Trưởng đoàn đàm phán Nga với Ukraine, người cổ vũ cho một "nước Đại Nga" mới
Trọng Thành, RFI, 06/03/2022
Trong cuộc xâm lăng Ukraine của Nga bất ngờ nổi lên một nhân vật vốn rất ít được công luận quốc tế biết tới : Người lãnh đạo các đàm phán của Moskva với Kiev. Báo chí Pháp giới thiệu về nhân vật được tổng thống Nga lựa chọn vào vị trí này. Viết lại lịch sử nước Nga, để biện minh cho các tham vọng lãnh thổ của chế độ Putin là nỗ lực chủ yếu từ 20 năm nay của nhân vật đặc biệt này.
Trợ lý tổng thống Nga Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga, phát biểu trước truyền thông, trước cuộc "hội đàm" dự kiến với đoàn Ukraine ở vùng Brest, Belarus, ngày 03/03/2022 via Reuters - Belta
Lãnh đạo đoàn đàm phán Nga kể từ ngày 28/02/2022 là một người đàn ông trạc 50 tuổi, mang cặp kính nhỏ, dáng vẻ trí thức. Vladimir Medinski nổi tiếng tại nước Nga. Là bộ trưởng văn hóa của chính quyền Putin từ năm 2012 đến 2020, Medinski giờ đây được coi là một trong những cố vấn thân cận của tổng thống Nga.
Vì sao điện Kremlin đưa cựu bộ trưởng văn hóa Mendinski vào mặt trận ngoại giao ? Trang France Info dẫn lời nhà sử học Alain Blum, nhận thấy ẩn đằng sau quyết định dùng người này có hai lý do. Thứ nhất, điều này cho thấy chính quyền Nga "coi thường" các đàm phán với Ukraine, khi cử một nhân vật không thuộc hàng lãnh đạo cao cấp nhất. Lý do thứ hai, và cũng rất có thể là lý do chính, đó là trưởng đoàn đàm phán Medinski là một đại diện chủ chốt cho ý thức hệ dân tộc Đại Nga, mà chính quyền Putin ráo riết gây dựng từ nhiều năm nay.
Biến lịch sử thành ý thức hệ chính thống
Sử gia Alain Blum, lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu về thế giới Nga, Kavkaz và Trung Âu, nhấn mạnh là ông Vladimir Medinski trong một thời gian dài đã được người Nga mệnh danh là "bộ trưởng tuyên truyền lòng yêu nước". Lý tưởng hóa lịch sử của đế chế Nga, tô hồng thời kỳ Liên Xô toàn trị, "viết lại lịch sử chính thống của nước Nga" là mục tiêu trung tâm của bộ trưởng văn hóa Medinski.
Theo sử gia Emilia Koustova, về mặt chính thức, Hiến pháp Nga quy định "không có bất cứ một hệ thức hệ nào có thể được công nhận như ý thức hệ Nhà nước, hay mang tính bắt buộc". Đây là điều mang lại cho Hiến pháp Nga dáng dấp của một hiến pháp dân chủ. Không trực tiếp thay đổi Hiến pháp, những người dân tộc chủ nghĩa Nga đã biến hồi ức về lịch sử thành một dạng ý thức hệ chính thống của quốc gia.
Để làm được việc này cần phải xây dựng một thứ lịch sử chính thống của nước Nga, xuyên suốt từ thời các đế chế Sa hoàng, qua thời kỳ Liên Xô, cho đến hiện nay. Ông Vladimir Medinski, trước khi trở thành bộ trưởng văn hóa, đã cho ra đời những sản phẩm theo hướng này. Từ năm 2006, loạt truyện nhiều kỳ về "Những huyền thoại nước Nga" với Medinski là tác giả, đã bán được hàng trăm nghìn bản. Trong các tác phẩm này, ông Medinsky đã tìm cách lên án nhiều cách nhìn nhận bị cho là bôi xấu nước Nga, con người Nga, khi phơi bày những thói tật như "nạn nghiện rượu, lười biếng, độc ác", hình ảnh nước Nga, "nhà tù của các dân tộc".
Tô hồng các thời đế chế Nga
Vladimir Medinski là tác giả của một luận án tiến sĩ, bảo vệ năm 2011, nhan đề "Những mô tả không khách quan của các học giả nước ngoài về lịch sử nước Nga từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII", có nội dung chính là phê phán những ký sự du hành của người phương Tây trong giai đoạn nói trên, bị tố cáo bôi xấu hình ảnh nước Nga. Năm 2016, giới sử gia và giảng viên đại học Châu Âu và Nga đã từng yêu cầu tước bằng tiến sĩ của Medinski, vì luận án bị coi là không chính xác, và đạo văn. Tuy nhiên, bộ trưởng văn hóa Medinski rút cục đã giữ được bằng tiến sĩ, nhờ sự ủng hộ của bộ giáo dục. Ông Medinski công khai khẳng định mục tiêu của ông khi viết luận án này là nhằm xây dựng một câu chuyện kể về lịch sử quốc gia, vì "lợi ích của nước Nga". Một mục tiêu rõ ràng mang tính tuyên truyền, chứ không còn vì khoa học.
Theo France Info, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phó thác cho tân bộ trưởng văn hóa điều hành Tổ chức Nghiên cứu Lịch sử Quân sự Nga. Sử gia Emilia Koustova cho biết, tổ chức được thành lập năm 2012 này có sứ mạng thực thi mục tiêu của điện Kremlin, viết lại toàn bộ một phần lớn Lịch sử nước Nga, đặc biệt là thời kỳ Liên Xô và Thế chiến Hai. Đây là một thời kỳ có vị trí trung tâm trong chủ thuyết về một lịch sử chính thống của nước Nga mà chính quyền Putin muốn tạo lập (2).
Từ tô hồng chế độ Stalin đến khẳng định sứ mạng giải cứu Châu Âu
Quan điểm về một lịch sử chính thống của nước Nga như trên xuyên suốt bài diễn văn tuyên chiến với Ukraine của tổng thống Nga, được phát đi rạng sáng ngày 24/02/2022. Sử gia Alexis Berelowitch ghi nhận trong bài diễn văn này toát lên hình ảnh về một nước Nga, một lần nữa đảm nhiệm sứ mạng "giải cứu Châu Âu", như điều mà Liên Xô đã làm trước đây, khi chống lại chế độ phát xít Đức, trước hết với việc tiêu diệt "các thế lực quốc xã" đang nắm quyền tại Ukraine (theo lời lẽ của ông Putin).
Khôi phục hình tượng nhà độc tài Stalin – người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người thậm chí hàng chục triệu người vô tội tại Nga - là một trong những sứ mạng chính của bộ văn hóa dưới thời Vladimir Medinski nắm quyền. Stalin được khẳng định như một lãnh đạo vĩ đại của nước Nga từ ông hoàng Riurik, người sáng lập nên đại công quốc Kiev (cuối thế kỷ 9), cho đến tổng thống Putin. Tượng Stalin được phục dựng tại nhiều thành phố Nga những năm gần đây. Chính quyền Nga hiện nay không khẳng định theo tư tưởng Stalin, nhưng việc khôi phục hào quang của Stalin - người đứng đầu Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít - góp phần khẳng định trước hết "tầm vóc vĩ đại của nước Nga", khẳng định bảng tổng kết "về cơ bản là tích cực" của lịch sử Nga thế kỷ XX.
Một Châu Âu đang suy tàn cần đến bàn tay cứu vớt của nước Nga cũng là điều mà Vladimir Medinski, trong thời kỳ lãnh đạo bộ Văn Hoá, đã nỗ lực để phổ biến trong giới tinh hoa Nga. Giới tinh hoa Nga cần nỗ lực trở thành "người gác đền của văn hóa Châu Âu, bảo vệ các giá trị Thiên Chúa giáo, nền văn minh thực sự của Châu Âu" (báo Kommersant), chống lại những mặt suy đồi của văn hóa Châu Âu, cụ thể như với việc thanh lọc các tác phẩm của Shakespeare khỏi dấu vết của ấu dâm, hay loại trừ sắc thái đồng tính trong tác phẩm "Hoàng tử nhỏ" của Saint-Exupéry (3)…
Trưởng đoàn đàm phán Nga : người chủ trương xóa sổ lịch sử Ukraine, nền độc lập Ukraine
Mục tiêu phục dựng lại tầm vóc lịch sử vĩ đại của nước Nga vấp phải một trở lực lớn là Ukraine, quốc gia vốn thuộc Liên Xô, nay càng trở nên gần gũi hơn với phương Tây. Việc Nga thôn tính bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai vùng Donbass năm 2014, càng khiến Ukraine hướng về phương Tây. Nếu như trong một thời gian đầu sau khi Liên Xô giải thể, nước Nga đứng giữa hai ngả đường, một ngả tiếp tục di sản thời cộng sản, ngả thứ hai là đi theo nền kinh tế tự do phương Tây, rút cuộc xu thế dân tộc chủ nghĩa đã chiến thắng.
Bước ngoặt 2014 khiến xu thế - vốn đã có mầm mống trong Đảng cộng sản Nga - được đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin thúc đẩy mạnh. Để khẳng định một nước Đại Nga mới, nước Ukraine láng giềng, cùng chia sẻ một cội rễ lịch sử chung với nước Nga, không thể có quyền độc lập. "Phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" Nhà nước Ukraine, hay nói cách khác, biến Ukraine thành một quốc gia phụ thuộc vào Nga là một chủ trương mà chính quyền Putin đang nỗ lực tiến hành, với cách mô tả về một lịch sử chính thống mới, đã được bộ trưởng văn hóa Vladimir Medinski dày công xác lập. Đây chính là điều mà tổng thống Ukraine cảnh báo : tham vọng của chính quyền Putin là : xóa bỏ lịch sử Ukraine, xóa bỏ quốc gia Ukraine, xóa bỏ tất cả những gì thuộc về Ukraine. Một nước Ukraine mà nhiều người gọi một cách khinh thị là "Tiểu Nga".
Khi cử làm lãnh đạo đoàn đàm phán nhà tuyên truyền số một của điện Kremlin, trợ thủ hàng đầu của ông Putin trong việc xác lập một ý thức hệ Đại Nga, một người Nga gốc Ukraine, thông điệp của chính quyền Nga có lẽ là hết sức rõ ràng : Điều kiện không thể bác bỏ cho mọi đàm phán chấm dứt chiến tranh là sự đầu hàng của chính quyền Ukraine, của dân tộc Ukraine.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 06/03/2022
Ghi chú
(*) Bài "Guerre en Ukraine : Qui est Vladimir Medinski, ce "négociateur" qui veut réécrire l'histoire de la Grande Russie au côté de Vladimir Poutine ?", France Info, ngày 05/03/2022.
1. Vladimir Medinski, sinh năm 1970 tại Smila, miền trung Ukraine, được đào tạo tại Học viện Quan hệ Quốc tế nổi tiếng ở Moskva. Đầu những năm 1990, làm việc tại sứ quán Nga tại Mỹ, trước khi chuyển sang truyền thông, quan hệ công chúng. Trong thời gian là dân biểu tại Hạ Viện Nga (2007 – 2011), Medinski tham gia ủy ban "chống bóp méo lịch sử" của Nhà nước.
2. Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Nhà nước Nga, Sergei Mironenko, phải từ chức năm 2016, sau khi tuyên bố phim "28 người đàn ông của Panfilov", nói về chiến tích của Hồng quân trong trận chiến Moskva 1941, dựa trên "huyền thoại".
3. Phim Léviathan, của đạo diễn Andreï Zviaguintsev, đoạt giải Oscar năm 2015, để ra mắt tại Nga, đã buộc phải cắt bỏ những đoạn bị coi là "tục tĩu".
******************
Ukraine : Quân đội Nga thể hiện uy lực "thực sự" sau 15 năm cải cách
Minh Anh, RFI, 05/03/2022
Ngày 24/02/2022, 100 ngàn binh sĩ cùng 1.000 chiến xa và 4.000 xe tăng được lệnh tấn công ồ ạt Ukraine. Với một đội quân hùng hậu và được trang bị hiện đại, tổng thống Nga cho Mỹ và phương Tây thấy rằng quân đội Nga đã "lột xác", không còn là một đạo quân từ thời Xô Viết trang bị yếu kém. Việc chọn đánh Ukraine vào thời điểm này không phải là một sự ngẫu nhiên : Nga vừa hoàn tất các mục tiêu trong kế hoạch 15 năm hiện đại hóa quân đội vào cuối năm 2021.
Xe pháo tự hành của quân đội Nga khai hỏa trong cuộc tập trận gần Orenburg ở Urals, Nga, ngày 16/12/2021. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. AP
Ngày 25/07/2021, trong bài diễn văn trước quân đội, tổng thống Nga Vladmir Putin khẳng định : "Chúng ta giờ có thể xác định được bất kỳ mục tiêu nào của kẻ thù : Ở dưới nước, trên bộ hay trên không và có thể giáng cho chúng một đòn chí tử nếu cần thiết".
Nhìn những hình ảnh ấn tượng về những đoàn xe tăng cực kỳ tối tân được trang bị hỏa lực hiện đại nối dài hàng chục km, những chiếc hỏa tiễn có độ chính xác cao nhắm trúng các mục tiêu quân sự của Ukraine, nhà nghiên cứu về Quốc phòng và An ninh Nga, Isabelle Facon, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), trước hết nhận định với Le Parisien 1 :
"Đây là một quân đội vừa vượt qua một chặng đường dài, bởi vì có đến 15 năm thiếu đầu tư quan trọng cho các lực lượng vũ trang của Nga. (…) Dẫu sao thì đây cũng là một quân đội được huấn luyện nhiều hơn, cho thấy quân đội Nga có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự đã được xác định trước như ở Syria. Một quân đội có khả năng thực dụng và nhất là có thể triển khai dần dần một lực lượng lớn ở biên giới với Ukraine từ tháng 11/2021. Đây cũng là một quân đội thường xuyên có các bài tập trận chung với nhiều đối tác nước ngoài. Vì vậy, đây là một quân đội có khả năng thật sự làm được điều gì đó".
"Muôn trùng hiểm họa"
Sự "lột xác" này bắt nguồn từ cách cảm nhận các mối đe dọa an ninh từ giới lãnh đạo quân sự - chính trị ở Nga. Họ luôn cho rằng nước Nga bị bao vây bởi một chuỗi các mối đe dọa "muôn hình vạn trạng" : Từ việc mở rộng khối NATO sang phía lãnh thổ Nga, những bất ổn triền miên ở vùng "đại phương Nam" (trải dài từ Kavkaz đến Trung Á) hay những cạnh tranh khốc liệt giành nguồn tài nguyên khoáng sản tràn ngập trên lãnh thổ Nga…
Nhà phân tích Igor Delanoë 2 , phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp - Nga, lưu ý, hiểm họa đa phương không chỉ mới có ở nước Nga của thế kỷ XXI : Các đời Nga Hoàng rồi thời Liên Xô đều xem lãnh thổ của họ như là một vùng đất lọt thỏm, dễ bị tấn công. Cảm nhận này dẫn đến việc duy trì một kiểu mặc cảm bị vây hãm.
Thế nên sự bùng phát những xung đột cục bộ như cuộc chiến Thượng Karabagh, những bất ổn ở các vùng sân sau như Belarus… đối với Nga, đó chẳng khác gì như là một minh chứng cho điều gọi là "săn mồi địa chính trị", mà một số nước láng giềng có thể đang tiến hành, gây hại cho các lợi ích của Nga.
Lịch sử và địa lý là những yếu tố có vị trí trung tâm trong việc xác định các mối đe dọa và định hướng phát triển quân đội. Khi cảm nhận những lợi ích được cho là mang tính sống còn, tập trung chủ yếu ở vùng không gian hậu Xô Viết, Nga đã nỗ lực định dạng quân đội nhằm đáp trả các thách thức an ninh có thể nảy sinh tại một vùng lãnh thổ lục địa bao la.
Quân đội Nga đương đại từ cuối những năm 2000 đã được "mài giũa" để có thể đối phó với nhiều kiểu xung đột, có thể bùng nổ tại một chiến trường rộng lớn, đa dạng địa hình (từ núi non, sa mạc, đầm lầy, cho đến nơi băng giá…), với nhiều loại hình kẻ thù tiềm tàng rất khác nhau như các nhóm khủng bố (vùng Kavkaz, Trung Á), các lực lượng bán quân sự (Ukraine) hay các liên minh quân sự chính quy hiện đại (NATO ở Châu Âu).
Do vậy, ngoài việc bảo vệ lãnh thổ liên bang, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của quân đội Nga hiện đại là ngăn chặn mọi mầm mống hình thành các lực lượng vũ trang ở những vùng biên giáp giới với Nga do đối thủ kiểm soát.
Nga : Cường quốc quân sự "đơn độc"
Nói đến sức mạnh quân đội, người ta không thể không nói đến yếu tố nhân lực. Chuyên gia về chính sách quốc phòng và an ninh, Jean-Sylvestre Mongrenier 3 , cộng tác viên Viện Thomas Moore, lưu ý rằng "ở Nga, quân đội rất được tôn vinh và, do đó, quân đội tất nhiên là trung tâm của sự sùng bái quyền lực này". Với gần một triệu binh sĩ, quân đội Nga xếp hàng thứ 5 trên thế giới về quân số.
Và điều làm nên nét đặc trưng cho quân đội Nga chính là lòng tận tụy với tổ quốc, được hun đúc từ khi còn nhỏ. Chính trong tinh thần này, năm 2016, Vladimir Putin cho ra đời trường quân bị thiếu niên "Yunarmyia", đến nay đã tiếp nhận 835 ngàn trẻ 11-18 tuổi, theo như số liệu từ chính phủ Nga được Le Figaro trích dẫn.
Nhưng Nga cũng ý thức được rằng họ đơn độc về mặt chiến lược, không thuộc một liên minh quân sự nào. Các đồng minh Belarus hay Armenia chỉ có một sức mạnh quân sự tương đối. Do vậy, với giới lãnh đạo quân sự - chính trị Nga, chiến thuật "ít tiêu hao lực lượng nhất" là một ưu tiên. Trong tầm nhìn này, vũ khí răn đe hạt nhân và không hạt nhân chiếm một vị trí quan trọng.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Isabelle Facon nhắc lại cuộc chiến Georgia (Gruzia) là một bước ngoặt quan trọng. Trong cuộc chiến 5 ngày này, tuy Nga đã huy động được 20 ngàn quân trong vòng 48 giờ, nhưng đã làm lộ rõ đó là một quân đội được trang bị yếu kém.
"Ngòi nổ là năm 2008, tức là cuộc chiến tại Georgia. Vào thời đó, ngay cả khi xét trên quan điểm chiến lược, Nga đã thắng một cuộc chiến kéo dài năm ngày. Nhưng nhìn từ quan điểm tác chiến, năng lực của quân đội Nga lại cho thấy không mấy gì đáng tự hào cho lắm, nghĩa là người ta nhìn thấy đó là một đội quân vô tổ chức có nhiều vấn đề nghiêm trọng về trang thiết bị. Có thể nói, cuộc chiến này là một bước ngoặt ngay cả khi ông Putin muốn thực hiện điều này từ lâu.
Cuộc chiến xảy ra cũng trùng hợp vào thời điểm quân đội Nga bắt đầu có nhiều nguồn ngân sách lớn, bởi vì trong những năm 2003, 2008, giá dầu khí trên thị trường thế giới tăng lên, làm tăng nguồn thu cho ngân quỹ nhà nước và cho phép tăng các khoản chi cho quốc phòng".
Syria : Phòng thí nghiệm vũ khí, địa bàn huấn luyện chiến thuật Nga
Về mặt chi tiêu cho quân sự, Nga đứng hàng thứ tư trên thế giới. Trong giai đoạn 2000-2019, ngân sách quốc phòng của Nga tăng 175%, để rồi giờ đạt mức gần 70 tỷ đô la trong năm 2020, theo như số liệu của SIPRI. Đương nhiên, con số này chưa thể sánh bằng Mỹ (766 tỷ đô la), nhưng quân đội Nga đã có những đầu tư quan trọng đủ để gây khiếp hãi đối thủ.
Ngày 19/07/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo : "Rạng sáng hôm nay, loạt bắn thử tên lửa siêu thanh Zircon đã được tiến hành. Đây là chiếc tên lửa hiện đại nhất của chúng ta, có chức năng chống lại các mục tiêu trên biển và trên bộ. Cuộc bắn thử đã hoàn toàn thành công, thật hoàn hảo. Đây là một sự kiện lớn cho đất nước và là một bước quan trọng để tăng cường an ninh cho nước Nga và năng lực phòng thủ của đất nước".
Tính đến cuối năm 2021, Nga đã hiện đại hóa được 81% lực lượng quân sự, 71,9% trang thiết bị mới đã được đưa vào sử dụng tại các lực lượng chính quy, theo như các mục tiêu đề ra. Ông Igor Delanoë nhấn mạnh thêm rằng, có hai thời điểm quan trọng tác động mạnh đến tiến trình hiện đại hóa quân đội Nga : Sự đoạn tuyệt về hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Nga với các doanh nghiệp phương Tây và Ukraine sau cuộc khủng hoảng năm 2014, và chiến dịch quân sự Nga ở Syria năm 2015.
Sự kiện thứ nhất buộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng phải nội địa hóa sản xuất một số linh kiện mà đến tận năm 2014 vẫn phải mua từ Châu Âu và Ukraine. Còn việc thứ hai, cuộc can thiệp quân sự vào Syria vào tháng 9/2015 cho phép Nga thử nghiệm trong điều kiện tác chiến các loại vũ khí mới như bom áp nhiệt, drone, tên lửa chống tăng, tên lửa địa đối không, chiến đấu cơ Sukhoi Su-57, hay các loại thiết bị nhìn đêm… Tổng cộng có khoảng 320 loại vũ khí, thiết bị quân dụng đã được Nga thử nghiệm thành công tại chiến trường Syria.
Không những thế, Syria còn là chiến trường lý tưởng để Nga dàn binh tập trận chiến thuật bắn đạn thật. Ngoài số lính đánh thuê Wagner được triển khai tại Syria, quân đội Nga điều luân phiên 63 ngàn binh sĩ trong vòng 6 năm rưỡi qua mà lực lượng hàng không vũ trụ được cho làm chiếm ưu thế. Số binh sĩ này đã có được một "lợi thế đào tạo và kinh nghiệm quý giá, cho phép hoàn thiện năng lực quân đội Nga trên bình diện quốc tế", theo như đánh giá của bà Anna Borshchevskaya, thuộc Institute for Near East Policy, tại Washington, trong một bài viết được La Croix trích dẫn 4.
Nhưng Syria còn là một chiếc tủ kính thương mại cho ngành công nghiệp vũ khí Nga mà khối lượng đơn đặt hàng đã tăng vọt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập cho đến Saudi Arabia, theo như quan sát của nhà nghiên cứu Isabelle Facon :
"Chiến dịch tại Syria mà họ bắt đầu vào năm 2015 đối với Nga là một cơ hội để phô bày các loại vũ khí mới mà Nga đang có hiện nay, nghĩa là các loại tên lửa nhiều kích cỡ, chẳng hạn một loại tên lửa hành trình chiến lược mới. Tất cả những thứ đã được đem ra không hẳn là có ích trên bình diện tác chiến, nhưng đó còn là một dạng quảng cáo các sản phẩm mới cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga".
Giờ đây, nhìn những gì được Nga đem ra áp dụng tại Ukraine, những người lính mũ trắng bảo vệ thường dân tại Syria của Liên Hiệp Quốc chua xót chia sẻ trên mạng xã hội, được La Croix dẫn lại : "Thật là đau lòng cho chúng tôi khi hay rằng những loại vũ khí được thử nghiệm tại Syria kể từ giờ sẽ được sử dụng chống lại thường dân Ukraine".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 05/03/2022
Ghi chú :
1. Crise en Ukraine : "Le budget de l’armée russe est très loin de celui des Etats-Unis", Le Parisien ngày 30/1/2022.
2. Igor Delanoë, "L’armée russe : la gardienne de la "forteresse Russie"", Conflit ngày 17/01/2022.
3. "Que vaut l'Armée russe ?", Le Figaro ngày 03/08/2021.
4. "Guerre en Ukraine : la Syrie, laboratoire stratégique de l’armée russe", La Croix, ngày 26/02/2022.