Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2022

Cấm vận Nga ảnh hưởng thế nào với Việt Nam ?

Mai Lan, Hàn Lam, Thới Bình

Việt Nam có mấy ai xài thẻ Mir của Nga để mà dừng ?

Mai Lan, VNTB, 12/03/2022

Tin tức trên Đài Á Châu Tự do RFA cho hay mạng Asia Financial loan tin ngày 10/3 rằng Ngân hàng Trung ương Ukraine hôm 9/3 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng trung ương Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ ngưng mọi giao dịch với hệ thống thanh toán bằng thẻ Mir của Nga.

mir1

Ukraine yêu cầu Việt Nam tạm dừng các giao dịch thanh toán bằng thẻ Mir của Nga…

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga khuyến cáo người dân nước này sử dụng tiền mặt ở nước ngoài. Đồng thời, tổ chức này cho biết thẻ Mir có thể được sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan…

Cuối tháng 4/2021, thẻ Mir được ghi nhận hỗ trợ bởi hệ thống thanh toán Mir Pay và Samsung Pay hoạt động với điện thoại thông minh dựa trên hệ điều hành Android.

Ngày 29/10/2019, hoạt động trên thẻ "Mir" đã được thực hiện thành công với các POS (point-of-sale hay point of service, điểm thanh toán) của ngân hàng Việt Nam đầu tiên là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tin tức cho biết, ngày 29/10/2019, trong khuôn khổ chương trình Khóa họp lần thứ 22 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật, NAPAS (Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) và Trung tâm xử lý giao dịch thanh toán quốc gia của Liên bang Nga (NSPK) đã chính thức hoàn thành kết nối kỹ thuật hệ thống thanh toán thẻ nội địa và ký kết Thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Theo nội dung thỏa thuận, NAPAS và NSPK thống nhất triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên bang Nga – thẻ chip Mir tại Việt Nam.

Về kế hoạch triển khai, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) sẽ là hai ngân hàng đầu tiên trong hệ thống NAPAS tham gia cung cấp dịch vụ cho phép các chủ thẻ chip Mir có thể thực hiện thanh toán tại mạng lưới POS của Ngân hàng BIDV và rút tiền mặt tại mạng lưới ATM của Ngân hàng VRB tại Việt Nam.

Ngoài ra tại Việt Nam còn có Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.

Tính đến ngày 11/3/2022 trên trang web của BIDV không có bất kỳ thông tin gì liên quan đến giao dịch thẻ chip Mir của Nga. Trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa thấy phản hồi trước tin tức về ngừng mọi giao dịch với hệ thống thanh toán bằng thẻ Mir của Nga.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khí đốt – dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… trong thời gian tới.

Chưa kể, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá.

Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Giới chủ doanh nghiệp cho rằng hiện chưa thể dự báo chính xác diễn biến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể tìm cách "lách" hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác nếu các lệnh trừng phạt, cấm giao thương với Nga dồn dập xảy ra.

Ghi nhận tại Bình Thuận và Khánh Hòa – hai địa phương trọng điểm thu hút du khách Nga và Đông Âu, theo ông Trần Văn Bình – một nhà đầu tư du lịch ở Mũi Né có gần 30 năm sống ở Châu Âu – việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế sẽ gây khó khăn cho các hãng lữ hành Nga chuyên tổ chức đưa du khách từ Nga sang Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc.

Theo ông Bình, mỗi năm có tới 500.000 khách Nga và Ukraine đến Mũi Né (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa). Hiện nhiều tour đưa khách Nga sang Việt Nam đã bị hủy. Thiệt hại lớn nhất là các resort ở Mũi Né, Nha Trang…

"Khi đã không có khách Nga thì lấy ai xài thẻ chip Mir ? Còn ký kết làm ăn với Nga, thì kênh tài chính từ VRB sẽ đỡ rủi ro hơn nhiều. Do vậy nếu thật sự có yêu cầu trên từ phía Ukraine, tôi cho là không cần thiết" – một doanh nhân ý kiến.

Mai Lan

*************************

Đồng rúp mất giá, Việt Nam hưởng lợi ?

Hàn Lam, VNTB, 11/02/2022

Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Nga đã tăng nhanh trong nhiều tháng qua và đạt mức cao nhất trong sáu năm vào tháng 2/2022. Tỉ lệ lạm phát hằng năm 9,15% do Rosstat ghi nhận ở Nga vào tháng trước đánh dấu lần đầu tiên tỉ lệ này vượt quá 9% kể từ tháng 1/2016. Trong khi đó, giá lương thực tăng gần 11,5%.

mir2

Đồng rúp của Nga đã mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nga đắt đỏ hơn.

Tỉ lệ lạm phát nói trên cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Dữ liệu này chưa tính tới ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ảnh hưởng dễ thấy nhất từ thời sự ở trên trong chuyện đồng rúp (ruble) mất giá là hàng hóa nhập về từ Việt Nam được tính giá bằng USD, trong khi bán ở Nga thì chỉ thu được rúp, mà người tiêu dùng Nga đang phải thắt lưng buộc bụng, khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở thành xa xỉ, nên đương nhiên không thể nhập được nhiều hàng từ Việt Nam sang nữa.

Về mặt nhập khẩu, khi đồng rúp mất giá thì hàng hóa xuất khẩu của Nga ra thế giới nói chung và vào thị trường Việt Nam nói riêng trở nên rẻ một cách bất ngờ, "chấp" tất cả các loại hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch mà Việt Nam đã dựng lên với hàng hóa của Nga.

Tuy nhiên nan đề ở đây là các hợp đồng ngoại thương sẽ khả năng ách tắc ở khâu thanh toán khi mà đang có 7 ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Thật ra thì nan đề với nền kinh tế Việt Nam lúc này là chuyện sẽ rất chật vật trong tiếp tục giao thương cả hai chiều với Nga, bởi ở đây còn có một lý do nữa là việc nhiều hãng tàu biển lớn như Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express… thông báo việc ngừng hoặc ý định ngừng khai thác tuyến đường với Nga. Với động thái này, hàng hóa nhập và xuất khẩu vào Nga sẽ bị nghẽn nghiêm trọng, từ đó làm đình trệ cỗ máy kinh tế.

Ghi nhận hiện tại thì những cú đòn liên tiếp đánh vào chuỗi cung ứng đã khiến cho thị trường hàng hóa tiêu dùng của Nga rúng động. Tại các chợ lớn, tiểu thương kinh doanh hoàng hóa nhập khẩu hoặc liên đới nhiều đến nhập khẩu ngập ngừng không dám bán hàng.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, ông Lê Trường Sơn cho rằng trước mắt cần tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ông cũng cho biết các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, vì thế hoạt động logistics sẽ bị gián đoạn, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vật tư để sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận định tình hình tại Nga hiện nay sẽ rất khó khăn và lâu dài. Ông đánh giá trong tình hình này, người Việt Nam tại Nga cần hết sức bình tĩnh, để có những phương cách ứng xử phù hợp nhất, khi mà tình hình sở tại chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài.

Ý kiến lạc quan hơn cho rằng Việt Nam đã học được bài học là không để mình bị lệ thuộc vào một nguồn. Thời gian qua, Việt Nam đã đa dạng hóa, đã phát triển quan hệ thương mại với nhiều nước. Nền kinh tế hiện nay, với các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân đã trưởng thành về nhiều mặt, nên dù có tác động tiêu cực đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn có thể chống chọi được.

"Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận thì các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới. Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và thứ 4 vào khu vực này trong 11 tháng năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng.

EU cũng là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ. Do đó, những doanh nghiệp thép của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ diễn biến này" – nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.

Trên Sàn giao dịch Moskva, đồng rúp có thời điểm giao dịch ở mức 120,83 rúp đổi 1 USD, trước khi đóng cửa ở mức 120 rúp đổi 1 USD. Vấn đề khác là sự mất giá "ăn theo" của nhiều đồng tiền của những quốc gia lân bang chí cốt và/ hoặc có liên minh, có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia, và Belarus.

Đang có hy vọng là với căng thẳng địa chính trị tại Nga sẽ gián tiếp giúp thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam, do nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt.

Hàn Lam

************************

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ lệnh Mỹ cấm vận Nga

Thới Bình, VNTB, 10/03/2022

Tập đoàn Power Machines (PM – Nga) đã thông báo dừng hợp đồng với lý do "bất khả kháng" đưa ra là bị Mỹ cấm vận.

mir3

Công ty PM dừng hợp đồng với Việt Nam do cấm vận

Lãnh đạo Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (huyện Long Phú, Sóc Trăng) xác nhận với báo chí, đơn vị này đang tìm cách tháo gỡ khó khăn liên quan việc xin rút khỏi dự án của Tập đoàn Power Machines (PM – Nga), thành viên đứng đầu liên doanh tổng thầu PM và Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC, thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, PVN).

Nói cho đúng hơn thì lệnh cấm vận này liên quan đến bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm của Ukraine trước đó.

Bế tắc vì đối tác Nga bị cấm vận

Hồ sơ vụ việc cho biết, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW, do liên danh PM – PTCS là tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng 1,2 tỉ USD. Theo hợp đồng được ký cuối năm 2014, đến tháng 10/2018, tổ máy 1 của nhà máy sẽ vận hành thương mại và tổ máy 2 vận hành thương mại vào tháng 2/2019.

Tuy nhiên, vào ngày 26/1/2018, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với PM vì ​​cung cp thiết b ca Đức cho Crimea, bán đảo này ca Ukraine b Nga dùng vũ lc để chiếm đóng vào năm 2014.

Sau khi bị cấm vận, tháng 2/2019, PM đã thông báo dừng hợp đồng với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 vì lý do "bất khả kháng". Tháng 9/2019, phía PM có thư thông báo khởi kiện chủ đầu tư và thành viên liên danh PTSC lên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore.

Các khiếu kiện chính của PM bao gồm : PM coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng ; PM khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho PM ; PM cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của PM.

Đồng thời, PM vẫn đề xuất đàm phán hòa giải để rút khỏi dự án mà không bị lỗ (zero losses), với điều kiện phía Việt Nam phải bồi hoàn tất cả các chi phí mà họ đã chi, dự kiến chi không thuộc hợp đồng…

Tháng 9/2019, phía PVN đã trả lời tòa, trong đó cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ không phải là sự kiện bất khả kháng.

Theo đại diện ban quản lý dự án, khi đàm phán vẫn tiếp tục thì chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, kéo theo Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT nên việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng gặp ách tắc. Trong trường hợp hai bên thống nhất được chi phí bồi hoàn cho PM thì cũng không thể thanh toán được cho PM.

Sau khi PM bị cấm vận, các giao dịch với PM để thực hiện hợp đồng EPC gặp nhiều khó khăn và mọi việc bị "đóng băng" khi hoàn thành được 77,56% khối lượng.

Liên quan cấm vận này trong ngành năng lượng, ghi nhận tính đến lúc này còn có dự án điện khí Quảng Trị (340MW) do Gazprom (Nga) tham gia đầu tư và dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) kết hợp đầu tư giữa liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ).

Những gút mắc

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thái Sơn – cựu Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển Điện lực, hiện tại dự án này có những khó khăn, vướng mắc như sau :

Một là thẩm định, phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án. PVN đã có Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25-9/2018 trình Bộ Công Thương thẩm định Hồ sơ Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Bộ Công Thương có Công văn số 598/BCT – ĐL ngày 8/7/2019 yêu cầu PVN rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án trên cơ sở phương án lựa chọn để xử lý hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) với Nhà thầu PM được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổ công tác Chính phủ đã đánh giá dự án không thuộc diện được điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, do đó, việc điều chỉnh dự án để điều chỉnh Tổng mức đầu tư không thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Hai là về đề xuất của PM để tiếp tục thực hiện Hợp đồng EPC như ghi nhận trong chuyến công tác tại Liên bang Nga (từ 27/11/2021 đến 2/12/2021), khi ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc PVN làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Power Machines (PM) về dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

Sau thời gian dài đàm phán, PVN đánh giá các phương án do PM đề xuất đến thời điểm hiện tại được đánh giá là không có tính khả thi, vì : Thứ nhất, chi phí phát sinh cao, không tuân thủ các quy định của hợp đồng EPC đã ký, không tuân thủ các quy định Pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Thứ hai, không đảm bảo giải quyết được triệt để các khó khăn do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ (như phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, khả năng các bên liên quan sẽ bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp/thứ cấp…).

Thứ ba, không có giải pháp để thu xếp đủ vốn cho dự án. Thứ tư, dựa trên các thông tin về Công ty TKZ do nhà thầu PM cung cấp, TKZ có thể được đánh giá là không đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính đáp ứng các tiêu chí tổng thầu để thực hiện theo các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu EPC của dự án Nhiệt điện Long phú 1.

Cần dứt khoát với đối tác Nga

Nhận xét, đánh giá về dự án, ông Nguyễn Thái Sơn đưa ra các ý kiến cụ thể như sau :

Trước hết, hiệu quả đầu tư của dự án cho biết PVN đã giao Vin Du khí Vit Nam phân tích mô hình tài chính, đánh giá hiu qu kinh tế, tài chính d án vi tng mc đầu tư d kiến điu chnh được trình Bộ Công thương tại Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25-9/2018, các phương án và giá chào của PM như trên.

Kết quả phân tích mô hình tài chính của Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định với các giá trị phát sinh do Nhà thầu PM yêu cầu từ 600 – 686 triệu USD thì dự án không còn hiệu quả kinh tế – tài chính.

Mặt khác, giấy phép đầu tư của dự án đã hết hạn từ tháng 2/2019, vì vậy dự án sẽ không tiếp tục được áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh Sóc Trăng. Để gia hạn giấy chứng nhận đầu tư thì cần cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tiến độ hoàn thành của dự án, trong khi ở thời điểm hiện tại thì không đủ cơ sở để xác định tiến độ khả thi để hoàn thành dự án.

Nan đề tiếp theo, PM đang đẩy ảnh hưởng của vụ việc vượt quá phạm vi mâu thuẫn kinh tế đơn thuần, có tác động nhất định tới lĩnh vực quan hệ khác.

Các phương án PM đề xuất để hai bên có thể tiếp tục, hoặc đồng thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng đều vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, đặc biệt là về việc tăng giá hợp đồng, miễn trừ trách nhiệm thu xếp vốn và giảm phạm vi công việc của PM. Vì vậy, dự án đang đi vào bế tắc, không xác định được phương hướng.

"Hiện tại, việc giải quyết vướng mắc của dự án đòi hỏi quyết sách tổng thể và kịp thời của Chính phủ để có phương án giải quyết dứt điểm, vì càng để lâu càng hỏng thiết bị, khó khắc phục và càng mất hiệu quả dự án. Đặc biệt, sẽ càng chậm tiến độ, thiếu nguồn cấp điện cho nền kinh tế.

Một trong những việc PVN có thể thực hiện là huy động các nguồn lực để bảo trì, giảm mức hư hỏng những thiết bị đã được lắp đặt đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy vậy, nội dung này cũng rất khó khăn, nhiều rủi ro cho PVN khi không xác định được nguồn chi phí cho hạng mục của dự án" – ông Nguyễn Thái Sơn lưu ý.

Bên lề vụ việc nói trên, liên quan dự án, tin tức cho biết PVN vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết kế mua sắm vật tư, thiết bị, vận chuyển giám sát lắp đặt, chạy thử hạng mục cửa nhận nước – giai đoạn 1 thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.

Gói thầu có giá 53,017 tỷ đồng, dự kiến được đấu thầu rộng rãi quốc tế vào quý I/2022 (phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ ; thời gian thực hiện hợp đồng 225 ngày, thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng).

Thới Bình

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Hàn Lam, Thới Bình
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)