Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2022

Tập quay lưng với Thượng Hải, xa lánh phụ tá thân cận nhất

Katsuji Nakazawa - Robin Harding

Tuần trước, trong bài phát biểu kỷ niệm thành công của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố giành chiến thắng trước Covid-19.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không bảo vệ người phụ tá lâu năm của mình là Lý Cường (Li Qiang), người giữ chức vụ quan chức hàng đầu của Thượng Hải, từng được mong chờ sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc. Ảnh (Nikkei / Getty Images / Xinhua / Kyodo)

"Như một số vận động viên nước ngoài đã nói, nếu có huy chương vàng dành cho ứng phó với đại dịch, thì Trung Quốc xứng đáng nhận nó. Tôi cho rằng huy chương vàng ấy thuộc về tất cả các nhân sự tham gia tổ chức Thế vận hội," ông nói tại buổi lễ ngày 08/04.

Tập mỉm cười, nhưng một trong những trợ lý thân cận nhất của ông ở Thượng Hải có lẽ sẽ chẳng thể cười được. Thay vào đó, Lý Cường, Bí thư Thành ủy của trung tâm tài chính toàn cầu này, hẳn đã cảm thấy vô cùng lo lắng trong lúc tiếp tục giám sát đợt phong tỏa.

Lời khen ngợi của Tập là dành cho các quan chức ở Bắc Kinh. Ngược lại, Thượng Hải hiện đang trên bờ vực thẳm, khi phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát dịch lần này. Thượng Hải chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, gây ra vết nhơ cho chính sách "zero-Covid" cứng rắn của Tập.

Nếu đợt dịch này lan sang các khu vực khác của đất nước, nó có thể làm hủy hoại hy vọng của Tập về việc ca ngợi "chiến thắng vĩ đại" của chính quyền ông đối với coronavirus tại Đại hội Đảng Toàn quốc vào mùa thu này.

Điều đó sẽ là thảm họa đối với Lý Cường, một ứng viên cho vị trí thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc, và một chính trị gia tự coi mình là phụ tá thân cận nhất của Tập.

Cư dân Thượng Hải, những người thường thích nói chuyện kinh doanh hơn chính trị, nay đã lao vào các cuộc tranh luận chính trị hiếm hoi, khi mà sinh kế của họ bị đe dọa.

"Thượng Hải chiếm tới 95% – một con số không thể tin nổi – các trường hợp mắc mới ở Trung Quốc đại lục. Tập hẳn là khó chịu lắm khi thấy số ca nhiễm tăng cao," một người nói.

"Người ta bảo rằng Lý Cường thường xuyên nói chuyện với lãnh đạo tối cao qua điện thoại và nhận chỉ thị trực tiếp. Chuyện gì đã xảy ra vậy ?", người khác nói.

Bàn tán càng thêm xôn xao khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, nữ ủy viên Bộ Chính trị duy nhất, người phụ trách giám sát các biện pháp ứng phó với covid của Trung Quốc, có chuyến thăm đến Thượng Hải.

Các bức ảnh được công bố cho thấy Tôn đang truyền đạt mệnh lệnh của Tập, còn Lý Cường, người về mặt kỹ thuật là ngang hàng với Tôn trong tư cách là một ủy viên Bộ Chính trị, thì khiêm tốn và chú ý lắng nghe.

tap2

Bí thư Thượng Hải Lý Cường lắng nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan.

Lý Cường duy trì vẻ mặt trang nghiêm trong suốt chuyến thị sát cùng Tôn. Kể từ lúc đó, vị thế quyền lực của cặp đôi này đã trở thành một chủ đề nóng trong các thảo luận của những người dân Thượng Hải đang bất bình.

"Lý Cường được Tôn Xuân Lan thông báo phải kiên trì tuân thủ chính sách zero-Covid. Điều đó khiến tôi lo lắng về tương lai của ông ta," một người bình luận trên mạng xã hội.

Tình hình Covid ở Thượng Hải thật sự rất tệ. 2.000 nhân viên y tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân từ các tỉnh khác đã được huy động đến đây.

Những người nhiễm bệnh bị cưỡng chế chuyển đi khỏi Thượng Hải, đến các tỉnh lân cận như Chiết Giang. Những cư dân tiếp xúc gần với bệnh nhân thì được đưa đến các cơ sở cách ly tạm thời, xây dựng ở các vùng ngoại ô.

Giữa cơn khủng hoảng, Lý Cường đã thực hiện một bước đi bất thường, là viết một bức thư ngỏ gửi tới tất cả các đảng viên ở Thượng Hải.

Bức thư ngày 06/04 kêu gọi nỗ lực kiềm chế bùng phát Covid và vượt qua vô vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hành động khấu đầu rõ ràng trước Bắc Kinh đã được các cư dân Thượng Hải đón nhận trong kinh ngạc.

tap3

Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đang được cách ly tại Trung tâm Triển lãm Thượng Hải mới, ngày 1/4/2022.

Cùng lúc đó, những người dân thường không theo đảng phái nào trong thành phố đã tỏ ra tức giận. Những gia đình có trẻ nhỏ đang phải vật lộn để đảm bảo có đủ rau và sữa hàng ngày. Ở một đất nước mà người dân cực kỳ coi trọng lương thực, đây chẳng khác gì một thảm kịch.

Cư dân của thành phố đã bắt đầu tự tìm cách hợp tác với nhau, thay vì chờ đợi chính phủ hành động. Các bác sĩ, kỹ sư, giám đốc của các công ty vừa và nhỏ, các giáo sư và các cư dân có tay nghề cao khác, sống trong cùng một khu chung cư, đã cùng nhau phân chia khẩu phần thức ăn và mua hàng theo nhóm.

Họ kết nối với nhau nhờ điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, sau đó tự giao các nhiệm vụ khác nhau cho mỗi người.

Cuộc ‘nổi dậy’ này không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các nỗ lực cộng đồng đã chỉ ra rằng, "Thượng Hải cởi mở và hoàn toàn khác với Bắc Kinh, nơi bộ máy hành chính can thiệp vào mọi thứ, vì vậy hầu hết mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp, dù thành phố có được để cho khu vực tư nhân tự xoay sở".

Làn sóng lây lan virus trên khắp Trung Quốc đã gây áp lực giảm tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1, số liệu thống kê chính thức sẽ được công bố trong tương lai gần. Trong tháng 3, doanh số xe hơi đã giảm ở mức hai con số so với một năm trước đó.

Kế đến, tác động của phong tỏa Thượng Hải sẽ xuất hiện trong quý 2, từ tháng 4 đến tháng 6, và gây khó khăn nghiêm trọng cho việc thực hiện cam kết đạt tăng trưởng thực tế khoảng 5,5% của chính quyền trung ương.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, người công khai tuyên bố đây sẽ là năm cuối cùng của ông tại vị trí này, đã bày tỏ cảm giác khủng hoảng trong lần xuất hiện gần đây tại một hội nghị chuyên đề, nói rằng nguyên nhân là do "các yếu tố bất ngờ" bên trong Trung Quốc lẫn quốc tế.

Lý Cường từng được đồn đoán sẽ có tên trong danh sách lên kế nhiệm Lý Khắc Cường, nhưng thay vào đó, ông lại trở thành nạn nhân của một trong những yếu tố bất ngờ đó : phong tỏa Thượng Hải.

Nếu Lý Cường không mau chóng kiểm soát được tình hình Covid, sự nghiệp của ông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm họa ở trung tâm thương mại của Trung Quốc.

Đúng là lãnh đạo của các thành phố như Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nơi cũng đã phong tỏa, cho đến nay vẫn chưa bị sa thải. Nhưng nếu Lý Cường được nhắm cho ghế thủ tướng, trở thành quan chức kinh tế hàng đầu của chính phủ, bất chấp những sai lầm của ông về Covid, người dân sẽ bắt đầu đặt câu hỏi.

Dù giữ độc quyền về quyền lực, thì Đảng vẫn bí mật quan tâm đến dư luận.

Lúc này đây, người dân Thượng Hải đã bắt đầu đồn đoán về tương lai chính trị của Lý Cường. "Ông ấy không còn là phụ tá đáng tin cậy nhất của Tập nữa," một người nói.

Các lực lượng chính trị không thân cận với Tập đã nhận thấy cơ hội ngăn chặn cơ hội thăng tiến của Lý Cường tới Bắc Kinh, và làm suy yếu ưu thế lớn của "phái Chiết Giang," nhóm phụ tá thân cận nhất của Tập, những người đã từng làm việc cùng Tập ở tỉnh miền Đông này.

Mang một không khí khác với Bắc Kinh, Thượng Hải cũng từng có những cuộc chiến chính trị trong hậu trường của riêng mình. "Phái Thượng Hải," do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân lãnh đạo, đã từng giữ ảnh hưởng lớn ở đó.

Giữa lúc các yếu tố gây bất ổn ngày một gia tăng trên mặt trận chính trị, ngày 10/04, Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Tam Á, một thành phố trên bờ biển phía nam đảo Hải Nam.

Chuyến thăm đã khiến người ta chú ý tới thực tế rằng Tập đã không công du nước ngoài suốt hơn hai năm qua. Một phần là do Tập thấy tiếc nuối khi vào tháng 01/2020, Trung Quốc đã phải vật lộn với việc đối phó với đợt bùng phát coronavirus đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong khi ông đang thăm Myanmar.

Một loạt các bài học kinh nghiệm đã thuyết phục Tập gắn bó với chính sách zero-Covid.

Dù chính sách này đã được chỉ ra là có hiệu quả hạn chế đối với biến thể Omicron vốn lây lan nhanh, nhưng Tập không thể từ bỏ câu chuyện thành công của chính sách mà ông đã quyết định lựa chọn vào tháng 01/2020.

Trong 25 tháng qua, thế giới và Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, nhưng Tập vẫn sẽ tạm ngưng công du quốc tế, cho đến khi nỗi sợ coronavirus được loại bỏ hoàn toàn. Không ai có thể đoán biết được điều đó sẽ diễn ra khi nào.

************************

Thế giới nên dõi theo những gì đang xảy ra ở Thượng Hải

Robin Harding, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 15/04/2022

Phong tỏa Covid ở thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

44444444444444444444444

Theo một người bị nhốt trong một căn hộ nhỏ cùng với cha cô trong hai tuần qua, một trong những điều khó khăn nhất trong đợt phong tỏa Thượng Hải chính là sự bất định. Cô dành cả ngày trên các nhóm WeChat, cố gắng điều phối các đơn mua thực phẩm với số lượng lớn, hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ để xem chính quyền đã chắn hàng rào vệ sinh dịch tễ màu đỏ, mà người dân không được vượt qua, đến đâu. Gần như chẳng còn thông tin gì khác.

Mạng xã hội cho thấy một thành phố đang đứng trên bờ vực thẳm. Cư dân la hét từ ban công nhà mình, yêu cầu được cung cấp thức ăn. Máy bay không người lái phát đi các thông điệp yêu cầu họ quay vào nhà. Hàng nghìn người có kết quả xét nghiệm dương tính bị nhồi nhét trong các trung tâm cách ly.

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho các nhân viên làm các công việc không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán tại thành phố, vì lý do "cưỡng chế áp đặt luật pháp địa phương và các hạn chế liên quan đến Covid-19".

Đây là một trong những vụ phong tỏa nghiêm trọng nhất của toàn bộ đại dịch. Nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Thượng Hải, của Trung Quốc, và của toàn thế giới. Tuy nhiên, nó xảy ra vào thời điểm mà ở Châu Âu và Mỹ, nhiều người đang chuẩn bị nhiễm Covid lần thứ ba hoặc thứ tư, và chẳng còn bận tâm về đại dịch nữa. Vì vậy, họ có nguy cơ không để ý đến các hậu quả đáng kể của những gì đang diễn ra ở thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Có ba tác động kinh tế nổi bật : đối với chuỗi cung ứng, với sự tăng trưởng của chính Trung Quốc, và với cuộc tranh luận nội bộ của nước này về cải cách.

Một trong những cú sốc lạm phát lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong những ngày đầu của đại dịch là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chậm trễ trong khâu vận chuyển hàng hóa tại các cảng. Thượng Hải là cảng lớn nhất trên thế giới. Dù hệ thống kho cảng đang hoạt động theo kiểu bong bóng "vòng kín" –các nhân viên không tiếp xúc với thế giới bên ngoài – vẫn có nhiều vấn đề về hậu cần xảy ra trên toàn khu vực, vì thế các tàu thuyền đã bắt đầu neo đậu ở vùng biển ngoài khơi, chờ đợi được bốc hoặc dỡ hàng. Các nhà máy trên khắp Châu Á sẽ phải chờ các đầu vào sản xuất. Còn Châu Âu và Mỹ sẽ cảm nhận sự gián đoạn sau chừng vài tuần hoặc vài tháng nữa.

Điều đó sẽ phát triển thành một cú sốc lạm phát, vào thời điểm các nền kinh tế phương Tây đã có quá nhiều thứ khác cần phải giải quyết, từ giá hàng hóa tăng vọt do chiến tranh ở Ukraine, đến sự gián đoạn thị trường lao động của chính họ sau đại dịch.

Tác động sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2020 hoặc 2021, bởi vì sự chậm trễ mới này xảy ra khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trước đó đã giảm xuống. Tuy nhiên, tối thiểu nó vẫn sẽ tạo ra thêm sự bất định cho môi trường giá cả vốn đã rất rối rắm mà các ngân hàng trung ương đang phải đau đầu giải quyết.

Tại Trung Quốc, đợt phong tỏa trung tâm thương mại của đất nước sẽ có tác động leo thang lên tăng trưởng, và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo trong tuần qua. Nhà kinh tế Jingjing Chen của Đại học Thanh Hoa và các đồng sự đã sử dụng dữ liệu theo dõi từ 1,8 triệu xe tải đường dài để nghiên cứu tác động kinh tế của việc phong tỏa các thành phố tại Trung Quốc. Lưu lượng xe tải đến một thành phố sẽ giảm khoảng 60% nếu thành phố đó đóng cửa hoàn toàn ; việc đưa những tác động đó vào một mô hình thương mại cho phép nhóm nghiên cứu ước tính chi phí lan tỏa ở những nơi khác.

Theo mô hình của họ, phong tỏa Thượng Hải một tháng – khá giống với kịch bản hiện đang diễn ra – sẽ làm giảm 4% thu nhập quốc dân trong tháng đó. Chỉ nội điều ấy thôi đã đủ để gây ra tác động có ý nghĩa đến tăng trưởng thường niên, nhưng trong trường hợp cực đoan, khi tất cả các thành phố của Trung Quốc đều bị đóng cửa, thu nhập quốc dân sẽ giảm hơn một nửa trong tháng – một chi phí khổng lồ và không bền vững.

Phong tỏa Covid càng làm suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, thì các nhà hoạch định chính sách sẽ càng khó mà kiên trì bám vào kế hoạch giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản, những khó khăn đã được minh chứng qua trường hợp Evergrande. Những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra càng lớn, thì áp lực thúc đẩy nhiều hoạt động bất động sản mới sẽ càng mạnh.

Câu hỏi cơ bản nhất là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ diễn giải khó khăn của Thượng Hải như thế nào, và điều đó thúc đẩy họ làm gì tiếp theo.

Một trong các cách giải thích là Thượng Hải, hay bất kỳ thành phố nào khác, đều không thể trải qua phong tỏa hai lần, vì vậy Trung Quốc phải chuẩn bị kết thúc chiến lược zero-Covid và chuyển sang sống chung với virus. Một cách diễn giải khác – nhiều khả năng sẽ phổ biến trong nhóm quan chức địa phương, dù không có tín hiệu rõ ràng từ cấp trên – là sai lầm của Thượng Hải là đã trì hoãn việc đóng cửa cho đến khi quá muộn.

Quảng Châu chỉ ghi nhận 27 trường hợp nhiễm bệnh vào thứ Hai, nhưng họ đã chuyển các trường học sang hình thức học trực tuyến, và hạn chế việc di chuyển trong và ngoài thành phố. Theo phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal, 87 trong số 100 thành phố năng suất nhất của Trung Quốc đã áp đặt một số mức độ cách ly nhất định. Nếu xét tốc độ lây lan của biến thể Omicron, điều đó có thể đồng nghĩa với việc thường xuyên xảy ra các đợt phong tỏa trên khắp Trung Quốc trong suốt thời gian còn lại của năm – một rủi ro mà các thị trường hầu như không thể định giá được.

Lựa chọn chính trị tốt nhất cho Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông đặt mục tiêu đảm bảo giành được nhiệm kỳ thứ ba vào mùa thu này, có thể là một đường lối cứng rắn đối với phong tỏa. Còn lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng là tối đa hóa tỷ lệ tiêm vaccine, và nên sử dụng vắc-xin mRNA hiệu quả cao, rồi sau đó thoát khỏi tình trạng zero-Covid. Và lựa chọn đó – giữa chính trị và tăng trưởng – sẽ định đoạt tình hình nền kinh tế toàn cầu trong phần còn lại của năm nay.

Robin Harding

Nguyên tác : "The rest of the world should watch what is happening in Shanghai," Financial Times, 12/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/04/2022

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "Xi gives thumbs down to Shanghai, distancing closest aide," Nikkei Asia, 14/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa, Robin Harding, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)