Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2022

Cuộc chiến tại Ukraine : Ánh sáng rồi sẽ thắng bóng tối

Nhiều tác giả

Ánh sáng thắng bóng tối…

Việt Thanh, VNTB, 25/03/2022

"Ánh Sáng luôn thắng Bóng Tối và Sự Sống luôn thắng Cái Chết", ông Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh điều này trong bài nói chuyện trước dân chúng Ukraine và toàn thế giới sau ngày 24/2/2022 khi quân Nga bắt đầu cuộc xâm lăng đẫm máu vào đất nước Ukraine. Ánh sáng là chính nghĩa của quân-dân Ukraine đứng lên bảo vệ quê hương. Bóng tối chính là Putin, kẻ manh tâm đem vũ khí để dành dân chiếm đất. Ánh Sáng là chính đạo, Bóng Tối là tà đạo

bongtoi00

Một người lính Ukraine rời khỏi nơi trú ẩn trên chiến tuyến với quân ly khai, gần Verkhnetoretskoye, trong vùng Donetsk - Ảnh chụp ngày 1/2/2022 - Anatolii Stepanov - AFP

Trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/5/2019, ông Zelensky kêu gọi dân chúng :

"Tôi mong muốn rằng, các bạn đừng treo chân dung tôi trong văn phòng làm việc của các bạn ; vì tổng thống không phải là thần tượng, cũng không phải là thánh nhân… ; hãy treo ảnh các con bạn vào chỗ đó, và trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào cặp mắt của chúng".Ông là một người quả cảm vì dân vì nước, có khả năng truyền đạt cao và thu phục được nhân tâm. 

Ông Zelensky sinh năm 1978 tại thành phố Kryvyi Rih, vùng Knipropetrovsk Obast, Ukraine. Ông là người gốc Do Thái, cha là giáo sư đại học và mẹ là một kỹ sư. Ông tốt nghiệp trường Luật thuộc Đại học Kinh tế Quốc gia tại Kyiv. Sau đó ông theo đuổi ngành kịch nghệ và sáng lập công ty sản xuất phim ảnh và kịch nghệ Kvartal 95 và trở thành một diễn viên và đạo diễn tài ba về phim ảnh và kịch nghệ. Đặc biệt Kvartal đã sản xuất một phim dài tựa đề "Người nô nộc của dân" (Servant of the People) chiếu trên truyền hình Ukraine từ năm 2015/2019 và được nhiều người ưa chuộng. Năm 2018 ông thành lập một đảng chính trị với cùng tên như tựa đề của phim : Người nô bộc của dân. Ông ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2019 và đã thắng với tỷ số phiếu áp đảo (trên 73%), trở thành tổng thống thứ 6 của Ukraine. Tình hình chính trị lúc đó rất bất ổn, tệ nạn tham nhũng lan tràn, các đảng phái tranh giành quyền lợi. Khẩu hiệu tranh cử của ông là đoàn kết quốc gia và chống tham nhũng. Chưa đầy 3 năm sau khi nhậm chức ông đã thực hiện được các điều này. Đảng của ông lại chiếm đa số ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử toàn quốc sau khi ông nhậm chức. Ông cũng dự định chấm dứt cuộc xung đột giai dẳng giữa Ukraine và Nga ; tuy nhiên việc này chưa được thực hiện thì Nga đã khởi động cuộc xâm lăng đất nước láng giềng nhỏ bé này vào ngày 24/2/2022. Đa số người dân Ukraine không tin rằng nước láng giềng phương Bắc lại trở mặt đánh úp một nước đàn em thân thiết hàng thế kỷ trước. Họ vẫn an vui với cuộc sống hàng ngày, không nghĩ rằng họ phải đối mặt với cuộc chiến ồ ạt của Putin !

Trước sự xâm lăng của Nga với binh lực và vũ khí hùng hậu, ông và quân dân Ukraine đã kiên cường chống chọi với kẻ địch. Ông đã thuyết phục được các nước tự do viện trợ vũ khí và kinh tế cho Ukraine. Đáp lại lời kêu gọi của ông, hàng chục ngàn người dân Ukraine ở các nơi trên thế giới đã trở về nước để chiến đấu, và một số công dân của các nước tự do đã tình nguyện đến Ukraine gia nhập đoàn chí nguyện quân chống Nga. Ông Zelensky luôn đến thăm quân lính tại chiến trường để nâng cao tinh thần binh sĩ. Ông đã đánh động được lương tri của thế giới tự do trước cảnh "Cá Lớn nuốt Cá Bé". Hậu quả của chiến cuộc là hàng triệu người di cư, đa số là đàn bà và trẻ con, đã phải bỏ nước, bỏ nhà ra đi để tránh bom, đạn, hỏa tiễn… của Nga ! Đây không những là một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà còn là một cuộc đối đầu giữa thế giới tự do, mà NATO là đại diện, và khối độc tài toàn trị lãnh đạo bởi Nga, Trung Quốc và các nước cộng sản khác.

Kẻ gây chết chóc tang thương cho Ukraine là ai ? 

Tay cường đạo Putin, kẻ đã lãnh đạo Nga trên 22 năm và đang còn tiếp tục, qua 2 lần với cương vị thủ tướng, và trên 4 nhiệm kỳ tổng thống. Ông là một kẻ cao ngạo đầy mưu chước, tự đánh bóng mình. Ngoài việc hám danh, Putin còn là một người ham lợi ; ông thường giao du với và được sự hỗ trợ tài chánh của "các đại gia Oligarch" Nga. Putin sinh năm 1952 trong một gia đình nghèo ở khu chung cư bình dân tại thành phố St Petersburg (trước đây là Leningrad). Nơi có các tay giang hồ thường qua lại ; có lẽ vì vậy mà Putin đã bắt đầu tập nhu đạo vào năm 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Leningrad ông tham gia vào KGB, cơ quan gián điệp tình báo của Nga. Putin làm việc tại Đông Đức khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng 9/1989. Sau đó, ông chấm dứt công tác với KGB và trở về làm việc với cơ quan hành chánh của thành phố St. Petersburg và trở thành Phó Thị trưởng. Năm 1998 Putin trình luận án Tiến sĩ về Kinh tế chú trọng vào thương mại quốc tế ; một số học giả đã phát giác là ông đã đạo văn từ một cuốn sách về kinh tế của Hoa Kỳ để đưa vào luận án. 

Sau khi Tổng bí thư Gorbachev chấp nhận giải thể Liên Bang Sô Viết, ông Boris Yeltsin lên làm Tổng thống Nga và đã tiến cử Putin là một trong những Phó Thủ tướng và sau đó là Thủ tướng. Khi Yeltsin bất thần từ chức vào tháng 12/1999, theo Hiến pháp Nga, thủ tướng Putin đã được giữ chức Quyền Tổng thống. Khi đã nắm được quyền lãnh đạo tối cao, Putin đã bám trụ vào chức vị này với mọi giá. Ông đã lén cho người đặt chất nổ tại một khu chung cư gây nhiều chết chóc, và ông đổ lỗi cho nhóm quá khích Chechnya chủ mưu, sau đó tiến quân sang đánh nước này ; nhờ đó ông được sự tín nhiệm của dân Nga. Đồng thời nhờ vào sự yểm trợ của Yeltsin, Putin đã thắng cử chức vụ Tổng thống Nga vào năm 2000 và nhiệm kỳ kế tiếp. Vì không được ứng cử nhiệm kỳ 3 ; ông đã ủng hộ ứng cử viên Dmitry Medvedev trong cuộc bầu cử năm 2008 với điều kiện là Medvedev phải bổ nhiệm Putin làm Thủ tướng. Sự việc đã xảy ra theo đúng như dự tính ! Năm 2012 Putin lại ứng cử tổng thống lần thứ ba với nhiệm kỳ mới được tăng lên 6 năm ; được sự hỗ trợ của đảng Nước Nga Đoàn Kết (Russia United) ông đã thắng cử liên tiếp 2 nhiệm kỳ (2012/2024).

Giữa nhiệm kỳ này (2018/2024) Putin đã vận động Quốc hội Nga (Duma) tu chỉnh hiến pháp cho phép tổng thống được quyền ứng cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa ; tức là 4 nhiệm kỳ, thay vì là 2 như trước đây. Putin rất đắc ý khi ký luật tu chính này vào tháng 4/2021 vì ông có thể ngồi lại đến năm 2036, nếu được dân bầu chọn ! Putin đã không ngần ngại dùng bạo lực để đạt mục đích, đúng với châm ngôn của người cộng sản : "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Ông đã làm điều đó tại Chechnya trước đây và nghĩ rằng có thể càn quét Ukraine trong vòng ít ngày. Có lẽ Putin muốn dùng cuộc chiến Ukraine để phô trương sức mạnh của Nga với dân chúng Nga và thế giới để trị vì "Đế Quốc Nga" ! Putin cho rằng thế giới tự do hiện nay đã suy đồi và trở nên mềm yếu trước đe dọa chiến tranh ; từ đó mới suy ra rằng quân đội Nga có thể tốc chiến, tốc thắng tại bất cứ nơi nào ! 

Mong ước của Putin

Trong khi Nga đem trên 120.000 binh sĩ và hàng trăm xe tăng và thiết giáp dọc vùng biên giới Ukraine, Putin đã gửi tối hậu thư đến NATO và Ukraine với các yêu sách sau đây :

- Ukraine phải giữ thế trung lập và không được gia nhập vào NATO

- Ukraine phải chính thức công nhận bán đảo Crimea là một vùng đất của Nga

- Ukraine phải công nhận hai tỉnh ở phía đông của nước này : Luhansk và Donetsk là hai nước cộng hòa độc lập tách khỏi đất nước Ukraine. 

Nga đã lợi dụng tư thế thượng phong về quân sự để đàm phán với NATO và Ukraine, và muốn bắt ép đối phương phải nhượng bộ Nga. Putin lấy cớ vì lý do an ninh lãnh thổ, vì e sợ rằng một khi Ukraine gia nhập NATO thì khối này sẽ đem vũ khí tối tân áp sát biên giới của Nga. Mặt khác, có lẽ quan trọng hơn, tuy Nga không đề cập đến, là sự phồn thịnh và tự do của Ukraine sẽ ảnh hưởng tới dân Nga, và họ sẽ hướng về thể chế tự do, dân chủ. Hai yêu sách cuối của Putin chắc chắn sẽ không được ông Zelensky chuẩn thuận, vì ông đã hứa khi tranh cử là đưa các vùng của Ukraine bị Nga chiếm đóng hay quấy nhiễu về lại Ukraine. 

Như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Putin là sự kiên cường và dũng cảm của người dân Ukraine ; họ đã quyết tâm để giữ gìn từng tấc đất của quê mẹ từ ngày 24/2 đến nay đã gần một tháng. Putin sững sờ và căm giận trước sự bền bỉ chiến đấu của Ukraine, mà trước đây ông suy đoán rằng nước này sẽ thất thủ trong vòng năm ba ngày ! Bị ngăn chặn cuộc tiến quân trên bộ, Putin đã tức tốc ra lệnh cho hải quân Nga trên biển Hắc Hải (Black Sea), phía Nam của Ukraine, dùng hỏa tiễn định hướng tầm xa với tốc độ siêu thanh để oanh kích vào các thành phố của Ukraine gieo chết chóc cho dân lành vô tội, và gây thiệt hại nặng nề về vật chất cho nhà thương, trường hoc, các chung cư, khu nhà ở và trung tâm thương mại. 

Ngày 2/3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra quyết nghị phản đối Nga trước cuộc xâm lăng Ukraine, một nước độc lập tự do và có chủ quyền, và yêu cầu Nga ngưng chiến và rút quân. Quyết nghị này có 141 phiếu ủng hộ, 35 phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc, Lào và Việt Nam, và 5 phiếu chống trong đó có Nga, Belarus, Eritra, Bắc Triều Tiên và Syria. Dù Putin bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế tại La Haye kết tội diệt chủng và ra án lệnh buộc Nga phải rút quân và ngưng chiến trong vòng 36 tiếng đồng hồ, nhưng Putin vẫn ngang nhiên múa gậy vườn hoang, xem thường luật pháp quốc tế ! Đúng là hành động của một kẻ tội đồ !

Phải chăng Putin cảm thấy mình sẽ mất tất cả nếu bại trận, và sẽ bị lên án và phỉ nhổ sau cuộc chiến, nên đã và sẽ dùng các loại vũ khí tối tân nhất, có thể cả vũ khí hóa học và sinh học để đánh ván bài chót với Ukraine ! Ông đã ra tay dùng các chất độc hóa học và phóng xạ để giết dần giết mòn các đối thủ như Alexander Litvinenko, bị giết chết bởi chất polonium/210 ; Alexis Navalny bị ám hại bởi chất độc nhắm vào hệ thống thần kinh vào năm 2020, sau đó được giải cứu, và hiện nay đang bị tù. 

Đối mặt với những cấm vận nghiệt ngã của Hoa Kỳ, phương Tây và thế giới tự do, kinh tế Nga đã và đang bị suy sụp, đồng Ruble của Nga bị mất giá, đa số các cơ sở thương mại của Hoa Kỳ và phương Tây đã rút khỏi Nga. Các ngân hàng quốc tế đã cắt đứt liên lạc với các ngân hàng Nga. Nước Nga đã bị cô lập về kinh tế cũng như ngoại giao. Putin đã phải liên lạc với Tập Cẩn Bình để cầu viện. Dân Nga sẽ phải tiếp tục xếp hàng dài hơn nữa để mua bánh mì và rượu… Vodka. Các thứ khác như rượu ngoại quốc và các nhu yếu phẩm hay "hàng hiệu", mà dân Nga đã làm quen hơn một thập kỷ sau khi Nga áp dụng chính sách "Đổi Mới"- thân thiện hơn với Tây Phương – sẽ không còn nữa !

Mặt khác, Nga và Belarus đã thành công trong việc buộc Tây Âu và các nước tự do khác phải giải quyết việc định cư và an sinh xã hội cho hàng triệu người di cư do chiến tranh Ukraine gây ra. Cho đến hôm nay (23/3/2022), số người di cư thoát khỏi Ukraine đã lên trên 3 triệu người, đa số đang tạm trú tại Ba Lan, và số người phải di dời nơi cư trú vì bom đạn đến nơi tương đối an toàn hơn trong nội địa Ukraine là khoảng 6-7 triệu người. Các cơ quan cứu trợ từ thiện quốc tế như UNICEF, Red Cross… cũng như các nước, trong số đó có cả cộng sản Trung Quốc, và dân chúng trên toàn thế giới đã ủng hộ tối đa cho người dân Ukraine tị nạn chiến tranh. Ví lý do nhân đạo, các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng của Nga và Ukraine đã chấp thuận cho mở các hành lang an toàn để dân chúng di tản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các hành lang này đã không an toàn vì quân Nga đã bắn vào người di tản.

Đứng trước thảm cảnh đau thương của chiến cuộc, nhiều nỗ lực quốc tế đã yêu cầu các bên tham chiến ngồi vào bàn hội nghị để đem lại hòa bình cho khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái là hai trong số các nước đứng ra làm trung gian cho việc thương thảo. Tuy nhiên, với các yêu sách quá đáng của Nga hiện nay, khó mà Ukraine có thể chấp thuận. Nga ngày càng dùng những vũ khí tối tân hơn để tàn phá Ukraine, trong khi NATO lại e ngại là đại chiến thứ Ba sẽ nổ bùng nếu trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến. Thế giới hôm nay đã phải câm lặng trước tiếng gầm thét của bom đạn, hỏa tiễn do một tên cường đạo gây ra. Putin nghĩ rằng phương Tây đã bị vật chất lôi cuốn và công dân của họ trở thành những kẻ hèn nhát trước bạo lực. Nhưng y đã lầm to !

Ông Zelensky không chỉ là người Hùng của Ukraine, mà là người Hùng của thế giới. Dân chúng khắp nơi đã ngưỡng mộ gương anh dũng của ông ; và chính ông đã đem lại sự đoàn kết của các nước tự do để đồng lòng chống lại chủ nghĩa độc tài toàn trị trên thế giới.

Việt Thanh

Nguồn : VNTB, 25/03/2022

************************

Chiến tranh Ukraine : Mặt trận tuyên truyền gay gắt giữa Kiev và Moskva

Trọng Nghĩa, RFI, 25/03/2022

Ngay từ những giây phút khởi đầu của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngày 24/02/2022, guồng máy tuyên truyền của cả hai phía đều đã tăng cường hoạt động, với những thông tin hay hình ảnh thực thực, hư hư được cả hai bên tung ra để hướng dẫn dư luận.

bongtoi2

Ảnh được ghi là của viên phi công người Ukraine đã "bắn hạ 10 máy bay" của Nga công bố ngày 27/02/2022 trên trang Twitter của Lực Lượng Võ Trang Ukraine. Ảnh chụp màn hình  © Capture d'écran

Trên đài RFI ngày 21/03/2022, Romain Milcarek, một nhà báo Pháp đồng thời là nhà nghiên cứu chuyên về thông tin trong thời chiến, đã phác họa chiến lược tuyên truyền khác nhau được Nga và Ukraine sử dụng. Đối với nhà nghiên cứu Pháp, dù đều là tuyên truyền, nhưng sự thật không thể chối cãi là trong cuộc chiến này, rõ ràng là có một bên là kẻ tấn công, đó là Nga và bên kia là Ukraine, nước bị tấn công.

Tính chất tuyên truyền, thậm chí bóp méo sự thật lộ rõ trong những "thông tin" mà cả hai bên đã đưa ra. Về phía Moskva chẳng hạn, Nga luôn luôn khẳng định rằng Ukraine hiện đang bị các thành phần quốc xã và phát xít chiếm đóng, đang chế tạo vũ khí hóa học và võ trang cho các bệnh viện. Tuy nhiên đây chỉ là những lời khẳng định suông, không hề có bất kỳ bằng chứng nào.

Về phía Ukraine thì chính quyền Kiev đã không ngần ngại tung ra những video ngụy tạo về những phi công Ukraine bất khả chiến bại nhưng hoàn toàn tưởng tượng.

Dĩ nhiên, các thông tin về chiến sự từ cả hai phía đều nhằm nhân lên gấp bội tổn thất của "quân địch" và phủ nhận thiệt hại của "quân ta".

Nga ưu tiên dùng thuyết âm mưu để tuyên truyền

Trong học thuyết quân sự của Nga, thông tin được coi là một loại vũ khí tương tự như bất kỳ loại vũ khí nào khác. Theo giáo sư David Colon tại Học Viện Chính Trị Sciences Po Paris, chuyên gia nghiên cứu về tuyên truyền và thao túng thông tin : "Nga đi theo một lôgic kép : Ra sức bảo vệ lĩnh vực thông tin của Nga đồng thời lũng đoạn không gian thông tin của phương Tây".

Để làm suy yếu đối thủ, guồng máy tuyên truyền của Nga lợi dụng thái độ thiếu tin tưởng của một bộ phận người dân phương Tây đối với giới lãnh đạo của mình, chẳng hạn như lao vào loan truyền lập luận của những kẻ theo thuyết âm mưu. Giáo sư Colon ghi nhận : "Kể từ thời còn cơ quan mật vụ KGB, người Nga đã phổ biến tất cả các loại thuyết âm mưu nhằm phủ nhận các sự thật chính thức… Đó chính là chức năng được gán cho các cơ quan truyền thông RT (Russia Today) và Sputnik, vốn đã dành một không gian quá lớn cho các lý luận gia theo thuyết âm mưu, nhằm khuyến khích tâm lý nghi kỵ và đào sâu sự chia rẽ (trong xã hội phương Tây)".

Một trong những ví dụ nổi bật gần đây liên quan đến vụ tấn công của Nga vào một bệnh viện phụ sản vào ngày 10 tháng 3 ở Mariupol. Moskva khẳng định đó là một cơ sở đã bị lực lượng võ trang Ukraine chiếm đóng. Và để gọi là "lật tẩy" các thông tin mà họ cho là thất thiệt của các nhà báo có mặt tại chỗ, các đại sứ quán Nga mọi nơi bắt đầu tố cáo việc một trong những cô gái mang thai bị thương trong vụ bắn phá cũng là một người có ảnh hưởng trên Instagram, và cảnh thường dân bị thương vong là do chính quyền Ukraine dàn dựng.

Theo chuyên gia Milcarek đây là một kiểu suy đoán theo thuyết âm mưu : Không cần chứng minh mà chỉ cần làm dấy lên sự hoài nghi của người xem, họ rất có khả năng nghĩ rằng có lẽ có một cái gì đó đáng ngờ trong vụ đó, cho dù chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể xác minh được là cô gái đó đã thực sự thông báo có thai từ lâu trên mạng xã hội. Nga thường bắt chước các trang web xác minh thực tế và đóng triện "Giả mạo" trên các bài báo bị họ cho là dối trá mà không có bất kỳ hình thức xác minh nào khác.

Moskva cố bưng bít thông tin đối với dân Nga

Còn đối với dư luận trong nước thì chính quyền Nga đã bảo đảm sao cho người dân không thể nghi ngờ khi tìm cách bưng bít các thông tin về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Đạo luật chống "thông tin sai lệch" ngày 04/03 đe dọa trừng phạt bất kỳ ai nói về "chiến tranh" ở Ukraine, vốn được Điện Kremlin trình bày như một "chiến dịch đặc biệt" nhằm "phi quốc xã hóa" láng giềng.

Hôm 18/03, thậm chí chính tổng thống Vladimir Putin đã lặp lại lời nói dối của mình trước một biểu ngữ nhấn mạnh : "Vì một thế giới không có chủ nghĩa quốc xã", trước một đám đông tụ tập ở sân vận động Moskva. Lời nói dối đã được lập lại ngay cả khi các phần tử tân phát xít ở Ukraine chỉ là một thiểu số cực kỳ nhỏ.

Maxime Audinet, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên Cứu Quân Sự Pháp Irsem cho rằng lập luận "Phi quốc xã hóa Ukraine" là cách khai thác tâm lý tự hào của dân Nga về chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ II mà Nga gọi là cuộc "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại". Theo nhà nghiên cứu Pháp, câu chuyện về cuộc chiến này được đa số người Nga ủng hộ, đặc biệt là những người trên 45 tuổi.

Ukraine : Chiến lược truyền thông theo kiểu Mỹ

Trong chiến lược tuyên truyền của mình, nếu phía Nga áp dụng mô hình Liên Xô, bôi xấu hình ảnh đối phương, thì phía Ukraine được cho là đã đi theo một cách vận động kiểu Mỹ, gọi là "Kêu gọi đến những con người bình thường" (Plain Folks Appeal), với tổng thống Ukraine đã trở thành gương mặt tiêu biểu của một nước Ukraine nhỏ bé dũng cảm chống lại nước Nga khổng lồ.

Colin Gérard, chuyên gia Pháp về chiến lược thông tin của Nga thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp IFG, đã ghi nhận như sau về sự "lột xác" của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski từ ngày chiến tranh nổ ra : "Trước đây, không ai biết đến Zelensky, ngoại trừ một số nhà nghiên cứu và nhà báo, nhưng giờ đây mọi người đều biết đến ông… Ông đã nói chuyện trực tiếp với người dân các nước, đặc biệt là người Châu Âu, để họ thúc đẩy giới lãnh đạo của họ đưa ra các quyết định chính trị, một mục tiêu mà hiệu quả không chắc chắn lắm".

Giáo sư David Colon cũng nhận thấy rằng ông Zelensky đã phô bày hình ảnh một nguyên thủ quốc gia khiêm tốn, trong chiếc áo phông kaki, túc trực bên cạnh người dân : "Ông ấy làm ngược lại với Vladimir Putin, người đã cố gắng phô trương quyền lực độc tôn áp đặt theo chiều dọc. Ông Zelensky đã áp dụng một kỹ thuật giao tiếp nổi tiếng của Mỹ, được gọi là Plain Folks Appeal, nhằm tạo ra một hình ảnh gần gũi với mọi người. Điều này đã có hiệu quả phi thường trong việc thuyết phục dư luận ​​phương Tây đã nhìn thấy chính mình trong nhân vật này".

Tuy nhiên ông Carl Miller, một chuyên gia về mạng kỹ thuật số, đã nêu bật sự kiện là nếu ở Châu Âu, người ta nghĩ rằng người Ukraine đã giành chiến thắng trong cuộc chiến thông tin, thì ở những nơi khác, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á, những thông điệp của Nga lại được cư dân mạng tiếp thu và phổ biến rộng rãi.

Ukraine : Truyền thuyết ngụy tạo về chàng phi công "ma"

Bên cạnh đó, chính quyền Kiev cũng không ngần ngại phổ biến những thông tin thất thiệt. Nhà nghiên cứu Maxime Audinet chẳng hạn đã thấy rằng Ukraine đã phóng đại rất nhiều thành tích của quân đội nước này tiêu diệt lính Nga, "anh hùng hóa những người lính đã chết và nhấn mạnh tính chất tử vì đạo của người dân Ukraine". Theo chuyên gia này, đây là một hình thức tuyên truyền mang tính chất thủ thế, nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân đội".

Một ví dụ điển hình về một vụ loan tin thất thiệt của chính quyền Kiev là thông tin về một "Phi công Ukraine đã bắn rơi 10 máy bay địch" đăng trên tài khoản Twitter của lực lượng vũ trang Ukraine ngày 27/02, với những chiến công được quay phim và công bố, nhưng thực ra chỉ là hình ảnh được lấy từ một trò chơi điện tử.

Tuyên truyền có giá trị không ?

Tóm lại, cả Ukraine lẫn Nga đều sử dụng biện pháp tuyên truyền và thao túng thông tin. Câu hỏi đặt ra là có nên đánh đồng hai cách làm hay không ?

Đối với giáo sư David Colon : "Các nguyên tắc tuyên truyền đều giống nhau đối với tất cả những bên tham chiến, trong mọi cuộc xung đột. Bên nào cũng kết tội bên kia là kẻ gây chiến và gây ra những hành động tàn bạo. Nhưng chủ nghĩa tương đối có một giới hạn : Khi hai quốc gia đều khẳng định rằng chính đối thủ là người bắt đầu chiến tranh, thì một trong hai bên là kẻ nói dối. Và ở đây, không còn bất kỳ nghi ngờ nào : Nga là kẻ xâm lược".

Trong cuộc chiến tranh thông tin, tuyên truyền gay gắt đang diễn ra, điều quan trọng là phải biết gạn đục, khơi trong, tách biệt cái đúng khỏi cái sai. Theo nhà nghiên cứu Colin Gérard, giải pháp duy nhất là "báo chí phải xử lý thông tin một cách nghiêm túc, không cho phép bản thân bị cảm xúc lấn át, trong lúc giới nghiên cứu phải thực hiện công việc phân tích và giải thích".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 25/03/2022

**********************

30 ngày giao chiến ở Ukraine : Quân đội Nga đã lạc hậu về học thuyết ?

BBC, 26/03/2022

Một tháng sau cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2/2022, Ukraine tới nay vẫn đứng vững, bất chấp nhiều dự báo bi quan của phương Tây trước đó.

bongtoi3

Kharkiv, Ukraine ngày 25 tháng 3 năm 2022 / Reuters

Ukraine đã mất nhiều lãnh thổ, đặc biệt là ở miền nam xung quanh Crimea, đã bị Nga chiếm đóng và sáp nhập vào năm 2014.

Nhưng nếu mục đích ban đầu của Moscow là nhanh chóng chiếm giữ thủ đô Kyiv và các thành phố lớn khác, thì quân Nga tới nay đã không thành công.

Viết trên The Atlantic ngày 24/3 , Elliot Ackerman kể rằng vài ngày trước đó, ông ở thành phố Lviv, phía tây Ukraine và gặp một người đã chiến đấu như một tình nguyện viên bên ngoài Kyiv.

Jed - tên giả mà tác giả bài viết dùng cho người này - nói về chiến thuật và học thuyết của Nga.

Anh ta cho biết anh ta đã dành phần lớn thời gian trong vài tuần qua trong các chiến hào phía tây bắc Kyiv. Anh ta nói : "Người Nga không có trí tưởng tượng. Họ sẽ bao vây các vị trí của chúng tôi, tấn công theo đội hình lớn, và khi các cuộc xung phong của họ thất bại, họ tiếp tục lặp lại. Trong khi đó, người Ukraine sẽ tấn công các phòng tuyến của Nga thành từng nhóm nhỏ đêm này qua đêm khác, khiến họ đau đầu".

bongtoi4

Lính tình nguyện Ukraine được huấn luyện sử dụng vũ khí ở Odesa / EPA

Theo lời Elliot Ackerman, tại Ukraine, có một nhân vật, Andriy Zagorodnyuk, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ 2019 tới 2020.

Tác giả nói sau khi Nga xâm lược Donbas vào năm 2014, Zagorodnyuk đã giám sát một số cải cách trong quân đội Ukraine mà hiện đang có kết quả, chủ yếu là những thay đổi trong học thuyết quân sự của Ukraine.

"Học thuyết của Nga dựa vào sự chỉ huy và kiểm soát tập trung, trong khi sự chỉ huy và kiểm soát theo kiểu nhiệm vụ - như tên gọi - dựa vào sáng kiến cá nhân của mỗi người lính, từ binh nhì đến tướng lĩnh, không chỉ để hiểu nhiệm vụ mà còn sử dụng sáng kiến của họ. Họ sẽ thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt của một chiến trường hỗn loạn và luôn thay đổi nhằm hoàn thành nhiệm vụ đó. Mặc dù quân đội Nga đã hiện đại hóa dưới thời Vladimir Putin, nhưng lực lượng này chưa bao giờ chấp nhận cơ cấu chỉ huy và kiểm soát theo kiểu nhiệm vụ phi tập trung vốn là đặc điểm nổi bật của quân đội NATO, trong khi người Ukraine đã áp dụng".

bongtoi5

Hai binh sĩ Ukraine với một tên lửa Javelin / Reuters

Andriy Zagorodnyuk nói với Elliot Ackerman : "Người Nga không trao quyền cho binh lính của họ. Họ bảo binh sĩ của họ đi từ Điểm A đến Điểm B, và chỉ khi đến Điểm B, họ mới được thông báo nơi tiếp theo, và những người lính cấp dưới hiếm khi được cho biết lý do họ đang thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào".

Zagorodnyuk nói tiếp : "Động lực của chúng tôi - đó là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng hơn bất cứ điều gì. Chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống của gia đình chúng tôi, cho người dân của chúng tôi và cho ngôi nhà của chúng tôi. Người Nga không có bất kỳ thứ gì trong số đó và họ không thể có nó".

bongtoi6

Bản đồ Ukraine phác thảo các khu vực dưới sự kiểm soát của Nga, tính đến ngày 23 tháng 3 năm 2022.

Cũng viết trên The Atlantic ngày 24/3, Antony Beevor, một tác giả nổi tiếng với nhiều sách về lịch sử chiến tranh, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị lạc hậu.

"Một mô hình cũ khác đang lặp lại ở Ukraine là quân đội Nga phụ thuộc vào súng hạng nặng. Trong Thế chiến thứ hai, Hồng quân đã khoe khoang về sức mạnh của pháo binh, thứ mà họ gọi là "thần chiến". Trong chiến dịch Berlin, pháo binh của Zhukov đã bắn hơn 3 triệu quả đạn, phá hủy thành phố nhiều hơn so với cuộc tấn công đường không chiến lược của Đồng minh. Liên Xô đã sử dụng bệ phóng tên lửa Katyusha, được quân Đức đặt biệt danh là "nội tạng của Stalin" do âm thanh hú của máy, để tiêu diệt bất kỳ quân phòng thủ nào còn lại. Trong khi pháo binh thông thường của Putin bắn phá các tòa nhà Ukraine theo cách cũ để loại bỏ các vị trí bắn tỉa tiềm năng, thì vũ khí nhiệt áp — những "quả bom chân không" có sức tàn phá tạo ra quả cầu lửa hút oxy khỏi mục tiêu— đã thay thế cho các Katyusha ngày xưa".

"Trong khi các lực lượng phòng thủ Ukraine liên tiếp phá hủy xe tăng T-72 của Nga thời Chiến tranh Lạnh, thì ưu tiên của Nga là dành đủ tiền để trang bị cho thế hệ xe tăng công nghệ cao Armata tiếp theo. Tuy nhiên, Armata chả có thể làm được nhiều hơn gì mấy so với việc diễu ngang qua Quảng trường Đỏ trong các cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 hàng năm để gây ấn tượng với đám đông và giới truyền thông nước ngoài. Trên chiến trường, nó sẽ chịu số phận giống hệt như những chiếc T-72".

"Tại Stalingrad vào cuối năm 1942, Hồng quân đã khiến chính bản thân và thế giới ngạc nhiên với sự thay đổi đột ngột và có dấu hiệu cho thấy lực lượng của Putin đang điều chỉnh chiến thuật và chuẩn bị hai cuộc bao vây chiến lược lớn, xung quanh Kyiv và ở miền đông Ukraine. Một quyết tâm giống như thời Stalin đối với quân đội Nga - được hỗ trợ bởi việc hành quyết những người đào ngũ và các sĩ quan thất bại - có thể kéo dài cuộc xung đột trong một cuộc tắm máu tàn phá không ngừng".

"Tuy nhiên, ngược với tất cả các kỳ vọng trước chiến tranh, một sự sụp đổ quân sự của Nga cũng có thể xảy ra. Sự suy sụp hoàn toàn về tinh thần có thể dẫn đến một cuộc rút lui bẽ bàng, một kết quả có khả năng xảy ra do việc Putin không thể chia tay với quá khứ Xô Viết".

bongtoi7

Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc gọi điện video với Tổng thống Zelensky, Brussels, ngày 24 tháng 3 năm 2022 / EPA

Quân đội Nga cho biết hiện nay Nga sẽ tập trung nỗ lực chiến tranh chính vào việc "giải phóng hoàn toàn" khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng cho biết Nga đã cân nhắc hai lựa chọn cho "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình - một bao gồm toàn bộ Ukraine và một tập trung vào Donbas.

Các bình luận - do các hãng thông tấn nhà nước Nga thực hiện - có vẻ ám chỉ Nga có thể giảm tham vọng xâm lược Ukraine.

Các lực lượng Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ ở phía bắc Ukraine và xung quanh Kyiv.

Sergey Rudskoy, người đứng đầu bộ phận tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, cho biết 93% khu vực Luhansk và 54% khu vực Donetsk thuộc quyền kiểm soát của Nga.

Ông nói thêm, Nga đã tiêu diệt phần lớn lực lượng không quân và hải quân của Ukraine, và điều này đánh dấu sự kết thúc thành công của giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột.

Hãng tin Ria Novosti đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra bản cập nhật về thương vong của quân đội nước này tuyên bố 1.351 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.

Các nguồn tin quân sự Ukraine trước đây ước tính rằng có khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, mặc dù con số này có thể bao gồm cả người bị thương và người chết.

Cập nhật đầu tiên từ Bộ Quốc phòng Nga về thương vong là vào ngày 2 tháng 3 và cho biết 498 quân nhân đã chết trong cuộc xâm lược.

Có lẽ còn quá sớm để kết luận rằng Nga đã từ bỏ việc chiếm thủ đô Kyiv, nhưng các quan chức phương Tây nói rằng Nga đang gặp nhiều thất bại.

Nếu những ngày tới Nga có sự chuyển hướng tập trung sang Donbas, điều đó không có nghĩa là Moscow đã từ bỏ tham vọng rộng lớn hơn của mình.

Sức mạnh quân số của quân đội Nga, dù có thể bộc lộ thiếu sót, vẫn không có lợi cho Ukraine.

Nếu nguồn cung cấp vũ khí phòng thủ từ phương Tây cạn kiệt thì Ukraine khó có thể cầm cự được lâu hơn nữa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã nói rõ rằng quân đội Mỹ sẽ không đến Ukraine để trực tiếp chiến đấu chống quân Nga, vì bước đi như vậy sẽ dẫn đến Thế chiến III.

Nguồn : BBC, 25/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Thanh, Trọng Nghĩa, BBC tiếng Việt
Read 290 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)