Tin đồn trong giao dịch chứng khoán là gì ?
Tử Long, VNTB, 16/04/2022
Ông Đặng Như Quỳnh bị cơ quan an ninh bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân làm ảnh hưởng đến danh dự người khác, làm nhiều nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại.
Cái oái oăm ở Việt Nam là gần như tin đồn thường là đúng.
Có thể hiểu nôm na vấn đề trên đó là việc ông Quỳnh đã tung tin đồn, và ông bị bắt vì nội dung của một trong số tin đồn ấy.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, có phiên tổng giá trị giao dịch đạt gần 53.000 tỷ đồng, tức tương đương 2,2 tỷ USD.
Tin đồn trong giao dịch chứng khoán là một trong những khái niệm trọng tâm và được định nghĩa tại khoản 6, điều 3, Thông tư 95/2020/TT-BTC. Cụ thể như sau :
Tin đồn là thông tin của một nhóm người, của một cá nhân về một vấn đề liên quan đến các chứng khoán hoặc giao dịch chứng khoán diễn ra trên thị trường chứng khoán có thể có thực hoặc không có thực, nhưng thời điểm phát ra tin đồn chưa có căn cứ để kiểm chứng.
Liên quan đến nội dung này, có một số khái niệm tương tự như sau : Tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch là công ty đại chúng có chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. Giao dịch nội bộ là giao dịch chứng khoán có sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác.
Giao dịch thao túng là việc một hay nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện hoặc thông đồng với nhau thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp việc đặt lệnh, giao dịch hoặc công bố, phát tán thông tin nhằm tạo cung, cầu, tính thanh khoản, diễn biến giá giả tạo đối với một hoặc nhiều loại chứng khoán.
Giao dịch bất thường là các giao dịch rơi vào các tiêu chí cảnh báo bất thường do sở giao dịch chứng khoán quy định.
Một đơn cử.
Phiên giao dịch ngày 8/4/2022, một tờ giấy A4 không rõ nguồn gốc liệt kê 3 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra gồm Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Kinh Bắc (mã KBC), Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX – ghi sai tên công ty, công ty đã thực hiện đổi tên thành Tập đoàn GELEX từ tháng 6-2021) đã phát tán trên nhiều hội nhóm, diễn đàn và được nhiều nhà đầu tư chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Ngay khi thông tin này được tung ra, hàng loạt cổ phiếu liên quan đều nằm sàn trong phiên 8/4 như HSG giảm sàn 6,94% về 32.850 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KBC giảm sàn 6,91% về 48.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu GEX giảm sàn 6,97% về 34.050 đồng/cổ phiếu.
Bước sang phiên giao dịch tiếp theo ngày 12/4/2022, tâm lý hoài nghi, thuyết âm mưu (conspiracy theories) tiếp tục được truyền nhau với lý tại sao cổ phiếu giảm, cổ phiếu giảm chắc phải có tin gì xấu, cổ phiếu giảm chứng tỏ tin đồn là sự thật…
Điều này cũng đã tác động và tạo sự lây lan dây chuyền, kết thúc phiên giao dịch ngày 12-4, đặc biệt từ 2 giờ chiều, áp lực bán ra tăng, hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,8%, tương ứng giảm 26,75 điểm về 1.455,25 điểm.
Trong đó, đáng chú ý có tới 409 mã đỏ (64 mã nằm sàn), 67 mã xanh và chỉ có 27 mã tham chiếu. Như vậy, nhóm cổ phiếu giảm điểm chiếm tới 81,3% tổng số cổ phiếu giao dịch trên HOSE.
Không chỉ thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng lớn bởi tin đồn, mà thị trường vàng hay ngoại tệ cũng có nhiều phen ‘loạn’. Có một thực tế rất ‘lạ’ là khi giá vàng hay ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, giảm giá hoặc duy trì mức giá thấp trong suốt một thời gian dài, không có nhà đầu tư nào ‘đoái hoài’. Nhưng chỉ cần một tin đồn, người ta lại sẵn sàng xếp hàng để mua vàng hay đổ xô đến ‘chợ đen’ để mua USD.
Tuy nhiên cái oái oăm ở Việt Nam là gần như tin đồn thường về sau là đúng.
Thử nhớ lại, lúc có đồn đoán Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) Việt Nam Trần Bắc Hà bị bắt. Chưa cần xác minh độ chân thực của thông tin này, phản ứng tức thời của nhà đầu tư là ‘ào ào’ bán cổ phiếu, đẩy thụ trường chứng khoán tụt dốc thảm hại. Người nọ truyền tai người kia nên chỉ trong chưa đầy một buổi sáng, giới đầu tư tìm cách chạy khỏi thị trường. Nhiều người chấp nhận thua lỗ, tìm cách bán cổ phiếu bằng mọi giá, kéo chỉ số chứng khoán của cả 2 sàn chính thức đều rớt mạnh.
Về sau, đúng là ông Trần Bắc Hà bị bắt và chết trong chốn lao tù vì bệnh tật.
Mới hơn, hồi trung tuần tháng một năm nay có tin đồn là ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) bị bắt. Tuy nhiên, tin đồn này đã nhanh chóng được HoSE có thông tin phản bác, cho rằng đây là tin đồn thất thiệt. Nhờ đó, tin đồn thất thiệt này chưa kịp lan truyền quá rộng tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Thực tế thì sao ? Đến ngày 31/3/2022, tin tức cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận, rằng nhận thấy các ông Vũ Bằng, Trần Văn Dũng, Lê Hải Trà… phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về quản lý chứng khoán.
Như vậy xem ra đồn đoán về ông Lê Hải Trà cũng có căn cứ nào đó từ chốn hậu trường…
Tử Long
Nguồn : VNTB, 16/04/2022
*************************
Đặng Như Quỳnh bị bắt vì ‘lợi dụng tự do, dân chủ’, tác động tới tài chính, chứng khoán
VOA, 14/04/2022
Một Facebooker có tới gần 320.000 người theo dõi ở Việt Nam vừa bị công an bắt khẩn cấp với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước", một đại diện của Bộ Công an Việt Nam loan báo hôm 14/4.
Hình đại diện của ông Đặng Như Quỳnh trên trang Facebook cá nhân ở thời điểm 14/4/2022.
Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, cho báo chí biết người bị bắt là Đặng Như Quỳnh và việc bắt giữ đã được thực hiện hôm 12/4.
Ông Quỳnh, 42 tuổi, cư trú ở Hà Nội, hiện bị điều tra do có nghi ngờ rằng ông đã đăng lên trang cá nhân các thông tin "chưa được kiểm chứng" về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, theo thông tin từ đại diện của Bộ Công an.
Việc làm của ông Quỳnh bị cho là "trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp" của các cá nhân, tổ chức, cũng như "có dấu hiệu tác động, ảnh hưởng tiêu cực" đến thị trường tài chính, chứng khoán của nhà nước, vẫn theo đánh giá của phía công an.
Theo tìm hiểu của VOA, trong khoảng hơn 2 tuần gần đây, ông Quỳnh đăng một số bài trên Facebook cá nhân bàn luận về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ các vị lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là FLC và Tân Hoàng Minh, đồng thời đưa ra nhận định cá nhân rằng sẽ còn có những vụ bắt bớ tương tự ở các doanh nghiệp, tập đoàn khác.
Mỗi bài đăng của ông đều nhận được hàng ngàn phản ứng "yêu, thích", hàng trăm lời bình luận, và nhiều người khác lan truyền bằng chức năng "share".
Cũng trùng với thời điểm xuất hiện các bài đăng đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp, tập đoàn mà ông Quỳnh nêu tên bị mất giá, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, nhiều nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ và cho rằng đó là do các thông tin "thất thiệt" gây ra.
Nói về điều này, Phát ngôn viên Tô Ân Xô của Bộ Công an phát biểu với báo giới hôm14/4 rằng : "Việc đưa thông tin thất thiệt đã tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư".
Vẫn trung tướng Xô cho biết thêm ngoài ông Quỳnh, có thể còn có những người khác vì "hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật" trong thời gian tiếp theo.
Sau khi nhà chức trách Việt Nam bắt giữ các vị lãnh đạo của tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh lần lượt về các tội "thao túng chứng khoán" và "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam đã ra chỉ thị cho một số bộ phải có các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán và trấn an các nhà đầu tư.
Theo quan sát của VOA, một trong những biện pháp đó là "Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường".
Facebooker Đặng Như Quỳnh đã từng bị công an Việt Nam xử lý vì "đưa thông tin thất thiệt" trước đây. Hồi cuối tháng 3/2020, ông Quỳnh đã phải "làm việc" với công an và sau đó "phải gỡ bỏ" gần 220 bài viết bị cho là chứa thông tin "chưa được kiểm chứng" hoặc những bình luận mang tính "xuyên tạc", "đưa tin thất thiệt" về tình hình đại dịch Covid-19 ở Việt Nam khi đó.