Đất đai : vũng lầy đưa nhiều cán bộ và lãnh đạo đi tù
Diễm Thi, RFA, 30/03/2022
Chỉ trong tháng 3 năm 2022, hàng chục cán bộ từ cấp trung ương đến cấp địa phương bị kỷ luật, bị tù vì những vi phạm liên quan đến đất đai. Có thể nêu vài ví dụ cụ thể : Mới hôm 29 tháng 3, Hội đồng kỷ luật thành phố Buôn Ma Thuột đã ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất đối với bà Nguyễn Thị Loan và ông Vũ Tiến Thành do yếu kém trong quản lý đất đai, xây dựng.
AFP
Ngày 25 tháng 3, 14 cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận, bị Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật do buông lỏng quản lý để xảy ra hàng loạt vi phạm về đất đai trên địa bàn.
Giữa tháng 3, 22 người gồm nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh Bình Dương như Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy ; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy ; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…bị Viện kiểm sát tối cao đề nghị truy tố về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, bảy cán bộ ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến quản lý đất đai.
Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này :
"Công bằng mà nói thì nó bao trùm trên cả hai lĩnh vực. Thứ nhất là đạo đức cán bộ ở trong nước đang trong thời kỳ tha hóa đến tận cùng, mục ruỗng đến tận cùng, suy thoái đạo đức đến tận cùng. Họ không còn là những người cộng sản nằm gai nếm mật, chung lưng đấu cật với nhân dân khi chưa đoạt được chính quyền. Họ cũng có nhu cầu về đời sống vật chất, muốn tích lũy tài sản để sau này về hưu thì có khối tài sản đồ sộ hưởng lạc, bù đắp lại những năm tháng lao tâm khổ tứ cho sự nghiệp của Đảng cộng sản, cho nên họ ra sức tận dụng địa vị lãnh đạo của mình để làm giàu bất chính. Như vậy là về lĩnh vực đạo đức họ đã suy thoái gần như cả hệ thống.
Cái nguyên nhân thứ hai là hệ thống luật pháp trong nước, nhất là Luật đất đai chưa sửa đổi để theo kịp nhu cầu đổi mới của đất nước. Họ vẫn giữ trên căn bản trong hiến pháp mà Đảng cộng sản không dám thay đổi, đó là đất đai là công thổ quốc gia, không thể tư hữu được. Mà điều này là điều sống còn của tất cả các chế độ toàn trị mang danh xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới".
Ông Nguyễn Khắc Toàn nói thêm, có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung để tạo động lực cho phát triển đất nước nhưng lại bị kỷ luật, thậm chí tù tội vì luật pháp không tương thích.
Mới đây, tại hội thảo "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh - tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu cho rằng, đất đai là nguồn lực, động lực để phát triển song cũng có thể là yếu tố đưa nhiều cán bộ, công chức vào vòng lao lý.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhận định, trọng tâm của vấn đề thể chế trong thời gian tới đây là sửa đổi Luật Đất đai. Nếu khơi thông được vấn đề đất đai thì đây là nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội.
Luật Đất đai từng được điều chỉnh nhiều lần trong quá khứ và bị lùi nhiều lần, đến nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay, dự kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp Quốc hội Việt Nam trong năm 2022, và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, phải định nghĩa "Sở hữu toàn dân về đất đai" trước khi sửa đổi Luật đất đai. Ông giải thích :
"Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay là một khái niệm chưa được định nghĩa. Chưa ai định nghĩa nó là sở hữu công cả. Nhà nước cứ tự nói nó là sở hữu công chứ có phải thế đâu. Nó phải có một cái định nghĩa sở hữu công là như thế nào, bởi có chữ ‘toàn dân’ nghĩa là có dân trong đó. Mà có dân ở đấy thì vai trò của người sử dụng đất được xác định như thế nào ?
Tôi cho rằng đây cũng là một việc rất hệ trọng cần phải minh bạch. Khái niệm sở hữu toàn dân được định nghĩa trong Luật Đất đai rõ ràng thì không phải là chuyện khó. Đó là điều buộc phải được vận hành trong kinh tế thị trường. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường, sử dụng công cụ kinh tế thị trường để phát triển thì phải vận hành được chế độ sở hữu toàn dân như một chủ trương chính trị".
Tại Việt Nam, rất nhiều người giàu lên từ đất và cũng nhiều người tù tội vì đất. Điều này từng được Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc xác nhận vào năm ngoái, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về quy hoạch sử dụng đất. Tổng bí thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập chuyện một số cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc khi chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội 13.
Để giảm bớt tình trạng cán bộ vô tù vì sai phạm liên quan đất đai, nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nêu ý kiến với RFA :
"Về suy thoái đạo đức, muốn khắc phục thì phải dân chủ hóa đất nước, phải tôn trọng các quyền con người. Xã hội phải có phê phán, có phản biện. Nhân dân phải được tham gia kênh giám sát và theo dõi hệ thống công quyền của Nhà nước thì sẽ giảm bớt cái suy thoái, cái hư hỏng ấy của hệ thống công quyền, hệ thống Chính quyền.
Về lĩnh vực sửa đổi luật pháp thì trách nhiệm là của Nhà nước. Phải thu thập ý kiến của những nhà trí thức, những nhà khoa học, những cán bộ thật sự có lòng, có tâm huyết với đất nước. Những người này sẽ góp phần xây dựng bộ luật cho hoàn chỉnh, cho tốt hơn.
Tóm lại, chìa khóa để giải quyết những vấn đề này là phải dân chủ hóa đất nước trên tất cả các lĩnh vực".
Nói đến công tác xây dựng pháp luật thì lại có một dạng tiêu cực khác, đó là tham nhũng chính sách. Theo nhận định một số chuyên gia về kinh tế, tham nhũng chính sách xảy ra ở hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi, tức là chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong cơ chế bao cấp thì hầu hết tài sản đều là tài sản của Nhà nước. Bây giờ chuyển sang cơ chế thị trường thì buộc phải chấp nhận kinh tế tư nhân. Chính quá trình chuyển đổi đó làm nảy sinh tham nhũng chính sách làm cơ sở để chuyển của công thành của tư.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 30/03/2022
**********************
Đất đai, trái bom khi nào phát nổ ?
Trân Văn, VOA, 29/03/2022
Chẳng riêng các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhìn thấy nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả.
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân. Hình minh họa.
Hôm nay (29/3/2022), tờ Lao Động có hai thông tin liên quan đến việc hủy bỏ hai đại dự án dính líu tới đất đai ở hai tỉnh khác nhau : Công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) trả lạiDự án Khu Dân cư trục Mỹ Trà – Mỹ Khê cho chính quyền tỉnh Quảng Ngãi (1) và Tập đoàn Hoa Sen chính thức rút khỏiDự án Khu Công nghiệp Du Longở Ninh Thuận (2).
QISC giành đượcDự án Khu Dân cư trục Mỹ Trà – Mỹ Khê (tọa lạc tại thành phố Quảng Ngãi) năm 2015 và từng được xem là "mỏ" giúp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi kiếm được một khoản tiền lớn cho ngân sách tỉnh này nhưng đến giờ, "mỏ tiền" này vẫn chỉ là một bãi đất có diện tích khoảng 20 héc ta dành cho cỏ dại, bất kể ¾ diện tích đã được san nền, làm đường, thiết lập lưới điện, hệ thống thoát nước !
Tương tự, 407 héc ta ở huyện Thuận Bắc mà tỉnh Ninh Thuận tổ chức thu hồi cách nay 14 năm để thực hiệnDự án Khu Công nghiệp Du Long giờ vẫn dành để nuôi cỏ. Chín năm đầu (2008 – 2017), 407 héc ta đó nằm trong tay một doanh nghiệp Trung Quốc. Vì dự án vẫn nằm trên giấy, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã dàn xếp để doanh nghiệp Trung Quốc ấy chuyển nhượng dự án cho Tập đoàn Hoa Sen và giờ, sau năm năm nắm giữ dự án, Tập đoàn Hoa Sen đã chuyển nhượng dự án cho một doanh nghiệp khác.
Thu hồi đất ồ ạt để đổi hạ tầng, công trình và để thực hiện các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu công nghiệp là nguyên nhân tạo ra tạo ra vô số bãi đất hoang (3), thành phố ma (4) ở khắp mọi nơi tại Việt Nam, kể cả Hà Nội (5), Thành phố Hồ Chí Minh (6). Tuy chưa có thống kê đầy đủ để biết một cách tường tận, rằng những dự án "trời ơi, đất hỡi" đó đã tước đoạt sinh kế của bao nhiêu triệu gia đình, khiến bao nhiệu nhiều triệu người lâm vào cảnh bần cùng, ảnh hưởng đến "quốc kế, dân sinh", bao nhiêu triệu héc ta đất bị bỏ hoang không sinh lợi trong vài thập niên và đã tác động thế nào đến cả sự ổn định lẫn phát triển của kinh tế - xã hội nhưng có thể khẳng định, việc phê duyệt – cho phép thực hiện các dự án đã làm đất đai tăng giá, giúp một nhóm nhỏ quen được gọi là "nhà đầu tư" hưởng lợi lớn trong ngắn hạn nhờ chênh lệch giá trị. Không chỉ có thế...
***
Tuần trước, đại diện Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dream Republic và Sheen Mega – hai trong số bốn doanh nghiệp giành được quyền khai thác bốn khu đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đem ra đấu giá hồi cuối năm ngoái (7), vừa "hứa sẽ cố gắng nộp đủ tiền trong thời gian sớm nhất" (8). Bởi hy vọng sẽ thu được khoảng 8.000 tỉ cho ngân sách nên Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ráng chờ chứ không hủy kết quả đấu giá cho dù khoản tiền chậm nộp (lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất) đã quá hạn khoảng sáu tuần. Đó cũng là lý do chưa rõ cuộc đấu giá bốn khu đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm hồi cuối năm ngoái có "thất bại toàn diện" hay không, cho dù kết quả cuộc đấu giá ấy từng tạo ra giá trị chưa từng có đối với đất đai tại Việt Nam và ngay sau đó tạo ra sự lo âu trên diện rộng đối với cả chính quyền lẫn nhiều giới, kể cả giới kinh doanh bất động sản !
Không phải tự nhiên mà chính quyền Việt Nam yêu cầu một số ngân hàng giải trình về quan hệ với các doanh nghiệp tham gia đấu giá (đã cho vay hoặc hứa cho vay bao nhiêu, mục đích các khoản vay là gì, có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không,...) và công khai bày tỏ sự lo ngại về tình trạng một số doanh nghiệp vay mượn tứ tung, từ ngân hàng đến phát hành giấy mượn nợ (trái phiếu doanh nghiệp), nợ cao gấp nhiều lần vốn thực có, cho nên yêu cầu tổ chức kiểm tra (9). Cũng không phải tự nhiên mà Công ty Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), rồi Công ty Bình Minh – hai trong bốn doanh nghiệp trúng đấu giá hai trong số bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm xin bỏ cuộc sau khi giành chiến thắng, chấp nhận mất vài trăm tỉ tiền đặt cọc (10).
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa giới thiệu bản phân tích của SSI Research (chuyên nghiên cứu về chứng khoán). Theo báo cáo này, riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 320.000 tỉ đồng với mức lãi suất trung bình từ 10,3%/năm đến 10,6%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản cam kết trả lãi từ 12%/năm tới 13%/năm (11). Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng tại Việt Nam dốc tiền mua trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng để hưởng chênh lệch lãi suất khi nhận tiền tiết kiệm và cho vay, bất kể phần lớn trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán. Năm ngoái, hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán đã bỏ 153.000 tỉ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Chẳng riêng các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhìn thấy nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả, trong đó có tới gần 50% là trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành (12) nhưng vẫn không ngăn được tình trạng gần như toàn bộ nguồn lực của quốc gia, cả công lẫn tư tiếp tục dốc vô và trông vào đất đai – bất động sản. Làm sao có thể hùng cường nếu sự thịnh vượng phụ thuộc vào giá đất đai – bất động sản ? Tuy nhiên làm sao có thể khác khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dường như chỉ biết mỗi một cách để chứng minh năng lực trí tuệ, năng lực quản trị - điều hành là đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng rồi dùng đất để hoàn thành những chỉ tiêu ấy !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/03/2022
Chú thích
(1) https://laodong.vn/bat-dong-san/sa-lay-du-an-dat-vang-400-ti-o-quang-ngai-1028381.ldo
(3) https://congthuong.vn/nghe-an-nhieu-khu-cong-nghiep-bi-bo-hoang-173154.html
(6) https://thanhnien.vn/diem-danh-cac-du-an-bo-hoang-dat-post956124.html
(7) https://vnexpress.net/toan-canh-dau-gia-4-lo-dat-vang-thu-thiem-4416081.html