Đảng cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt của chính người dân Việt Nam trước khi năn nỉ người ngoài phải tôn trọng sự khác biệt của hệ thống chính trị của mình.
Tân đại sứ Mỹ Marc Evans Knapper bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh minh họa
Chiều 30/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tái khẳng định rằng "Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam", nhưng bày tỏ mong muốn chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng "thể chế chính trị và sự khác biệt" của Hà Nội, theo tin VOA ngày 31/3.
Phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt của bất cứ những ai, những tổ chức, tôn giáo hay kể cả những biểu tượng không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản là bản chất của chế độ cộng sản từ ngày Đảng cộng sản Việt Nam đặt chân vào Việt Nam.
Bám víu vào ý thức hệ cộng sản, tính giai cấp, đấu tranh giai cấp, người cộng sản đã tách rời lịch sử dân tộc và nhân dân Việt Nam ra khỏi đảng của họ. Họ viết lại, thậm chí chà đạp lên lịch sử, các vua chúa, các anh hùng dân tộc từ xa xưa và nhất là trong thời cận đại.
"Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" là phương châm đấu tranh giai cấp của cộng sản. Vụ cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, cường hào đã giết hại hàng trăm ngàn người, các vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại đã tiêu diệt rất nhiều trí thức. Hàng loạt tu sĩ bị bỏ tù, bị giết. Tu viện, chùa chiền, thánh thất, nhà thờ bị trưng dụng làm hợp tác xã, nơi nuôi trâu bò.
Đảng cộng sản lùa quân xâm lược miền Nam, giết hàng ngàn người dân Huế trong dịp tết Mậu Thân 1968. Sau năm 1975, người cộng sản giết, bắt, bỏ tù dài hạn, không xét xử hàng trăm ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà tư bản, nhân viên quân cán chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ "giải phóng, quét sạch bóng quân thù", chế độ độc tài đảng trị vẫn không ngừng phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt của nhân dân. Hàng trăm người bất đồng chính kiến, đặc biệt những nhà báo, người tranh đấu cho dân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo bị bắt, bỏ tù. Án tù cho những người bị bắt về sau càng ngày càng nặng với những tội danh mơ hồ, bất công.
Những điều kể sơ lược ở trên kéo dài suốt thời gian Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền từ một số vùng nông thôn, rừng núi hẻo lánh cho đến ngày họ may mắn thống trị hoàn toàn Việt Nam cho thấy sự phân biệt đối xử, không tôn trọng khác biệt là sự đi thụt lùi của họ với tiến bộ của loài người, hay nói khác, khi người cộng sản càng đoạt được lợi thế, tính man rợ cộng sản chủ nghĩa càng tăng lên, tinh thần con người theo nghĩa phổ quát của nhân loại của họ càng bại hoại.
Hiện đại, đất nước cần có sự vượt thoát lên nhanh chóng theo đà tiến của loài người, cần nhiều tinh hoa, trí thức, cần nhiều sáng kiến, tranh đua để tiến bộ thì Đảng cộng sản Việt Nam kìm hãm dân tộc bằng cách loại bỏ các thành phần đối kháng đang mong muốn xây dựng một xã hội tốt hơn.
Trong tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia văn minh hàng đầu thế giới là bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1776 của Mỹ và bản "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" năm 1791 của Cách mạng Pháp. "Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Con người sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Hồ Chí Minh và đàn em của ông ta học theo, nói vậy mà không thi hành như vậy. Tất cả các khuyến cáo từ các nước văn minh dân chủ như Mỹ, Pháp. Đức, Úc, Anh, Hà Lan… đến chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ đều bị Đảng cộng sản Việt Nam khước từ, viện dẫn sự khác biệt văn hóa, chế độ chính trị và yêu cầu những khác biệt đó phải được tôn trọng.
Thúc đẩy nhân quyền là một nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của những nước dân chủ tự do -trong đó có Hoa Kỳ và Pháp mà Hồ Chí Minh bảo rằng học theo- trên thế giới và ngay cả của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam tham gia và công nhận nhiều văn kiện trong đó có tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Nhưng các khuyến nghị của các quốc gia khác, hay của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đều bị Việt Nam chối bỏ hay hứa lần lữa mà không chịu thực hiện. Ngay cả những lời hứa tôn trọng quyền con người, trong các hiệp ước thương mại, hay tại các hội nghị đối thoại giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo… về xây dựng một thế giới mà ở đó nhân quyền được chấp nhận, được tôn trọng và bảo vệ cũng bị Việt Nam phớt lờ.
Việt Nam không tôn trọng sự khác biệt hay những cam kết của họ đối với nhân quyền vị họ không tin vào giá trị phổ quát của tự do dân chủ. Tính kiêu ngạo cộng sản khiến nhãn quan của họ lệch hướng, loạn thị. Họ chỉ tin vào giá trị đạo đức cộng sản đặt trên duy vật biện chứng, vô thần và sự thống trị của giai cấp vô sản đã lỗi thời, lạc hậu.
Nhiều chính trị gia trên thế giới không ngừng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, không phân biệt đối xử, dừng mọi bắt bớ và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.
Đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) quy định chế tài các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Đạo luật này được ban hành, áp dụng trên quy mô toàn cầu, ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người mà họ coi là vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ vào Hoa Kỳ. Cho đến nay hàng trăm quan chức Việt Nam gồm cả những người trong quân đội, công an, cảnh sát và tòa án đã sẵn sàng bị đưa vào danh sách bị chế tài bởi đạo luật này.
Ngoài ra Khashoggi Ban, lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố đối với các cá nhân và gia đình họ liên quan đến các mối đe dọa và hành hung các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, và nhà báo sẽ không được dung thứ. Hy vọng luật này sẽ được áp dụng cho những nhân viên trong chính quyền Việt Nam, những người liên quan đến việc bắt giữ, hành hạ, xét xử và giam cầm những nhà báo, blogger dám cất tiếng nói trái chiều với Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo tổ chức Đo lường những yếu tố nhân quyền có ý nghĩa (Human Rights Measurement Initiative - HRMI), những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền ; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền ; tù nhân chính trị ; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp ; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư ; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự ; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội ; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động ; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; hạn chế sự tham gia chính trị ; các hành vi tham nhũng lớn ; buôn bán người ; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân ; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.
Báo cáo đáng tin cây của Human Rights Watch "Trong năm 2019 Việt Nam không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ yếu kém về nhân quyền của mình. Chính quyền tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động.
Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và/hoặc mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia. Trong năm 2019, chính quyền đã kết án ít nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị".
Người dân Việt Nam cũng mong muốn chính phủ xem dân là đối tác và phải tôn trọng sự khác biệt để phát triển tự do dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam cần làm hòa với dân tộc và tôn trọng sự khác biệt của dân chúng trước khi xin các chính quyền khác tôn trọng mình.
Đảng cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt của chính người dân Việt Nam trước khi năn nỉ người ngoài phải tôn trọng sự khác biệt của hệ thống chính trị của mình.
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 02/04/2022