Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2022

Tại sao Hội nghị Thượng đĩnh Mỹ – ASEAN bị trì hoãn ?

Đinh Hoàng Thắng, Hà Đăng Khôi

Đằng sau việc trì hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN

Đinh Hoàng Thắng, RFA, 13/03/2022

Đến nay chưa có thông tin chính thức về việc ASEAN dời cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước trong khối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cho tới lúc nào. Trong khi sức ép về an ninh quốc tế ở cả trời Á lẫn trời Âu, dưới hiệu ứng của cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra ở Ukraine, ngày một gia tăng.

aseanmy2

Cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia hôm 17/2/2022 - AFP

Tuyên bố dưới cái bóng Trung Quốc

Không theo thuyết âm mưu, nhưng nên nhìn nhận khách quan và tìm hiểu xem tại sao Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt lần thứ 10 giữa ASEAN với Hoa kỳ bị trì hoãn ? Cho đến nay, ít người biết được nguyên nhân đích thực và các bên vẫn chưa tìm được thời điểm thích hợp để nhóm họp. Chừng nào là trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ? Chừng nào là do các yếu tố khách quan ? Hội nghị bị đình hoãn, dường như bản thân Hun Sen cũng sốt ruột. Ông tuyên bố, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, ông sẵn sàng chấp thuận bất cứ thời điểm nào, ngoại trừ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 là thời gian bầu cử chính quyền địa phương ở đất nước Chùa Tháp. Sau cuộc hiệp thương không thành, dư luận vẫn khẳng định, Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác giữa Mỹ và Hiệp hội quá quan trọng để có thể lùi lâu hơn nữa. Chính sự hối thúc từ tất cả các bên đòi hỏi phải đi đến thỏa thuận. Cấp cao cho thấy nhiều ý nghĩa đặc biệt, từ cấp độ song phương lẫn đa phương của Hội nghị lần thứ 10 này (1).

Hãy đọc nhà báo Joaquin Nguyễn Hòa từ San Jose, Hoa Kỳ, viết trên BBC : "Một nguồn tin từ Việt Nam cho tôi biết, ông Hun Sen nói về việc hoãn Cấp cao khi cắt băng khánh thành một bệnh viện do Trung Quốc tài trợ. Trước khi có lời xác nhận của Campuchia một ngày, vào hôm 8/3/2022, nhà phân tích thời sự quốc tế người Thái Lan, Kavi Chongkittavorn có viết một bài trên tờ Bangkok Post về khả năng các quốc gia Hồi giáo của ASEAN là Indonesia, Malaysia và Brunei sẽ không dự được Thượng đỉnh, vì bận rộn cho tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Nhưng thực ra, tháng chay Ramadan năm nay không rơi vào hai ngày họp dự định, vì năm 2022 này, Ramadan bắt đầu vào đầu tháng 4" (2). Theo bỉnh bút Kavi Chongkittavorn, các quốc gia ASEAN khá bực bội về quan hệ với Hoa Kỳ từ thời tổng thống Donald Trump cho tới nay. Ông Trump thì lơ là quan hệ với ASEAN, còn cuộc họp trực tuyến với ASEAN được chính quyền của ông Joseph Biden dự định sau khi cầm quyền lại bị hủy bỏ, vì trục trặc kỹ thuật.

Vẫn theo Kavi Chongkittavorn, lời hứa hẹn của Washington về cuộc gặp thượng đỉnh cứ bị Mỹ dời, và cuối cùng được đưa ra một cách đơn phương. Nhưng theo nhà báo Sebastian Strangio của tờ The Diplomat, dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Washington DC, viết vào ngày 10/3/2022 rằng, chắc chắn có đến bảy quốc gia nói sẽ tham dự Thượng đỉnh vào hai ngày 28 và 29 tháng 3, một nước nữa nhiều khả năng sẽ tham dự, còn Thái Lan thì chắc chắn bận vào hai ngày đó. Myanmar bị loại vì cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính quyền dân sự hồi năm ngoái. Trình tự những diễn biến nói trên dẫn tới suy diễn rằng, có phải Campuchia, muốn lợi dụng tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN để trì hoãn, thậm chí hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh hay không ? Điều này, theo giới phân tích, có cơ sở hơn khi Campuchia là nước ngày càng gắn bó với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, mà Trung Quốc thì không muốn Mỹ phát triển quan hệ chặt chẽ hơn nữa với ASEAN (3). 

aseanmy3

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc hôm 26/10/2021. AFP

Đừng hỏi "chuông nguyện hồn ai" ?

So với Hội nghị Cấp cao 30 năm thiết lập quan hệ đối tác Trung Quốc – ASEAN năm ngoái (20/11/2021), sức ép về môi trường an ninh quốc tế năm nay căng thẳng gấp bội lần. Hơn ai hết, đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại môi trường an ninh khu vực dưới hiệu ứng từ cuộc chiến tranh của Putin ở trời Âu. Đúng như lời suy niệm từ tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng, không quốc gia nào trên hành tinh này là một hòn đảo cô độc, mỗi chúng ta đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền. Sự tàn lụi của bất cứ quốc gia nào do chiến tranh sẽ làm bản thân chúng ta bị tổn thương, bởi vì chúng ta là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Với cuộc chiến hiện nay ở Ukraine lại càng như thế. Khi sinh mệnh từ cả hai phía bị cướp đi theo các con số thống kê khủng khiếp tuy chưa kiểm chứng được trong những ngày này, đừng bao giờ hỏi "chuông nguyện hồn ai" ? Chuông nguyện chính hồn bạn đấy.

Hiển nhiên, các thành viên của Hiệp hội thấu cảm được sức ép về thời gian diễn ra cuộc xâm lăng của Tổng thống Putin đối với Ukraine, dù muốn hoặc không, sẽ bao phủ những ngày họp Cấp cao. Lập trường của 10 thành viên ASEAN vốn đang bị chia rẽ và phức tạp không kém sự phức tạp và chia rẽ của cuộc xung đột vũ trang lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Ngay tại thời điểm nổ ra chiến tranh, Ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuyên bố nêu rõ : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát" (4).

Vào đầu tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đưa ra một cách chính thức chiến lược mới của mình ở vùng Ấn Thái Dương (IPS mới), trong đó đề cao vai trò của ASEAN, cũng như hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam, mặc dù hai nước này không có hiệp ước liên minh với Mỹ. Sau một khởi đầu chậm chạp trong những tháng đầu cầm quyền của nội các Biden, kể từ giữa năm 2021, Mỹ đã cử một số quan chức cấp cao thực hiện các chuyến công du khu vực, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyến thăm gần đây nhất của các quan chức Mỹ tới khu vực này là vào tháng 12/2021, khi Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Malaysia, Thái Lan và Indonesia, và trong chuyến thăm này ông đã nói rằng ASEAN là một tổ chức "thiết yếu đối với cấu trúc khu vực Ấn Thái Dương" (5).

Việt Nam ngày càng không có đất lùi

Hôm 2/3/2022, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang đã có bài diễn văn gây chú ý, khi ông nhấn mạnh : "Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này". Tưởng rằng với phát biểu mạnh mẽ như vậy, Việt Nam sẽ có thái độ dứt khoát hơn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng trong cuộc biểu quyết ngày 2/3 về nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức, Việt Nam lại nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng ! Sẽ còn tốn nhiều giấy mực để giải mã tại sao Hà Nội vẫn tránh lên án nước Nga của Putin về cuộc xâm lược Ukraine (6).

Về nhận thức, một bộ phận xã hội hiểu rằng, Ukraine chiến đấu chống xâm lăng của Nga cũng là chiến đấu cho cả Việt Nam. Mặc dầu đối với Putin xâm lược Ukraine, Chính phủ Việt Nam tỏ thái độ "nước đôi". Tuy phát biểu rằng "các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế", nhưng do bị ràng buộc bởi cả lịch sử lẫn hiện tại, nên cho đến nay, Việt Nam vẫn không thể tuyên bố, đó là cuộc chiến tranh xâm lược (7). Mới đây, chúng ta chứng kiến một đêm lịch sử tại Versailles. Sau năm giờ thảo luận sôi nổi đêm 11/3, lãnh đạo EU nhất trí với việc gia nhập khối của Ukraine. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Một điều khoản trong hiệp ước EU nêu rõ nếu một thành viên trở thành nạn nhân của hành động gây hấn có vũ trang, các quốc gia khác trong EU có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của họ. Trước đó, các đại sứ EU, Na Uy, Thụy Sĩ, và Anh tại Hà Nội cùng kêu gọi Việt Nam hãy theo lập trường ủng hộ Ukraine. Trang mạng của EU tại Việt Nam vào ngày 8/3 đăng bài viết chung do các vị đại sứ cùng ký tên. Bài báo nhắc lại việc Việt Nam không nằm trong nhóm 141 nước bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, mặc dù trong phát biểu tại Đại hội đồng trước đó, Việt Nam đã nêu lập trường phản đối chiến tranh và kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế (8).

Cuộc gặp Phạm Minh Chính – Biden (đã có thảo thuận riêng với Mỹ) sẽ được đón đợi ở Việt Nam. Theo một khảo luận mới nhất trên "The National Interest" ngày 4/3/2022, chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ (China Has Forced Vietnam Into America’s Arms) : "Các hành động của Trung Quốc đang đe dọa quyền tự chủ và lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời khuyến khích thêm chủ nghĩa dân tộc Việt Nam" (9). Những nhân tố khác như tăng trưởng kinh tế, sức mạnh quân sự, vị trí địa-chính trị và thế đứng ngoại giao của đất nước khiến Việt Nam trở thành nhân tố được đánh giá cao trong cuộc cạnh tranh các cường quốc đang nổi lên tại khu vực Indo-Pacific. Đặc biệt, vai trò kinh tế và an ninh ngày càng lớn của Mỹ. Việt Nam càng không có đất lùi khi Trung Quốc tiến hành 51 cuộc tập trận trong một năm trên Biển Đông. Giá trị "đồng minh kinh tế" cũng như các giá trị kết nối Ấn Thái Dương (IPS mới) hy vọng đủ để hoá giải những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt. "Lòng Dân" Việt Nam thì đã quá rõ, đến hơn 90% người dân Việt Nam thích kết nối với người Mỹ. Vấn đề là "ý Đảng" trong trường hợp này như thế nào ? (10)

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 13/03/2022

Tham khảo : 

1. https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-l%E1%BA%A1i-cho-vi%E1%BB%87t-nam-tr%C6%B0%E1%BB%A3t-v%E1%BB%8F-chu%E1%BB%91i-/6481105.html

2. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60706087

3. https://thediplomat.com/2022/03/cambodia-announces-postponement-of-special-us-asean-summit/

4. https://baochinhphu.vn/bo-truong-ngoai-giao-asean-keu-goi-cac-ben-lien-quan-doi-thoai-ve-tinh-hinh-ukraine-102220228093244286.htm

5. https://thediplomat.com/2022/03/us-government-sets-date-for-special-asean-summit-in-washington/

6. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20220307-an

7. https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-ch%E1%BB%91ng-nga-l%C3%A0-ch%E1%BB%91ng-cho-c%E1%BA%A3-vi%E1%BB%87t-nam/6475596.html

8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ambassadors-of-the-eu-norway-switzerland-and-the-uk-encourga-vietnam-to-support-ukraine-03102022080303.html

9. https://nationalinterest.org/blog/buzz/china-has-forced-vietnam-america%E2%80%99s-arms-200974

10. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/opportunity-in-us-vn-relationship-post-harrris-visit-09012021191026.html

*************************

Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ bị trì hoãn, nỗi lo về Biển Đông

Hà Đăng Khôi, RFA, 14/03/2022

Trong nỗ lực hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, mà ở đó, ASEAN giữ một vai trò quan trọng, Mỹ đã cố gắng sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước ASEAN, với mục tiêu lắng nghe các nước ASEAN muốn gì từ vai trò của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã cho biết hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia thành viên ASEAN là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden "nhằm phục vụ như một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN thống nhất và được trao quyền để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta" (1). Mỹ cũng đã thông báo ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ là 28-29/3.

aseanmy1

Các ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự hội nghị ở Phnom Penh hôm 17/2/2022 - AFP

Tuy nhiên, mới đây, báo chí Campuchia đã cho biết, ASEAN và Mỹ đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên. Giới quan chức Campuchia nói rằng việc trì hoãn hội nghị là do lịch trình dày đặc của các nhà lãnh đạo ASEAN (2).

Thông tin về việc hoãn hội nghị thượng đỉnh được lý giải rất khác nhau. Trong khi tờ Khmer Times của Campuchia khẳng định rằng tất cả các lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận trong việc huỷ bỏ ngày họp dự kiến là ngày 28-29/3 (3), thì tờ The Jakarta Post lại cho biết Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là một trong số các lãnh đạo ASEAN đã trả lời rất sớm là ông ta sẵn sàng tới Washington D.C để tham dự cuộc họp thượng đỉnh theo lịch trình đã định (4).

Nhà báo chuyên về Đông Nam Á Sebastián Strangio cho biết tin tức ban đầu về việc hoãn hội nghị này được đăng tải trong một bài báo ngắn trên tờ "Fresh News" của cơ quan truyền thông liên kết với chính phủ Campuchia, trong đó dẫn lời ông Prak Sokhonn - Ngoại trưởng Campuchia. Sau đó, ông Sokhonn sau đó đã xác nhận điều này với hãng tin Reuters. Theo Reuters, Indonesia - quốc gia đang điều phối hội nghị thượng đỉnh - đã không xác nhận ngay lập tức về việc hoãn hội nghị, nhưng một quan chức Indonesia trước đó cho biết các phương án cho lịch trình vẫn đang được thảo luận.

Trong khi đó, một nguồn tin ở Washington nói với ông Kavi Chongkittavorn rằng bảy quốc gia đã xác nhận sự tham dự của họ, một quốc gia được cho là cũng sẽ làm như vậy, và chỉ có một quốc gia là Thái Lan nói rằng họ không thể tham dự sự kiện vào ngày 28-29/3 (5). (Thành viên thứ mười là Myanmar, mà chính quyền quân sự của nước này đã bị loại khỏi sự kiện theo đúng chính sách hiện nay của ASEAN là chỉ cho phép các đại diện "phi chính trị" của quốc gia này tham dự).

Trước đó, ngày 7/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu hoãn hội nghị thượng đỉnh này vì ASEAN và Mỹ vẫn chưa nhất trí được về ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà Mỹ đề xuất. Tại lễ khánh thành Bệnh viện Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc ở tỉnh Tbong Khmum ngày 7/3, Thủ tướng Hun Sen cho biết nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã đề xuất hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào ngày 26-27/3, nhưng các ngày đó lại không phù hợp với Mỹ. Vào thời điểm đó, có ba nhà lãnh đạo ASEAN cho biết họ không thể dự hội nghị trong những ngày này. Thủ tướng Hun Sen nói rằng với tư cách là chủ tịch ASEAN, ông có thể sẵn sàng làm việc bất cứ thời điểm nào trong tháng 3/2022, kể cả không phải vào những ngày được đề xuất ban đầu. Ông cũng lưu ý rằng từ giữa tháng 5/2022 đến giữa tháng 6/2022, ông sẽ không thể rời khỏi đất nước vì Campuchia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử hội đồng xã vào ngày 5/6. Ông hy vọng ASEAN và Mỹ sẽ tìm được thời điểm thích hợp (6).

Tình trạng không đồng thuận và thiếu giao tiếp vốn đang bao trùm việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ có thể không gây ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ Mỹ-ASEAN. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng phần nào đến những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm thu hút các nhà lãnh đạo ASEAN. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây từng cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Las Vegas vào tháng 3/2020, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến hội nghị bị hủy bỏ. Sau đó, vào tháng 5/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã buộc phải hủy một cuộc gọi theo lịch trình với các ngoại trưởng ASEAN do mạng liên lạc trên máy bay của ông bị trục trặc.

Hội nghị thượng đỉnh lần này chắc chắn sẽ được lên kế hoạch lại nhưng chưa biết đến bao giờ. Điều đó cho thấy, những dự báo về vai trò của Campuchia trong việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc sẽ diễn ra khi quốc gia này giữ chức Chủ tịch ASEAN, và điều đó đã đến ngay trong thời gian này khi ASEAN và Washington đã không thể chốt được ngày trước khi công bố thông tin về hội nghị thượng đỉnh.

Năm ngoái, khi Campuchia chuẩn bị giữ chức Chủ tịch ASEAN, đã có nhiều lo ngại về vai trò của Campuchia trong ASEAN khi quốc gia này luôn bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các cuộc họp nội khối. Người ta vẫn còn nhớ năm 2012 và năm 2016, Campuchia đã tìm cách ngăn cản các tuyên bố chung của các lãnh đạo ngoại giao ASEAN khi họ muốn lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ sắp tới cũng được mong đợi như là một tác nhân để thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), vốn đã rất chậm chạp khi gặp Đại dịch Covid 19, cùng với sự thiếu thiện chí từ Trung Quốc. Nhưng những sự bất đồng trong nội bộ ASEAN, mà điển hình là trường hợp Chủ tịch ASEAN lần này - Campuchia, cho thấy COC vẫn chỉ là một câu chuyện của tương lai xa vời. Còn mới đây, Trung Quốc đã rầm rộ tập trận trên Biển Đông, thậm chí ngay trên cả Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và Việt Nam vẫn chỉ có thể "phản đối suông".

Trung Quốc vẫn đang xem việc Nga xâm lược Ukraine như một bài học trước mắt. Nếu phản ứng của Mỹ và phương Tây không đủ để "răn đe" Nga thì có lẽ, một ngày không xa, Trung Quốc sẽ "tiếp bước" trên Biển Đông. Nếu các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, vẫn cứ "mũ ni che tai" trước các động thái của Nga thì chắc chắn cũng sẽ chẳng dám "ho he" trước Trung Quốc. Và khi ấy, Biển Đông sẽ có thể là "một Ukraine trên biển".

Hà Đăng Khôi

Nguồn : RFA, 14/03/2022

Tham khảo :

1. https://apnews.com/article/joe-biden-business-jen-psaki-global-trade-southeast-asia-5fa699587e7d5b03733034a554918c5d

2. https://www.phnompenhpost.com/national-politics/asean-us-summit-postponed

3. https://www.khmertimeskh.com/501039303/asean-member-states-agree-to-postpone-asean-us-summit/

4. https://www.thejakartapost.com/paper/2022/03/10/asean-us-summit-delayed-organizer-jakarta-says-timing-not-ideal.html

5. https://thediplomat.com/2022/03/cambodia-announces-postponement-of-special-us-asean-summit/

6. https://www.phnompenhpost.com/national- politics/asean-us-summit-postponed

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Hoàng Thắng, Hà Đăng Khôi
Read 332 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)