Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/03/2022

Trả lại lư hương Đức Thánh Trần như thế nào ?

Diễm Thi

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả lại lư hương Đức Thánh Trần thế nào ?

Ngày 17 tháng 2 năm 2019, một số nhà hoạt động dự tính tới dâng hương dưới tượng đài Đức Trần Hưng Đạo tưởng niệm 40 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt - Trung, đã ngỡ ngàng khi thấy lư hương bị cẩu đi mất. Tượng Đức Trần Hưng Đạo và lư hương được đặt tại Công trường Mê Linh từ năm 1967.

luhuong1

Các cựu chiến binh Việt Nam thắp hương kỷ niệm 38 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam (17/02/1979) trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 17/02/2017. - AFP

Nhiều nhân sĩ trí thức lên tiếng yêu cầu trả lại lư hương về chỗ cũ nhưng không nhận được câu trả lời từ chính quyền. Trong khi đó, lên tiếng với truyền thông Nhà nước, người ký quyết định di dời lư hương là Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến cho rằng, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân nên việc dời lư đi là bình thường. Theo bà, việc thờ phụng ở đình chùa, đền sẽ phù hợp hơn là diễn ra ở công viên.

Hôm 9 tháng 3 năm 2022, báo Nhà nước đưa tin tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo và Công trường Mê Linh, nơi đặt tượng đài Đức Trần Hưng Đạo đã trùng tu xong, chuẩn bị khánh thành. Trước đó, trong một bản tin của VTV1 có nhắc đến bệ đặt lư hương :

"Quá trình tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa được giám sát chặt chẽ bởi các đơn vị quản lý nhà nước về xây dựng, văn hóa và lịch sử. Các bức phù điêu cũng được phục chế. Ghế đá, lối đi, ngay cả bệ để đặt lư hương sắp được dời về toàn bộ đều được làm bằng đá granite thay vì vật liệu bê tông trước đây".

Theo nhận định của một số người quan tâm, việc trả lại lư hương là điều phải làm. Vấn đề là cách trả như thế nào để khỏi ‘mất mặt’ với dân mà thôi. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông :

"Vấn đề đặt ra không phải là có trả lại lư hương hay không, mà là phải trả lại lư hương về ngay chỗ cũ. Vấn đề ở đây là hôm nay đã là ngày 9 tháng 3, tức chỉ còn năm ngày nữa là tưởng niệm ngày Gạc Ma mất vào tay Trung Quốc, ngày 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Suy nghĩ của lãnh đạo thành phố như thế nào ? Có muốn trả lại lư hương ngay ngày đó để tưởng niệm, tri ân các anh hùng đã ngã xuống cho đất nước hay để sau ngày 14 tháng 3, là trách nhiệm và suy nghĩ của lãnh đạo thành phố.

Riêng tôi, không phải tôi theo đuôi ý kiến chính quyền hay đối lập lại lòng tốt của bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, tôi thấy rằng đã cẩu lư hương một cách xúc phạm đến tiền nhân thì việc trả lại lư hương phải được làm một cách rất trang trọng. Đó là lời xin lỗi đối với tiền nhân, cũng là một lời xin lỗi với những tấm lòng nhân dân yêu nước luôn hướng về những người đã xả thân vì đất nước.

Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói với RFA sáng ngày 9 tháng 3 năm 2022 :

"Tôi nghĩ là họ bắt buộc phải trả lại chứ không có cách nào khác, vì chuyện họ lấy đi là một sai lầm. Nhưng thông thường, khi họ chủ trương làm chuyện đó dù từ một cá nhân trong trạng thái không suy nghĩ tới nơi tới chốn, thì vì danh dự của chính quyền đó họ không thể công khai nói họ sai. Do đó, họ phải trả lư hương lại nhưng trả như thế nào, thời gian ra sao là chuyện họ phải tính toán".

luhuong2

Đền thờ và tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo tại số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1, nơi lư hương được chuyển về. Tiền Phong

Hôm 20 tháng 9 năm 2021, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã ra kiến nghị yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trả lại lư hương Đức Thánh Trần. Bản kiến nghị nhấn mạnh ba điểm mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần làm. Thứ nhất, bước đầu chỉnh trang khuôn viên Tượng đài Đức thánh Trần tại quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng, giữ được sự tôn nghiêm vốn có. Thứ hai, trả lại lư hương dưới chân tượng đài và an vị đúng vị trí cũ. Thứ ba, Hội đồng Nhân dân cùng các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức Lễ tạ tội với Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an.

Với người dân Sài Gòn, hầu như ai cũng biết tượng Đức Trần Hưng Đạo với một tay tỳ lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông Sài Gòn với câu nói lưu trong sử sách : "Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa". Khi lư hương bị cẩu đi, nhiều bạn trẻ cũng bất bình và kỳ vọng một ngày nào đó lư hương sẽ được trả lại như nó từng nằm đó từ trước khi các bạn chào đời.

Một bạn trẻ sinh sau 1975, không muốn nêu tên, nói với RFA sáng ngày 9 tháng 3 năm 2022 :

"Em kỳ vọng nhà cầm quyền sẽ trả lại lư hương Đức Thánh Trần về lại chỗ cũ vì nó là biểu tượng vừa văn hóa, vừa tâm linh, vừa lịch sử của Sài Gòn. Khi chính quyền cẩu lư hương Đức Thánh Trần đi, nhiều tranh cãi, phẫn nộ xảy ra trên cộng đồng mạng cũng như trong dân chúng. Chuyện tâm linh không đùa được. Họ cũng thấy khi cẩu lư hương đi, lập tức bộ tứ Hải -Quân- Đua- Cang xộ khám, tức bốn cựu nhân vật chủ chốt của chính quyền thành Hồ gồm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua và Tất Thành Cang. Báo chí Nhà nước thì em không thấy có ý kiến nào, từ nào nói đến việc trả lại lư hương của Đức Thánh Trần hết. Đó được coi là vấn đề ‘nhạy cảm’ nên họ không nhắc tới".

Lý giải nguyên nhân chiếc lư hương dưới chân tượng Đức thánh Trần bị cẩu đi hôm 17 tháng 2 năm 2019, phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mà đại diện là bí thư quận ủy Trần Kim Yến, nói rằng việc di chuyển này hết sức bình thường, nằm trong kế hoạch chung chỉnh trang các địa điểm văn hóa ở quận sau Tết.

Nhiều người dân không đồng tình với cách giải thích này và cho rằng, bề ngoài là quyết định của bà Yến nhưng ai cũng biết đó là chủ trương của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu nhận định của ông :

"Vấn đề là lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ sợ nơi đây tập trung những nhóm, những người đối lập với chính quyền gọi là lợi dụng những ngày tưởng niệm trong cuộc chiến tranh đối với Trung Quốc đốt nhang để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc. Người ta cho rằng đã làm mất an ninh, trật tự vì lúc bây giờ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã hứa với Trung ương là không để xảy ra bất cứ cuộc biểu tình nào ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người ta đánh đồng việc đi đốt nhang tưởng niệm những người đã ngã xuống cho đất mẹ Việt Nam là biểu tình".

Cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình vì dự thảo không được trình Quốc hội. Lý do được Bộ Công an nêu ra là "cần phải được nghiên cứu kỹ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng".

Vấn đề chiếc lư hương có được trả về chỗ cũ một cách trân trọng như một ‘hình thức sửa sai’ hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ ; nhưng những người quan tâm đang chờ đợi một hành động cầu thị từ phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 09/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 309 times

1 comment

  • Comment Link uyenminh dimanche, 13 mars 2022 02:24 posted by uyenminh

    Chính quyền thành fố HCM, chúng lén kéo cụ đi.....Từ ngày "kéo cụ"2017-2022, Cụ đã bắt hơn 30 thằng của TP vừa vào tù, bốn thằng khác ....chết toi.Chúng đã hiểu nên phải đưa cụ về đặt tại Công trường Mê Linh từ năm 1967.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)