Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2022

ASEAN trong bàn tay (Phật) Trung Quốc

Nguyễn Minh Vương - Lâm Quang Long

ASEAN cần được cải tổ để hạn chế sự chia rẽ

Nguyễn Minh Vương, RFA, 17/04/2022

Thế giới tỏ ra đang chia rẽ trong việc tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga. Hầu hết các nước Châu Á đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc bỏ phiếu nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc) ngày 7/4/2022 vừa qua.

caito1

Cờ các quốc gia thuộc khối ASEAN – AFP

Tình hình ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phản ánh bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra trên thế giới. ASEAN bao gồm 10 nước thành viên là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia. Tại Liên Hiệp Quốc, tất cả các nước thành viên ASEAN, ngoại trừ Việt Nam và Lào, đều bỏ phiếu phản đối chiến dịch đặc biệt của Nga. Tuy nhiên, trong số 10 quốc gia thành viên, chỉ có Singapore áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Điều đó cho thấy, hiện nay trong ASEAN đã hình thành ba nhóm quốc gia có thể được phân loại dựa trên thái độ đối với các biện pháp trừng phạt chống Nga. Nhóm thứ nhất chỉ có Singapore là đã ủng hộ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nhóm thứ hai bao gồm Việt Nam và Lào, hai nước này ít khi đưa ra những tuyên bố về vấn đề trừng phạt và luôn ủng hộ hợp tác với Nga trong mọi lĩnh vực. Chính quyền quân sự Myanmar cũng vào nhóm này, đối với họ không có gì thay đổi trong quan hệ với Nga sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, bởi vì bản han nước này cũng đang chịu các lệnh trừng phạt. Nhóm thứ ba là các nước còn lại : Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Brunei. Tất cả các quốc gia này đều có quan hệ hữu nghị lâu đời với Nga. Tất cả các nước này, đã lên tiếng kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán.

caito2

Bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine hôm 2/3/2022. Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. AFP

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay đã gọi Nga là "bạn của Campuchia", nhưng lại lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Campuchia một mặt không chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập như Ukraine bởi Nga. Nhưng mặt khác Campuchia không muốn nghe theo lời kêu gọi của các nước phương Tây yêu cầu rút lại lời mời Nga tham gia Tuần lễ ASEAN, trong đó có cả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Thái Lan và Indonesia, các nước chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và G20 cũng đang làm như vậy tại các diễn đàn họ chủ trì.

Chúng ta có thể thấy Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Campuchia đều đã lên tiếng về các lệnh trừng phạt đối với Nga, một số nước nói lên quan điểm của mình không chỉ một lần. Tuy nhiên, các quốc gia này đã nói rõ rằng họ sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Tất cả các nước này vẫn sẵn sàng tăng cường các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Nga.

ASEAN đã bị chia rẽ kể từ năm 2012 sau khi Campuchia - nước khi đó giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN - đã không thể ra tuyên bố chung sau khi hội nghị thượng đỉnh thường niên của các lãnh đạo ASEAN bế mạc. Mấu chốt là do Philippines và Việt Nam phản đối các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Kể từ đó, ASEAN đã bị phân cực trong vấn đề ứng phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này. ASEAN tiếp tục gặp thách thức bởi các động thái của Mỹ nhằm chống lại Bắc Kinh. Đầu tiên là việc chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại khu vực không có sự tham gia của Trung Quốc. Tiếp đó là cuộc chiến thương mại toàn diện mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động với Trung Quốc và sự ủng hộ của ông Trump đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Khi căng thẳng giữa hai siêu cường này gia tăng, ASEAN đã bị cả hai bên gây áp lực và bị buộc phải chọn phe. Campuchia và Lào công khai trở thành đồng minh của Trung Quốc, trong khi Singapore và Việt Nam ngày càng nghiêng về Mỹ.

Điều đáng lưu ý là sự chia rẽ trong ASEAN hiện nay trong vấn đề Ukraine lại không tuân theo những mô hình trước đó. Liên quan đến các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc đảo chính ở Myanmar, Campuchia vẫn ủng hộ Bắc Kinh và lực lượng quân sự Myanmar nhưng Phnom Penh lại không ủng hộ Nga. Trong khi đó, Lào ủng hộ cả Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền quân sự Myanmar và Nga. Việt Nam chỉ trích Trung Quốc, "im lặng" trước cuộc đảo chính ở Myanmar và thông cảm với Nga. Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore vẫn duy trì các quan ngại của mình về vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông, việc giới quân sự đang nắm quyền ở Myanmar cũng như cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Thái Lan tỏ ra mềm mỏng trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc đảo chính ở Myanmar, nhưng lại có lập trường phản đối hành động quân sự của Nga.

Đây chính là thời điểm khủng hoảng đối với ASEAN. Những gì ASEAN cần hiện nay là một cách tiếp cận mới của những nước có cùng chí hướng. Những nước sẵn sàng và có thể đưa ra những quan điểm chung mà không phải là quan điểm đồng thuận của toàn bộ 10 nước thành viên cần được tiếp tục làm như vậy. Các nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang đi đầu trong nỗ lực này. Những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam, có thể tham gia vào các vấn đề và lĩnh vực khác mà họ quan tâm. Những nước còn lại có thể tham gia hoặc không tham gia nếu họ thấy phù hợp với mô hình ASEAN-5 cộng "X". Các nước sáng lập ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore cần đi đầu trong mô hình hoạt động mới này. Nếu các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác của họ càng sớm nắm bắt được thực tế mới này, ASEAN sẽ càng sớm trải qua một cuộc cải tổ mà lẽ ra cần được tiến hành từ lâu.

Nguyễn Minh Vương

Nguồn : RFA, 17/04/2022

********************

Vì sao người dân ASEAN ghét Trung Quốc và thích Mỹ ?

Lâm Quang Long, RFA, 13/04/2022

Trung Quốc vẫn không chiếm được "trái tim" của người dân ASEAN

Bất chấp sự lôi kéo của Trung Quốc, những hoài nghi vẫn tồn tại ở Đông Nam Á. Lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể làm gia tăng những lo ngại ở khu vực này.

caito3

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp trực tuyến hôm 15/11/2021 - Reuters

Trong hai năm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện ba chuyến công du đến Đông Nam Á. Tại đây, ông đã đến thăm tất cả 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mỗi lần ông đều đến với những lời đề nghị về vắc xin, viện trợ kinh tế và đầu tư cho khu vực bị đại dịch Covid-19 hoành hành này.

Khi ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại vào tháng 11/2021, sự hào phóng của Trung Quốc cũng được thể hiện hết mức. Ngoài vắc xin, Bắc Kinh còn cam kết mua nông sản của các nước ASEAN trị giá lên tới 150 tỷ USD trong năm năm tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó phát biểu : "Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn luôn là người láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN" (1).

Nằm ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc và vắt ngang các tuyến đường thương mại then chốt, Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, bất chấp những đề nghị hào phóng, Trung Quốc vẫn vừa được yêu vừa bị ghét ở Đông Nam Á. Đó là kết quả của cuộc khảo sát gần đây do Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) thực hiện (2).

caito4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ ASEAN - Trung Quốc Expo lần thứ 17 ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 27/11/2020. AFP

Cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho biết điều gì ?

Được tiến hành hàng năm, khảo sát mới nhất của Viện ISEAS-Yusof Ishak là cuộc khảo sát lần thứ tư và cũng như các khảo sát trước đó, Trung Quốc được nhiều người đánh giá là cường quốc có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc (64,4% lo lắng về ảnh hưởng kinh tế, và 76,4% lo lắng về ảnh hưởng chính trị và chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc). Hơn một nửa (58,1%) không tin tưởng Trung Quốc "làm điều đúng đắn" để đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với 59,6% trong báo cáo năm 2021 và cao hơn so với 51,5% trong cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2019.

57,8% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc dành hỗ trợ mạnh nhất về vắc xin trong cuộc chiến chống đại dịch, thứ đến là Mỹ (23,2%), tiếp theo là Australia (4,7%).

Ngoại lệ duy nhất là Việt Nam, các cư dân của quốc gia này đã xếp Mỹ ở vị trí dẫn đầu như là đối tác chính trong ngoại giao vắc xin (52%), trong khi chỉ dành cho Trung Quốc 16% mà thôi.

Phần lớn những người tham gia khảo sát vẫn thừa nhận Trung Quốc có sức mạnh kinh tế mạnh nhất. Tại Việt Nam, những chỉ số này so với năm ngoái đã tăng từ 65,7% lên 71,5% với Trung Quốc và từ 13,7% lên 16,7% với Mỹ.

Có 64,4% công dân ASEAN tham gia khảo sát thấy lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc, 68,1% hoan nghênh việc gia tăng ảnh hưởng từ Mỹ. Với người Việt Nam, những chỉ số này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái : 72,8% người được hỏi không hài lòng vì gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc (năm 2021 là 90,4%) và 70,8% hoan nghênh đà gia tăng ảnh hưởng của Mỹ (năm 2021 là 87,5%).

Đa số công dân ASEAN cho biết Trung Quốc là đất nước có ảnh hưởng địa chính trị lớn nhất đối với khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, 52,8% số người tham gia khảo sát cho rằng Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về ảnh hưởng địa chính trị, còn 32,6% cho rằng Mỹ mới là vị trí số một. Đồng thời, 80,3% người Việt Nam tham gia khảo sát lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh và 83% hoan nghênh sự gia tăng ảnh hưởng của Washington.

Các công dân ASEAN đã chọn Mỹ là nước dẫn đầu toàn cầu về thương mại tự do, vượt lên đáng kể so với thủ lĩnh năm ngoái là Liên minh Châu Âu ; Trung Quốc ở vị trí thứ hai và thứ ba là ASEAN. Mặc dù Campuchia, Lào và Indonesia là những nước ủng hộ vị thế thủ lĩnh của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực duy trì trật tự dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bộ ba Mỹ-ASEAN-EU đã thay thế bộ ba năm ngoái là EU - Mỹ -ASEAN. Đặc biệt, người dân Campuchia luôn chọn Trung Quốc là đất nước yêu thích, cũng như trong phần lớn các mục khác của cuộc khảo sát.

Trong lĩnh vực an ninh, 58,5% số người tham gia khảo sát cho rằng sự lớn mạnh của "Bộ tứ" mang tính xây dựng đối với khu vực, 1/3 số người tham gia khảo sát hy vọng rằng AUKUS (Liên minh Mỹ, Anh, Australia) sẽ giúp kiềm chế sức mạnh quân sự ngày càng nổi trội của Trung Quốc, trong khi 1/3 khác cho rằng liên minh mới này sẽ dẫn đến leo thang chạy đua vũ trang khu vực và đe doạ đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh cạnh tranh của các cường quốc, các quốc gia ASEAN tiếp tục ủng hộ đoàn kết ASEAN để bảo vệ trước sức ép của Mỹ và Trung Quốc (46,1%). Lập trường "không thiên về bên nào giữa Bắc Kinh và Washington" được 26,6% số người tham gia khảo sát đồng ý. Còn 16,2% số người được hỏi ý kiến muốn tìm kiếm một "bên thứ ba" để mở rộng không gian chiến lược.

Riêng tại Việt Nam, chỉ số về nguyện vọng này tăng mạnh nhất : từ 8% lên 21,5%.

Tuy nhiên, với câu hỏi - Sẽ chọn ai làm đối tác tương lai, Trung Quốc hay Mỹ - thì 57% người dự khảo sát trả lời "Mỹ" và chỉ 43% chọn "Trung Quốc".

Hầu hết những người tham gia khảo sát (58,1%) không mấy tin hoặc hoàn toán không tin rằng Trung Quốc sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Một nửa trong số này cho rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền quốc gia của đất nước họ. Ngược lại, mức độ tin tưởng vào Mỹ thời chính quyền Biden của cư dân Đông Nam Á đã tăng từ 47% lên 52,8%, trong đó hơn 50% (ở Việt Nam là 56,6%) trông đợi rằng nguồn lực kinh tế to lớn và ý chí chính trị của Mỹ sẽ đảm bảo cho Washington vị thế thủ lĩnh toàn cầu.

Đối với Việt Nam, vào năm 2022, số người tham gia khảo sát ủng hộ Bắc Kinh là 26,4% so với 16,0% vào năm 2021, còn dành thiện cảm cho Washington năm 2022 là 73,6% so với 84,0% trong năm 2021.

caito0

Tại sao các nước ASEAN ghét Trung Quốc và thích Mỹ ?

Cuộc khảo sát cho thấy những lo ngại sâu sắc về các thiết kế của Trung Quốc đối với khu vực. Hơn 68% số người được hỏi coi Trung Quốc hoặc là cường quốc theo chủ nghĩa xét lại hoặc dần dần chiếm lấy vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo khu vực. Ngay cả những người có quan điểm tích cực về mối quan hệ với Bắc Kinh cũng nêu lên những lo ngại hàng đầu của mình là các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và sông Mekong cũng như ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc đối với đất nước họ.

Tập Cận Bình đã nói với những người đồng cấp ASEAN của mình rằng Trung Quốc không tìm kiếm bá quyền hay bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn, nhưng quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á lại cho rằng lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm. Dưới sự cai trị của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và ngày càng quyết đoán hơn về các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các thực thể trên Biển Đông và luôn đe doạ tới lợi ích biển của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia và Malaysia.

Ngoài ra, các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đã khiến các quốc gia như Lào mắc nợ Trung Quốc nặng nề.

Lâm Quang Long

Nguồn : RFA, 13/04/2022

Tham khảo :

1.https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/topics_665678/kjgzbdfyyq/202111/t20211122_10451494.html

2. https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2022/02/The-State-of-SEA-2022_FA_Digital_FINAL.pdf

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Minh Vương, Lâm Quang Long
Read 285 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)