Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2022

Nga và Trung Quốc trong cuộc chiến tại Ukraine

Phạm Hy Sơn

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga Tàu, Mỹ và phương Tây ngoài chuyện suy yếu còn bị chia rẽ, tranh chấp quyền lợi khó có thể đoàn kết để chống lại sức mạnh đang lên của họ.

ngatrung1

Hai đại cường quốc nguyên tử mang mặc cảm bị thế giới văn minh xa lánh là Nga và Trung Quốc gần đây biểu lộ những quan hệ khắng khít, những cam kết đối tác chiến lược" vững như bàn thạch" qua những lời tuyên bố của ông Tập cận Bình và ông Putin.

Vào lúc ông Tập lo tổ chức Thế Vận Mùa Đông trong tình trạng u ám ở Bắc Kinh thì ông Putin hừng hực di chuyển cả 200 ngàn quân chuẩn bị xâm lăng Ukraine.

Quốc tế cảnh cáo và lên án mưu toan xâm chiến Ukraine của Putin. Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Hòa Lan... tuyên bố tẩy chay Thế Vận Bắc Kinh vì Trung Quốc vi phạm nhân quyền nặng nề tại Tây Tạng, Hồng Kông và nhất là phạm tội diệt chủng tại Tân Cương. Trung Quốc từ lâu đã thi hành chính sách bắn giết, bỏ tù, cưỡng bách lao động, đoạn sản phụ nữ, nhốt hơn 1 triệu người Uighur trong các trại tù khắc nghiệt trên khắp Tân Cương.

Ngày 4 tháng 2 /2022 khai mạc Thế Vận, nguyên thủ các nước văn minh tẩy chay không ai đến tham dự, Putin là lãnh tụ duy nhất của một cường quốc có mặt bên cạnh Tập cận Bình. Trong dịp này hai bên đã có cuộc họp thượng đỉnh để thảo luận về quan hệ Nga – Trung và trong đó chắc chắn ông Putin đã thông báo cho ông Tập cận Bình rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine ngay sau khi thế Vận ở Bắc Kinh chấm dứt để yêu cầu Trung Quốc yểm trợ về chính trị, quân sự và kinh tế. Một điều chắc chắn nữa là ông Tập cận Bình đã cam kết ủng hộ ông Putin xâm lăng Ukraine nên sau buổi họp ông Putin hết sức ca ngợi "quan hệ thân thiết chưa từng có" với Trung Quốc.

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga Tàu, Mỹ và phương Tây ngoài chuyện suy yếu còn bị chia rẽ, tranh chấp quyền lợi khó có thể đoàn kết để chống lại sức mạnh đang lên của họ.

Những tính toán của ông Tập cận Bình

Trong những năm gần đây liên hệ giữa Trung Quốc và phương Tây không được tốt đẹp, nếu không nói là luôn luôn căng thẳng.

Thứ nhất với Mỹ, Tổng thống Trump đã mở cuộc chiến tranh thương mại : đánh thuế nặng lên hàng hóa nhập cảng vào nước Mỹ, cấm vận các đại công ty Trung Quốc như Huawei, Zte… cấm sinh viên cao học và nghiên cứu sinh Trung Quốc theo học tại các trường Đại học Mỹ về các ngành công nghệ cao cấp, tố cáo Trung Quốc ăn cắp bản quyền. 

Thứ hai với Châu Âu, các nước Châu Âu tuy chưa công khai mở cuộc chiến tranh như Mỹ nhưng đã giới hạn và ngăn cấm các tập đoàn Trung Quốc mua các nhà máy hay các công ty công nghệ ở Châu Âu, luôn luôn tố cáo Trung Quốc ăn cắp bản quyền, chèn ép các công ty Châu Âu làm ăn tại Trung Quốc, cạnh tranh bất chính… Trước sau gì Châu Âu cũng mở cuộc chiến thương mại riêng hay liên kết với Mỹ trừng phạt cách thức làm ăn người Tàu.

Nay Nga phát động chiến tranh ở Châu Âu với Ukraine, tất nhiên Mỹ và Châu Âu phải dồn sức lực và tài nguyên chống chọi với Nga tại đó.

Nếu Nga nhanh chóng xâm chiếm được Ukraine, Mỹ và Châu Âu mất tinh thần không còn đủ can đảm can thiệp khi Trung Quốc tiến chiếm Đài Loan.

Nếu cuộc chiến tranh kéo dài hay mở rộng tại Châu Âu là một vận may cho Trung Quốc : Cả Mỹ, Châu Âu và Nga bị suy yếu. Trung Quốc nổi lên là cường quốc hàng đầu lãnh đạo thế giới và sẵn sàng đem quân chinh phục mở rộng lãnh thổ. Trai cò đánh nhau, lão ông bắt hết.

Những tính toán của ông Putin

Cựu Trung tá tình báo KGB, cựu đảng viên Đảng cộng sản Nga, Ông Putin đã được huấn luyện về nghề nghiệp chuyên môn (tình báo), về chính trị theo đường lối suy nghĩ và hành động của con người cộng sản : Tàn ác, thủ đoạn, bạo động. Từ khi lên nắm chính quyền, Putin đã ra lệnh ám sát, bỏ tù các lãnh tụ đối lập và những người chống đối, những người đứng ra tố cáo tham những cả ở trong nước lẫn ngoài nước.

Sau mấy chục năm áp dụng chủ thuyết Marx-Lenin đầy sai lầm về kinh tế, về tổ chức chính quyền, tổ chức xã hội làm Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbachov bị cạn kiệt về sức của, suy kiệt về sức người nên tan rã toàn bộ năm 1991. Cho mãi đến những năm chấm dứt thế kỷ thứ 20, nước Nga với diện tích hơn 17 triệu km2, gần 200 triệu dân có Tổng sản lượng nội địa (GDP) ngang với Hòa Lan có diện tích 41.528 km2, hơn 10 triệu dân, GDP khoảng 600 tỷ USD. Cho đến năm 2021 với dân số gấp 3 lần Tây Ban Nha và đất đai gấp 34 lần, nhưng GDP bằng nhau : 150 tỷ USD (Mỹ hơn 2.000 tỷ, Trung Quốc 1.500 tỷ). 

Sự thấp kém về địa vị chính trị kèm theo với sự nghèo nàn về kinh tế so với thế giới làm cho ông Putin có mặc cảm nước Nga bị bỏ quên trên chính trường quốc tế. Nên những năm gần đây dù không khá giả gì Nga cố vươn lên bằng cách đem vũ khí và tiền bạc yểm trợ chiến tranh (cho gia đình Assad) ở Syria, ở Lybia, Mali.

Trong tâm trí, ông Putin luôn mơ ước khôi phục đế chế Liên xô hay ít nhất là lãnh thổ rộng lớn của Liên Bang Xô Viết xưa kia. Ông đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa giành độc lập ở Chechnya, đã xâm chiếm một phần lãnh thổ Georgia năm 2008. Mới năm ngoái, trong lúc khốn quẫn Lukashenko phải cầu cứu ông giúp đỡ với cái giá đưa Belarus dưới sự bảo hộ của Nga. 

Về Ukraine, năm 2014 ông đã đem quân xâm chiếm và sát nhập bán đảo Crimea, lập ra 2 vùng Donestk và Luganstk độc lập thân Nga.

Ukraine là một trong những Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cai trị xưa kia. Ukraine có lãnh thổ rộng nhất, dân số đông nhất, nông nghiệp và công nghiệp lớn nhất trong những xứ Cộng hòa đó. Nếu khuất phục được Ukraine, những nước nhỏ bé còn lại như Litva, Latvia, Estonia, Georgia… trước sau gì cũng sẽ bị khuất phục hay theo gương Belarus quay về qui phục dưới quyền uy của ông. Đó là lý do ông xua quân sang đánh Ukraine ngày 24/2/2022.

Đối với Trung Quốc, khi đã thiết lập lại được đế chế rộng lớn thời Liên Xô Putin không còn lo bị Trung Quốc lấn lướt như hiện nay. Người Nga cũng biết rằng vùng đất mênh mông rất giàu tài nguyên nhưng thưa dân Tây Bá Lợi Á từ xưa đến nay Trung Quốc rất thèm thuồng chỉ chờ dịp xua vài trăm triệu dân băng qua con sông Hắc Long sang khai thác.

Quan hệ chiến lược Nga-Trung hiện nay "thân thiết chưa từng có" nhưng đã luôn luôn đồng sàng dị mộng.

Những nước cờ tính sai

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga – Tàu, Mỹ và phương Tây là một đám "hổ lốn", luôn luôn tranh giành, căng thẳng, chia rẽ với nhau vì quyền lợi không thể hợp nhất chống lại Nga khi Nga đem quân xâm lăng Ukraine. NATO chẳng qua cũng là sự tập hợp của những nước lộn xộn ấy mà thành. Cựu Tổng thống Trump đã từng chê NATO là lỗi thời muốn xóa bỏ. Tổng thống Pháp Macron còn nói nặng hơn, NATO bị "bại não".

Năm 2014 quân Nga tiến chiếm Crimea dễ như trở bàn tay, Mỹ và các nước phương Tây lớn tiếng phản đối rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Lần này lợi dụng các nước đang phải vật lộn với đại dịch, kinh tế suy yếu, Putin huy động 200 ngàn quân với võ khí tối tân nhất thế giới, dự trù chỉ trong vài ngày đoàn quân hùng mạnh sẽ đánh bại Ukraine để lập một chính phủ bù nhìn do ông sai khiến như Belarus hiện tại.

Dự tính của ông đã sai. Mấy chục năm sống dưới chế độ Xô Viết, Ukraine bị Stalin đày đọa làm mấy triệu người chết đói, hàng trăm ngàn người bị đày biệt xứ tới những vùng "kinh tế mới" xa xăm khắp nơi cho đến khi Liên Xô tan rã mới được trở về quê hương làm cho người Ukraine căm thù nước Nga của Putin và kiên cường chiến đấu đánh lại quân Nga để sống còn.

Mỹ, phương Tây và NATO không yếu, không bị chia rẽ như ông nghĩ, họ gác bỏ mọi khác biệt để đoàn kết và rất đoàn kết. Một mặt họ yểm trợ cho Ukraine những vũ khí tối tân chống xe tăng, chống máy bay để hóa gỉải những ưu thế về quân sự của quân Nga. Mặt khác các quốc gia phương Tây và Mỹ chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, nhanh chóng cắt đứt những liên hệ buôn bán với Nga dù có bị thiệt hại. Họ nhất loạt trừng trị, cô lập Nga ra khỏi hệ thống kinh tế, tài chánh và thương mại với phương Tây và phần nào với cả thế giới.

Hiện nay sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân Ukraine bắt đầu phản công lấy lại nhiều khu vực, nhiều thị trấn, đẩy lùi quân Nga ở thủ đô Kiev. Về kinh tế, sau những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đồng tiền Nga mất giá trầm trọng, thị trường chứng khoán đóng cửa, các công ty nước ngoài đóng cửa, công nhân thất nghiệp... làm cho kinh tế suy thoái. Cái vòng kim cô trừng phạt không biết bao giờ mới được phương Tây cởi cho.

Trung Quốc, một đồng minh có "mối quan hệ thân thiết chưa từng có" như lời ông Putin tuyên bố tại Bắc Kinh đầu tháng 2/2022 đã nhìn thấy sức mạnh của Mỹ và phương Tây nên có vẻ tỏ ra biết sợ.

Sau hai, ba lần cảnh cáo của Tổng thống Biden không được giúp võ khí và tiền bạc cho Nga, ông Tập cận Bình tuy không lên án Nga xâm lăng Ukraine như yêu cầu của Mỹ nhưng đã nói với Tổng thống Biden qua cuộc nói chuyện ngày 18/3 rằng Trung Quốc không muốn có cuộc xâm lăng Ukraine, 2 hôm sau Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương nói Trung Quốc sẽ không gửi vũ khí hay đạn dược giúp quân Nga. Về kinh tế, theo Reuters, SINOPEC tức Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất của Trung Quốc đã tạm ngưng dự án đầu tư 500 triệu USD vào Nga. Chính quyền Trung Quốc còn khuyến cáo các công ty Trung Quốc chớ vi phạm các lệnh trừng phạt và buộc các công ty này phải thận trọng khi làm ăn với Nga.

Mối "quan hệ thân thiết chưa từng có" giữa Nga và Trung Quốc nay có còn thắm thiết ? 

Trung Quốc cũng phải lo giữ tấm thân chứ.

Phạm Hy Sơn

Nguồn : VNTB, 03/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Hy Sơn
Read 418 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)