Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2022

Cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine…

The Economist

Cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine không có nghĩa là NATO gây chiến với Nga

Tương tự như trường hợp Liên Xô ở Việt Nam, cung cấp vũ khí không giống với việc tham chiến.

vukhi1

Máy bay tiêm kích MiG-29 của Slovakia sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine

Một tỉ euro (1,1 tỉ đô la) sẽ bốc hơi nhanh chóng nếu bạn đang tham gia một cuộc chiến. Nhưng tuyên bố của Đức, vào ngày 15/4, rằng nước này sẽ cung cấp một khoản viện trợ quân sự bổ sung tương đương với số tiền trên cho Ukraine chí ít cũng có thể làm dịu những lời chỉ trích về việc nước này không gửi xe tăng. Hành động này là một phần của làn sóng cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine gần đây. Hai ngày trước đó, Mỹ hứa hẹn một khoản viện trợ mới trị giá 800 triệu đô la, bao gồm các xe bọc thép vận chuyển nhân sự và máy bay trực thăng. Anh đang gửi các xe tuần tra bọc thép và tên lửa chống hạm, trong khi Cộng hòa Séc đã chuyển giao các bệ phóng tên lửa di động và xe tăng T-72 từ kho vũ khí thời Liên Xô cũ của mình. Slovakia, quốc gia đã gửi cho Ukraine hệ thống phòng không S-300, cho biết họ cũng có thể cung cấp máy bay tiêm kích MiG-29, một mẫu máy bay của Liên Xô mà các phi công Ukraine biết sử dụng.

Đầu tháng 3, Mỹ đã từ chối một đề nghị tương tự từ Ba Lan về chuyển máy bay MiG-29 cho Ukraine, vì lo ngại điều đó sẽ dẫn đến việc Nga trả đũa, kéo NATO vào cuộc chiến. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì vẫn kiên định cho rằng việc tài trợ vũ khí hạng nặng có thể khiến Nga coi NATO là bên "đồng tham chiến", tức một bên tham gia xung đột và do đó là mục tiêu hợp pháp theo luật chiến tranh. Giờ đây, Mỹ cho biết họ không phản đối đề nghị của Slovakia. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các nước bạn bè của Ukraine chủ yếu chỉ cung cấp cho họ các loại vũ khí nhỏ, cùng với tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động. Khi rõ ràng rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài, nhóm này đã sẵn sàng cung cấp thêm những hệ thống phức tạp, vốn đòi hỏi nhiều tháng huấn luyện. Tội ác chiến tranh của Nga cũng giúp thuyết phục họ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng cần thiết để tái chiếm lãnh thổ bị chiếm đóng, và giúp nước này chuyển từ các vũ khí cũ kĩ của Liên Xô sang các vũ khí tiêu chuẩn của NATO – vốn có thể dễ dàng bảo trì và trang bị hơn.

Tuy nhiên, việc chuyển sang sử dụng vũ khí hạng nặng đã gây ra lo lắng ở một số khu vực, đặc biệt là ở Đức, quốc gia đã đình chỉ đề nghị viện trợ xe chiến đấu bộ binh Marder, sau khi Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố họ không có đủ phương tiện đó để tài trợ cho Ukraine. Sahra Wagenknecht, một nghị sĩ của Đảng Cánh tả, nói rằng việc viện trợ xe Marder sẽ biến Đức trở thành bên tham chiến. Ngay cả Robert Habeck, Bộ trưởng Khí hậu có thiên hướng diều hâu, cũng nói rằng Đức có "trách nhiệm không tự biến mình thành mục tiêu tấn công". Những lập luận này dường như xuất phát từ nỗi sợ rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Nhìn từ góc độ lịch sử, những lo lắng như vậy có vẻ không đúng. Lấy ví dụ trường hợp MiG-29. Trong chiến tranh Việt Nam, hàng chục máy bay Mỹ đã bị bắn rơi bởi máy bay chiến đấu của Bắc Việt do Liên Xô trang bị. Ngoài máy bay, Bắc Việt còn nhận được rất nhiều xe tăng, tên lửa, và đạn pháo từ hai nước bảo trợ là Liên Xô và Trung Quốc, và đã sử dụng chúng để tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ. Cả hai bên đều lo ngại cuộc chiến ủy nhiệm này có thể leo thang thành xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng cho thấy một tình huống tương tự, nhưng các vai trò đã bị đảo ngược. Lần này, Nga chiến đấu với một quốc gia nhỏ hơn, với lực lượng đang được Mỹ và các đồng minh trong NATO trang bị và huấn luyện. Nga đã cảnh báo NATO rằng họ có thể tấn công các nước cung cấp hoặc viện trợ cho lực lượng Ukraine, và thậm chí còn ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế, các chuyên gia cho rằng, lập trường của Nga là phi lý. Theo Adil Haque, giáo sư tại Trường Luật Rutgers và là tác giả cuốn Law and Morality at War (Luật pháp và Đạo đức trong Chiến tranh), "Việc cung cấp vũ khí, kể cả vũ khí hạng nặng, sẽ không tự nó biến một quốc gia trở thành một bên của xung đột vũ trang. Điều đó đòi hỏi sự tham gia trực tiếp nhiều hơn vào các hoạt động quân sự".

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Luật pháp quốc tế, kể từ khi được phát triển ở Châu Âu vào thế kỷ 17, yêu cầu các quốc gia muốn đứng ngoài cuộc chiến của các nước khác thì phải tuân thủ tính trung lập nghiêm ngặt. Điều đó có nghĩa là họ phải đối xử bình đẳng với cả hai bên trong cuộc xung đột, như Oona Hathaway và Scott Shapiro, các giáo sư tại Trường Luật Yale, đã giải thích trong một bài báo gần đây. Chỉ cung cấp vũ khí cho một bên, hoặc chỉ trao đổi thương mại với bên đó, có thể khiến tàu thuyền của nước ủng hộ trở thành đối tượng bị bên tham chiến còn lại tấn công.

Nhưng luật trung lập này được thiết kế cho một thế giới nơi mà chiến tranh được công nhận là một công cụ ngoại giao. Điều đó đã thay đổi khi Hiệp ước Kellogg-Briand được thông qua vào năm 1928, khiến việc vô cớ tấn công một quốc gia khác là bất hợp pháp – một nguyên tắc sau này được ghi nhận trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Bản hiến chương thừa nhận rằng các quốc gia có quyền tự vệ, và rằng các quốc gia khác có thể tham gia "tự vệ tập thể" nhằm giúp đỡ họ. Các quốc gia được phép hỗ trợ quân sự cho nạn nhân của hành động xâm lược, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên kẻ xâm lược, mà không gây ảnh hưởng đến tình trạng trung lập của chính họ. Thật vậy, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án một hành động xâm lược, nghị quyết đó có giá trị pháp lý ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên.

Trong trường hợp Ukraine, đã không có nghị quyết Hội đồng Bảo an nào như vậy được thông qua – nhưng đó là vì Nga, một thành viên thường trực, đã liên tục phủ quyết. Đại Hội đồng đã lên án kịch liệt cuộc xâm lược. Để các quốc gia trở thành bên "đồng tham chiến," tiêu chuẩn thậm chí còn cao hơn – Michael Schmitt thuộc Học viện Quân sự Mỹ tại West Point lập luận. Việc Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine không khiến Đức trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, bởi vì "không có sự thù địch nào giữa các quốc gia có liên quan," binh lính của hai bên không giết lẫn nhau.

Đối với nhiều nhà phân tích, các định nghĩa pháp lý về trung lập hoặc đồng tham chiến dường như không có liên quan. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định không nhắm vào các đoàn xe NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì quyết định đó không phải là do sức thuyết phục của luật quốc tế. Tương tự, cũng quá ngây thơ nếu tin rằng việc chỉ cung cấp tên lửa vác vai (dù chúng vẫn có thể giết được binh lính Nga) sẽ khiến Putin phải kiềm chế. "Nếu người Nga muốn cảm thấy bị khiêu khích và tấn công bởi NATO, thì họ sẽ thấy như vậy, chứ điều đó không phụ thuộc vào việc chúng ta có chuyển giao xe tăng hay không", Claudia Major thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức nhận xét.

Những người khác cho rằng, nếu cung cấp vũ khí hạng nặng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp, thì nguyên nhân chủ yếu là do chúng tạo ra nhiều mục tiêu hấp dẫn hơn. Tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động có thể được cất giấu và vận chuyển trong các xe tải thương mại. Còn "để di chuyển xe tăng và pháo, bạn phải đặt chúng lên các toa xe lửa, và việc đó khiến chúng dễ trở thành mục tiêu tấn công bởi sức mạnh không quân, pháo tầm xa, hoặc tên lửa hành trình của Nga" – Dick Zandee, chuyên gia quốc phòng tại Viện Clingendael, Hà Lan cho biết. Điều đó có thể thay đổi cán cân giữa rủi ro và phần thưởng, nếu Nga tính đến các cuộc tấn công vốn có thể giết chết các nhân viên NATO, dù là ở Ukraine hay trên lãnh thổ NATO. (Trong thực tế, Nga cho thấy khả năng theo dõi và tấn công các mục tiêu đang di chuyển của họ là rất kém, ngay cả ở miền đông Ukraine.)

Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu loại bỏ hoàn toàn các khía cạnh pháp lý của tình trạng đồng tham chiến, bởi chúng giúp ngăn chặn xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Khi Mỹ và các quốc gia NATO khác loại trừ việc tham chiến trực tiếp tại chiến trường Ukraine, họ nhấn mạnh rằng một động thái như vậy sẽ khiến họ trở thành các bên trong cuộc xung đột. Haque tin rằng đây là một cách hữu ích để vạch ra lằn ranh đỏ giữa các cường quốc hạt nhân. "Mỹ đang sử dụng các quy tắc của luật pháp quốc tế để ra tín hiệu với Nga, rằng chúng tôi sẽ vạch ra lằn ranh đỏ rõ ràng, nhưng không vượt qua nó. Tôi nghĩ người Nga hiểu được tín hiệu đó," ông nói. "Nhưng họ sẽ cố gắng cạnh tranh với cách giải thích của người Mỹ về những quy tắc đó, và tự tạo ra lằn ranh đỏ của riêng mình – không dựa trên luật – để phục vụ mục tiêu của họ".

Trò chơi lằn ranh đỏ này cũng từng diễn ra ở Việt Nam. So với Ukraine, quy mô cung cấp vũ khí hạng nặng của Liên Xô và Trung Quốc cho Bắc Việt là không thể tưởng tượng nổi. Sau khi Trung-Xô chia rẽ vào năm 1964, hai cường quốc cộng sản này đã cạnh tranh với nhau trong việc hỗ trợ vũ khí. Tính đến thời điểm kết thúc chiến tranh, năm 1975, họ đã trao cho Bắc Việt 500 máy bay (trong đó có 180 máy bay chiến đấu), 2.500 xe tăng, và hàng chục nghìn khẩu pháo. Các chuyên gia Liên Xô thường là người nhấn nút hệ thống tên lửa phòng không để bắn hạ máy bay chiến đấu Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Các trang web tuyên truyền lịch sử của Nga vẫn khoe khoang về điều này, ngay cả khi Nga tuyên bố bị xúc phạm trước việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ cáo buộc Liên Xô hoặc Trung Quốc là đồng tham chiến, và các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ tiến gần đến xung đột trực tiếp. Các máy bay ném bom của Mỹ đã né tránh các máy bay vận tải của Liên Xô : khi các phi công của Không Lực Mỹ vô tình bắn hạ một chiếc máy bay Liên Xô vào năm 1967, họ đã bị tòa án binh xét xử. Mỹ bị kiềm chế không phải bởi luật pháp quốc tế, mà bởi thực tế là việc kéo Liên Xô hoặc Trung Quốc vào cuộc chiến sẽ không có lợi cho họ.

Đó cũng sẽ là yếu tố quyết định đối với Nga ở Ukraine. Kalev Stoicescu thuộc Trung tâm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh, một viện chính sách ở Tallinn, thủ đô Estonia, nói, "Nếu Nga muốn xung đột leo thang và kéo chúng ta vào cuộc, thì nước này đã làm việc đó từ lâu rồi. Họ muốn chúng ta sợ hãi nhưng sẽ không để chúng ta trực tiếp tham chiến. Họ gần như không thể xử lý nổi Ukraine, chứ đừng nói là NATO".

The Economist

Nguyên tác : "Giving Ukraine heavy weapons does not mean NATO is at war with Russia," The Economist, 17/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)