Đi tìm ý nghĩa của đời sống trên quê hương bị hủy hoại bởi độc tài toàn trị
Theo lời kể của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, năm 2016, anh Phạm Chí Dũng rủ anh Hoàng đến tham dự phiên họp hàng năm của Hội Nhà Báo Độc Lập. Anh Hoàng nói anh ấy ngần ngại vì đang anh ấy đang bị quản chế và theo dõi. Anh Dũng nói : "Anh cứ đi một cách bình thường, họ đi theo cứ để họ đi, chẳng có vấn đề gì đâu". Cũng may, đường đi đến chỗ họp phải qua một khu chợ, người theo dõi bị mất dấu [1]
Chế độ độc tài toàn trị đã đang và sẽ hủy hoại và tàn phá mọi thứ trên đất nước đã bỏ tù các anh Dũng, Thụy, Tuấn 11 năm, và cô Trang 9 năm.
Phiên họp kết thúc tốt đẹp với khoảng 20 thành viên cùng sự tham dự của hai viên chức Tổng Lãnh sự Mỹ. Lúc chia tay, anh Dũng nói : "Đấy, anh thấy em nói có sai đâu, mình cứ làm như bình thường, chẳng có gì phải lo". Tuy nhiên, lời động viên hôm ấy lại hóa ra là lời giã biệt của hai anh em [1].
Anh Hoàng là người bảo vệ nhân quyền, giáo sư đại học tại Sài Gòn, và blogger. Anh đã viết hàng chục bài bình luận về các vấn đề như nhân quyền, môi trường và tham nhũng. Từ năm 2012 đến 2017, anh Hoàng đã làm các lớp tập huấn cho giới trẻ về nhân quyền và luật pháp Việt Nam [2].
Cũng theo lời kể của anh Hoàng, anh Nguyễn Tường Thụy đã từng là một sĩ quan trong quân đội của chế độ độc tài toàn trị với cấp bậc đại úy. Năm 2015, anh Thụy được mời tham dự khi các Cha ở Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng tổ chức khám bệnh miễn phí cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn. Ở đây, anh Thụy đã nói :
"Cách đây 31 năm chúng tôi và các anh đã từng cầm súng bắn vào nhau. Hôm nay, tôi đã chứng kiến những sự tàn phá của chiến tranh. Tôi cảm nhận được những đau thương về thân xác và tinh thần mà các anh phải chịu từ hơn 30 năm qua.
Thưa các anh, đứng trước mắt các anh, tôi đóng vai một người chiến thắng, nhưng nói cho cùng thì tất cả mấy trăm anh em chúng ta đều là những kẻ chiến bại. Phía anh em bộ đội cũng có bao người đi mà không có ngày về cũng như phải sống trong tình trạng thương tật. Kẻ chiến thắng trong cuộc chiến ‘nồi da xáo thịt’ này chính là Đảng cộng sản Việt Nam, và anh em chúng ta cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam đều là nạn nhân" [3].
Theo lời kể của chị Đinh Thảo, lần sau cùng chị ấy gặp anh Lê Hữu Minh Tuấn, anh ấy mời chị đi cà phê. Họ nói một chút về việc anh Phạm Chí Dũng bị bắt. Theo chị Thảo, Tuấn điềm tĩnh lạ lùng. Sau một vài cố gắng thúc giục Tuấn rằng rủi ro bị bắt của Tuấn là rất lớn, chị ấy bỏ cuộc vì Tuấn vốn đã chấp nhận và sẵn lòng đón nhận mọi sự đến với cá nhân mình từ lâu. Tuấn chỉ muốn nói về tương lai Việt Nam, làm sao để người trẻ tham gia nhiều hơn vào các thảo luận chính trị xã hội [4].
Trước khi đi tù, Tuấn nói : "Những người ngồi tù vì lên tiếng có thể chưa phải là giới tinh hoa về học thức và địa vị xã hội, nhưng họ chính là mầm mống xây dựng một xã hội văn minh, đạo đức, dân chủ, và tự do hơn trong tương lai" [5].
Theo cô Phạm Đoan Trang, Tuấn là một nhà trí thức trẻ tài năng, với nhiều khát vọng và mong muốn được nghiên cứu và viết sách về lịch sử Việt Nam. "Tuấn là một người viết, một người nghiên cứu, một trí thức trẻ nên tôi vô cùng tiếc là Tuấn bị bắt, bởi vì mình biết với những người trẻ thì án tù không chỉ là chuyện mất tự do mà nó còn là mất tuổi thanh xuân của họ, mất đi thời kỳ đẹp đẽ nhất của cuộc đời" [6].
Mẹ cô Đinh Thảo là bác sĩ, và cô ôm mộng bác sĩ từ ngày còn trẻ, thế nhưng trong lúc theo học trường y, cô chứng kiến nhiều sự kiện khiến cô tự hỏi con đường mình đã chọn không biết có đúng không. Cô trở thành một nhà hoạt động xã hội vào mùa Hè năm 2015, sau khi bị bắt vì tham gia một loạt các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Hà Nội vì họ chỉ thị chặt 6.700 cây xanh quanh thành phố vốn cần rất nhiều bóng mát vì không khí ô nhiễm nặng nề.
Năm 2016, cô rời quê hương để tham dự một chương trình xây dựng năng lực xã hội dân sự do tổ chức VOICE tổ chức. Sau khi thực tập tại VOICE, cô tiếp tục làm việc tại VOICE để có thêm kiến thức và kỹ năng [7].
"Mục tiêu cuối cùng của tôi là vận động để Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng nhân quyền, có dân chủ". Đó là ước nguyện mà cô Thảo ôm ấp.
Cô Phạm Đoan Trang là người "can đảm viết về những vấn đề xã hội không được truyền thông Việt Nam đả động đến". Phản ứng trước việc Hoa Kỳ vinh danh cô Trang là "Người phụ nữ can đảm", đồng nghiệp của cô, Luật sư Trịnh Hữu Long, người đã cùng với cô sáng lập ra tờ tạp chí online Luật Khoa, cảm thán :
"Thứ nhất là tôi rất là mừng cho người bạn cũng như người đồng nghiệp của tôi là chị Phạm Đoan Trang. Và cái giải thưởng Phụ nữ Can đảm này một lần nữa khẳng định những việc Đoan Trang làm là đúng, và những việc đó là những việc đáng khích lệ, những việc phù hợp với những chuẩn mực về nhân quyền, về pháp luật mà thế giới văn minh họ thừa nhận" [8].
Chế độ độc tài toàn trị đã đang và sẽ hủy hoại và tàn phá mọi thứ trên đất nước đã bỏ tù anh Dũng với án 15 năm (3 năm quản chế), anh Thụy 11 năm (3 năm quản chế), anh Tuấn 11 năm (3 năm quản chế), và cô Trang 9 năm [9] [10].
Năm 2011, anh Phạm Minh Hoàng bị kết án 3 năm tù. Năm 2017, anh bị chế độ độc tài toàn trị "tước" quốc tịch rồi bị trục xuất khỏi quê hương sang Pháp. Cuối năm 2019, cô Đinh Thảo đáp chuyến bay từ Bangkok về Hà Nội. Tại phi trường Nội Bài, cô bị hơn 10 nhân viên an ninh của chế độ độc tài toàn trị chặn giữ và thẩm vấn. Từ đó, không có nhiều tin tức về những việc cô làm trên trang mạng [1] [7].
Chế độ phát xít trong Thế Chiến thứ Hai
Victor Emil Frankl (1905 – 1997), nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần người Áo và là người sống sót sau thảm họa Holocaust – tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã đối với những người Do Thái ở Châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai – đã dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu, tìm hiểu và quảng bá "ý nghĩa của đời sống" [11].
Cuốn sách nổi tiếng của ông, "Con người tìm kiếm ý nghĩa của đời sống", kể câu chuyện về cách ông sống sót sau thảm họa diệt chủng bằng cách tìm thấy ý nghĩa cá nhân trong trải nghiệm, điều đã cho ông ý chí để sống sót trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.
Bác sĩ Frankl bị bắt vào năm 1942 khi ông đang làm việc tại một bệnh viện ở Vienna và trải qua ba năm tiếp theo ở bốn trại tập trung, trong số đó có trại diệt chủng nổi tiếng nhất – Auschwitz. Cha, mẹ, anh và người vợ đầu tiên của ông đều chết trong trại [12].
Ông Frankl không chỉ sống sót trong sự tồi tệ nhất của sự xấu xa của con người, mà ông ấy còn sử dụng kinh nghiệm của mình để nghĩ ra một liệu pháp, bằng cách này hay cách khác, giúp nhiều người phục hồi cuộc sống của họ khi họ có thể đã không còn muốn sống trong những tình huống ấy.
Những đòi hỏi của cuộc sống
Ngay cả trong các trại tập trung, tự do của con người vẫn được duy trì, tự do để có thể suy nghĩ. Frankl quan sát thấy rằng những tù nhân đã tạo dựng "ý nghĩa" đối với cuộc sống của họ – có lẽ chỉ đơn giản bằng cách giúp đỡ những người khác trong suốt cả ngày, bản thân họ có nhiều khả năng sống sót hơn. Những người mất hết niềm tin vào tương lai rơi vào trầm cảm và cam chịu [11].
Trong các trại tập trung đã có nhiều vụ tự tử. Các lính canh trại không cho phép các tù nhân cắt xuống bất cứ ai đang cố treo cổ tự tử. Vì vậy, Frankl và những người có lòng đã cố gắng ngăn chặn các vụ tự tử bằng cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của những người đã chìm vào trầm cảm [12].
Có thể nói, cuộc sống vẫn đòi hỏi một thứ gì đó ở họ, ngay cả ở trong trại tập trung. Bạn phải tiếp tục, nếu chỉ với hy vọng được sống để kể lại những gì đã xảy ra trong những trại cải tạo.
Khi Frankl được trả tự do vào cuối cuộc chiến thế giới, ông đã viết cuốn sách "Con người tìm kiếm ý nghĩa của đời sống", đã bán được hơn 9 triệu bản bằng nhiều thứ tiếng. Ông đã viết 31 cuốn sách khác, nhưng cuốn "Ý Nghĩa", được viết trong chín ngày khi những ý tưởng bùng phát trong đầu ông sau nhiều năm bị giam cầm, có tác động lớn nhất. Frankl đã rất ngạc nhiên và hơi bực bội khi biết rằng ông chủ yếu được biết đến qua một cuốn sách nổi tiếng này : "Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nó chỉ có thể hữu ích cho những người dễ bị tuyệt vọng".
Để tạo dựng ý nghĩa cho đời sống, Frankl đề xuất ba cách khác nhau : thông qua hành động, trải nghiệm các giá trị thông qua một số phương tiện (ví dụ như vẻ đẹp thông qua nghệ thuật, tình yêu thông qua một mối quan hệ) hoặc đau khổ. Trong khi đau khổ không nhất thiết phải vắng mặt hai điều đầu tiên, trong khuôn khổ suy nghĩ của Frankl, đau khổ đã trở thành một lựa chọn để tìm kiếm ý nghĩa và trải nghiệm các giá trị trong cuộc sống [11].
Cuốn sách "Ý Nghĩa" đôi khi có ảnh hưởng theo những cách mà lúc đầu Frankl không hình dung được. Liệu pháp của ông đôi khi được tóm tắt trong một câu, "Bắt tay vào công việc". Theo Frankl, bất kỳ ai làm công việc cho đàng hoàng với sự thỏa mãn từ công việc đều có khả năng đạt được cảm giác hạnh phúc.
Sau đó, ông thành lập một trường phái trị liệu tâm thần mới được gọi là liệu pháp logotherapy, dựa trên tiền đề rằng động lực cơ bản của con người trong cuộc sống là "ý chí để truy tầm ý nghĩa của đời sống", ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất [11].
Trong thời kỳ hậu chiến, ông đã thực hành khoa học tâm thần và giảng dạy tâm thần học ở Vienna trong 25 năm, và dành 20 năm ở Hoa Kỳ với tư cách là giáo sư thỉnh giảng tại Harvard và các trường đại học khác của Mỹ.
Ông Frankl thích đàm luận trên truyền hình, từng gợi ý rằng nước Mỹ nên dựng lên trên bờ biển bên phía Tây một Bức tượng về Trách nhiệm, để cân đối với Bức Tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước bên bờ biển phía Đông. Ông đã được trao tặng 29 bằng tiến sĩ danh dự từ các học viện trên thế giới. Ông là người thích leo núi và ở tuổi 67, học bay, mặc dù ông cho biết cả hai hoạt động nầy đều khiến ông sợ hãi.
Ông thường nói về những kỷ niệm trong các trại tập trung, về việc không một ngày nào trôi qua mà ông không nghĩ đến những gì đã xảy ra trong những trại cải tạo đó. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, ông cũng lo lắng cho những người trẻ tuổi không có kinh nghiệm về đau khổ, tù tội hoặc chiến tranh, để so sánh với bất kỳ khó khăn họ phải đối mặt trong hiện tại. "Tôi có thể cống hiến gì nếu tôi không đối mặt với cái chết thường xuyên", ông đã nói.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 26/03/2022
Nguồn :
1. Phạm Minh Hoàng, Viết cho em – Phạm Chí Dũng, 07/01/2021.
2. Vũ Quốc Ngữ, Nhà hoạt động nhân quyền Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam, đối mặt với lệnh trục xuất, VNTB, bản dịch, 14/06/2017.
3. Phạm Minh Hoàng, Viết cho anh – Nguyễn Tường Thụy, VNTB, 18/01/2021.
4. Đinh Thảo. VNTB – Hẹn gặp lại, Tuấn nhé ! 09.01.2021 ; Available from : https://vietnamthoibao.org/vntb-hen-gap-lai-tuan-nhe/#more .
5. Lê Hữu Minh Tuấn, Hãy nói với tôi và chúng tôi về quyền tự do, VNTB, 08/01/.2021.
6. VOA. Việt Nam bắt thành viên thứ ba của Hội Nhà báo Độc lập, 12/06/2020.
7. BBC, Nhà hoạt động Đinh Thảo : Biết là sẽ gặp khó khăn ‘nhưng vẫn phải về’, 15/11/2019.
8. Radio Free Asia, Nhà báo Phạm Đoan Trang được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh là "Người phụ nữ can đảm", 14/03/2022.
9. VOA, Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế, 05/01/2021.
10. BBC, Tòa Hà Nội xử tù 9 năm nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, 14/12/2021.
11. Viktor Frankl, Pursuit of Happiness.
12. Anonymous, Obituary : Viktor Frankl, in The Economist. 1997, The Economist Intelligence Unit N.A., Incorporated : London. p. 99.