Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/03/2022

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin phải chăng là ván cờ tàn ?

Lê Học Lãnh Vân

Rốt lại, cuộc xâm lăng Ukraine do Putin phát động đã điểm thêm những nét vẽ đầy ấn tượng hoàn tất bức tranh chân dung của ông.

banco0

Những kỹ năng của nghề xuất thân KGB được ông dùng không phải để phát triển nước Nga hay bảo vệ một giá trị cao quý của nhân loại văn minh, trái lại chỉ để thỏa mãn tham vọng thống trị cá nhân. Tham vọng thống trị nước Nga trọn đời khiến ông để tâm vào suy tính hoán đổi vai trò Tổng thống và Thủ tướng, rồi thay đổi Hiến pháp. Cuộc xâm lăng Ukraine cho thấy để đạt tham vọng thống trị đó, ông sẵn sàng đánh đổi bằng kết quả thảm khốc cho người dân Ukraine và bằng chính hòa bình và cơ hội phát triển của một trăm bốn chục triệu công dân Nga ! Bức chân dung đó cho thấy tầm vóc chỉ tới đó của vị tổng thống !

Những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi thường tự hỏi một nước Nga thời Sa hoàng, cho dù nền quản trị được xem không hữu hiệu lắm so với Tây Âu, vẫn là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật quan trọng với GDP từng đạt một phần sáu tổng GDP thế giới, với các nhà văn hoá, nhà khoa học lừng danh như Tolstoy, Dostoievski, Chekop, Pavlov, Mendeleev, Lomonosov… tại sao một nước Nga như thế mà vào thập niên 1980 lại ở vị trí sa sút tới vậy !

Nói sa sút là nói từ góc nhìn các giá trị của nền văn minh. Nước Nga Xô, nước lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất trong Liên Xô, những năm đầu thập niên 1980 vẫn là một trong hai siêu cường, sản xuất vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới, nhưng những giá trị Nga Xô theo đuổi lại ngược chiều so với các quốc gia văn minh đương thời.

Nước Nga đó nằm trong bốn đại cường đánh bại Đức Quốc xã, nhưng cách hành xử của nước Nga khác ba nước còn lại là Mỹ, Anh, Pháp. Trong khi chính quyền các quốc gia kia chống Đức Quốc xã một cách minh bạch, cương quyết, kiên trì như chống lại thế lực độc tài, xảo trá, tàn bạo của loài người, thì nước Nga Xô (lãnh đạo bởi Stalin) lại mắt trước mắt sau bắt tay riêng với Đức Quốc xã cùng tấn công phản bội vào quốc gia cùng chịu nguy cơ Đức Quốc xã như mình. Thí dụ về trường hợp Ba Lan đầu thế chiến 2 bị chia đôi bởi cú bắt tay dưới bàn giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, và giới tinh hoa của Ba Lan bị Liên Xô tàn sát trong vụ án Katyn được giấu kín bưng cho thấy mức độ xảo trá, lật lọng đáng sợ như thế nào. Sau thế chiến, tất cả các sự thật đều bị bôi xoá, người dân Liên Xô không biết những gì cha anh họ đã làm cho tới gần đây !

Những việc làm ma mãnh, gian trá cùng với một nền chuyên chính khắc nghiệt góp phần đưa tới hai hệ quả : Nga Xô lãnh đạo Liên Xô thành một trong hai siêu cường thế giới, nhưng Nga Xô cũng ngày càng rời xa các giá trị văn minh. Hệ quả thứ nhất nhanh chóng và dễ thấy, hệ quả thứ hai tới lâu hơn nhưng cũng dễ thấy không kém. Thời đại dân chủ tự do, Nga Xô lại độc tài. Thời đại xã hội dân sự, Nga Xô lại nhà nước toàn trị. Thời đại tự do ngôn luận, Nga Xô lại giam mình sau bức tường sắt. Thời đại các quốc gia giao thương bình đẳng phụng sự niềm vui sống con người và phát triển nhân loại, Nga Xô lại xây dựng hệ thống cộng sản với quan hệ kiểu minh chủ – chư hầu, uy hiếp quốc gia đàn em. Sự kiện Nga tấn công đàn áp Hung năm 1956 và tấn công đàn áp Tiệp Khắc năm 1968 là những thí dụ quá ngược chiều văn minh.

Hệ quả thứ nhất coi rầm rộ nhưng không quan trọng bằng hệ quả thứ hai. Chính giá trị đạo đức, tri thức, ý chí cộng đồng mới là nhân tố chánh hướng con người tới văn minh, còn vật chất, vũ khí chỉ là phương tiện.

Hậu quả nhãn tiền. Năm 1990-1991 hệ thống cộng sản sụp đổ tại các nước Đông Âu và tại Liên Xô. Các quốc gia thuộc Liên Xô trong đó có nước Nga, Ukraine, Belarus chấp nhận tách rời thành các quốc gia độc lập, cũng như các quốc gia Đông Âu khác. Trong khi Ba Lan, Séc, Slovakia, Hung, Rumani… phát triển giàu có với thể chế dân chủ, Ukraine vẫn còn lận đận…

Tổng thống Putin ngày nay là người hâm mộ Peter Đại đế và có tham vọng tái lập đế chế Nga – Sa hoàng vĩ đại. Các hoạt động của ông nhằm chiếm đất và lấn áp Ukraine được tiến hành gần như công khai. Ở thời thế giới phẳng mà biện pháp và tinh thần triển khai không khác gì thời của nước Nga – Stalin : đem quân xâm lấn trấn áp bất chấp luật pháp và ứng xử chuẩn mực giữa các quốc gia. Khi làm bậy, người ta cũng phải tìm một lý do coi được, nhưng những gì ông Putin trưng ra bị đại đa số quốc gia phản đối. Trong mối tương quan lực lượng hiện nay giữa Nga và Ukraine, bên nào là mối đe doạ bên nào, bên nào đã thực sự tiến đánh bên nào, mọi việc đã rõ lồ lộ… Nói Ukraine đe doạ Nga cũng hão huyền như nói Việt Nam dùng hạm đội đổ bộ đảo Hải Nam ! Nói Ukraine đủ điều kiện gia nhập NATO trong thời gian gần cũng hão huyền như thế, điều này ông Putin biết và NATO cũng biết !

Chênh lệch tương quan lực lượng Nga – Ukraine hiện nay lớn tới nổi ông Putin tin rằng mình có thể dễ dàng chiếm đóng nước Ukraine với cơ sở hạ tầng vật chất và nhân lực kỹ thuật cơ khí cao và lành nghề, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng thèm muốn. Tin rằng Nga quá đủ sức muốn làm gì thì làm, ông Putin nêu lên những cái cớ không cần cơ sở. Với sự quá đáng này, ông Putin đã tự điểm nhãn bức chân dung của mình rất sắc nét !

Mỹ và Châu Âu không vội vã nhảy vào cuộc chiến đối đầu với kẻ hung hãn bất chấp lý lẽ, nhưng chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đoàn kết trong ý chí cô lập và cấm vận Nga – Putin như lúc này. Cả những quốc gia muốn mềm dẻo với Nga như Đức, Nhật cũng không chịu được nữa sự quá đáng của ông Putin.

Nhật tuyên bố rằng nếu lúc này Nhật không đồng ý cùng Mỹ, Châu Âu trừng phạt Nga thì khi Đài Loan bị tấn công, Nhật khó yêu cầu Mỹ, Châu Âu hỗ trợ.

Sự đoàn kết của các nước cho thấy, với họ, trừng phạt nước Nga-Putin là trừng phạt một chính quyền độc tài, hiếu chiến, ngang ngược chứ không phải trừng phạt người Nga. Hơn nữa, họ tin rằng người Nga, một dân tộc có văn hóa cao, văn minh, cũng không ủng hộ một chính quyền tàn ác như vậy. Trừng phạt nước Nga-Putin lại có thể là ủng hộ chính sách làm bạn lâu dài với nhân dân Nga về sau ! Trừng phạt Nga-Putin cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc với bất kỳ thế lực ngang ngược nào cùng trường phái tàn ác và không tuân theo luật pháp quốc tế như Putin !

Với các quan sát như trên, bài viết này nhận xét rằng cho dù ông Putin thành công tới đâu trong ván cờ Ukraine của ông, e rằng đây cũng là ván cờ tàn.

Tàn cho sự nghiệp chính trị của ông Putin. Người bị cô lập tới vậy trên thế giới làm sao đứng được lâu dài trong nước mình, nhất là khi nước Nga có không ít thế lực chống lại ông !

Tàn cho bang giao Nga và Ukraine. Chắc trước sau gì cũng phải xóa cờ sắp bàn mới thôi ! Cho dù không tham chiến trực tiếp, thế giới có ngồi yên để Nga xâm lăng Ukraine theo cách như vậy không ? Và, cho dù ông Putin lập được chính phủ thân Nga tại Kiev, chính phủ này tồn tại được bao lâu ? Ý chí chống Nga của người Ukraine sẽ diễn biến ra sao ?

Nếu hai điều trên đúng thì hy vọng cũng tàn cho những ấp ủ bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế. Hy vọng những cái đầu khôn ngoan lấy đây làm bài học.

Và những quốc gia như Việt Nam cũng cần học rất nhiều điều từ bài học quý giá đang online !

Ngày 26 tháng 2 năm 2022

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn : Văn Việt, 28/02/2022

-----------------------

Tham khảo :

1) https://www.nbcnews.com/news/world/live-blog/russia-ukraine-live-updates-n1289976

2) https://www.washingtonpost.com/world/2022/02/24/japan-russia-sanctions/

3) https://www.ft.com/content/aceeaeb4-f687-41f8-858e-b3b60cd21324

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Học Lãnh Vân
Read 286 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)