Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/03/2022

Bài học cải cách cho Việt Nam rút ra từ mô hình Trung Quốc

Phạm Quý Thọ

Bài học cải cách lớn nhất là thấu hiểu và vận dụng tư tưởng thực dụng như một chủ nghĩa cho phép liên kết tạm thời giữa kết quả thực tế và lý thuyết được coi là không trực tiếp tạo ra nó : thị trường và ý thức hệ chủ nghĩa xã hội.

caicach1

Cờ của Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội trước Đại hội 13 hôm 22/1/2021 - AFP

Nghiên cứu sự vận hành mô hình Trung Quốc (Xem : Năm mươi năm mô hình Trung Quốc, RFA, 1/3) trong suốt thời gian dài cho thấy chu kỳ thịnh suy, khởi đầu khó khăn, tăng trưởng và duy trì, và suy thoái, đặc trưng và điển hình đối với các chế độ toàn trị, độc đoán có cội nguồn từ thậm chí từ chế độ tập quyền phong kiến, đồng thời nó cũng cho biết Trung Quốc đang ở giai đoạn suy thoái của chu kỳ và gợi ý mở cho dự đoán cho lựa chọn hoặc là quay lại chủ nghĩa xã hội kiểu Mao hoặc là sụp đổ theo kiểu chuyển đổi dân chủ như một kết cục tất yếu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, bản sao của mô hình này, không công khai thừa nhận nhưng đã vướng vào "vòng kim cô" của tư tưởng thực dụng có nguồn gốc Trung Quốc, làm sao có thể bứt phá để tiếp tục cải cách thậm chí tìm kiếm cơ hội chuyển đổi dân chủ.

Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng thực dụng cần được hiểu là không để cho ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều níu kéo. Theo chủ nghĩa thực dụng, tầm quan trọng và đúng đắn của một hệ tư tưởng, học thuyết… được xác định bởi những kết quả và sự tác động thiết thực của của chính sách hay quyết định bởi tổ chức đảng, chính phủ hay cá nhân người lãnh đạo. Ý tưởng khái quát qua phát biểu của Đặng Tiểu Bình về "mèo trắng mèo đen" đã được khai triển mạnh mẽ, thiết thực và xuyên suốt ở Trung Quốc. Tư tưởng Mác – Lênin, ý thức hệ chủ nghĩa xã hội là nền tảng lý luận của độc đảng cộng sản để duy trì chế độ toàn trị, tuy nhiên triết lý thực dụng mách bảo vẫn "duy trì" nó nhưng đừng "bảo thủ" để không tạo ra các rào cản trong tư duy và hành động hướng tới kết quả có lợi cho dân cho nước. Và rằng, hãy "tạm gác nó sang bên", coi đó như một "sách lược", như một bước lùi của chiến lược lâu dài để phát triển lực lượng sản xuất nhằm hướng tới xã hội chủ nghĩa. Về mặt này mô hình Trung Quốc đã kéo dài "giai đoạn "thịnh" trong gần một phần ba thế kỷ.

Chủ nghĩa thực dụng (gốc từ tiếng Hy Lạp là πραγματος — "việc làm, hành động" ; tiếng Anh : pragmatism), còn gọi là là chủ nghĩa hành động, là một thuật ngữ thông tục để chỉ lối hành xử dựa trên tình hình thực tế được biết đến, do đó hành động thiết thực được đặt trên lý lẽ có tính lý thuyết. Trong chủ nghĩa thực dụng, chân lý của hệ tư tưởng, học thuyết hay lý thuyết được đánh giá bởi thành công thực tế của nó, cho nên hành động thực dụng không gắn liền với nguyên tắc bất biến.

Chủ nghĩa thực dụng chứa đựng tư tưởng triết học sâu xa và phức tạp. Nó được phát triển như một trường phái triết học, xã hội học từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đặc biệt ở Mỹ được coi như kiểu tư duy và phong cách hành động. Có ý kiến tranh luận, thậm chí phê phán về tính cơ hội về chủ nghĩa thực dụng Mỹ, tuy nhiên người ta đã không thật sự hiểu đầy đủ rằng chính hệ tư tưởng này được dựa trên chủ nghĩa tự do cá nhân và được hỗ trợ bởi chế độ pháp trị Mỹ dựa trên tam quyền phân lập kiểm soát quyền lực hiệu quả, tạo ra sự cân bằng động. Chủ nghĩa thực dụng như vậy đã thúc đẩy phát triển kinh tế và và dân chủ tương đối bền vững.

Giới tinh hoa Trung Quốc nhận thức được điều này khi tạo ra tư tưởng thực dụng mang thương hiệu của riêng họ, đối diện không để cho kiểu dân chủ phương Tây thâm nhập làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo và điều hành chuyển đổi kinh tế sang thị trường bằng cách thúc đẩy một chủ thuyết riêng, thuyết chủ quyền quốc gia mang chủ nghĩa dân tộc đại Hán, đứng đằng sau nó là "nhà lý luận cung đình" Vương Hộ Ninh, một trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, nhân vật quan trọng về ý thức hệ chỉ sau Tổng bí thư Tập Cận Bình. Chủ thuyết này được coi như một thứ keo hay vật liệu "vô hình" kết dính giữa hệ tư tưởng Mác – Lênin để duy trì chế độ với các giá trị lý tưởng xa vời với thực tế thị trường thiết yếu, gần gũi với cuộc sống xã hội của người dân, trong đó thực tế được coi là chân lý và đặt trên và trước học thuyết hay hệ tư tưởng.

Các nhà lãnh đạo dường như trong một thời gian đã không nhận thấy rằng sự thực hành chính sách thực dụng đã tạo ra một nhà nước Trung Quốc tư bản thân hữu và chủ nghĩa dân tộc làm bệ đỡ cho chế độ. Ngay cả khi quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma đã bị xâm chiếm nhưng sự lệ thuộc kinh tế như bất cập về cán cân thương mại, rối loạn thị trường tiểu ngạch và các dự án quan trọng, kém hiệu quả trong ngành năng lượng, giao thông… dù đã được giới chuyên gia cảnh báo, nhưng đã không được khắc phục. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từ những năm 1990 khi thăm và tham vấn với các lãnh đạo Việt Nam như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã hé lộ sự ám chỉ về việc bị níu kéo ý thức hệ chủ nghĩa xã hội trong thực tế chính sách và hành động. Việc coi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội là vấn đề nhạy cảm nặng nề đã cản trở việc vận dụng triết lý thực dụng trong thực tế, khiến việc xây dựng và thực thi chính sách "nửa vời" giữa chủ nghĩa xã hội và thị trường.

Như hậu quả không thể phủ nhận là chu kỳ thịnh suy của sự vận hành đường lối Đổi mới đã không thể duy trì được lâu như mong muốn, giai đoạn khởi đầu khó khăn được coi vào năm 1986 tại Đại hội 6 Đảng cộng sản Việt Nam, giai đoạn tăng trưởng tương đối cao nhưng không bền vững chỉ kéo dài đến khi "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế" vào những năm trước và sau Đại hội 11 năm 2011. Sự khởi đầu, như một nguyên nhân, cho giai đoạn suy thoái kéo dài cho đến nay là những sai lầm về chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, thành phần chủ nghĩa xã hội chủ đạo trong nền kinh tế.

Biểu hiện rõ rệt là trạng thái "tuy một mà hai, tuy hai mà một" giữa cơ quan đảng chuyên trách chính trị và các bộ ngành kỹ trị chuyên môn của chính phủ, không được hỗ trợ bởi cơ chế phân quyền và kiểm soát quyền lực rõ ràng và hiệu quả. Như vậy, bất ổn là vấn đề nội bộ đảng, hơn thế từ "thượng tầng". Đảng đã không thể kỷ luật vị nguyên thủ tướng thời kỳ này vì chính sự lãnh đạo toàn diện của đảng và nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng !

Những cải cách được thực thi, mặc dù "rất nỗ lực" trong hai nhiệm kỳ các Đại hội đảng cộng sản 11 và 12 và hiện nay là Đại hội 13, nhưng chưa thực sự chấm dứt được giai đoạn suy thoái. Vị trí Tổng bí thư đảng đã phải dùng hai lần "trường hợp đặc biệt" để phá vỡ giới hạn tuổi và nhiệm kỳ để kéo dài quyền lực. Nhiều quy định, tiêu chuẩn về cán bộ đã siết chặt và bổ sung các chức năng, quyền hạn cho các cơ quan đảng về phòng chống tham nhũng, chống suy thoái chính trị và đạo đức lối sống. Hàng chục nghìn tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo đảng viên, kể cả cấp cao nhất như Ủy viên Bộ Chính trị, bị kỷ luật đảng và chịu các án tù khác nhau. Hàng chục cán bộ được thanh lọc hay luân chuyển các vị trí công tác… Đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận cần thiết cải tổ chính trị và đang đặt cược cải cách thể chế vào công tác tổ chức cán bộ và chống tham nhũng !

Các động thái chỉnh đốn đảng như trên đều hướng đến sự tập trung quyền lực đảng cao hơn, như một bước lùi hơn là một bước tiến đến dân chủ và kiểm soát sự tha hoá. Những cải cách thị trường và sự vận hành bị "trì trệ", thậm chí "bế tắc" ở nhiều lĩnh vực và địa phương bởi quốc nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Ngoài ra, nguy cơ níu kéo ý thức hệ giáo điều có chiều hướng trầm trọng thêm, tuyên giáo đang phát động "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", các nhà lý luận "cung đình" luận luận biện minh cho mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một sáng tạo của Đảng…

Nhiều yếu tố đặc thù khác khiến Việt Nam không thể "sao chép" mô hình Trung Quốc, nhưng thấu hiểu đầy đủ và sâu xa về tư tưởng thực dụng như một chủ nghĩa có thể thúc đẩy cải cách tiến bộ, trong đó hai vấn đề cốt lõi của bài học cần được các nhà cải cách lưu tâm. Một là, học hỏi đặc biệt về tư tưởng thực dụng để thoát khỏi sự ám ảnh về ý thức hệ và lệ thuộc kinh tế vào chính Trung Quốc ; Và, hai là, sự suy thoái bộc lộ giai đoạn suy của chu kỳ chế độ tập quyền, không thể mãi "thực dụng", từ đó đặt câu hỏi liệu có cơ hội nào cho chuyển đổi dân chủ ? Hiện thời đây có thể là khe cửa hẹp, nhưng đến lúc nào đó cánh cửa sẽ được mở ra. Hãy biết hy vọng !

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 04/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 252 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)