Tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Việt Nam
Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 2/04/2022
Ngày 18 tháng 4 năm 2022, năm tướng lĩnh và hai sĩ quan cấp cao khác của Cảnh sát biển Việt Nam (Cảnh sát biển Việt Nam) đã bị Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng bắt tạm giam để điều tra về một loạt các tội danh tham nhũng, trong đó có tội tham ô tài sản. Những người bị bắt gồm có Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), Trung tướng Hoàng Văn Đồng (nguyên Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam), Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (nguyên Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam), Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (nguyên Phó Tư lệnh và Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam), và Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam).
Ngày 18/4/2022, trung tướng Nguyễn Văn Sơn là 1 trong 5 tướng và hai sĩ quan cấp tá bị khởi tố, bắt tạm giam về tội tham ô tài sản.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bê bối tham nhũng gần đây, dẫn đến việc hàng chục sĩ quan cấp cao trong lực lượng quân đội và công an Việt Nam bị xử lý. Riêng trong quân đội, ít nhất 20 tướng lĩnh đã bị kỷ luật hoặc truy tố kể từ năm 2016. Sĩ quan cấp cao nhất bị truy tố là ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Hải quân và Thứ trưởng Quốc phòng. Ông Hiến đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vào cuối năm 2020 vì phê duyệt chuyển nhượng trái phép ba lô đất quốc phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho các nhà đầu tư tư nhân, gây thiệt hại cho nhà nước 939 tỉ đồng.
Vụ bắt giữ năm tướng Cảnh sát biển Việt Nam và kỷ luật ba tướng lĩnh tại Học viện Quân y liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại công ty Việt Á cách đây vài tuần giúp tăng cường uy tín chính trị cho Đảng cộng sản Việt Nam và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn từ năm 2016 đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng cấp cao gây nhiều tiếng vang. Tuy nhiên, những gì được xử lý cho đến nay có thể chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, vì tham nhũng trong quân đội, được cho là phổ biến và cắm rễ sâu, nhìn chung rất khó phát hiện và loại bỏ.
Quân đội Việt Nam tham gia vào một loạt các hoạt động kinh tế, được tạo điều kiện thuận lợi nhờ ảnh hưởng lớn của quân đội trong nền chính trị Việt Nam. Điều này đôi khi khiến các cơ quan dân sự phải chiều theo yêu cầu của các quan chức quốc phòng, bao gồm cả việc cung cấp nguồn lực và các chế độ ưu đãi, qua đó làm nảy sinh cơ hội cho tham nhũng phát triển. Sự tồn tại của các doanh nghiệp thuộc sở hữu quân đội, cả các doanh nghiệp thực sự lẫn các công ty bình phong được thành lập để phục vụ mục đích thu thập thông tin tình báo và các hoạt động nghiệp vụ khác, cũng khiến việc trục lợi của các cá nhân tham nhũng khó bị phát hiện hơn do khó phân biệt rạch ròi giữa các hoạt động liên quan đến thương mại và quốc phòng.
Vì thông tin về các hoạt động của quân đội thường được coi là nhạy cảm hoặc bí mật, điều này cũng cung cấp một lớp bảo vệ khác cho các quan chức quân đội tham nhũng. Ví dụ, mặc dù một số thương vụ mua bán vũ khí của Việt Nam được cho là có liên quan đến tiền lại quả từ các nhà cung cấp quốc phòng, nhưng vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào về những cáo buộc như vậy.
Nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ tổ quốc chống lại xâm lược của ngoại bang, nhưng quân đội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ. Điều này khiến cho việc xử lý tham nhũng trong quân đội trở thành một vấn đề nhạy cảm đối với Đảng cộng sản Việt Nam, vì đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế giữa một bên là việc duy trì kỷ luật và liêm chính trong các lực lượng vũ trang, một bên là duy trì lòng trung thành của các lãnh đạo quân đội hàng đầu đối với Đảng. Mặc dù Đảng tuyên bố rằng không có ‘vùng cấm’ trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng mong muốn duy trì lòng trung thành của các tướng lĩnh cũng có thể đã khiến Đảng không muốn giải quyết triệt để nạn tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan tới các sĩ quan cấp cao.
Tham nhũng làm chuyển hướng nhiều nguồn lực cần thiết khỏi việc đầu tư vào các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, vốn đã chậm lại kể từ năm 2016. Tham nhũng cũng làm suy thoái tinh thần của các sĩ quan và binh sĩ, làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của họ. Một số hành vi tham nhũng bị cáo buộc, chẳng hạn như ăn cắp xăng dầu từ các tàu quân sự và báo cáo sai hành trình tuần tra, thậm chí khiến đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng và Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển Việt Nam.
Tham nhũng cũng là kẻ thù vô hình có thể tiêu diệt ngay cả những nhà lãnh đạo quân sự có kinh nghiệm và năng lực nhất, đe dọa làm suy yếu năng lực chỉ huy tổng thể của quân đội. Bình luận về vụ bắt giữ năm tướng Cảnh sát biển Việt Nam, một người dùng Facebook đã cay đắng nhận xét : "Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt tám tướng Nga, và Việt Nam cũng có năm tướng bị loại khỏi vòng chiến đấu, ngay cả khi không có giao tranh nào".
Việc truy tố năm tướng Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy chiến dịch chống tham nhũng có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới, và người dân có thể mong đợi các vụ án tham nhũng cấp cao khác liên quan đến quan chức quân đội được phơi bày. Tuy nhiên, nếu không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thì tình trạng tham nhũng trong quân đội sẽ khó có khả năng thuyên giảm.
Ngoài việc cần cải thiện giám sát của chính quyền dân sự đối với chi tiêu quốc phòng, chấm dứt việc quân đội tham gia vào các hoạt động thương mại mang tính chất tìm kiếm lợi nhuận, và nâng cao thu nhập cho các quân nhân, Việt Nam cần cấp thiết phải xóa bỏ nạn ‘mua bán quyền lực’ trong quân đội. Mặc dù chưa có điều tra chính thức nào, nhưng hành vi đưa hối lộ để được thăng chức được cho là phổ biến ở cả các cơ quan dân sự lẫn các lực lượng vũ trang. Một khi đã được thăng chức, quan chức đưa hối lộ sẽ phải tìm cách "thu hồi vốn đầu tư", do đó làm cho tình trạng tham nhũng ban đầu càng lan rộng và ăn sâu hơn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tham nhũng trong quân đội dường như gia tăng kể từ năm 2006, khi số lượng các tướng lĩnh quân đội bắt đầu tăng mạnh. Năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội Việt Nam chỉ có 36 tướng, nhưng đến năm 2018, một Việt Nam thời bình lại có tới 415 sĩ quan quân đội mang quân hàm cấp tướng.
Quân đội Việt Nam tự hào vì đã đánh bại được ba cường quốc lớn. Những kỳ công này đạt được là khi nạn tham nhũng hầu như không tồn tại trong hàng ngũ của quân đội Việt Nam. Hiện nay, đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan, khả năng của Việt Nam trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh và quốc phòng tiềm tàng có thể bị thách thức nghiêm trọng. Tham nhũng giờ đây đã nổi lên trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Việt Nam, và một chiến thắng rõ ràng trước kẻ thù đó vẫn còn khó khăn, xa vời.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/04/2022
************************
‘Không vùng cấm, không ngoại lệ’ nghĩa là ‘giơ cao đánh khẽ’
Trân Văn, VOA, 20/04/2022
Trong vài năm gần đây, tuy đã có vài chục viên tướng quân đội và công an bị Đảng cộng sản Việt Nam xử lý kỷ luật, khoảng 1/5 bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù nhưng mãi đến bây giờ mới có chuyện sĩ quan mang hàm tướng bị khởi tố vì "tham ô tài sản".
Các ông Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh, và Hoàng Văn Đồng, Chính ủy.
Ngày 18/4/2022, Bộ Quốc phòng Việt Nam loan báo năm viên tướng trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Tư lệnh, Chính ủy, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị) đã bị tống giam để điều tra về hành vi "tham ô tài sản". Cứ như những gì mà hệ thống truyền thông chính thức đã đăng tải thì "chủ mưu" vụ án "tham ô tài sản" này là hai viên trung tướng giữ vai trò Tư lệnh (Nguyễn Văn Sơn) và Chính ủy (Hoàng Văn Đồng). Ba viên tướng thuộc cấp chỉ là "đồng phạm" (1).
Cách nay nửa năm, khi Đảng cộng sản Việt Nam công bố quyết định kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân lãnh đạo lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, dân chúng mới được biết có hai cá nhân mang hàm Thiếu tướng là Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 và Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 đã bị bắt để điều tra về hành vi "nhận hối lộ" (2). Đó cũng là hai sĩ quan đầu tiên mang hàm tướng bị xem xét trách nhiệm hình sự vì "nhận hối lộ".
Trước đây, tuy chẳng ai tin những viên tướng công an như : Bùi Văn Nam (Thượng tướng – Thứ trưởng Công an), Trần Việt Tân (Thượng tướng – Thứ trưởng Công an), Phan Văn Vĩnh (Trung tướng – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng - Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), hay Nguyễn Văn Hiến (Đô đốc – Thứ trưởng Quốc phòng), không"nhận hối lộ" hay không "tham ô tài sản" nhưng những viên tướng này chỉ bị phạt tù về một số tội khác.
Vì sao hệ thống tư pháp Việt Nam đột nhiên nhận ra những cá nhân là "tướng" cũng có khả năng "nhận hối lộ" và có khả năng "tham ô" ? Vì sao hệ thống tư pháp đột nhiên chấp nhận qui định pháp luật về hình sự, xem xét khả năng phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu viên tướng nào đó "nhận hối lộ" từ một tỉ đồng trở lên, hay hành vi "nhận hối lộ" gây thiệt hại từ năm tỉ đồng trở lên, hoặc "tham ô tài sản" từ 550 triệu trở lên hay gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác ?
***
Cách nay hai năm, sau khi Đoàn Đại biểu của dân chúng Đà Nẵng tại Quốc hội thay họ chuyển chất vấn của cử tri Đà Nẵng cho Bộ Quốc phòng, yêu cầu cho biết, "lãnh đạo Bộ Quốc phòng phòng – chống tham nhũng ra sao mà có rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh củaquân đội vi phạm pháp luật", Bộ Quốc phòng đã hồi đáp, đại ý :Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũngmà vì "buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm khi tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng" và vi phạm "tập trung chủ yếu ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015" (3) ?
Sau đó, Tòa án Quân sự của Quân chủng Hải quân đưa Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Hải quân ra xử vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do giao đất quốc phòng cho ông Đinh Ngọc Hệ, tự Út Trọc và những người thân cận với Út Trọc. Tại phiên xử sơ thẩm, ông Hiến bị phạt bốn năm tù. Đến phiên xử phúc thẩm, ông Hiến được giảm bốn tháng tù. Tính ra, ông Hiến chỉ phải ở tù 36 tháng là xong (4).
Đáng nói là ông Hiến giao tới mười khu đất quốc phòng (5) nhưng hệ thống tư pháp quân đội (Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Quân sự, Tòa án Quân sự) chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Hiến đối với ba khu đất quốc phòng ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều chuyện khác như việc ông Hiến chiếm dụng 4.000 mét vuông đất ở quận 9 – Thành phố Hồ Chí Minh để cho thuê và chỉ chịu trả lại cho Quân chủng Hải quân khi bị kiểm điểm để xử lý kỷ luật không bị những viên chức hữu trách xem đó là "tham ô tài sản" !
Nếu phòng - chống tham nhũng thật sự là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", nếu những "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật" và "xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", thật sự là tôn chỉ, không phải khẩu hiệu nhằm mị dân, không "giơ cao, đánh khẽ" với những viên tướng như Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, hoặc chỉ xử lý kỷ luật về mặt đảng là xong như vài chục viên tướng khác, chắc chắn sẽ không có những scandal mà hết loạt tướng này đến loạt tướng khác cùng nhúng tay vào chàm như vừa thấy.
Liệu truy cứu trách nhiệm hình sự vì "nhận hối lộ" hay "tham ô tài sản" có cải thiện được tình hình ? Không chắc vì phàm đã là "tướng" tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hệ thống tư pháp có đủ lý do để viện dẫn nhằm giảm nhẹ hình phạt như từng biết. Chẳng hạn, thời này, ngoài Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có xứ nào xem việc tước bỏ các chức vụ đã từng mang là một hình thức xử lý tội phạm chăng ? Dẫu sao, khoác "nhận hối lộ" hay "tham ô tài sản" vào cổ các viên tướng sẽ nâng hiệu quả quảng cáo về "nỗ lực chỉnh đốn, xây dựng đảng" và "sự nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa" lên một chút khi cả hai đã tụt xuống đáy !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/04/2022
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/bat-tam-giam-5-tuong-linh-canh-sat-bien-viet-nam-post1449985.html
(4) https://tuoitre.vn/giam-6-thang-tu-cho-cuu-thu-truong-nguyen-van-hien-20201211205639737.htm