Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2022

Thoát khỏi thiên đường cộng sản mà không thù hận mới là cao cả

Alexander Solzhenitsyn, Chingiz Aitmatov, Alexander Tsipko

Chưa tàn cơn say cuối đường đau khổ 

Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch 

Hồi chuông báo tử đã gọi hồn chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kiến trúc xi măng ấy chưa sụp đổ, và thay vì tìm được tự do chúng ta có nguy cơ bị đè bẹp dưới đống đổ nát ấy.

communisme1

Hồi chuông báo tử đã gọi hồn chủ nghĩa cộng sản.

Ai trong chúng ta lại không biết đến các vấn nạn của chúng ta dù chúng được che đậy bằng những thống kê gian dối ? Trong suốt 70 năm lê bước đi tìm thiên đường Mác-Lê không tưởng mù quáng và độc ác, chúng ta đã đặt cả một phần ba dân số trên thớt của đao phủ thủ trong "cuộc chiến tranh vệ quốc" tự hủy diệt dưới sự lãnh đạo bất tài. Chúng ta đã mất thịnh vượng và tiêu diệt giai cấp nông dân cùng với làng mạc của họ. Chúng ta đã giết đi chính bản năng trồng lúa để ăn.

Chúng ta đã làm ô uế các thành phố từ trong ra ngoài, nhiễm độc sông hồ và cá với chất thải của công nghiệp thô sơ. Hôm nay thêm vào cái chết hạt nhân và việc mua về chất thải phóng xạ ở Phương Tây chúng ta cuối cùng làm ô uế nốt nguồn nước, không khí, đất đai còn sót lại cuối cùng. Tự hại mình vì những cuộc xâm lược hoành tráng dưới sự lãnh đạo điên cuồng, chúng ta đã phá rừng vàng của chúng ta, cướp đi những tài nguyên vô giá, tài sản không thể nào thay thế được của bao đời con cháu chúng ta. Chúng ta đã nhẫn tâm bán hết tất cả mọi thứ ra nước ngoài.

Chúng ta đã vắt kiệt sức phụ nữ chúng ta khi bắt họ làm công việc nặng nhọc. Chúng ta đã cướp họ ra khỏi vòng tay con cái. Trẻ thơ bị phó mặc cho bệnh hoạn, hư hỏng, và giáo dục suy đồi. Sức khỏe hoàn toàn không được chăm lo, đã thế chúng ta lại không có thuốc men. Thậm chí chúng ta còn quên đi cả thực phẩm sạch, và hàng triệu người không có nơi ở. Vô luật pháp ngự trị trên khắp cả nước. Thế mà trước bao cảnh này chúng ta chỉ bám vào một điều : chúng ta không bị tước đoạt thú say sưa đến mê muội.

Aleksandr Solzhenitsyn

Nguyên tác : "Làm thế nào hồi sinh nước Nga", Komsomoskaya Pravda, 18/09/1990. Bản dịch tiếng Anh của báo The New York Times. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

(29/03/2022)

**************************

Cộng sản chống con người 

Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch 

Chủ nghĩa cộng sản là một cố gắng thô thiển nhằm giải thích xã hội và cá nhân như thể bác sĩ giải phẫu thực hiện những ca mổ phức tạp bằng dao chặt thịt. Tất cả những gì tinh tế trong tâm lý con người và trong cấu trúc xã hội (mà thậm chí càng phức tạp hơn nhiều), tất cả những điều này rốt cuộc chỉ còn lại là những quá trình kinh tế thô thiển. Toàn bộ hữu thể được sáng tạo này - con người - rốt cuộc chỉ còn lại là vật chất. Điều đặc biệt là cộng sản hoàn toàn thiếu lý lẽ đến nỗi nó không đưa ra được lý lẽ nào chống lại những người bất đồng với nó tại các nước cộng sản chúng tôi. Cộng sản thiếu lý lẽ nhưng bù lại có dùi cui, lao tù, trại tập trung, và các bệnh viện tâm thần với chế độ giam cầm cưỡng bức.

communisme02

Sự phản kháng của tâm hồn chúng ta chống lại những kẻ khiến chúng ta quên đi những khái niệm thiện và ác.

Chủ nghĩa Marx luôn luôn chống lại tự do. Tôi sẽ trích dẫn đôi lời từ những người khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản, Marx và Engels (tôi trích từ bản in Xô Viết đầu tiên vào năm 1929) : "Cải cách là dấu hiệu của sự yếu đuối" (tập 23, trang 339) ; "Dân chủ còn đáng sợ hơn quân chủ và quý tộc" (tập 2, trang 369) ; "Tự do chính trị là tự do giả dối, còn tệ hơn tình cảnh nô lệ cùng khổ nhất" (tập 2, trang 394). Trong thư từ qua lại Marx và Engels thường xuyên khẳng định rằng khủng bố sẽ là tuyệt đối cần thiết sau khi nắm quyền lực, rằng "sẽ cần thiết lập lại năm 1793. Sau khi nắm quyền lực, chúng ta sẽ bị coi là những kẻ rất tàn ác, nhưng chúng ta chẳng thèm quan tâm gì đến" (tập 25, trang 187).

Cộng sản đã không bao giờ che giấu sự thật rằng cộng sản bác bỏ tất cả những khái niệm đạo đức tuyệt đối. Cộng sản chế giễu bất kỳ suy tưởng nào về "thiện" và "ác" như những phạm trù rất cần thiết. Cộng sản coi đạo đức là tương đối, là vấn đề giai cấp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình huống chính trị, bất kỳ hành vi nào, kể cả giết người, thậm chí sát hại hàng ngàn người, có thể tốt hay có thể xấu. Tất cả điều này phụ thuộc vào ý thức hệ giai cấp. Nhưng ai định nghĩa ý thức hệ này ? Toàn bộ giai cấp không thể nào tập trung lại để xét xử. Một số ít người quyết định điều gì tốt và điều gì xấu. Nhưng tôi phải nói rằng về chính phương diện này cộng sản thành công nhất. Cộng sản đã nhiễm độc cả thế giới bằng niềm tin về sự tương đối của thiện và ác. Ngày nay, ngoài những người cộng sản ra, nhiều người khác cũng bị tư tưởng này mê hoặc. Giữa những người tiến bộ với nhau, người ta thấy hơi ngượng ngùng khi ang một cách nghiêm túc những từ như "thiện" và "ác". Cộng sản đã thuyết phục được tất cả chúng ta những khái niệm này là lạc hậu và đáng cười. Nhưng nếu chúng ta bị tước mất những khái niệm thiện và ác ấy, chúng ta còn sót lại gì ? Chẳng còn gì ngoại trừ lừa lọc lẫn nhau. Chúng ta sẽ chìm xuống thành thú vật.

Cả lý thuyết và thực tiễn của cộng sản là hoàn toàn vô nhân đạo vì lý do ấy. Thời nay có một từ được dùng rất phổ biến : "chống cộng". Đó là một từ không hay và vô vị. Từ này khiến người ta tưởng rằng cộng sản là cái gì đấy độc đáo, căn bản. Vì thế, người ta xem nó như là điểm xuất phát, và chống cộng được định nghĩa liên quan đến cộng sản. Tôi nói người ta chọn từ này không hay, những người ghép từ này là những người không hiểu về từ nguyên học. Khái niệm quan trọng nhất, khái niệm bất tử là nhân tính, và cộng sản là chống nhân tính. Những ai nói "chống cộng" thật ra nói chống-chống-nhân tính. Một cách dùng từ không hay. Vì thế chúng ta nên nói : Phàm điều gì chống lại cộng sản là cổ vũ cho nhân tính. Không chấp nhận, mà hãy loại bỏ ý thức hệ cộng sản vô nhân đạo này rõ ràng mới là con người. Sự loại bỏ như thế không chỉ là hành động chính trị. Nó còn là sự phản kháng của tâm hồn chúng ta chống lại những kẻ khiến chúng ta quên đi những khái niệm thiện và ác.

Alexander Solzhenitsyn

Nguyên tác : Trích dịch bài diễn văn nhà văn Alexander Solzhenitsyn đọc ngày 9/7/1975 ở New York, Hoa Kỳ, từ tác phẩm "Warning To The West" của Alexander Solzenitsyn, nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux, New York, 1976, trang 56-59. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

*******************

Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất

Chingiz Aitmatov, Trần Quốc Việt dịch 

Liệu chúng ta có thể thật sự nói rằng nhân dân ta bây giờ tốt bụng hơn, hiền hậu hơn ? Không, tôi không thể nói như thế. Ngay cả từ những gì tôi nhìn thấy trong đời thì thực trạng ngược lại mới đúng, còn theo như nếp nghĩ của dân chúng thì mọi sự càng ngày càng suy đồi. Tôi nhớ lại hồi nhỏ, thuở thiếu thời và thanh niên, rồi cố gắng so sánh những người hôm nay với những người tôi biết vào thời ấy ; và sự so sánh ấy không có lợi cho những thế hệ hiện nay. Người thời nay có thể có học hơn- chứ không phải có giáo dục, chỉ có học : họ đều biết đọc biết viết, họ đều biết ngồi thoải mái trước máy truyền hình và thành thạo chọn cảnh giải trí, tiêu khiển, thú vị. Ai cũng biết lái xe, vân vân. Nhưng đấy không phải là văn hóa và cũng không chứng tỏ được gì. Người máy cũng có thể làm chính xác như vậy. Thiện căn cao quý sâu kín trong lòng người đã bị mất, thiện căn ấy đã bị mất mát quá nhiều.

communisme3

Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất

Chúng ta lúc nào cũng nói ở khắp mọi nơi rằng đạo đức nên là một trong những mối quan tâm lớn của chúng ta, cùng với sinh thái. Sinh thái là thảm họa đầu tiên, còn thảm họa thứ hai là thảm họa đạo đức. Tôi nghĩ thầm : tại sao chúng ta lại không thành công trên con đường này sau khi đã vất bỏ bao thần thánh cùng tất cả giáo huấn thần học ? Nói gì thì nói, tất cả giáo huấn tôn giáo đều buộc người ta xét những hành vi của họ-không chỉ hành vi mà còn cả ý nghĩ của họ-theo tiêu chuẩn là những hành vi hay ý nghĩ ấy liệu có làm Chúa hài lòng.

"Hài lòng" nghĩa là gì ? Nếu ta theo quan điểm hiện thực và thực tế thì mọi sự đều có thể chấp nhận được ; vì dù người ta làm bất kỳ chuyện gì chăng nữa cũng chưa từng có ai đã nếm trải bất kỳ sự trừng phạt nào từ trời cao. Nhưng khi ta hỏi thẳng ai đấy có nhận thức liệu điều nào đấy có làm hài lòng Chúa, điều ấy có nghĩa : điều ấy có làm hài lòng lương tâm ta, điều ấy có làm hài lòng đạo đức đích thực và cao quý nhất ?

Mọi người dù sao cũng phải tự vấn tâm mình và xem xét lại những suy nghĩ và hành vi của họ, hay ít ra cũng kiểm tra và giám sát chúng, và cân nhắc, rồi hiểu ra chúng đúng hay sai. Và nếu những suy nghĩ và hành vi này không phải, thì ít ra trong lòng họ phải có ít nhiều sám hối. Đây chính là điều chúng ta đã hoàn toàn tước đoạt từ nhân dân Xô viết chúng ta-ý thức sám hối. Chẳng ai từng bao giờ sám hối về bất kỳ điều gì.

Là đại biểu Xô Viết tối cao, tôi tiếp rất nhiều người. Họ đến về nhiều chuyện khác nhau- từ phàn nàn, yêu cầu, đến góp ý đủ loại. Tôi đôi khi có cảm tưởng rằng những người phạm tội về sau tìm mọi cách giảm nhẹ sự dính líu của họ. Họ không sám hối. Cho nên điều này khiến tôi nghi ngờ. Điều tôi muốn nói ở đây là sự tôn thờ sám hối đã hoàn toàn không còn nữa. Sám hối phải được hồi phục, vì sám hối là một trong những đặc trưng của con người, được hình thành trên con đường tiến hóa lịch sử bao la của nhân loại.

Theo tôi thời kỳ chúng ta hiện nay đang sống, thời kỳ tái cấu trúc và glasnost, thời kỳ hồi sinh, mặc khải, và khai sáng chưa từng có -đặt tên gì cũng được- thật sự là phục hưng cho chúng ta. Giống như chúng ta nói về thế kỷ thứ 15 ở Châu Âu là thời kỳ Phục Hưng, con cháu chúng ta có thể cũng nói như thế về chúng ta. Họ có thể nói rằng có nhiều sự phục hưng khác nhau, còn đây là sự phục hưng, sự tái sinh toàn bộ lĩnh vực tôn giáo của chúng ta.

Chingiz Aitmatov

Nguyên tác : The Age of Repentance (Thời đại sám hối), trích dịch từ tạp chí Mỹ Encounter, tháng 6/1989. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Chingiz Aitmatov (1928-2008) là nhà văn người Kyrgyzstan nổi tiếng với những tác phẩm như Một Ngày Dài Hơn Thế Kỷ, Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên, Đoạn Đầu Đài.

*********************

Tan mộng đường dài 

Alexander Tsipko, Trần Quốc Việt dịch 

Trong lịch sử nhân loại không dân tộc nào từng bị nô lệ bởi bao huyền thoại như dân tộc ta trong thế kỷ hai mươi. 

communisme4

Chúng ta tưởng chúng ta gắn bó đời mình cho một sự thật cao quý, chỉ để nhận thức rằng chúng ta phó thác mình cho một huyễn tưởng trí tuệ mà không bao giờ có thể trở thành hiện thực. 

Chúng ta tưởng chúng ta là những người tiên phong đưa toàn thể nhân loại đến bến bờ tự do và hạnh phúc tinh thần, nhưng nhận ra rằng con đường chúng ta đi là con đường không đi đến đâu.

Chúng ta tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô là kỳ tích vĩ đại nhất của dân tộc ta, ngờ đâu chúng ta cố tâm tự hủy diệt mình. 

Chúng ta tưởng chủ nghĩa tư bản là một lão già bệnh hoạn bị kết án tử hình, nhưng hóa ra chủ nghĩa tư bản vẫn khỏe mạnh, cường thịnh. 

Chúng ta tưởng những người cùng lý tưởng sát cánh bên chúng ta biết ơn chúng ta đã giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ tư bản, nhưng hóa ra bạn hữu và láng giềng chúng ta chỉ chờ cơ hội để trở lại nếp sống cũ của họ. 

Chúng ta tưởng nền công nghiệp quốc gia của chúng ta, được tổ chức như một nhà máy lớn, là thành tựu cao nhất của kho tàng kiến thức nhân loại, nhưng tất cả hóa ra chỉ toàn là sự xuẩn ngốc về kinh tế mà đã quàng ách nô lệ lên bao năng lực tinh thần và kinh tế của nước Nga. 

Alexander Tsipko

Nguyên tác : Trích dịch bài viết từ tạp chí Novy Mir số 4 (1990), trang 173-204, dựa theo tác phẩm "The Soviet System : From Crisis to Collapse" , của Alexander Dallin và Gail Warshofsky Lapidus, Nhà xuất bản Westview Press, 1995. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Alexander Tsipko là nhà triết học chính trị Xô Viết 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alexander Solzhenitsyn, Chingiz Aitmatov, Alexander Tsipko, Trần Quốc Việt
Read 393 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)