Cuộc xâm lược của Putin thúc đẩy định hình thế giới lưỡng cực, Việt Nam "đi dây" đến khi nào ?
Thế giới lưỡng cực phương Tây và Nga – Trung sâu sắc thêm, nhưng Việt Nam không thể chọn phe vì tình thế chế độ ở "thế kẹt" đã hình thành bởi lịch sử ý thức hệ và địa chính trị.
AP
Cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra rất khốc liệt ở Ukraine, tàn phá, chết chóc, thảm họa nhân đạo… Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản thắng thua, kể cả cực đoan nhất, trước mắt về chiến sự và lâu dài về sự phát triển nhân loại. Nhận định phổ biến nhất là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm sâu sắc thế giới lưỡng cực : phương Tây và Nga -Trung. Khác biệt với thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1991, tiếng Anh : Cold War), trong đó sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập) : Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội), tính chất ý thức hệ đã ‘mờ đi’ bởi sự trỗi dậy hung hăng của hai cường quốc Nga (về sức mạnh quân sự) và Trung Quốc (ngoài vũ khí quân sự, đứng thứ hai thế giới về GDP).
Các nước lớn thường có tư tưởng lớn. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, trạng thái thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu, ‘say xưa’ với chiến thắng miễn phí, mà đã không chuẩn bị trước thực tế rằng thế giới dần chuyển thành đa cực trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong khi phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chuyển đổi ‘chậm chạp’ theo thể chế dân chủ, hoà nhập với Châu Âu và thế giới thì Liên bang Nga, trung tâm của Liên Xô cũ, có ‘động cơ nội bộ’ khôi phục vị thế đã mất trong quan hệ quốc tế để ‘sản sinh’ ra chế độ chuyên chế và nhà lãnh đạo độc tài duy trì quyền lực cá nhân trong suốt một phần tư thế kỷ. Và Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế ‘thần kỳ’ để vươn lên thành cường quốc để có thời cơ phục hận "trăm năm quốc sỉ" hướng tới "giấc mộng Trung Hoa".
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang chiến thắng trên thế giới, nhờ đó với những quan hệ rộng mở với ‘thế giới phẳng’ mà tiềm lực kinh tế của Nga và Trung Quốc được tăng cường nhanh chóng mặc dù vẫn duy trì chế độ toàn trị hay chế độ chuyên chế. Các nhà độc tài ở hai cường quốc này tỏ ra ‘thấu hiểu’ nhược điểm của các chế độ dân chủ với nền tảng chủ nghĩa tự do mà các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia thường ít bị ràng buộc vào chính phủ để "xuất khẩu tư bản" đến các thị trường tiềm năng nhằm thu lợi nhuận tối đa trong khi chế độ chuyên chế "trải thảm đỏ", duy trì thị trường nội địa với lao động giá rẻ, sự hấp dẫn các dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên bằng những cải cách cầm chừng và từ chối, trừng phạt các hình thức dân chủ phù hợp. Ngoài ra, trong các chế độ dân chủ, việc đưa ra các quyết định trước các tình huống phức tạp thường phải tuân theo quy trình dân chủ ‘phiền phức’ và chậm chạp. Nga và Trung Quốc theo các cách của mình hình thành các chủ thuyết để thích nghi với tình hình, như ở Trung Quốc có tư tưởng thực dụng với thuyết chủ quyền và chủ nghĩa xã hội mang bản sắc dân tộc và, ở Nga chủ nghĩa đại đế mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển nước Nga. Phương Tây đã trở thành "đối thủ" để hai cường quốc liên kết chặt hơn, trong đó Trung Quốc ‘đối nghịch’ hơn và lâu dài đối với các giá trị tự do phương Tây.
Dù muộn còn hơn không, nhưng Mỹ và Châu Âu ứng phó khác nhau trước thế giới thay đổi. Từ thời Tổng thống B. Obama Mỹ đã dần loại bỏ "chính sách can dự với Trung Quốc" và thực thi chiến lược xoay trục sang Châu Á để đối phó với Trung Quốc và thực chất hơn dưới thời D. Trump và J. Biden hiện nay khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới thời Tập Cận Bình. Trong khi đó Châu Âu ‘già cỗi’ về tư tưởng và thiếu thực tế về địa chính trị, chậm chạp, bị động đối phó với nước Nga ngày càng chuyên chế để đòi hỏi vị thế của mình như một cường quốc, một cách có tính toán, ‘ấp ủ’ và chuẩn bị lực lượng, tiến hành các phép thử bằng nhiều cách giành thế chủ động tạo ra luật chơi mới, trước hết trong nội bộ, đến các nước cộng hoà Xô-viết cũ, từng khu vực, từng thời điểm, năm 2014 là ở Cremia và, bây giờ là Ukraine.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine do Tổng thống Nga V. Putin phát động từ ngày 24/2/2022 đã làm Liên Âu (EU) và Mỹ "thức tỉnh". Sự hình thành phe ‘phương Tây’ trở thành liên minh chặt chẽ hơn. Một số quốc gia từng "trung lập" ngay cả trong thế chiến II như Thụy Sĩ, Thuỵ Điển hay trước còn ‘do dự’ nay đã chọn phe, xin gia nhập EU và NATO. Để đối phó với Putin, Mỹ và EU đang cung cấp phương tiện vũ khí phòng thủ cho Ukraine, thực thi các chế tài trừng phạt nhanh chóng và "nghiêm khắc nhất" đối với Nga, từ cứu trợ nhân đạo đến các phương án chiến tranh khó lường nhất. Cuộc chiến tranh xâm lược này khi được gắn với một Putin bị "ám ảnh địa chính trị và lịch sử", có tính cách ‘hoang tưởng’ và ‘chuyên chế’, tuyên bố chiến tranh khi cho rằng ‘Ukraine không phải là một quốc gia thực sự, và người dân Ukraine không phải là một dân tộc thực sự, rằng họ là một dân tộc với người Nga’… Ông ta có thể sử dụng vũ khí hóa sinh hay vũ khí hạt nhân khi bị ‘dồn vào chân tường’ và, đã có ‘lời khuyên’ nên sử dụng ‘thuật’ "mưu kế và xử thế" của Tôn Tử - nhà lý luận về chiến tranh của Trung Quốc cổ, rằng bạn phải luôn xây dựng cho đối thủ của mình một "cây cầu vàng" để đối phương có thể tìm đường rút lui.
Trật tự thế giới lưỡng cực đang định hình, trong đó cuộc chiến tranh Nga – Ukraine vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của xu hướng, nhưng được giải thích tùy theo góc nhìn. Ở phương Tây có hai cách nhìn chủ yếu. Một, cuộc chiến tranh xâm lược này, có lý do từ nhu cầu ngày càng lớn về sự phục hội vị thế nước Nga đã từng có từ thời Liên Xô cũ, thậm chí từ thời Sa hoàng. Nga có động lực bên trong và sự chuẩn bị thế và lực để tiến hành, có liên quan đến vai trò cá nhân độc tài. Đại diện cho quan điểm này là các nhà nghiên cứu khá quen thuộc với giới học thuật chính trị ở Việt Nam qua nhiều công trình và sách nổi tiếng và "bán chạy" được dịch trong thời gian gần đây như "Thế giới phẳng" của Thomas Friedman, "Sự cáo chung của lịch sử", "Bản sắc – nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ" của Francis Fukuyama hay "21 bài học cho thế kỷ 21" của Yuval Harari… Họ nhận định : "Nga nên chuẩn bị cho thất bại ở Ukraine" và, "một thất bại của Nga sẽ khiến "sự ra đời mới của tự do" có thể xảy ra, và đưa chúng ta thoát khỏi niềm phấn khích về tình trạng suy giảm của nền dân chủ toàn cầu. Tinh thần của năm 1989 sẽ sống mãi, nhờ có rất nhiều người Ukraine dũng cảm" và đòi hỏi "bản sắc" để chuyển đổi dân chủ.
Hai, nguyên nhân của những gì đã xảy ra là sai lầm chiến lược của việc mở rộng NATO về phía đông, thậm chí "trường phái hiện thực" (John Mearsheimer) khẳng định rằng phần lớn trách nhiệm cho những gì chúng ta đang chứng kiến phải thuộc về Hoa Kỳ… Nhận định được đưa ra chủ yếu dựa vào mối quan hệ quyền lực và lợi ích của các nước lớn, quan hệ địa chính trị. Quan điểm này ‘vô tình’ hỗ trợ cho 35/193 phiếu trắng, trong đó có Việt Nam, đồng thời là ‘chỗ dựa’ cho sự hoài niệm nước Nga, ý thức hệ sùng bái lãnh tụ và biện minh văn hoá dân tộc uống nước nhớ nguồn ‘biến thái’.
Việt Nam không thể chọn phe vì tình thế chế độ ở "thế kẹt" đã hình thành bởi yếu tố lịch sử và địa chính trị. Chính phủ Việt Nam là một trong 35/193 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 2/3/2022. Thái độ này được giải thích rằng Việt Nam có quan hệ tốt, như anh em, với cả hai nước Nga và Ukraine, bởi vậy "hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine" và cả hai nước cần đối thoại để chấm dứt, lên án cường quyền, tôn trọng quyền chủ quyền ‘chung chung’ mà không gọi đúng bản chất đây là cuộc xâm lược theo luật pháp quốc tế quan điểm của đa số 141/193 thành viên Liên Hiệp Quốc.
Do không khích đa nguyên, nên các nhà nghiên cứu Việt Nam ‘hiếm hoi’ bộc lộ thái độ riêng trái với chính thống của Nhà nước. Trong lúc cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang rất khốc liệt, có ý kiến đặt vấn đề "từ cuộc chiến này thế giới thay đổi như thế nào ?" được giới học thuật chú ý. Ý kiến này cho rằng cần nhìn nhận bản chất sự việc từ góc độ "mối quan hệ tam giác", đó là "Nga - Ukraine - NATO" đối với cuộc chiến này. Đây có lẽ là quan điểm tương đồng với "trường phái hiện thực" đã nêu ở trên.
Ngoài ra, phát biểu từ năm 2014 của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được chia sẻ rằng Ukraine phải trở thành cầu nối giữa Nga và phương Tây, phải trở thành vùng đệm trong một cấu trúc an ninh mới ở Châu Âu và rằng, sự thay đổi của thế giới sẽ xác định bởi mối quan hệ giữa các cường quốc : "Mâu thuẫn Mỹ - Trung vốn đã đẩy Trung Quốc gần lại với Nga", bởi vậy "Trong mối quan hệ tam giác, luật chơi tối ưu nhất cho một bên là phải giữ được quan hệ tốt với cả hai bên còn lại, còn tối thiểu nhất là phải làm sao để hai bên còn lại không cùng liên kết với nhau".
Hơn thế, phần cuối của ý kiến trên đã ‘làm rõ hơn’ cho quan điểm chính thống : "…các nước nhỏ tuyệt đối không nên ngả hẳn về một bên để chống một bên khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Và, phải thể hiện quan điểm rõ ràng về việc phản đối chiến tranh, phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột…". Liên quan đến Việt Nam ý kiến này có thái độ đồng tình với "Nghị quyết 13 năm 1988 của Bộ Chính trị mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là kiến trúc sư của nghị quyết đó, rằng Việt Nam chỉ có thể giữ gìn được độc lập, chủ quyền khi có một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở".
Cuộc chiến này không chỉ làm người dân Ukraine, cũng như người Nga, sẽ phải trả giá đắt, mà cả thế giới có thể rơi vào khủng hoảng tài chính và bất ổn xã hội. Nga xâm lược Ukraine đã làm Việt Nam bất ngờ, nhưng hiện trạng "đi dây" được duy trì bởi chính sách ngoại giao đa phương khó có thể thay đổi ‘một sớm một chiều’, nhưng đến khi nào ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 15/03/2022