Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/01/2022

Điểm báo Pháp - Nga và Trung Quốc thị uy với phương Tây

RFI tiếng Việt

Nga và Trung Quốc thị uy với phương Tây để bất chiến tự nhiên thành ?

Theo chuyên gia Valérie Niquet, cần tỉnh táo trước các đòn cân não của Nga và nhất là Trung Quốc. Nguy cơ chính đối với thế giới tự do là phải nhìn thấy Bắc Kinh không đánh mà thắng, giương oai diễu võ làm các đối thủ nhụt chí phải nhượng bộ.

ngatq1

Một đoàn xe quân sự Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga tại vùng núi Ural, ngày 13/08/2007.  AP - Anonymous

Tình hình Ukraine và Kazakhstan, biến thể Omicron tiếp tục gây lo lắng trên thế giới, tin giả trên mạng xã hội là các chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhiều hôm nay.

Ukraine không thể là món hàng đổi chác

Trong bài xã luận "Ukraine, một chủ đề Châu Âu", La Croix nhận định Nga gây áp lực nặng nề với Ukraine, huy động cả trăm ngàn quân Nga ở biên giới, nhằm ngăn cản Nhà nước độc lập này một ngày nào đó gia nhập vào NATO. Kiev phản đối, khẳng định quyền chọn lựa liên minh của mình. Tờ báo cho rằng đó là chính đáng và cần ủng hộ Ukraine.

Để đạt mục đích, Vladimir Putin tìm cách thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ. Nga sử dụng vị thế cường quốc thế giới để đẩy Ukraine xuống vai trò một món hàng trao đổi, trong một cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân và chia sẻ ảnh hưởng ở Châu Âu. Chiến lược tạo khủng hoảng của Nga đã khiến Washington mở đối thoại. Điều này là tốt nếu giúp giảm căng thẳng và không làm hại đến Châu Âu.

Nhưng Châu Âu cũng không thể thụ động. Nếu biết tổ chức, châu lục này có thể đóng góp mạnh mẽ vào sự ổn định của lãnh thổ, của mô hình dân chủ và các láng giềng. NATO vẫn là liên minh quân sự lâu dài, nhưng Liên Hiệp Châu Âu (EU) có những thế mạnh khác về kinh tế, không gian, kỹ thuật số ; và cần có quan điểm chung về những mối đe dọa để phối hợp đáp trả. Công trình này sẽ được đẩy nhanh trong thời kỳ Pháp làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu – bây giờ đã đến lúc.

Nga-NATO : Từ hòa thuận đến căng thẳng

Le Figaro kể lại quá trình "Nga-NATO : Quan hệ dần dà trở nên gay gắt như thế nào". Lần đầu tiên từ hai năm qua Hội đồng NATO-Nga họp lại, nhân đó phía Nga đưa ra một yêu sách xấc xược : chính thức chấm dứt mở rộng sang phía đông. Ngoại trưởng Nga tố cáo NATO luôn muốn nắm lấy các vùng đất trở nên bơ vơ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Thế nhưng năm 1991 khi Liên bang Xô viết chấm dứt tồn tại, Hiệp ước Warszawa biến mất và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trở nên độc lập, giữa NATO và Nga hình thành Đối tác vì hòa bình, và lúc đó Ukraine không đứng về phía Nga lẫn phương Tây. Quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng tốt đẹp. Moskva không đồng ý với việc NATO can thiệp vào Kosovo năm 1999 nhưng ủng hộ Washington sau các vụ tấn công ngày 11/09/2001. Năm 2002 khi thành lập Hội đồng NATO-Nga, cơ chế tham vấn và hành động chung nhằm gắn bó Nga hơn với các hoạt động NATO, khoảng 30 viên chức Nga tham gia nhiều cuộc họp tại trụ sở NATO ở Bruxelles. Việc mở rộng NATO không hề gây một phản ứng nhỏ nào ở Moskva, thậm chí khả năng kết nạp Nga vào NATO cũng được bàn luận ở Moskva lẫn phương Tây.

Nga bắt đầu đổi giọng tại hội nghị an ninh Munich 2007, Putin tố cáo "chủ nghĩa đơn phương Mỹ", coi NATO là mối đe dọa. Tổng thống Nga lo sợ những cuộc cách mạng màu ở Georgia (Gruzia) và Ukraine. Dù hãy còn mơ hồ, lời mời Kiev và Tbilissi gia nhập NATO tháng 4/2008 - dưới sự thúc đẩy của George W. Bush nhưng Paris và Berlin đã hãm lại - khiến Putin đưa quân vào Georgia bốn tháng sau đó. Và sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014, Nga chiếm Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở Donbass : sau Georgia, khả năng Ukraine gia nhập NATO lại là một lằn ranh đỏ khác của Kremlin.

Lo sợ cách mạng màu, Putin muốn làm sen đầm Trung Âu

Nga chỉ trích phương Tây không giữ lời hứa. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, hoặc tệ hơn là muốn viết lại lịch sử. Năm 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngoại trưởng Mỹ James Baker đã nói với Mikhail Gortbachev "không mở rộng sang phía đông", nhưng là Đông Đức : Mỹ không triển khai quân một khi quân Liên Xô còn hiện diện. Vào lúc ấy, Hiệp ước Warszawa vẫn tồn tại và không nước nào gõ cửa NATO. Sau đó thì chính các nước Đông Âu vội vã xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương để được bảo vệ trước Nga.

Theo chuyên gia Thorniké Gordadzé, ông chủ điện Kremlin muốn duy trì quyền lực, tránh phong trào dân chủ lan qua Nga và giữ nguyên ảnh hưởng ở các nước thuộc Liên Xô cũ, làm "sen đầm của Trung Âu". Putin cho rằng thời cơ đã đến, Washington sẵn sàng chấp nhận một sự thay đổi về an ninh Châu Âu để tập trung cho Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tất nhiên Nga chỉ muốn nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ, nhưng giờ đến lượt NATO vào cuộc. Từ hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã đến Bruxelles, thông báo cho các đối tác về cuộc đàm phán vừa qua và bảo đảm hợp tác chặt chẽ về an ninh. Tối nay các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Liên hiệp Châu Âu họp lại trong hai ngày ở Brest, với đường hướng cũng tương tự như hội nghị vừa rồi ở Genève. Vấn đề còn chưa rõ là Kremlin sẽ phản ứng như thế nào khi NATO bác các yêu sách.

Quân đội Ukraine từng nằm trong số mạnh nhất thế giới

Trong khi đó quân đội Ukraine được tăng cường nhờ viện trợ của phương Tây, bảy năm sau khi bị Nga chiếm mất Crimea. Tháng 8/2021, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định quay lại với truyền thống diễn binh nhân kỷ niệm 30 năm độc lập. Những chiếc xe tăng, máy bay cũ kỹ thời Liên Xô hiện diện cùng lúc với các thiết bị không người lái hiện đại. Kiev lo ngại bị Nga tấn công bằng cách nhảy dù xuống phía bắc và đổ bộ bằng đường biển ở phía nam.

Hồi Liên Xô sụp đổ, Kiev được thừa hưởng một bộ máy chiến tranh đáng nể với gần 980.000 quân nhân, 6.500 xe tăng, 1.500 máy bay và cả 1.272 đầu đạn nguyên tử - nằm trong số những quân đội mạnh nhất thế giới. Chính quyền mới, nhất là phe thân Nga, đã bán tống bán tháo số vũ khí Liên Xô cũ cho Châu Phi và Trung Đông, "có mùi" tham nhũng ở đây : chỉ thu lại được chưa đầy 105 triệu euro. Giới tinh hoa Ukraine ngày nay cũng cay đắng về việc năm 1994 Kiev chấp nhận từ bỏ kho vũ khí nguyên tử để đổi lấy bảo đảm về an ninh của Hoa Kỳ, Anh và Nga.

Kiev chuyên nghiệp hóa quân đội, thích ứng dần với NATO

Lúc bị Nga tấn công bất ngờ năm 2014, quân đội Ukraine chỉ còn 120.900 người trong đó chưa đầy 5.000 sẵn sàng chiến đấu ; từ áo giáp, thực phẩm đến giày vớ đều do người tình nguyện cung cấp. Nga chiếm Crimea không tốn một phát đạn. Mất bán đảo này, Ukraine mất 87% năng lực hàng hải. Giờ đây ngân sách quốc phòng của Kiev đã tăng gấp bốn lần, quân đội được chuyên nghiệp hóa, ngoài 250.000 quân nhân chính quy còn có 200.000 quân dự bị và 400.000 cựu binh.

Ukraine cũng được phương Tây trợ giúp dưới nhiều hình thức. Các cố vấn quân sự Mỹ, Canada giúp huấn luyện lính Ukraine. Kiev ký các thỏa thuận song phương để gây dựng lại đoàn tàu, mua lại nhiều vũ khí cũ còn dùng được và đôi khi được tặng. Mới đây đã mua 12 drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận được các hỏa tiễn Mỹ Javelin trong thời Donald Trump, và tổng cộng được Mỹ viện trợ 2,2 tỉ euro.

Quân đội Ukraine đã cố gắng thích nghi với các tiêu chuẩn NATO : một luật vừa ban hành buộc quân nhân các cấp phải nói được tiếng Anh trước 2025, và thay thế bộ trưởng quốc phòng bằng một quan chức dân sự. Những cuộc tập trận chung với các thành viên NATO ngày càng thường xuyên hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu Nga không kích, Ukraine khó chống chọi được.

Trung Quốc dùng phương Nam bao vây phương Bắc

Liên quan đến Châu Á, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan khi trả lời phỏng vấn báo Le Mondeđã nhận định "Chiến lược của Bắc Kinh là dùng các nước phương Nam để bao vây phương Bắc". Ông cho rằng Trung Quốc dấn tới tại Châu Phi để tạo vị thế mới trước phương Tây.

Trong diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tháng 11/2021, tín dụng từ Bắc Kinh đã giảm bớt, do các nước Châu Phi ý thức được sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên Bắc Kinh đã thành công trong việc tạo ra một giới tinh hoa thân Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc lập quan hệ với 110 đảng ở Châu Phi, và không chỉ là những đảng đang cầm quyền. Nhiều cán bộ quản lý Châu Phi theo học tại các trường đảng Trung Quốc.

Lợi ích của Trung Quốc ở Châu Phi còn là cô lập Đài Loan về ngoại giao, và ngày nay 54 Nhà nước Châu Phi mang lại cho Bắc Kinh số phiếu quan trọng ở Liên Hiệp Quốc. Ông Cabestan cho rằng chiến lược của Trung Quốc là bao vây phương Bắc bằng các nước phương Nam do Bắc Kinh lãnh đạo. Tập Cận Bình dựa vào đó để tạo ra tương quan lực lượng mới : hoặc lôi kéo các nước này đứng về phía Trung Quốc, hoặc vô hiệu hóa họ. Nga và Trung Quốc có lợi ích bổ sung cho nhau ở lục địa đen. Bắc Kinh đầu tư vào kinh tế trong khi Nga chú trọng về an ninh, chủ yếu qua lực lượng lính đánh thuê Wagner ở Mali hay Trung Phi.

Chuyên gia : Nga, Trung múa may với mục đích "bất chiến tự nhiên thành"

Cũng trên Le Mondechuyên gia Valérie Niquet nhận thấy "Ưu tiên của các chế độ dân chủ là đánh giá đúng đắn mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga". Theo bà Niquet, hai nước này thích tung hỏa mù, gây cảm tưởng như xung đột sắp xảy ra để đạt được những nhượng bộ.

Nga và Trung Quốc có chung chiến lược không đối đầu trực diện nhưng tìm cách răn đe, gây ấn tượng và chia rẽ đối thủ. Với Moskva, chiến lược gây căng thẳng đã dẫn đến cuộc đối thoại Biden-Putin hôm 07/12/2021 rồi đến việc công bố tối hậu thư của Nga. Với Bắc Kinh, đã diễn ra những trao đổi giữa Joe Biden với Tập Cận Bình để "tránh sự cố", trong khi mỗi ngày nguy cơ chiến tranh tại eo biển Đài Loan đều được nêu ra.

Chỉ là chiến tranh cân não ?

Điểm chung của cả hai trường hợp là loại ra các đồng minh thân cận của của Hoa Kỳ, tại Châu Âu cũng như Châu Á ; quay lại với một thế giới do các cường quốc quyết định, tăng khả năng quấy nhiễu để được coi là đại ca. Đặc biệt các nhà chiến lược Trung Quốc nói nhiều về sự yếu kém của các nền dân chủ, sức nặng của dư luận, sự bất lực trước những nguy cơ lớn. Phóng đại mối đe dọa thậm chí nêu ra xung đột hạt nhân nằm trong chiến lược gây áp lực tâm lý để cản trở Mỹ can thiệp.

Liên Hiệp Châu Âu ngày càng ý thức được mối nguy từ Trung Quốc đối với cân bằng chiến lược thế giới. Quan niệm tự chủ tuy bị Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ chỉ trích, nhưng dù còn khiêm tốn, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, Đức, Hà Lan và rốt cuộc là EU chứng tỏ khả năng bảo vệ lợi ích của châu lục. Về phía Nga và Trung Quốc hiện giương oai diễu võ nhưng vẫn chưa vượt qua một số giới hạn. Bắc Kinh chưa phiêu lưu đến vùng nhận diện phòng không xa nhất của Đài Loan, Moskva chưa vượt qua lằn ranh đỏ mới.

Quá tự tin, Tập Cận Bình sau đại hội Đảng có thể đi xa hơn với việc "thống nhất" Đài Loan, giúp nâng ông lên ngang hàng với Mao. Tuy nhiên dù người dân Hoa lục được nhồi nhét tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nhưng không chắc họ sẵn sàng "chết vì Đài Loan". Như vậy theo tác giả, các nước dân chủ cần ưu tiên đánh giá thật chính xác mối đe dọa Nga và Trung Quốc trên đủ mọi phương diện, trong đó có chiến tranh cân não. Nguy cơ chính là phải nhìn thấy Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành, qua việc thuyết phục để các đối thủ tin rằng nhất định họ sẽ thất bại.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)