Putin xâm lược Ukraine : Chính phủ "nước đôi" nhưng nhận thức của người dân không thay đổi
Phạm Quý Thọ, RFA, 09/03/2022
Putin không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang hủy hoại nó và chính bản thân ông ta.
Facebook Hoa Dinh Trinh/ Nataliya Zhynkina
Trong bài phát biểu dài vào rạng sáng 24/2/2022 ông V.Putin, Tổng thống Liên bang Nga, cho rằng Thế giới phương Tây là "đế chế dối trá", không "tử tế" gì, bài học về quyền lực và ý chí của Liên Xô còn đó, nước Nga hiện đang bị đe doạ về an ninh, về "số phận của nước Nga", nước Nga có vị thế sức mạnh trên thế giới và phải được tôn trọng, và rằng, Ukraine không phải là một quốc gia, dân tộc và "tình huống ở Donbas"… khiến ông ta phải "hành động trước", và ông ta đã chuẩn bị cho điều này, từ kinh tế đến quân sự… Tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", thách thức nguyên tắc chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế, V.Putin muốn thay đổi nguyên trạng bằng sức mạnh.
Tòa nhà ở của người dân tại thành phố Kharkiv, Ukraine bị phá hủy do đạn pháo của Nga hôm 8/3/2022. AFP
Từ đó đến nay gần nửa tháng chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt. Máu của nhiều người dân vô tội vẫn đổ trên khắp đất nước xinh đẹp trong lòng Châu Âu văn minh. Ở đây các biến cố diễn ra liên tục : hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, phương tiện chiến tranh bị thiêu dụi, hàng nghìn người thương vong, thảm hoạ nhân đạo, hàng triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng, trong đó có hàng nghìn người Việt "chờ giải cứu", các cuộc pháo kích dữ dội của quân đội Nga, sự chống cự quyết liệt của Ukraine, sự thể hiện như ‘vị tổng tư lệnh’ thực thụ của Tổng thống Zelenski, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, đe doạ hạt nhân…
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi "cho hòa bình một cơ hội", yêu cầu Putin rút quân. Ngày 2/3 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phản đối cuộc xâm lược. Trừ bốn nước thân cận (Belarus, Eritrea, Triều Tiên, Syria) và Nga bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã tỏ thái độ ‘nước đôi’, tuy phát biểu rằng "các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế", nhưng đã "quá thận trọng" để coi đó là cuộc xâm lược. Đa số các quốc gia thành viên (141/193) bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết phản đối chiến tranh và yêu cầu Nga rút quân. Mỹ và phương Tây điều chỉnh chính sách, triển khai đối phó, ra các quyết định trừng phạt kinh tế "chưa từng có", các cuộc gặp nguyên thủ để đối phó với cuộc xâm lược này, các cuộc điều tra tội ác chiến tranh, tòa án công lý khởi động phán xử, các nước ‘lưỡng lự’ đã chọn phe… Cuộc chiến này đã làm thức tỉnh Liên Âu (EU) nói riêng, Mỹ và phương Tây nói chung. Họ đã xích lại gần nhau, thay đổi thái độ về nước Nga của Putin, chấp nhận những tác động giảm tăng trưởng, đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng… Thế giới đang thay đổi theo cách chính Putin gây chiến cũng không thể lường trước…
Việc Nga xâm lược Ukraine liên quan trực tiếp đến V. Putin. Xuất thân từ một sĩ quan KGB, ông ta được B. Yeltsin, cựu Tổng thống Liên bang Nga đầu tiên, đặt lên ‘bệ phóng’ kế nhiệm năm 2000. Putin được ‘ca ngợi’ là nhà lãnh đạo cứng rắn, một tính cách cá nhân độc đoán, có năng lực với quyết tâm cao và ý chí bền bỉ phục hồi vị thế đã mất khi Liên Xô sụp đổ. Putin là nhà lãnh đạo thích hợp với quyền lực tuyệt đối có nguồn gốc từ mô hình Xô Viết.
V. Putin đã thành công trong cải tổ sâu rộng nước Nga không chỉ kinh tế mà cả về quân sự. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống tám năm của ông (2000-2008) nền kinh tế Nga đã tăng trưởng liên tiếp, tăng GDP tăng 72% tính theo sức mua tương đương, sự hài lòng về cuộc sống của người dân được nâng lên ; sự gia tăng đầu tư nước ngoài, củng cố cơ sở hạ tầng… Ông được coi là ‘người dẫn dắt’ Nga đến chiến thắng trong Chiến tranh ở Chechnya và Chiến tranh Nga-Georgia. Mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu đi từ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông (2012-2018), giá dầu giảm cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt vào đầu năm 2014 sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập Crimea, GDP giảm 3,7% trong năm 2015, mặc dù có phục hồi nhẹ sau đó… V. Putin là nhà nhà ảo thuật trong ‘trò chơi quyền lực cung đình’ để duy trì vị trí tổng thống của mình ở nhiệm kỳ thứ tư (2018-2024).
Một phần tư thế kỷ nắm quyền lực tuyệt đối khiến V. Putin bị tha hóa, hủy hoại nước Nga thay vì ‘cứu rỗi’. Việc Nga xâm lược Ukraine hiện nay không chỉ như ‘giọt nước tràn ly’ quá trình tha hoá quyền lực mà còn đang gây ra thay đổi to lớn trong nhận thức về Putin. Ông ta là độc tài và, triết lý như một bài học là khi bạn đã đủ mạnh, hãy đừng nhu nhược như đã từng để đòi lại vị thế cường quyền đã mất.
Quốc tế đang làm những gì cần thiết để đối đầu với ông ta. Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản khác nhau về cuộc chiến. Họ cho rằng Putin đã sai lầm, ông ta có thể thắng trận chiến trước Ukraine ‘yếu’ về quân sự nhưng sẽ thua về chiến cuộc, không thể mang lại hòa bình. Vì ông ta mà nước Nga hiện tại trở nên "cô đơn" hơn bao giờ hết. Ông ta không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang hủy hoại nó và chính bản thân ông ta. Putin đã buộc người dân phải nhìn nhận ông đúng bản chất : một nhà lãnh đạo hiếu chiến không thể mang lại hòa bình lâu dài.
Chính phủ Việt Nam có thái độ ‘nước đôi’ nhưng nhận thức của người dân không thể không thay đổi về cuộc chiến cũng như cá nhân Putin, mặc dù sự thay đổi này có thể diễn ra từ từ bởi tâm thế, nhận thức của người dân vốn còn bị níu kéo bởi ý thức hệ và tâm lý, thói quen sùng bái lãnh tụ. Đa số người dân bình thường ‘bất ngờ’ về "cuộc chiến" giữa hai quốc gia "từng là anh em" trong Liên bang Xô Viết và, họ lo lắng về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh mà họ từng trải trong quá khứ. Các thế hệ trí thức từng có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay vẫn hoài niệm sâu nặng về đất nước, con người, văn hoá Nga nhưng phản đối chiến tranh một cách ‘thận trọng’. Một số trí thức và các nhà hoạt động dân sự đã viết thư đến sứ quán Ukraine tại Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine và phản đối chiến tranh xâm lược… Việc bàn luận về nguyên do chiến tranh liệu có còn quan trọng khi quyền chủ quyền của quốc gia được Liên Hiệp Quốc công nhận bị vi phạm và luật pháp quốc tế đã không được tôn trọng !
Quan điểm phổ biến cho rằng Putin sẽ vẫn ‘tại vị’ trước bất kỳ kết cục nào của cuộc chiến do ông ta phát động hoặc sự phản đối dữ dội thế nào từ quốc tế hay trong nước. Trong các chế độ chuyên chế – nơi quyền lực tập trung trong tay một cá nhân, thay vì được chia sẻ bởi đối trọng chính trị, đảng phái dân chủ, thì nhà lãnh đạo hiếm khi bị ‘phế truất’ vì lý do chiến tranh, thậm chí ngay cả khi họ gặp thất bại. Ngoài ra, những chế độ độc đoán như nước Nga của Putin là chúng thường có vẻ bề ngoài ổn định, nhưng người dân phải chịu đựng nỗi sợ hãi và đàn áp. Putin đã chấp nhận rủi ro lớn khi tiến hành xâm lược Ukraine, gieo rắc chết chóc và khổ đau, ông ta đang bị lên án, bị nguyền rủa.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 09/03/2022
***********************
Việt Nam chơi vơi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine
Trần Ngọc Bích, RFA, 08/03/2022
ASEAN phản ứng yếu ớt trước xung đột Ukraine
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ra lo ngại về những tác động của cuộc chiến này đối với tranh chấp ở Biển Đông. Do nỗ lực đơn phương của Nga nhằm thay đổi hiện trạng trùng hợp với các động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN lo ngại rằng nếu hành động của Nga được dung thứ, điều đó có thể sẽ có những tác động lan sang khu vực lân cận của họ.
Reuters
Ngày 26/2, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố đối với Nga - Một trong những đối tác chiến lược của khối, nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" về tình hình đang diễn ra và những hành động thù địch ở Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi quân đội Nga bắt đầu các cuộc tấn công quân sự vào các thành phố chính của Ukraine. Nga là một trong chín đối tác chiến lược của ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Tuyên bố viết : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực tối đa để theo đuổi các cuộc đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao để kiềm chế tình hình, giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (Liên Hiệp Quốc) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á" (1 ).
Tuy nhiên, tuyên bố của ASEAN về cuộc xâm lược Ukraine của Nga rất yếu ớt. Phản ứng yếu ớt đến nỗi cả hai từ "Nga" và "xâm lược" đều không xuất hiện trong các tuyên bố bằng văn bản mà chỉ có những lời kêu gọi đối thoại và thương lượng hòa bình. Đây là một điều đáng xấu hổ đối với ASEAN với tư cách là một nhóm. Tuy nhiên, để có được một văn kiện đồng thuận của cả khối, cần có được sự đồng ý của Myanmar, quốc gia đã xích lại gần Nga sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái, thì tuyên bố này cũng được coi là cố gắng của Hiệp hội này.
Những phản kháng mạnh mẽ vẫn không đủ
Các tuyên bố và lập trường riêng của các nước Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore đã lên án mạnh mẽ "bất kỳ cuộc xâm lược vô cớ nào đối với một quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào". Người phát ngôn nói thêm rằng Singapore "lo ngại nghiêm trọng" về "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở vùng Donbas, và những thông tin về các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine : "Chúng tôi nhắc lại rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng" (2 ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia lo ngại sự về sự leo thang xung đột vũ trang ở Ukraine mà gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực. Ông Faizasyah nói : "(Chúng tôi) khẳng định rằng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và lên án bất kỳ hành động nào rõ ràng vi phạm lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia" (3).
Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 2/3 đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu áp đảo, theo đó "vận dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất" phản đối "hành động gây hấn" của Nga đối với Ukraine. Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có tám thành viên bỏ phiếu tán thành nghị quyết, Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Lá phiếu của Myanmar là do Đại diện thường trực, người không đại diện cho chính quyền quân sự của nước này, bỏ phiếu.
Một điều đáng ngạc nhiên là, thay vì đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á lục địa - một khuôn mẫu phổ biến hiện nay trong ASEAN - Thái Lan và Campuchia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Việc hai nước quyết định ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc có lẽ xuất phát từ mong muốn đi đúng hướng và tránh sự chỉ trích nặng nề từ bất kỳ đối tác quan trọng nào. Việc Campuchia bỏ phiếu ủng hộ cũng cho thấy Trung Quốc đã không tìm cách "huy động" sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho Nga ở Đông Nam Á, vì Phnom Penh lâu nay luôn ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh tại các diễn đàn đa phương.
Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine ở Tokyo, Nhật Bản hôm 5/3/2022. Reuters
Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng ?
Hành động bỏ phiếu trắng của Việt Nam đã làm nổi bật hai nghịch lý. Thứ nhất, việc Nga tấn công Ukraine được cho là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi đó, Việt Nam luôn muốn làm nổi bật vấn đề "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" khi Trung Quốc có những động thái hung hăng ở Biển Đông, nhưng Việt Nam lại "làm ngơ" trước vấn đề này.
Nghịch lý thứ hai là những vũ khí hiện đại mà Việt Nam mua từ Nga lại chính là những vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc – quốc gia hiện có vẻ là "người bạn tốt nhất"của Nga. Có thể, việc Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc của hai nước này với Nga cũng như sự phụ thuộc về thiết bị quân sự vào Nga. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội : ước tính 84% thiết bị quân sự của Việt Nam đến từ Nga (Lào là 44%). Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc cung cấp và bảo trì thiết bị từ Nga, điều tối cần thiết nếu Hà Nội muốn duy trì khả năng răn đe đối với sự xâm lược của Trung Quốc.
Tuyên bố chung mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc hôm 4/2 cam kết ủng hộ nhau bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã gây bất ngờ cho nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của mình. Việt Nam hiểu rõ giới hạn của mình trong mối quan hệ tay ba Nga - Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam đang trong vị trí rất chông chênh, khi mà những vũ khí Nga bán cho Việt Nam, thì đồng thời Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, liệu các vũ khí của Nga cung cấp cho Việt Nam có phát huy hiệu quả như mong đợi ?
Việt Nam nên lo lắng
Đối với ASEAN, các chuyên gia cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể so sánh với các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi ASEAN cũng cho rằng người láng giềng khổng lồ đang nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Chuyên gia Gilang Kembara tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia nêu rõ : "Có sự lo ngại về việc nếu Mỹ bận rộn với cuộc xung đột ở Châu Âu, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống ở Châu Á bằng cách xâm lược Đài Loan hoặc tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông" (4).
Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không để cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra một cách lãng phí. Trong lúc thế giới bận tâm về việc Moskva xâm lược Ukraine, Bắc Kinh tranh thủ đẩy mạnh chiến dịch ở Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, qua đó thách thức khả năng bảo vệ chủ quyền của Hà Nội trong khu vực này (5). Cuộc tập trận gần đây nhất là từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối như thường lệ là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm là đã có giao thiệp với phía Trung Quốc nhưng không rõ là giao thiệp như thế nào, và phản ứng của Trung Quốc ra sao.
Một con bài quan trọng để nhằm đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông là Nga, nay đã có thể "vuột" khỏi tay Việt Nam vì tầm quan trọng của Trung Quốc lớn hơn. Vậy Việt Nam sẽ còn con bài gì trong tay ?
Trần Ngọc Bích
Nguồn : RFA, 08/03/2022
Tham khảo :
1. https://asean.org/asean-foreign-ministers-statement-on-the-situation-in-ukraine/
2. https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/02/20220224-Ukraine
3. https://jakartaglobe.id/news/indonesia-urges-peace-settlement-in-ukraine-crisis
**********************