Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/03/2022

Putin để lộ bộ mặt độc đoán

Hồng Dân, VNTB, Ngọc Lan

‘Quân ăn cướp’

Hồng Dân, VNTB, 12/03/2022

Nga lên kế hoạch tịch thu tài sản của những công ty phương Tây rút khỏi nước này nhằm đối phó với lệnh cấm vận của các nước và ngăn chặn làn sóng di dời của các doanh nghiệp quốc tế vì Ukraine.

ancuop1

Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi Nga và có thể bị tịch thu tài sản.

 Dĩ nhiên phương thức cho chuyện tịch thu đó vẫn đang là bàn bạc có ‘đánh tiếng’ trước của nhà cầm quyền liên bang Nga.

Quốc hữu hóa các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài ngừng hoạt động

Báo chí Việt Nam đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên nội các hôm 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin có thể tìm ra những cách khả thi về mặt pháp lý để kiểm soát những công ty nước ngoài và "chuyển cho những ai thật sự muốn làm việc".

Còn Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thì cho biết trong khi đa số doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động, chính phủ đang theo dõi sát tình hình và thực thi các bước phù hợp.

"Nếu chủ sở hữu nước ngoài đóng cửa công ty bất hợp lý, thì trong những trường hợp như vậy, chính phủ sẽ đề xuất quản lý từ bên ngoài vào. Tùy thuộc vào quyết định của chủ sở hữu, điều đó sẽ quyết định số phận tương lai của doanh nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là duy trì hoạt động của các tổ chức cũng như việc làm. Hầu hết doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động trong khi vẫn duy trì việc làm và tiền lương. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình này", ông Mishustin nói.

Tin tức cũng cho biết tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi nước này và có thể bị tịch thu tài sản.

Hàng chục công ty Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản thuộc hầu hết các lĩnh vực đã tạm dừng các dự án liên doanh, đóng cửa nhà máy, cửa hàng và văn phòng trong 2 tuần qua để phản đối cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine", và áp dụng các lệnh trừng phạt.

Tin tức cho hay là nhiều tập đoàn và các nhãn hàng cao cấp phương Tây đã phản ứng bằng cách rút khỏi thị trường Nga hoặc tạm ngừng hoạt động, trong đó có Starbucks và McDonald’s.

Tập đoàn dầu khí Shell công bố kế hoạch rút khỏi hoạt động khai thác và sản xuất dầu, khí đốt của Nga. Còn tập đoàn BP cho hay sẽ rút cổ phần khỏi các dự án lớn ở Nga, trong khi Unilever thông báo ngừng xuất – nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

120 tỷ USD cho Nga nợ coi như bị ‘xù’

Ngân hàng Goldman Sachs ngày 10/3 thông báo sẽ đóng cửa hoạt động tại Nga và các ngân hàng khác được dự đoán sẽ hành động tương tự. Goldman Sachs (GS) cho biết đã cho Nga vay 650 triệu USD vào tháng 12/2021.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng quốc tế cho Nga vay trên 121 tỷ USD. ( Nga đã bị đình thành viên của BIS ngày 10/3). Các ngân hàng Châu Âu cho Nga vay trên 84 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Pháp, Italy và Áo có số nợ cao nhất, và Nga nợ các ngân hàng Mỹ 14,7 tỷ USD.

Các ngân hàng khác có thể sẽ sớm rời khỏi Nga như Goldman Sachs.

Ngân hàng Pháp Societe Generale (SCGLF) tuần trước cho biết đang "nghiêm túc tuân thủ tất cả luật, quy định hiện hành, và đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi chúng được công bố".

Societe Generale cho biết có gần 21 tỷ USD liên quan đến Nga tính tới cuối năm ngoái.

Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cho biết hôm 9/3 rằng tài sản của BNP ở Nga và Ukraine tổng cộng là 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).

Ngân hàng UniCredit của Italy hoạt động tại Nga từ năm 1989, cho biết hồi tuần trước rằng chi nhánh tại Nga có nguồn vốn và thanh khoản tốt, và các tài khoản nhượng quyền chỉ chiếm 3% doanh thu. Tổng tài sản của UniCredit ở Nga là vào khoảng 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD).

Credit Suisse của Thụy Sĩ hôm 10/3 thông báo họ cho Nga vay 1 tỷ franc Thụy Sĩ (1,1 tỷ USD). Ngân hàng Deutsche Bank thì cho biết trong một tuyên bố hôm 9/3 rằng đã "hạn chế" giao dịch với Nga, với tổng mức cho vay là 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD). Deutsche Bank khẳng định đã giảm đáng kể giao thương với Nga kể từ năm 2014.

Khi luật Dima Yakovlev được tu chỉnh

Căn cứ pháp lý cho chuyện "ăn cướp" ở trên, đó là vào ngày 4/3/2022, trong phiên họp toàn thể, các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua đạo luật mở rộng các biện pháp trừng phạt của "luật Dima Yakovlev" đối với tất cả những người nước ngoài vi phạm quyền của người Nga.

Các biện pháp trừng phạt gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga, tịch thu tài sản tài chính ở Nga, cấm giao dịch tài sản và đầu tư, cũng như đình chỉ hoạt động của các công ty do người nước ngoài bị trừng phạt kiểm soát.

Tên không chính thức của luật này là để vinh danh cậu bé 21 tháng tuổi Dima, vào năm 2008 đã bị cha nuôi người Mỹ để cho ngồi một mình trong xe đóng kín cửa ngoài nắng. Cậu bé bị tử vong, tòa án Mỹ tuyên trắng án hoc ha mẹ nuôi.

Ngoài việc không cho phép nhận con nuôi ở Nga, luật còn cung cấp khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những người Mỹ có hành vi phạm tội chống lại người Nga, tuyên án bất công hoặc xâm phạm quyền của công dân Nga.

Hồng Dân

**********************

Nước Nga : 15 năm tù nếu phán tán thông tin sai lệch về chiến tranh

VNTB, 09/03/2022

"Mọi sai lệch so với tường thuật chính thức về cuộc chiến này giờ đây đều có thể bị phạt tù", Mikhail Fishman, một nhà báo và nhà bình luận độc lập vừa rời Nga, nói với BBC.

ancuop2

"Bị ngồi tù 15 năm vì chỉ làm công việc của mình. Đó là sự kết thúc của nền dân chủ ở Nga. Đã mất tự do".

"Tất cả những người tôi biết trong báo chí độc lập của Nga đều đã rời khỏi Nga hoặc đang cố gắng hết sức để làm như vậy ngay bây giờ". Tờ Novaya Gazeta cho biết trong một tweet hôm thứ Sáu (bằng tiếng Nga) rằng họ đang xóa tài liệu về chiến tranh, vì sợ các nhà báo và công dân khác đã phổ biến thông tin khác với thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga sẽ bị truy tố .

Theo  BBC News, thì hãng tin Anh Quốc này đang tạm thời cho các nhà báo tại Nga tạm ngưng làm việc vì luật mới đe dọa bỏ tù bất kỳ ai bị cho là đã tung tin "giả" về các lực lượng vũ trang. Tổng giám đốc BBC Tim Davie cho biết luật này "dường như hình sự hóa quá trình hoạt động báo chí độc lập".

Theo hai ký giả Siobhan Toman và Sophie Williams của BBC thì Điện Kremlin phản đối gọi cuộc xung đột là chiến tranh, thay vào đó phải gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt". Cụm từ này cho đến nay vẫn được báo chí Việt Nam dùng để đưa tin theo đúng cách mà Điện Kremlin mong muốn.

Hiện tại thì việc truy cập vào các trang web của BBC đã bị hạn chế ở Nga. Các hãng tin Deutsche Welle, Meduza và Radio Liberty cũng bị hạn chế dịch vụ, hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga cho biết.

Đài truyền hình của Canada và Bloomberg News cho biết cũng đã tạm thời ngừng đưa tin từ Nga và kênh tin tức CNN cho biết họ sẽ ngừng phát sóng ở nước này.

Trả lời về đạo luật vừa được các nhà chức trách Nga thông qua, Tổng giám đốc BBC Tim Davie cho biết : "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ công việc của tất cả các nhà báo BBC News và nhân viên hỗ trợ tại Liên bang Nga trong khi chúng tôi đánh giá toàn bộ tác động của đạo luật.

Tuy nhiên dịch vụ BBC News bằng tiếng Nga của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động từ bên ngoài nước Nga. Sự an toàn của các nhân viên của chúng tôi là điều tối quan trọng và họ có thể có nguy cơ bị truy tố hình sự chỉ vì đã làm đúng công việc. Tôi muốn tri ân tất cả vì lòng dũng cảm, sự quyết tâm và tính chuyên nghiệp của họ.

Chúng tôi vẫn cam kết cung cấp thông tin chính xác, độc lập cho khán giả trên khắp thế giới, bao gồm hàng triệu người Nga sử dụng dịch vụ tin tức của chúng tôi. Các nhà báo của chúng tôi ở Ukraine và trên toàn thế giới sẽ tiếp tục đưa tin về cuộc xâm lược Ukraine".

Một trong những hãng tin tức độc lập cuối cùng của Nga, TV Rain, cũng đã ngừng phát sóng sau khi chịu áp lực về việc đưa tin về cuộc xâm lược. Kênh này kết thúc buổi phát sóng cuối cùng với hình ản nhân viên tản bộ.

Theo BBC News thì TV Rain đã bị cơ quan quản lý viễn thông của Nga đã cáo buộc "kích động chủ nghĩa cực đoan, lạm dụng công dân Nga, gây mất trật tự an toàn và bình tĩnh công cộng và khuyến khích các cuộc biểu tình".

Tổng biên tập của TV Rain, Tikhon Dzyadko, đã rời Nga nói rằng đó là do lo ngại cho sự an toàn của ch1nh bản thân ông.

"Vấn đề chính là chúng tôi đã đưa tin khách quan về Ukraine, là các nhà báo chuyên nghiệp và đưa tin từ các phía khác nhau. Chúng tôi đã có các nhà báo trực tiếp đưa tin về tình hình Ukraine", Ekaterina Kotrik, người dẫn chương trình TV Rain và từng là trưởng ban tin tức, nói với BBC.

Hiện tại thì Ekaterina Kotrik đành chọn việc phải rời Nga do luật mới có thể khiến những người cố tình phát tán những thông tin "giả mạo" mà Điện Kremlin quy định về các lực lượng vũ trang của Nga có thể bị án tù lên đến 15 năm.

Bà Kotrik nói : "Bị ngồi tù 15 năm vì chỉ làm công việc của mình. Đó là sự kết thúc của nền dân chủ ở Nga. Mọi tự do đều bị mất".

Cùng chung số phận, đài phát thanh Echo of Moscow đã bị đóng cửa hoàn toàn và và trang web của họ cũng bị vô hiệu hóa.

**********************

Có phải Putin chỉ tin vào Chúa Ki-tô mà thôi ?

Ngọc Lan, VNTB, 09/03/2022

Moscow không cử đại diện tham dự phiên điều trần ngày 7/3/2022 của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về vấn đề Ukraine.

ancuop3

Đầu năm 2020, Putin yêu cầu Hiến pháp của liên bang Nga bổ sung một nội dung nêu rõ người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời".

 Dù Moscow không cử đại diện, phiên điều trần vẫn diễn ra theo quy định của ICJ. Các phiên điều trần bắt đầu lúc 10g (giờ Hà Lan, tức 16g giờ Hà Nội). Ukraine được quyền trình bày trước. Theo lịch trình, nếu Nga cử đại diện, họ sẽ được trả lời vào ngày 8/3.

ICJ là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho Liên Hợp Quốc. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.

Trước đó, Ukraine đã đâm đơn kiện lên ICJ với cáo buộc Nga áp dụng luật diệt chủng không đúng sự thật để lấy cớ tấn công nước này.

Ai mới là kẻ bắt nạt ?

Trong bài phát biểu gửi đến người dân Nga, Tổng thống Vladimir Putin coi "bảo vệ những người bị bắt nạt và diệt chủng" là một trong những mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine. Về phần mình, Kyiv bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" này, lực lượng Nga còn tiến hành pháo kích vào các khu dân cư của các thành phố và làng mạc ở Ukraine, khiến nhiều tòa nhà dân cư bị phá hủy và nhiều thường dân thương vong.

Moscow đã vấp phải sự lên án từ cộng đồng quốc tế, với nhiều nước tiến hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga

Ban điều hành của Hiệp hội Quốc tế Học giả về Tội ác diệt chủng tuyên bố ông Putin đã dùng sai thuật ngữ này. "Hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy có nạn diệt chủng đang diễn ra ở Ukraine", bà Melanie O’Brien, Chủ tịch hiệp hội, nói với Reuters.

Còn theo giáo sư luật quốc tế Daniel-Erasmus Khan, thì mọi tranh chấp giữa các nước đều có thể được giải quyết, kể cả tranh chấp về lãnh thổ. Nhưng chỉ theo con đường hòa bình, tức là thông qua đàm phán.

Do đó, việc thay đổi hiện trạng lãnh thổ là không thể thực hiện được, nếu không có sự đồng ý của Ukraine. Quyền tự quyết của các dân tộc chỉ có thể là một lý lẽ để đòi ly khai trong trường hợp cực đoan nhất, ví dụ trong trường hợp xảy ra diệt chủng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, đây là một lập luận sai trái, trắng trợn nhất.

Một tín đồ thuần thành sao lại tàn ác đến vậy ?

Có ý kiến cho rằng phải chăng Vladimir Putin chỉ tin vào mỗi Chúa Kitô mà thôi ? Sở dĩ nói vậy vì người ta thấy Tổng thống Putin tham gia nghi lễ cầu nguyện và gửi lời chúc Giáng sinh tới các tín đồ Chính thống giáo và toàn thể người dân Nga rất mực thuần thành.

Theo truyền thống của Chính Thống giáo, các nghi lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Kitô bắt đầu vào rạng sáng 6-1. Buổi tối là thời gian cầu nguyện và cử hành thánh lễ long trọng. Khi kết thúc, các tín đồ sẽ thắp nến giữa nhà thờ để tượng trưng cho Ngôi sao Bê-lem, hay Ngôi sao Giáng sinh. Cuối cùng, họ được phép ăn món ăn truyền thống được chế biến theo kiểu cháo ngọt từ ngũ cốc trộn nước nước ép hạt và mật ong.

Lễ Giáng sinh của Chính Thống giáo cử hành nghi lễ 1 tiếng trước đêm. Sau đó là Mười hai ngày Giáng sinh, còn gọi là Twelve Tide, mùa lễ hội Kitô giáo kỷ niệm Chúa giáng sinh, dự kiến kéo dài đến 17-1.

Khi ấy báo chí Nga tường thuật, Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia nghi lễ cầu nguyện tại nhà thờ ở St. Petersburg đêm 6-1. Tổng thống và các chính khách Nga thường xuyên tham gia các buổi lễ chính thức tại nhà thờ Chính Thống giáo. Buổi lễ được cử hành bởi cha xứ Nikolai Bryndin.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng phu nhân, bà Svetlana, tham gia lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa Chúa Cứu Thế ở Moscow. Ông Medvedev có truyền thống đón Giáng sinh tại đây.

Nga là quốc gia có số người theo Chính Thống giáo nhiều nhất thế giới, với 39% tổng số tín đồ. Tôn giáo là một trong các yếu tố khiến Nga khác biệt với các nước phương Tây vốn chủ yếu theo các nhánh Tin lành và Thiên Chúa giáo của Giáo hội Công giáo Roma.

Chính Thống giáo đến nay vẫn sử dụng lịch Julian, lịch của người La Mã đã được sử dụng từ năm 45 trước công nguyên. Lịch Julian chậm hơn Dương lịch 14 ngày, vì vậy, Giáng sinh của Chính Thống giáo diễn ra vào ngày 7-1 Dương lịch, thay vì ngày 25-12.

Đầu năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Hiến pháp của liên bang Nga bổ sung một nội dung nêu rõ người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời".

Trước đó, năm 2005, Vladimir Putin hủy bỏ ngày kỷ niệm "Cách mạng tháng 10" và thay vào đó, tuyên bố ngày 4 tháng 11 làm Ngày Đoàn kết Quốc gia.

Vậy đó, với một người thuần thành Chính Thống giáo đến như vậy nên thật khó hiểu khi Vladimir Putin xua quân Nga sang xâm chiếm Ukraine, và khi được yêu cầu điều trần trước Tòa Công lý quốc tế về hành vi này thì Vladimir Putin lại từ chối.

Xin Chúa sai khiến Putin ngừng chiến tranh

Chính những khó hiểu ở trên nên mới đây trong thư đề ngày 2/3/2022, Đức tổng giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan, đề nghị Đức Thượng phụ Kirill của Moscow và Toàn Nga, lãnh đạo Chính Thống Nga, yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin ngừng chiến tranh ở Ukraine.

Đức Thượng phụ Kirill, người được cho là thân cận với tổng thống Putin, đã lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga từ năm 2009. Hôm 27/2/2022, bình luận về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Đức Thượng phụ cầu xin Chúa bảo vệ những dân tộc là một phần của không gian thống nhất của Giáo hội Chính Thống Nga khỏi sự xung đột giữa các bên.

Ông Putin sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.

Xem ra ông bà mình hãy nhắc nhở coi chừng kẻ "miệng nam mô, bụng bồ dao găm" quả tình không sai.

Ngọc Lan

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Dân, VNTB, Ngọc Lan
Read 418 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)