Nhiều nhà phân tích đã nói rằng dù kết cục cuộc chiến có thế nào thì Putin cũng đã thua và sẽ chẳng còn có thể có ảnh hưởng gì đáng kể trên thế giới.
Tượng Joseph Stalin tại Quảng Trường Đỏ, Moscow, Nga.
Một ngày mùa đôngcuối tháng 11/1939 , Stalin đưa tới nửa triệu quân sang xâm lược Phần Lan sau khi nước láng giềng nhỏ bé từ chối nhượng lãnh thổ cũng như cho phép Liên Xô thuê một bán đảo làm căn cứ quân sự giữa lúc Thế chiến II nổ ra.
Stalin muốn Phần Lan trao lại vùng Karelian Isthmus, nay là Karelsky Peresheyek thuộc Nga, cho Liên Xô vì vùng này cách Leningrad, St Petersburg ngày nay, chỉ trên 30 cây số.
"Vì Leningrad không thể rời đi đâu được nên biên giới phải được chuyển đi khỏi đó", là câu nói của Stalin mà học giả người Ukraine, Donchenko Svitlana Pavlivna từ Đại học Công nghệ Dnipro dẫn lại khi đi tìm hiểu sự tham gia của chính người Ukraine trong cuộc chiến hơn 100 ngày với Phần Lan.
Khi Phần Lan không chịu đổi vùng đất quan trọng của họ lấy những khu đất vô giá trị của Liên Xô, Stalin liền gây chiến.
Cho tới khi cuộc chiến kết thúc vào tháng 3/1940, số lính Liên Xô được cử tham chiến lên tới một triệu và từ 10 tới 20% số này đã bị Phần Lan tiêu diệt trong khi thương vong của nước bị đánh chiếm ở mức một phần tư số thương vong của Liên Xô.
Putin lặp lại những sai lầm của Stalin
Nếu Stalin cho chính quân mình sang phía Phần Lan bắn vào đất Liên Xô để có cớ gây chiến, Putin lấy cớ ủng hộ phiến quân ở phía đông Ukraine và gây chiến ngay sau khi công nhận vùng lãnh thổ ly khai của quân nổi dậy tại Donetsk và Luhansk.
Cuộc chiến của Putin cũng khởi đầu trong những ngày mùa đông khiến lính Nga gặp nhiều khó khăn khi hành quân trong giá lạnh và tốn nhiều nhiêu liệu để sưởi ấm tới mức không còn xăng để đi tiếp.
Putin cũng lạc quan tếu giống Stalin, người tuyên bố : "Chúng ta [chỉ cần] nổ một phát súng là người Phần Lan sẽ giơ tay hàng". Putin nghĩ rằng sẽ có cảnh người Ukraine mang hoa ra đón, quân đội Ukraine sẽ trở cờ và Kyiv không thọ nổi vài ngày.
Cả Stalin và Putin đều là những kẻ độc tài chỉ thích nghe nịnh trong khi không nghe lời can gián nên họ đều đưa ra những quyết định nướng quân khủng khiếp.
Sự chống trả kiên cường tới bất ngờ của người Phần Lan năm xưa khiến một số sư đoàn Liên Xô bị xóa sổ gần như hoàn toàn ngày nay cũng đang được thấy ở Ukraine.
Quân đội Nga cũng lặp lại những cách đánh lỗi thời và thiếu sự chủ động ra quyết định trên chiến trường Ukraine như khi Liên Xô đưa quân vào Phần Lan.
Các nhà phân tích quân sự người Anh nói Nga đã mất hàng ngàn quân chỉ trong những ngày đầu cuộc chiến, bằng toàn bộ số lính Anh thiệt mạng ở Afghanistan trong 20 năm.
Một trong những điểm giống nhau nữa giữa Stalin và Putin là sự coi thường chủ quyền của nước láng giềng. Phần Lan chỉ mới độc lập khỏi đế chế Nga trên 20 năm khi họ bị Liên Xô tấn công. Ukraine độc lập khỏi Liên Xô được trên 30 năm khi Putin tấn công hòng lặp lại vùng ảnh hưởng trước đây của Liên Xô.
Một điểm chung khác giữa Ukraine hiện nay và Phần Lan bị xâm chiếm năm xưa là họ đều được hứa sẽ đảm bảo an ninh bởi nước láng giềng khổng lồ. Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân khi Nga và phương Tây cam kết đảm bảo an ninh cho họ trong khi Phần Lan bị Liên Xô tấn công trong khi hiệp ước đảm bảo an ninh song phương vẫn đang có hiệu lực.
Và trong khi Stalin tấn công Phần Lan để có vùng đệm dài hơn phòng khả năng bị Đức tấn công, Putin cũng muốn Ukraine là vùng đệm giữa họ và NATO.
Mất 10% đất
Cuộc chiến Liên Xô – Phần Lan kết thúc hồi tháng Ba năm 1940 sau khi số thương vong của binh lính Xô Viết lên tới mức khủng khiếp và Liên Xô cũng muốn tập trung phòng thủ trước nguy cơ Đức gây chiến, điều đã xảy ra chỉ sau đó hơn một năm vào tháng 6/1941.
Phần Lan chịu mất 10% lãnh thổ cho Liên Xô bao gồm cả vùng Karelian Isthmus mà lúc đầu họ không chịu nhượng. Tuy nhiênPhần Lan vẫn là nước độc lập và trong Thế chiến II đã tạm thời chiếm lại Karelian Isthmus trước khi lại bị Liên Xô lấy mất.
Điều đáng nói là trong cuộc chiến với Phần Lan, có tới 40.000 lính người Ukraine thiệt mạng khi họ bị Stalin đem nướng giữa mùa đông mà nhiệt độ có lúc xuống tới -40 độ C, theohọc giả người Ukraine, Donchenko Svitlana Pavlivna từ Đại học Công nghệ Dnipro. Bà cũng nói Liên Xô gần như không nhắc gì tới cuộc chiến này trong nhiều năm sau đó.
Một điều giống nhau nữa giữa hai cuộc chiến cách nhau trên 80 năm là ngày nay người Ukraine cũng dùng bom xăng Molotov mà chính người Phần Lan đã đặt tên để chọc quê Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov.
Cũng giống như những tuyên bố dối trá mà Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga hiện nay hay đưa ra về chiến sự ở Ukraine, Molotov khi đó nói họ thả hàng cứu trợ cho người Phần Lan chứ không có thả bom. Người Phần Lan gọi bom chùm của Liên Xô là "rổ bánh mì Molotov" còn bom xăng họ tự chế là chai cocktail Molotov.
Khó biết cuộc chiến hiện nay sẽ có kết cục ra sao nhưng Leningrad đã từng cầm cự được tớigần 900 ngày trước quân Phát-xít dù có tới 800.000 thường dân bỏ mạng. Stalin đã học được bài học sau cuộc chiến với Phần Lan và phòng thủ tốt hơn trước quân Đức.
Dường như người Ukraine cũng đọc lịch sử rất kỹ và học được nhiều điều từ cách người Phần Lan giáng trả Liên Xô.
Nhiều nhà phân tích đã nói rằng dù kết cục cuộc chiến có thế nào thì Putin cũng đã thua và sẽ chẳng còn có thể có ảnh hưởng gì đáng kể trên thế giới.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/03/2022