết người năm 2018 ở Salisbury, Anh và vụ tấn công suýt chết thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny ở Siberia năm 2020.
Bức ảnh trông thậm chí còn tệ hơn khi nhìn cận cảnh. "Nó giống như một đám tang", bà Mironova nói.
Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chiến lược của Tổng thống Putin
Nó trông có vẻ lúng túng, nhưng chuyên gia an ninh Nga và cây viết Andrei Soldatov tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng vẫn là tiếng nói có ảnh hưởng nhất với tổng thống.
"Shoigu không chỉ phụ trách quân đội, ông ấy còn phụ trách một phần về ý thức hệ - và ở Nga, ý thức hệ chủ yếu là về lịch sử và ông ấy kiểm soát câu chuyện".
Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga
Với tư cách là tổng tham mưu trưởng, nhiệm vụ của ông là xâm lược Ukraine và hoàn tất công việc nhanh chóng, và theo tiêu chuẩn đó thì ông ấy đã không hoàn thành tốt.
Ông đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Vladimir Putin kể từ khi ông ấy chỉ huy một đội quân trong Chiến tranh Chechnya năm 1999 và ông cũng là người đi đầu trong việc lập kế hoạch quân sự cho Ukraine, giám sát các cuộc tập trận quân sự ở Belarus hồi tháng trước.
Được chuyên gia Nga Mark Galeotti miêu tả là một "kẻ gây hấn nghiêm nghị và mạnh mẽ", Tướng Gerasimov cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự sáp nhập Crimea.
Một số báo cáo cho rằng ông ta hiện đã bị cho ra rìa vì việc nói lắp bắp trước lúc bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine và các báo cáo về nhuệ khí kém của quân lính.
Nhưng Andrei Soldatov tin rằng đó là suy nghĩ viển vông từ một số nơi : "Putin không thể kiểm soát mọi con đường và mọi tiểu đoàn, và đó là vai trò của ông ấy". Và trong khi bộ trưởng quốc phòng có thể yêu thích bộ quân phục của mình, ông ấy không được đào tạo về quân sự và cần phải dựa vào các chuyên gia, ông nói thêm.
Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev
Ben Noble, Phó Giáo sư về Chính trị Nga tại University College London, cho biết "Patrushev là kẻ diều hâu nhất, cho rằng phương Tây đã cố gắng để lấy được Nga trong nhiều năm qua".
Ông ta là một trong ba người trung thành với Putin đã phục vụ ông ấy từ những năm 1970 tại St Petersburg, khi thành phố thứ hai của Nga vẫn được gọi là Leningrad.
Hai người đứng đầu còn lại là Giám đốc Cơ quan an ninh Alexander Bortnikov và Giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài Sergei Naryshkin. Tất cả nội các của tổng thống được gọi là siloviki, hoặc những người thực thi, nhưng bộ ba này vẫn gần gũi hơn.
Rất ít người nắm giữ nhiều ảnh hưởng đối với tổng thống như Nikolai Patrushev. Không chỉ làm việc với tổng thống trong KGB cũ trong thời kỳ cộng sản, ông ta đã thay thế Putin trở thành người đứng đầu tổ chức kế tục của nó, FSB, từ năm 1999 đến 2008.
Chính trong một cuộc họp bất thường của hội đồng an ninh Nga, ba ngày trước cuộc xâm lược, ông Patrushev đã nêu quan điểm của mình rằng "mục tiêu cụ thể" của Mỹ là sự tan rã của Nga.
Phiên họp là một sân khấu đặc biệt, cho thấy tổng thống đang tổ chức một buổi thiết triều sau bàn làm việc khi từng người một trong đội an ninh của ông bước lên bục và bày tỏ ý kiến của họ về việc công nhận nền độc lập của phe nổi dậy do Nga hậu thuẫn ở Ukraine.
Nikolai Patrushev đã vượt qua bài kiểm tra.
Alexander Bortnikov - Giám đốc Cơ quan An ninh Liên Bang (FSB)
Những người theo dõi Điện Kremlin nói rằng tổng thống tin tưởng thông tin mà ông nhận được từ các cơ quan an ninh hơn bất kỳ nguồn nào khác, và Alexander Bortnikov được xem là một phần của nội các của Putin.
Là một cơ quan kế tục của Leningrad KGB, ông tiếp quản quyền lãnh đạo FSB khi Nikolai Patrushev chuyển đi.
Cả hai người này được biết đến là thân cận với tổng thống, nhưng như Ben Noble chỉ ra : "Không rõ ai là người kêu gọi nổ súng và ai là người đưa ra quyết định".
FSB có ảnh hưởng đáng kể đối với các cơ quan thực thi pháp luật khác và thậm chí nó có lực lượng đặc biệt của riêng mình.
Ông ấy quan trọng nhưng ông ấy không ở đó để thách thức nhà lãnh đạo Nga hoặc đưa ra lời khuyên theo cách giống như những người khác.
Sergei Naryshkin - Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR)
Người cuối cùng trong bộ ba ma quái Leningrad cũ, Sergei Naryshkin đã ở bên cạnh tổng thống trong phần lớn sự nghiệp của mình.
Trong cuộc họp hội đồng an ninh, khi được yêu cầu đưa ra đánh giá tình hình, giám đốc tình báo trở nên bối rối và trả lời lấp lửng, chỉ đến khi tổng thống nói : "Đó không phải là điều chúng ta đang thảo luận".
Phiên họp dài đã được biên tập nên Điện Kremlin rõ ràng đã quyết định thể hiện sự khó chịu của ông ấy trước khán giả truyền hình.
"Thật là sốc. Ông ấy cực kỳ lạnh lùng và bình tĩnh, vì vậy mọi người sẽ hỏi điều gì đang xảy ra ở đây", Ben Noble nói với BBC.
Nhưng Andrei Soldatov nghĩ rằng ông ấy chỉ đơn giản là tận hưởng khoảnh khắc này : "Putin thích chơi (playing games) với nội các của mình, khiến ông ấy [Naryshkin] trông như một kẻ ngốc".
Sergei Naryshkin từ lâu đã theo sát ông Putin, ở St Petersburg vào những năm 1990, sau đó ở văn phòng của Putin vào năm 2004 và cuối cùng trở thành chủ tịch Duma quốc gia Nga. Nhưng ông cũng đứng đầu Hiệp hội Lịch sử Nga, và theo quan điểm của Soldatov, ông đã chứng tỏ mình rất quan trọng trong việc cung cấp cho tổng thống nền tảng tư tưởng cho các hành động của mình.
Năm ngoái, ông đã trả lời phỏng vấn của phóng viên BBC tại Moscow, Steve Rosenberg, trong đó ông phủ nhận việc Nga thực hiện các vụ đầu độc và tấn công mạng hoặc can thiệp vào cuộc bầu cử của các nước khác.
Paul Kirby
Nguồn : BBC, 03/3/2022