Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga Tàu, Mỹ và phương Tây ngoài chuyện suy yếu còn bị chia rẽ, tranh chấp quyền lợi khó có thể đoàn kết để chống lại sức mạnh đang lên của họ.

ngatrung1

Hai đại cường quốc nguyên tử mang mặc cảm bị thế giới văn minh xa lánh là Nga và Trung Quốc gần đây biểu lộ những quan hệ khắng khít, những cam kết đối tác chiến lược" vững như bàn thạch" qua những lời tuyên bố của ông Tập cận Bình và ông Putin.

Vào lúc ông Tập lo tổ chức Thế Vận Mùa Đông trong tình trạng u ám ở Bắc Kinh thì ông Putin hừng hực di chuyển cả 200 ngàn quân chuẩn bị xâm lăng Ukraine.

Quốc tế cảnh cáo và lên án mưu toan xâm chiến Ukraine của Putin. Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Hòa Lan... tuyên bố tẩy chay Thế Vận Bắc Kinh vì Trung Quốc vi phạm nhân quyền nặng nề tại Tây Tạng, Hồng Kông và nhất là phạm tội diệt chủng tại Tân Cương. Trung Quốc từ lâu đã thi hành chính sách bắn giết, bỏ tù, cưỡng bách lao động, đoạn sản phụ nữ, nhốt hơn 1 triệu người Uighur trong các trại tù khắc nghiệt trên khắp Tân Cương.

Ngày 4 tháng 2 /2022 khai mạc Thế Vận, nguyên thủ các nước văn minh tẩy chay không ai đến tham dự, Putin là lãnh tụ duy nhất của một cường quốc có mặt bên cạnh Tập cận Bình. Trong dịp này hai bên đã có cuộc họp thượng đỉnh để thảo luận về quan hệ Nga – Trung và trong đó chắc chắn ông Putin đã thông báo cho ông Tập cận Bình rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine ngay sau khi thế Vận ở Bắc Kinh chấm dứt để yêu cầu Trung Quốc yểm trợ về chính trị, quân sự và kinh tế. Một điều chắc chắn nữa là ông Tập cận Bình đã cam kết ủng hộ ông Putin xâm lăng Ukraine nên sau buổi họp ông Putin hết sức ca ngợi "quan hệ thân thiết chưa từng có" với Trung Quốc.

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga Tàu, Mỹ và phương Tây ngoài chuyện suy yếu còn bị chia rẽ, tranh chấp quyền lợi khó có thể đoàn kết để chống lại sức mạnh đang lên của họ.

Những tính toán của ông Tập cận Bình

Trong những năm gần đây liên hệ giữa Trung Quốc và phương Tây không được tốt đẹp, nếu không nói là luôn luôn căng thẳng.

Thứ nhất với Mỹ, Tổng thống Trump đã mở cuộc chiến tranh thương mại : đánh thuế nặng lên hàng hóa nhập cảng vào nước Mỹ, cấm vận các đại công ty Trung Quốc như Huawei, Zte… cấm sinh viên cao học và nghiên cứu sinh Trung Quốc theo học tại các trường Đại học Mỹ về các ngành công nghệ cao cấp, tố cáo Trung Quốc ăn cắp bản quyền. 

Thứ hai với Châu Âu, các nước Châu Âu tuy chưa công khai mở cuộc chiến tranh như Mỹ nhưng đã giới hạn và ngăn cấm các tập đoàn Trung Quốc mua các nhà máy hay các công ty công nghệ ở Châu Âu, luôn luôn tố cáo Trung Quốc ăn cắp bản quyền, chèn ép các công ty Châu Âu làm ăn tại Trung Quốc, cạnh tranh bất chính… Trước sau gì Châu Âu cũng mở cuộc chiến thương mại riêng hay liên kết với Mỹ trừng phạt cách thức làm ăn người Tàu.

Nay Nga phát động chiến tranh ở Châu Âu với Ukraine, tất nhiên Mỹ và Châu Âu phải dồn sức lực và tài nguyên chống chọi với Nga tại đó.

Nếu Nga nhanh chóng xâm chiếm được Ukraine, Mỹ và Châu Âu mất tinh thần không còn đủ can đảm can thiệp khi Trung Quốc tiến chiếm Đài Loan.

Nếu cuộc chiến tranh kéo dài hay mở rộng tại Châu Âu là một vận may cho Trung Quốc : Cả Mỹ, Châu Âu và Nga bị suy yếu. Trung Quốc nổi lên là cường quốc hàng đầu lãnh đạo thế giới và sẵn sàng đem quân chinh phục mở rộng lãnh thổ. Trai cò đánh nhau, lão ông bắt hết.

Những tính toán của ông Putin

Cựu Trung tá tình báo KGB, cựu đảng viên Đảng cộng sản Nga, Ông Putin đã được huấn luyện về nghề nghiệp chuyên môn (tình báo), về chính trị theo đường lối suy nghĩ và hành động của con người cộng sản : Tàn ác, thủ đoạn, bạo động. Từ khi lên nắm chính quyền, Putin đã ra lệnh ám sát, bỏ tù các lãnh tụ đối lập và những người chống đối, những người đứng ra tố cáo tham những cả ở trong nước lẫn ngoài nước.

Sau mấy chục năm áp dụng chủ thuyết Marx-Lenin đầy sai lầm về kinh tế, về tổ chức chính quyền, tổ chức xã hội làm Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbachov bị cạn kiệt về sức của, suy kiệt về sức người nên tan rã toàn bộ năm 1991. Cho mãi đến những năm chấm dứt thế kỷ thứ 20, nước Nga với diện tích hơn 17 triệu km2, gần 200 triệu dân có Tổng sản lượng nội địa (GDP) ngang với Hòa Lan có diện tích 41.528 km2, hơn 10 triệu dân, GDP khoảng 600 tỷ USD. Cho đến năm 2021 với dân số gấp 3 lần Tây Ban Nha và đất đai gấp 34 lần, nhưng GDP bằng nhau : 150 tỷ USD (Mỹ hơn 2.000 tỷ, Trung Quốc 1.500 tỷ). 

Sự thấp kém về địa vị chính trị kèm theo với sự nghèo nàn về kinh tế so với thế giới làm cho ông Putin có mặc cảm nước Nga bị bỏ quên trên chính trường quốc tế. Nên những năm gần đây dù không khá giả gì Nga cố vươn lên bằng cách đem vũ khí và tiền bạc yểm trợ chiến tranh (cho gia đình Assad) ở Syria, ở Lybia, Mali.

Trong tâm trí, ông Putin luôn mơ ước khôi phục đế chế Liên xô hay ít nhất là lãnh thổ rộng lớn của Liên Bang Xô Viết xưa kia. Ông đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa giành độc lập ở Chechnya, đã xâm chiếm một phần lãnh thổ Georgia năm 2008. Mới năm ngoái, trong lúc khốn quẫn Lukashenko phải cầu cứu ông giúp đỡ với cái giá đưa Belarus dưới sự bảo hộ của Nga. 

Về Ukraine, năm 2014 ông đã đem quân xâm chiếm và sát nhập bán đảo Crimea, lập ra 2 vùng Donestk và Luganstk độc lập thân Nga.

Ukraine là một trong những Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cai trị xưa kia. Ukraine có lãnh thổ rộng nhất, dân số đông nhất, nông nghiệp và công nghiệp lớn nhất trong những xứ Cộng hòa đó. Nếu khuất phục được Ukraine, những nước nhỏ bé còn lại như Litva, Latvia, Estonia, Georgia… trước sau gì cũng sẽ bị khuất phục hay theo gương Belarus quay về qui phục dưới quyền uy của ông. Đó là lý do ông xua quân sang đánh Ukraine ngày 24/2/2022.

Đối với Trung Quốc, khi đã thiết lập lại được đế chế rộng lớn thời Liên Xô Putin không còn lo bị Trung Quốc lấn lướt như hiện nay. Người Nga cũng biết rằng vùng đất mênh mông rất giàu tài nguyên nhưng thưa dân Tây Bá Lợi Á từ xưa đến nay Trung Quốc rất thèm thuồng chỉ chờ dịp xua vài trăm triệu dân băng qua con sông Hắc Long sang khai thác.

Quan hệ chiến lược Nga-Trung hiện nay "thân thiết chưa từng có" nhưng đã luôn luôn đồng sàng dị mộng.

Những nước cờ tính sai

Dưới con mắt của hai lãnh tụ Nga – Tàu, Mỹ và phương Tây là một đám "hổ lốn", luôn luôn tranh giành, căng thẳng, chia rẽ với nhau vì quyền lợi không thể hợp nhất chống lại Nga khi Nga đem quân xâm lăng Ukraine. NATO chẳng qua cũng là sự tập hợp của những nước lộn xộn ấy mà thành. Cựu Tổng thống Trump đã từng chê NATO là lỗi thời muốn xóa bỏ. Tổng thống Pháp Macron còn nói nặng hơn, NATO bị "bại não".

Năm 2014 quân Nga tiến chiếm Crimea dễ như trở bàn tay, Mỹ và các nước phương Tây lớn tiếng phản đối rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Lần này lợi dụng các nước đang phải vật lộn với đại dịch, kinh tế suy yếu, Putin huy động 200 ngàn quân với võ khí tối tân nhất thế giới, dự trù chỉ trong vài ngày đoàn quân hùng mạnh sẽ đánh bại Ukraine để lập một chính phủ bù nhìn do ông sai khiến như Belarus hiện tại.

Dự tính của ông đã sai. Mấy chục năm sống dưới chế độ Xô Viết, Ukraine bị Stalin đày đọa làm mấy triệu người chết đói, hàng trăm ngàn người bị đày biệt xứ tới những vùng "kinh tế mới" xa xăm khắp nơi cho đến khi Liên Xô tan rã mới được trở về quê hương làm cho người Ukraine căm thù nước Nga của Putin và kiên cường chiến đấu đánh lại quân Nga để sống còn.

Mỹ, phương Tây và NATO không yếu, không bị chia rẽ như ông nghĩ, họ gác bỏ mọi khác biệt để đoàn kết và rất đoàn kết. Một mặt họ yểm trợ cho Ukraine những vũ khí tối tân chống xe tăng, chống máy bay để hóa gỉải những ưu thế về quân sự của quân Nga. Mặt khác các quốc gia phương Tây và Mỹ chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, nhanh chóng cắt đứt những liên hệ buôn bán với Nga dù có bị thiệt hại. Họ nhất loạt trừng trị, cô lập Nga ra khỏi hệ thống kinh tế, tài chánh và thương mại với phương Tây và phần nào với cả thế giới.

Hiện nay sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân Ukraine bắt đầu phản công lấy lại nhiều khu vực, nhiều thị trấn, đẩy lùi quân Nga ở thủ đô Kiev. Về kinh tế, sau những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đồng tiền Nga mất giá trầm trọng, thị trường chứng khoán đóng cửa, các công ty nước ngoài đóng cửa, công nhân thất nghiệp... làm cho kinh tế suy thoái. Cái vòng kim cô trừng phạt không biết bao giờ mới được phương Tây cởi cho.

Trung Quốc, một đồng minh có "mối quan hệ thân thiết chưa từng có" như lời ông Putin tuyên bố tại Bắc Kinh đầu tháng 2/2022 đã nhìn thấy sức mạnh của Mỹ và phương Tây nên có vẻ tỏ ra biết sợ.

Sau hai, ba lần cảnh cáo của Tổng thống Biden không được giúp võ khí và tiền bạc cho Nga, ông Tập cận Bình tuy không lên án Nga xâm lăng Ukraine như yêu cầu của Mỹ nhưng đã nói với Tổng thống Biden qua cuộc nói chuyện ngày 18/3 rằng Trung Quốc không muốn có cuộc xâm lăng Ukraine, 2 hôm sau Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương nói Trung Quốc sẽ không gửi vũ khí hay đạn dược giúp quân Nga. Về kinh tế, theo Reuters, SINOPEC tức Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất của Trung Quốc đã tạm ngưng dự án đầu tư 500 triệu USD vào Nga. Chính quyền Trung Quốc còn khuyến cáo các công ty Trung Quốc chớ vi phạm các lệnh trừng phạt và buộc các công ty này phải thận trọng khi làm ăn với Nga.

Mối "quan hệ thân thiết chưa từng có" giữa Nga và Trung Quốc nay có còn thắm thiết ? 

Trung Quốc cũng phải lo giữ tấm thân chứ.

Phạm Hy Sơn

Nguồn : VNTB, 03/04/2022

Published in Diễn đàn

Chiến tranh Ukraine : Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc về lập trường ngả theo Nga

Anh Vũ, RFI, 15/03/2022

Hoa Kỳ tỏ quan ngại sâu sắc về lập trường theo Nga của Trung Quốc. Đó là phản ứng của Nhà Trắng sau cuộc gặp giữa Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden và lãnh đạo cao cấp nhất về đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Dương Khiết trì, hôm 14/03/2022, tại Roma.

canhbao1

Phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn Cavalieri Waldorf Astoria, sau cuộc hội đàm với phái đoàn Mỹ, Roma, Ý, ngày 14/03/2022.  Reuters – Guglielmo Mangiapane

Thông tín viên RFI David Thomson tại Miami cho biết thêm thông tin :

Cuộc thảo luận giữa Jake Sullivan và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Roma kéo dài 7 giờ. Theo Washington, cuộc tiếp xúc diễn ra gay gắt và thẳng thắn, nhưng không giúp hạ nhiệt căng thẳng. Trái lại, sau cuộc thảo luận, Hoa Kỳ cảm thấy quan ngại sâu sắc, theo như cách nói của một quan chức cao cấp của Nhà Trắng. Quan chức này nhận thấy Trung Quốc vẫn ngả theo Nga trên hồ sơ chiến tranh Ukraine.

Không có thông tin nào khác về nội dung cuộc gặp được tiết lộ, nhưng trước đó, truyền thống Mỹ đã nói rằng cố vấn an ninh quốc gia đã cảnh báo Bắc Kinh về mọi ý đồ nhằm hỗ trợ Nga đối phó với các trừng phạt kinh tế .Theo tình báo Mỹ, Moskva sắp sửa mất khả năng thanh toán, nên có thể đề nghị Bắc Kinh trợ giúp về quân sự và kinh tế.

Theo một điện tín ngoại giao mà Hoa Kỳ gửi tới các đồng minh, Trung Quốc có thể đang tìm cách hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, như vậy Moskva sẽ phá được thế cô lập trên trường quốc tế. Viễn cảnh này khiến Hoa Kỳ lo lắng về khả năng các chế độ chuyên chế liên minh lại với nhau để đối phó với các nền dân chủ phương Tây.

Anh Vũ

*********************

Chiến tranh Ukraine : Mỹ muốn gia tăng sức ép ngăn ngừa Trung Quốc hậu thuẫn Nga

Thùy Dương, RFI, 14/03/2022

Trong khi quân đội Nga không ngừng đẩy mạnh các mũi tấn công, thắt chặt vòng vây thủ đô Kiev của Ukraine, Washington đang hướng tới một chiến lược mới : gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh để tránh nguy cơ Trung Quốc ủng hộ Nga, lách các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Đây là một trong những thông điệp mà cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ chuyển tới lãnh đạo ngoại giao của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong cuộc gặp hôm nay, 14/03/2022, tại Ý.

canhbao2

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trong một cuộc họp báo về tình hình Ukraine, tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 11/02/2022.  AP - Manuel Balce Ceneta

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm chi tiết :

"Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm qua Chủ Nhật thông qua các phương tiện truyền thông Mỹ, đã cảnh báo rằng Trung Quốc không thể giúp Nga lách các lệnh trừng phạt kinh tế mà không phải gánh chịu hậu quả. Để biện minh cho các mối nghi ngờ, chính quyền Biden đã viện dẫn thông tin trên các nhật báo lớn của Mỹ cho rằng Nga dường như đã đề nghị Trung Quốc trợ giúp, nhất là về trang thiết bị quân sự.

Đó là những thông điệp chính mà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sớm chuyển tới cố vấn hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), tại Roma. Bắc Kinh sẽ có hai lựa chọn : tiếp tục chơi trò giữ thăng bằng, giữ khoảng cách một cách lịch sự với Nga về chiến tranh ở Ukraine để không làm phật ý Hoa Kỳ và Châu Âu, hai đối tác thương mại của Trung Quốc.

Cũng có thể Bắc Kinh sẽ lựa chọn lao vào cuộc chơi mà Washington ngày càng lo ngại : ​​Trung Quc hu thun Nga trong v xâm lược Ukraine, vi hy vng thúc đẩy "tầm nhìn về trật tự thế giới" mà về lâu dài, Bắc Kinh muốn thấy được thiết lập".

Phát biểu trên CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định sẽ theo dõi sát sao về khả năng Trung Quốc trợ giúp cho Nga về kinh tế hoặc trang thiết bị, bằng cách này hay cách khác.

Chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng. Theo AFP, hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, tố cáo, "trong thời gian qua, Mỹ đã tung tin sai lệch chống Trung Quốc", và chỉ trích báo chí Mỹ lan truyền thông tin thất thiệt về việc Nga đề nghị Trung Quốc hỗ trợ về quân sự và kinh tế để tiến hành chiến tranh ở Ukraine và đối phó với các lệnh trừng phạt của Tây phương.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Nga - đồng minh ngày càng phiền toái của Trung Quốc

Đã 6 ngày từ khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, tất cả các nhật báo Pháp hôm 01/03/2022, vẫn dành trang nhất cho cuộc xung đột này.

ngatq01

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp về kinh tế tại Brazil, 14/11/2019. Reuters - POOL

Báo Le Monde chạy tựa "Liên Hiệp Châu Âu (EU) cung cấp vũ khí cho Ukraine", nói về việc lần đầu tiên 27 thành viên EU đã thống nhất về việc chuyển giao vũ khí sát thương, bao gồm máy bay chiến đấu với tổng trị giá 450 triệu euro để hỗ trợ quân sự cho Kiev. 

Đối mặt với cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể khiến chính mình bị liên lụy, Liên Hiệp Châu Âu (EU), gã khổng lồ về kinh tế và chú lùn về địa chính trị, đã quyết định thực hiện một bước nhảy vọt trong lĩnh vực quốc phòng bằng cách hỗ trợ Ukraine. 

Đồng thời, EU cũng sẽ trợ giúp chính quyền Kiev trong lĩnh vực phòng thủ mạng. Hôm qua 28/02 đã diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU nhằm cụ thể hóa kế hoạch này và xác định vai trò của Ba Lan như một cơ sở hậu cần cho việc chuyển giao thiết bị. Một khoản tiền trị giá 50 triệu euro cũng sẽ được tháo khoán để cung cấp nhiên liệu, thiết bị bảo hộ và viện trợ y tế khẩn cấp. 

Tờ báo nhận định rằng việc giúp "lực lượng kháng chiến Ukraine" gây áp lực với Nga là mục đích ngầm của EU. Thực tế là cán cân quyền lực không cân xứng và về cơ bản sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách tổng thống Putin thực hiện các "phép tính" của mình. 

Bước nhảy vọt của EU

Bài xã luận của Le Monde hôm nay nói cụ thể hơn về bước nhảy vọt trong quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine của EU. Liên Âu dường như đang muốn chứng tỏ mình là một thế lực lớn về mặt địa chính trị, nhất là khi an nguy của chính mình có thể sẽ bị đe dọa, nếu như chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang ở Ukraine. 

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng đây là bước ngoặt lịch sử trong chính sách quốc phòng của Liên Âu. 

Kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề sau các lệnh trừng phạt

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix hôm nay có bài viết "Nga đối mặt với cú sốc kinh tế của lệnh trừng phạt". Theo tờ báo, Nga đã thấy được hậu quả của việc xâm lược Ukraine khi phải hứng chịu tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, vốn chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tài chính. Ngay sau khi thị trường mở cửa, đồng rúp đã giảm giá 30% so với đồng đô la. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp khẩn cấp bằng cách tăng mạnh mức lãi suất chỉ đạo thêm 10 điểm để đưa tỷ giá lên 20%. 

Sự can thiệp này đã cho phép đồng rúp phục hồi vào giữa trưa và hạn chế được việc người dân Nga đổ xô đi rút tiền gửi ở ngân hàng. Nhưng người dân đang có những mối lo lắng khác phải đương đầu như là lạm phát, thiếu lương thực, các vấn đề về giao thông hàng không. Một người đàn bà trạc 50 tuổi sống ở Moskva nói rằng :

Thế hệ chúng tôi đã trải qua tất cả những điều này. Đó là sự trở lại của Liên Xô. Nó sẽ đặc biệt khó khăn đối với thanh thiếu niên. 

Ngoài ra, để tránh gặp sự cố, sàn chứng khoán Moskva vẫn đóng cửa vào hôm qua. Tại các thị trường phương Tây, tài sản của Nga bị bán tháo, chẳng hạn như Sberbank, ngân hàng thương mại chính của nước này, giảm 74% khi mở cửa giao dịch ở thị trường Luân Đôn. 

Theo cách nói của một quan chức Mỹ, trong mắt Tây phương, Nga đang trở thành một "kẻ khốn cùng về kinh tế". Hầu như tất cả các cường quốc kinh tế đều đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, như các nước thành viên EU, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản. Ngay cả Thụy Sĩ, thường là quốc gia trung lập, cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moskva. 

Ngoài các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế đối với Nga đã được ban hành trong những ngày gần đây, EU cũng đã công bố hai biện pháp quan trọng khác vào hôm 27/02, đó là đóng không phận của mình đối với tất cả các máy bay Nga hoặc máy bay do các công ty Nga kiểm soát và cấm các phương tiện truyền thông Nga RT và Sputnik hoạt động, nhằm ngăn chặn họ phát tán thông tin sai lệch. 

Putin điện đàm với Macron

Về chủ đề này, nhật báo thiên tả Libération có bài viết "Putin không thay đổi lập trường, Châu Âu bị dồn vào chân tường" nói về việc hôm qua tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để giải quyết xung đột về Ukraine. Thảo luận làm gì khi có thể "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" ? Dường như, ông chủ điện Kremlin vẫn duy trì những yêu cầu phi lý của mình với Emmanuel Macron như là phương Tây phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, bị Moskva sáp nhập vào năm 2014, hoặc là phi quân sự hóa và trung lập hóa Ukraine… 

Tại điện Elysée, tất cả các phương án đều đang được cân nhắc nhằm "thoát ra khỏi khủng hoảng hiện tại", đồng thời phủ tổng thống cũng cho biết rằng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu đồng nhiệm Pháp Macron "cố gắng duy trì liên lạc với Nga" và "gây áp lực lớn" với Moskva. 

Putin đã được và mất gì từ hôm xâm lăng Ukraine ?

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết "Bốn cuộc chiến bại của Putin" khi nhấn mạnh về thiệt hại của Nga sau khi xâm lăng Ukraine. Đối với tác giả bài viết Renaud Girard, tổng thống Putin đã thực hiện một hành động gần như tự sát. 

Vào mùa hè năm 2021, Vladimir Putin đang ở đỉnh cao khi ông có tầm ảnh hưởng lớn về địa chính trị thế giới. Ông được cả thế giới kính sợ và kính trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải lặn lội tới Genève, Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 2021 để có cuộc gặp với ông Putin. Cùng với Joe Biden, ông Putin đã gia hạn hiệp ước Start về việc cắt giảm vũ khí chiến lược trong vòng 5 năm. Một "hiệp ước ngừng bắn" trong chiến tranh mạng cũng đã được ký kết giữa Hoa Kỳ và Nga. Biden thậm chí đã chấp nhận để Nga và Đức cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Ở Châu Á, ông Putin đã thiết lập quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối liên kết lịch sử giữa Ấn Độ và Nga. Nga cũng không có quan hệ xấu với Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Vậy việc tổng thống Putin xâm lược Ukraine đã đạt được kết quả gì ? Sự lên án của cả thế giới ? Sự căm thù của người Ukraine ? Sự sa lầy của quân đội và cái chết của hàng nghìn lính Nga trẻ tuổi ? Sự cô lập của Nga khiến cho kinh tế nước này tụt dốc ? 

Đối với ông Girard, tổng thống Putin đã mắc sai lầm lớn khi ông quyết định xâm lược toàn bộ Ukraine. Có thể nói rằng ông ta đã thua bốn cuộc chiến. Cuộc chiến đạo lý, do vi phạm Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Cuộc chiến truyền thông khi coi ông Zelensky như một tên Quốc xã, trong khi tổng thống Ukraine dường như đã trở thành một anh hùng đối với toàn thế giới khi can đảm ở lại Kiev chiến đấu cùng với các binh sĩ của mình. Cuộc chiến kinh tế, bởi ngay các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ phải tuân thủ việc không cho các ngân hàng Nga tiếp cận với đồng đô la và đồng euro. Cuộc chiến ngoại giao, khi ông xóa bỏ cảm giác tội lỗi mà Berlin có đối với Moskva sau khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa vào năm 1941, cũng như mong muốn trung lập hóa Phần Lan và Thụy Điển. 

Năm ngày sau khi Ukraine bị tấn công, uy tín của tổng thống Putin đã tụt dốc mạnh. Ông không còn được tôn trọng hay thậm chí là sợ hãi, thể hiện qua việc Đức quyết định chuyển giao tên lửa phòng không di động Stinger cho quân kháng chiến Ukraine. 

Đây là hậu quả của việc tổng thống Putin sai lầm về mặt chiến lược. Ông Putin đã nhầm tưởng rằng người Ukraine sẽ không chống trả và cuộc tấn công quân sự của ông sẽ là một cuộc dạo chơi trong công viên. Sự khinh thường của ông đối với EU đã khiến ông đánh giá thấp khả năng đoàn kết của Châu Âu khi đối mặt với nguy hiểm. 

Trung Quốc đã có những động thái gì từ hôm Nga xâm lăng Ukraine ?

Về chủ đề này, báo Les Echos có bài viết "Trung Quốc ngày càng khó xử với một đồng minh gây phiền toái". 

Kể từ khi xung đột nổ ra, Trung Quốc hầu như không nêu rõ lập trường. Trung Quốc không muốn đối đầu trực diện với đồng minh Nga, đồng thời cũng không muốn bị coi là ủng hộ một cuộc xâm lược Ukraine. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ "hiểu" các yêu cầu an ninh "hợp lý" của Nga, thông cảm với những bất bình của Moskva đối với NATO. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh là "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia". 

Vào tuần trước, phái đoàn Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết cáo buộc Nga "tấn công Ukraine". Dự thảo do Mỹ và Albania thực hiện, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva lập tức rút quân. 

Trước đó vài giờ, một cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã cho thấy sự bất an của Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông ủng hộ giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao. 

Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Hoa Kỳ và Châu Âu khi phương Tây muốn nước này nêu rõ lập trường của mình và lên tiếng chống lại việc Nga xâm lược Ukraine. Việc Bắc Kinh từ chối giúp xoa dịu xung đột có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch của phương Tây đối với Trung Quốc trong trung hạn. Điều này có thể làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, làm cho mối liên kết giữa Hoa Kỳ-Châu Âu khăng khít hơn và chống lại Trung Quốc. 

Vốn rất thực dụng, Trung Quốc không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có khả năng làm mất ổn định lợi ích của họ trong khu vực, làm xấu đi mối quan hệ với Châu Âu và Hoa Kỳ, và phá vỡ nền kinh tế của mình. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng cộng sản rất quan trọng đối với Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã tự đặt cho mình khẩu hiệu "ổn định". Một mục tiêu dường như đang bị đảo lộn bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine. 

Phan Minh

Published in Châu Á

Nga và Trung Quốc thị uy với phương Tây để bất chiến tự nhiên thành ?

Theo chuyên gia Valérie Niquet, cần tỉnh táo trước các đòn cân não của Nga và nhất là Trung Quốc. Nguy cơ chính đối với thế giới tự do là phải nhìn thấy Bắc Kinh không đánh mà thắng, giương oai diễu võ làm các đối thủ nhụt chí phải nhượng bộ.

ngatq1

Một đoàn xe quân sự Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga tại vùng núi Ural, ngày 13/08/2007.  AP - Anonymous

Tình hình Ukraine và Kazakhstan, biến thể Omicron tiếp tục gây lo lắng trên thế giới, tin giả trên mạng xã hội là các chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhiều hôm nay.

Ukraine không thể là món hàng đổi chác

Trong bài xã luận "Ukraine, một chủ đề Châu Âu", La Croix nhận định Nga gây áp lực nặng nề với Ukraine, huy động cả trăm ngàn quân Nga ở biên giới, nhằm ngăn cản Nhà nước độc lập này một ngày nào đó gia nhập vào NATO. Kiev phản đối, khẳng định quyền chọn lựa liên minh của mình. Tờ báo cho rằng đó là chính đáng và cần ủng hộ Ukraine.

Để đạt mục đích, Vladimir Putin tìm cách thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ. Nga sử dụng vị thế cường quốc thế giới để đẩy Ukraine xuống vai trò một món hàng trao đổi, trong một cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân và chia sẻ ảnh hưởng ở Châu Âu. Chiến lược tạo khủng hoảng của Nga đã khiến Washington mở đối thoại. Điều này là tốt nếu giúp giảm căng thẳng và không làm hại đến Châu Âu.

Nhưng Châu Âu cũng không thể thụ động. Nếu biết tổ chức, châu lục này có thể đóng góp mạnh mẽ vào sự ổn định của lãnh thổ, của mô hình dân chủ và các láng giềng. NATO vẫn là liên minh quân sự lâu dài, nhưng Liên Hiệp Châu Âu (EU) có những thế mạnh khác về kinh tế, không gian, kỹ thuật số ; và cần có quan điểm chung về những mối đe dọa để phối hợp đáp trả. Công trình này sẽ được đẩy nhanh trong thời kỳ Pháp làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu – bây giờ đã đến lúc.

Nga-NATO : Từ hòa thuận đến căng thẳng

Le Figaro kể lại quá trình "Nga-NATO : Quan hệ dần dà trở nên gay gắt như thế nào". Lần đầu tiên từ hai năm qua Hội đồng NATO-Nga họp lại, nhân đó phía Nga đưa ra một yêu sách xấc xược : chính thức chấm dứt mở rộng sang phía đông. Ngoại trưởng Nga tố cáo NATO luôn muốn nắm lấy các vùng đất trở nên bơ vơ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Thế nhưng năm 1991 khi Liên bang Xô viết chấm dứt tồn tại, Hiệp ước Warszawa biến mất và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trở nên độc lập, giữa NATO và Nga hình thành Đối tác vì hòa bình, và lúc đó Ukraine không đứng về phía Nga lẫn phương Tây. Quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng tốt đẹp. Moskva không đồng ý với việc NATO can thiệp vào Kosovo năm 1999 nhưng ủng hộ Washington sau các vụ tấn công ngày 11/09/2001. Năm 2002 khi thành lập Hội đồng NATO-Nga, cơ chế tham vấn và hành động chung nhằm gắn bó Nga hơn với các hoạt động NATO, khoảng 30 viên chức Nga tham gia nhiều cuộc họp tại trụ sở NATO ở Bruxelles. Việc mở rộng NATO không hề gây một phản ứng nhỏ nào ở Moskva, thậm chí khả năng kết nạp Nga vào NATO cũng được bàn luận ở Moskva lẫn phương Tây.

Nga bắt đầu đổi giọng tại hội nghị an ninh Munich 2007, Putin tố cáo "chủ nghĩa đơn phương Mỹ", coi NATO là mối đe dọa. Tổng thống Nga lo sợ những cuộc cách mạng màu ở Georgia (Gruzia) và Ukraine. Dù hãy còn mơ hồ, lời mời Kiev và Tbilissi gia nhập NATO tháng 4/2008 - dưới sự thúc đẩy của George W. Bush nhưng Paris và Berlin đã hãm lại - khiến Putin đưa quân vào Georgia bốn tháng sau đó. Và sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014, Nga chiếm Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở Donbass : sau Georgia, khả năng Ukraine gia nhập NATO lại là một lằn ranh đỏ khác của Kremlin.

Lo sợ cách mạng màu, Putin muốn làm sen đầm Trung Âu

Nga chỉ trích phương Tây không giữ lời hứa. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, hoặc tệ hơn là muốn viết lại lịch sử. Năm 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngoại trưởng Mỹ James Baker đã nói với Mikhail Gortbachev "không mở rộng sang phía đông", nhưng là Đông Đức : Mỹ không triển khai quân một khi quân Liên Xô còn hiện diện. Vào lúc ấy, Hiệp ước Warszawa vẫn tồn tại và không nước nào gõ cửa NATO. Sau đó thì chính các nước Đông Âu vội vã xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương để được bảo vệ trước Nga.

Theo chuyên gia Thorniké Gordadzé, ông chủ điện Kremlin muốn duy trì quyền lực, tránh phong trào dân chủ lan qua Nga và giữ nguyên ảnh hưởng ở các nước thuộc Liên Xô cũ, làm "sen đầm của Trung Âu". Putin cho rằng thời cơ đã đến, Washington sẵn sàng chấp nhận một sự thay đổi về an ninh Châu Âu để tập trung cho Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tất nhiên Nga chỉ muốn nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ, nhưng giờ đến lượt NATO vào cuộc. Từ hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã đến Bruxelles, thông báo cho các đối tác về cuộc đàm phán vừa qua và bảo đảm hợp tác chặt chẽ về an ninh. Tối nay các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Liên hiệp Châu Âu họp lại trong hai ngày ở Brest, với đường hướng cũng tương tự như hội nghị vừa rồi ở Genève. Vấn đề còn chưa rõ là Kremlin sẽ phản ứng như thế nào khi NATO bác các yêu sách.

Quân đội Ukraine từng nằm trong số mạnh nhất thế giới

Trong khi đó quân đội Ukraine được tăng cường nhờ viện trợ của phương Tây, bảy năm sau khi bị Nga chiếm mất Crimea. Tháng 8/2021, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định quay lại với truyền thống diễn binh nhân kỷ niệm 30 năm độc lập. Những chiếc xe tăng, máy bay cũ kỹ thời Liên Xô hiện diện cùng lúc với các thiết bị không người lái hiện đại. Kiev lo ngại bị Nga tấn công bằng cách nhảy dù xuống phía bắc và đổ bộ bằng đường biển ở phía nam.

Hồi Liên Xô sụp đổ, Kiev được thừa hưởng một bộ máy chiến tranh đáng nể với gần 980.000 quân nhân, 6.500 xe tăng, 1.500 máy bay và cả 1.272 đầu đạn nguyên tử - nằm trong số những quân đội mạnh nhất thế giới. Chính quyền mới, nhất là phe thân Nga, đã bán tống bán tháo số vũ khí Liên Xô cũ cho Châu Phi và Trung Đông, "có mùi" tham nhũng ở đây : chỉ thu lại được chưa đầy 105 triệu euro. Giới tinh hoa Ukraine ngày nay cũng cay đắng về việc năm 1994 Kiev chấp nhận từ bỏ kho vũ khí nguyên tử để đổi lấy bảo đảm về an ninh của Hoa Kỳ, Anh và Nga.

Kiev chuyên nghiệp hóa quân đội, thích ứng dần với NATO

Lúc bị Nga tấn công bất ngờ năm 2014, quân đội Ukraine chỉ còn 120.900 người trong đó chưa đầy 5.000 sẵn sàng chiến đấu ; từ áo giáp, thực phẩm đến giày vớ đều do người tình nguyện cung cấp. Nga chiếm Crimea không tốn một phát đạn. Mất bán đảo này, Ukraine mất 87% năng lực hàng hải. Giờ đây ngân sách quốc phòng của Kiev đã tăng gấp bốn lần, quân đội được chuyên nghiệp hóa, ngoài 250.000 quân nhân chính quy còn có 200.000 quân dự bị và 400.000 cựu binh.

Ukraine cũng được phương Tây trợ giúp dưới nhiều hình thức. Các cố vấn quân sự Mỹ, Canada giúp huấn luyện lính Ukraine. Kiev ký các thỏa thuận song phương để gây dựng lại đoàn tàu, mua lại nhiều vũ khí cũ còn dùng được và đôi khi được tặng. Mới đây đã mua 12 drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận được các hỏa tiễn Mỹ Javelin trong thời Donald Trump, và tổng cộng được Mỹ viện trợ 2,2 tỉ euro.

Quân đội Ukraine đã cố gắng thích nghi với các tiêu chuẩn NATO : một luật vừa ban hành buộc quân nhân các cấp phải nói được tiếng Anh trước 2025, và thay thế bộ trưởng quốc phòng bằng một quan chức dân sự. Những cuộc tập trận chung với các thành viên NATO ngày càng thường xuyên hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu Nga không kích, Ukraine khó chống chọi được.

Trung Quốc dùng phương Nam bao vây phương Bắc

Liên quan đến Châu Á, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan khi trả lời phỏng vấn báo Le Mondeđã nhận định "Chiến lược của Bắc Kinh là dùng các nước phương Nam để bao vây phương Bắc". Ông cho rằng Trung Quốc dấn tới tại Châu Phi để tạo vị thế mới trước phương Tây.

Trong diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tháng 11/2021, tín dụng từ Bắc Kinh đã giảm bớt, do các nước Châu Phi ý thức được sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên Bắc Kinh đã thành công trong việc tạo ra một giới tinh hoa thân Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc lập quan hệ với 110 đảng ở Châu Phi, và không chỉ là những đảng đang cầm quyền. Nhiều cán bộ quản lý Châu Phi theo học tại các trường đảng Trung Quốc.

Lợi ích của Trung Quốc ở Châu Phi còn là cô lập Đài Loan về ngoại giao, và ngày nay 54 Nhà nước Châu Phi mang lại cho Bắc Kinh số phiếu quan trọng ở Liên Hiệp Quốc. Ông Cabestan cho rằng chiến lược của Trung Quốc là bao vây phương Bắc bằng các nước phương Nam do Bắc Kinh lãnh đạo. Tập Cận Bình dựa vào đó để tạo ra tương quan lực lượng mới : hoặc lôi kéo các nước này đứng về phía Trung Quốc, hoặc vô hiệu hóa họ. Nga và Trung Quốc có lợi ích bổ sung cho nhau ở lục địa đen. Bắc Kinh đầu tư vào kinh tế trong khi Nga chú trọng về an ninh, chủ yếu qua lực lượng lính đánh thuê Wagner ở Mali hay Trung Phi.

Chuyên gia : Nga, Trung múa may với mục đích "bất chiến tự nhiên thành"

Cũng trên Le Mondechuyên gia Valérie Niquet nhận thấy "Ưu tiên của các chế độ dân chủ là đánh giá đúng đắn mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga". Theo bà Niquet, hai nước này thích tung hỏa mù, gây cảm tưởng như xung đột sắp xảy ra để đạt được những nhượng bộ.

Nga và Trung Quốc có chung chiến lược không đối đầu trực diện nhưng tìm cách răn đe, gây ấn tượng và chia rẽ đối thủ. Với Moskva, chiến lược gây căng thẳng đã dẫn đến cuộc đối thoại Biden-Putin hôm 07/12/2021 rồi đến việc công bố tối hậu thư của Nga. Với Bắc Kinh, đã diễn ra những trao đổi giữa Joe Biden với Tập Cận Bình để "tránh sự cố", trong khi mỗi ngày nguy cơ chiến tranh tại eo biển Đài Loan đều được nêu ra.

Chỉ là chiến tranh cân não ?

Điểm chung của cả hai trường hợp là loại ra các đồng minh thân cận của của Hoa Kỳ, tại Châu Âu cũng như Châu Á ; quay lại với một thế giới do các cường quốc quyết định, tăng khả năng quấy nhiễu để được coi là đại ca. Đặc biệt các nhà chiến lược Trung Quốc nói nhiều về sự yếu kém của các nền dân chủ, sức nặng của dư luận, sự bất lực trước những nguy cơ lớn. Phóng đại mối đe dọa thậm chí nêu ra xung đột hạt nhân nằm trong chiến lược gây áp lực tâm lý để cản trở Mỹ can thiệp.

Liên Hiệp Châu Âu ngày càng ý thức được mối nguy từ Trung Quốc đối với cân bằng chiến lược thế giới. Quan niệm tự chủ tuy bị Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ chỉ trích, nhưng dù còn khiêm tốn, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, Đức, Hà Lan và rốt cuộc là EU chứng tỏ khả năng bảo vệ lợi ích của châu lục. Về phía Nga và Trung Quốc hiện giương oai diễu võ nhưng vẫn chưa vượt qua một số giới hạn. Bắc Kinh chưa phiêu lưu đến vùng nhận diện phòng không xa nhất của Đài Loan, Moskva chưa vượt qua lằn ranh đỏ mới.

Quá tự tin, Tập Cận Bình sau đại hội Đảng có thể đi xa hơn với việc "thống nhất" Đài Loan, giúp nâng ông lên ngang hàng với Mao. Tuy nhiên dù người dân Hoa lục được nhồi nhét tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nhưng không chắc họ sẵn sàng "chết vì Đài Loan". Như vậy theo tác giả, các nước dân chủ cần ưu tiên đánh giá thật chính xác mối đe dọa Nga và Trung Quốc trên đủ mọi phương diện, trong đó có chiến tranh cân não. Nguy cơ chính là phải nhìn thấy Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành, qua việc thuyết phục để các đối thủ tin rằng nhất định họ sẽ thất bại.

Thụy My

Published in Quốc tế